Tăng cường gắn kết bền vững vì cộng đồng ASEAN
Ngày 4-11, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020 tại lễ bàn giao từ Thái Lan – nước chủ nhà ASEAN 2019. Năm 2020 được đánh giá là năm đặc biệt với Việt Nam khi vừa đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, vừa giữ chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020-2021.
Giới thiệu logo của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN. Ảnh: ASEAN
Gia nhập ASEAN từ năm 1995, đến nay, Việt Nam luôn coi hợp tác với ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại, là điểm nhấn trong quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập của Việt Nam. Là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm và luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho sự phát triển chung của ASEAN.
Từng giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã có cơ hội tăng cường hình ảnh, vai trò và vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên các diễn đàn quốc tế. Với chủ đề được xác định trong Năm Chủ tịch ASEAN 2010 là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, Việt Nam đã tích cực tham vấn, chủ động định hướng các hội nghị quan trọng của ASEAN cũng như đã đề xuất nhiều sáng kiến liên quan. Theo đó, các hội nghị trong năm của ASEAN đều tập trung bàn bạc và đưa ra các quyết sách để đẩy nhanh việc thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột.
Trong năm 2010, một loạt các sáng kiến như mời thêm Mỹ và Nga tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ), vận động đại diện ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada, cùng với việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã khẳng định dấu ấn, vị thế của Việt Nam trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế.
Hướng tới một năm 2020 thành công tốt đẹp trên cương vị mới, tháng 12-2018, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 nhằm định hướng về lộ trình xây dựng chủ đề, các trọng tâm ưu tiên, lộ trình chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; thống nhất cách tiếp cận và triển khai xây dựng định hướng chủ đề và trọng tâm ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 để các bộ, cơ quan liên quan có thể dần xúc tiến xây dựng các ý tưởng, sáng kiến.
Nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vào tối 4-11, tại Bangkok, Thái Lan trong lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phát biểu công bố chủ đề và một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung.
“Trong bối cảnh các nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng đang được đẩy mạnh, trước những biến động mau lẹ, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân ASEAN” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thông báo chủ đề của Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Những năm qua, chúng ta đã quan tâm thúc đẩy năng lực tự cường, tinh thần sáng tạo và tính bền vững của Cộng đồng ASEAN. Tiếp nối những nỗ lực đó, trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu. Cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN của chúng ta có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia… đang hàng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân”.
Video đang HOT
Trình chiếu video giới thiệu về Việt Nam tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN. Ảnh: TTXVN
Với ý nghĩa của chủ đề lựa chọn cho Năm ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước thành viên ASEAN và các đối tác tích cực ủng hộ, hỗ trợ để hiện thực hóa tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Một cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ… Cộng đồng ASEAN đã lớn mạnh và trưởng thành vững vàng hơn 5 thập kỷ qua. Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy cộng đồng, hành động cộng đồng”.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, thách thức và cơ hội đan xen lẫn nhau đòi hỏi Việt Nam cần nêu cao vai trò điều phối, tham mưu, góp phần xây dựng một ASEAN tăng cường gắn kết, đoàn kết, đồng thời thích ứng hiệu quả trước những biến đổi của tình hình và với giai đoạn phát triển mới của ASEAN. Với vị thế và tiềm lực mới sau hơn 20 năm gia nhập ASEAN, cùng với việc đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy, xây dựng Cộng đồng ASEAN lớn mạnh, đóng góp thiết thực cho sự bền vững, gắn kết của ASEAN và thế giới.
Thu Minh(tổng hợp)
Theo Bienphong
Thế giới tin tưởng vào uy tín và vị thế của Việt Nam
74 năm sau Ngày Độc lập (2/9/1945), uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lớn mạnh và được thế giới ghi nhận.
Khát vọng vươn ra thế giới
Ngay trong những tháng ngày đất nước còn chiến tranh, chưa được thống nhất, tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế đã được thể hiện rất rõ. Người khẳng định: "Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được".
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 18/1/1946. Tài liệu: Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ.
Tôn chỉ này được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện thực hóa thành hành động khi ngày 18/1/1946 Người đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, trong đó nêu rõ: "Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Truman ngày 28/10/1945, trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết được nêu ra trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco".
Cuối thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng "Hoa Kỳ sẽ giúp nhân dân Việt Nam đạt được độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước" và cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới". Dù không được phía Hoa Kỳ hồi đáp nhưng bức thư "định mệnh" này đã thể hiện rõ khát vọng vươn ra thế giới thông qua con đường ngoại giao chính thức của một quốc gia mới giành được độc lập.
Dù sau đó vẫn liên tiếp phải trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng như phải đối mặt với các lệnh bao vây, cấm vận, với tinh thần chân thành, cởi mở và phương châm "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới" và "Việt Nam không bao giờ liên minh, liên kết với một nước khác để chống lại nước thứ ba, không đi với nước này để chống nước kia", vai trò và vị thế của Việt Nam đã dần được cải thiện và nâng cao đáng kể trong những năm gần đây.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trở thành Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đoàn Việt Nam vui mừng sau khi kết quả kiểm phiếu bầu Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được công bố.
Vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN và trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế khác ngày càng được coi trọng. Việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu) và đảm nhận thành công rất nhiều trọng trách đa phương như chủ nhà APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, tổ chức tốt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai (2019) đã khẳng định tầm vóc và vị thế mới của đất nước.
Điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu
Không chỉ tạo dựng được vị thế vững vàng về chính trị và ngoại giao, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể khiến cả thế giới phải "ngỡ ngàng". Từ chỗ nền kinh tế chìm trong nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân ta phải sống trong cảnh đói nghèo cả về vật chất và tinh thần với 90% dân số mù chữ vào thời điểm giành độc lập, đến nay, Việt Nam đã trở thành "điểm sáng" về xóa mù chữ, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm 74 năm Quốc khách nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, diễn ra tối 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Từ một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh xâm lược, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, mở rộng hội nhập quốc tế trở thành một nền kinh tế phát triển năng động, một điểm liên kết kinh tế, kết nối đa chiều trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế, đóng góp ngày càng chủ động, có trách nhiệm, tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn cầu".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã viện dẫn những số liệu hết sức tích cực trong 2 năm 2018-2019 để minh chứng cho tuyên bố nói trên, theo đó, dù còn những tồn tại, những tác động của nhiều diễn biến quốc tế không thuận, thiên tai, hạn hán khốc liệt, GDP năm 2018 của Việt Nam vẫn tăng cao ở mức 7,08% và ước tính tăng từ 6,7-7% năm 2019, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.
Tính đến tháng 8/2019, số vốn FDI đăng ký đã đạt mức kỷ lục gần 355 tỷ USD với 29.550 dự án từ 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2019 đạt khoảng trên 350 tỷ USD, tăng 8,3%, trong đó xuất siêu đạt từ 3,5-4 tỷ USD. Đã có 9,8 triệu lượt khách quốc tế đến thăm Việt Nam, tăng gần 8%.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhờ những thành tựu đột phá về kinh tế, đời sống người dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi đều được chăm lo, nâng lên rõ rệt; đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thế giới cũng đã có những đánh giá tích cực hơn về Việt Nam. Báo cáo ngày 19/8/2019 của tổ chức Moody's đã xếp hạng triển vọng "ổn định" cho hệ thống ngân hàng Việt Nam và Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế "tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á" cho đến năm 2020.
Kinh tế Việt Nam liên tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Có thể nói, những điểm sáng về chính trị, ngoại giao, kinh tế và xã hội mà Việt Nam đạt được sau 74 năm giành được độc lập đã củng cố vững chắc vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường thế giới, tiếp sức cho Việt Nam vững vàng bước vào năm 2020 với nhiều thách thức hơn nữa khi cùng lúc đảm nhiệm 2 trọng trách quan trọng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN. Đây là niềm tự hào của khát vọng dân tộc, song cũng là trách nhiệm lớn lao mà cộng đồng quốc tế tin tưởng giao phó cho Việt Nam./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Ireland Chiều 2/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Cait Moran, Đại sứ Ireland đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Chiều 2/8/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Cáit Moran, Đại sứ nước Cộng hoà Ireland tại Việt Nam đến chào từ biệt kết...