Tặng bò, gà, đất xây nhà… để người dân đi tiêm vắc xin
Tặng tiền, gà, bò, gạo và thậm chí tặng đất, tặng nhà… là những cách đang được sử dụng để khuyến khích người dân đi tiêm vắc xin ở Đông Nam Á, từ Thái Lan tới Indonesia và Philippines.
Chính quyền tổ chức bốc thăm may mắn để tặng bò cho người may mắn sau khi tiêm vắc xin COVID-19 ở huyện Mae Chaem thuộc tỉnh Chiang Mai, miền bắc Thái Lan – Ảnh: REUTERS
Tại huyện Mae Chaem ở tỉnh Chiang Mai thuộc miền bắc Thái Lan, chính quyền bắt đầu tổ chức bốc thăm may mắn để tặng bò cho những người đi tiêm vắc xin COVID-19 trong tháng này. Chiến dịch này đã cho thấy hiệu quả tại một huyện mà hầu hết dân địa phương chăn nuôi gia súc.
“Đây là món quà tuyệt vời nhất từ trước tới nay” – Hãng tin Reuters hôm 16-6 dẫn lời ông Inkham Thongkham (65 tuổi). Ông hào hứng khi được tặng một con bò cái một năm tuổi trị giá 10.000 baht (hơn 7 triệu đồng) sau khi tiêm vắc xin COVID-19.
Mỗi tuần, cứ một người tiêm vắc xin may mắn ở huyện Mae Chaem được chọn ngẫu nhiên để tặng bò và có tổng cộng 27 con bò sẽ được trao. Chính quyền địa phương cho biết cách làm này đã khích lệ hơn 50% người dân huyện Mae Chaem đi đăng ký tiêm vắc xin COVID-19. Tới nay, hơn 1.400 dân địa phương, chủ yếu người già và các nhóm gặp rủi ro cao, đã được tiêm vắc xin.
Tại Indonesia, truyền thông tuần này đăng tải nhiều hình ảnh và video cho thấy cảnh người dân ở huyện Cianjur thuộc tỉnh Tây Java xắn tay áo lên tiêm vắc xin COVID-19 và được tặng một con gà sống.
Ông Asep Saepudin, một người dân địa phương được tiêm vắc xin, chia sẻ lúc đầu ông không chắc về sự an toàn của vắc xin. “Tôi sợ nếu tiêm vắc xin tôi sẽ chết. Đó là lý do chính lúc đầu tôi sợ” – ông chia sẻ.
Video đang HOT
Người dân được tặng gà sống sau khi tiêm mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên ở làng Sindanglaya, huyện Cianjur, tỉnh Tây Java, Indonesia hôm 15-6 – Ảnh: REUTERS
Ở Philippines, theo báo Straits Times , có nơi tặng gạo cho những người tiêm vắc xin COVID-19, có nơi vận chuyển miễn phí cho người dân tới địa điểm tiêm vắc xin. Hay thị trưởng một thị trấn gần Manila hứa tặng một con bò mỗi tháng từ tháng 9 để khích lệ người dân tiêm vắc xin từ Trung Quốc hoặc Nga, khi vắc xin bắt đầu được đưa tới.
Một thị trưởng ở tỉnh Ilocos Sur (cách thủ đô Manila 230km về phía bắc) còn hứa hẹn tặng một mảnh đất cùng một ngôi nhà vào tháng 12 tới cho người tiêm may mắn, khi ông hy vọng sẽ có đủ vắc xin được đưa tới địa phương của ông.
Trong khi đó, người tiêm vắc xin thứ 1.000.000, 2.000.000 và 3.000.000 ở Campuchia đã được trao tặng 10 triệu riel (56 triệu đồng) mỗi người.
Việc lập quỹ bồi thường để hỗ trợ những bệnh nhân gặp tác dụng phụ không mong muốn do tiêm vắc xin COVID-19 ở Malaysia và Thái Lan cũng là cách hay, giúp người dân tham gia tích cực hơn vào chiến dịch tiêm chủng ở quốc gia của họ.
Đông Nam Á đang trong một cuộc đua với thời gian để tiêm vắc xin COVID-19 cho hơn 650 triệu người. Trong bối cảnh xuất hiện các biến thể virus lây nhiễm nhiều hơn, nhất là biến thể Delta lần đầu phát hiện ở Ấn Độ, khiến số ca nhiễm tăng vọt và buộc áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống, vắc xin được xem là giải pháp lâu dài và mang tính quyết định.
Singapore là quốc gia đang có tỉ lệ người dân tiêm vắc xin cao nhất khu vực Đông Nam Á: đã tiêm cho gần một nửa trong tổng số 5,7 triệu dân với ít nhất một liều vắc xin của Hãng Pfizer-BioNTech và Moderna.
Dữ liệu: BÌNH AN tổng hợp tính tới sáng 20-6 – Nguồn: REUTERS
1,4 tỉ liều
Theo báo Straits Times , ước tính Đông Nam Á cần khoảng 1,4 tỉ liều vắc xin COVID-19 để tiêm cho toàn bộ hơn 650 triệu người của khu vực này. Một số nhà phân tích đánh giá đây sẽ là một “thách thức ghê gớm” do nhu cầu vắc xin trên toàn cầu đang vượt nguồn cung.
Hiện nay việc tiêm vắc xin tại Đông Nam Á gặp nhiều thách thức như thiếu nguồn cung, vấn đề hậu cần (đặc biệt do địa hình khác nhau ở nhiều nơi trong khu vực), tình trạng bất ổn ở Myanmar và cuộc cạnh tranh giữa phương Tây – Trung Quốc.
Hơn 350 bác sĩ Indonesia mắc COVID-19 dù đã tiêm vắc xin Trung Quốc
Hơn 350 bác sĩ Indonesia mắc COVID-19 dù đã được tiêm vắc xin hãng Sinovac của Trung Quốc. Hầu hết bác sĩ không có triệu chứng, nhưng cũng có hàng chục bác sĩ phải nhập viện với các triệu chứng như sốt cao.
Ông Jeje Jaenudin, 68 tuổi, được tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên của hãng Sinovac (Trung Quốc) tại huyện Cianjur, tỉnh Tây Java, Indonesia hôm 15-6 - Ảnh: REUTERS
Hãng Reuters ngày 17-6 đưa tin hơn 350 bác sĩ Indonesia mắc COVID-19 dù đã được tiêm vắc xin, trong đó có hàng chục bác sĩ đã nhập viện.
Các bác sĩ trên đã được tiêm vắc xin COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc). Diễn biến này được ghi nhận trong bối cảnh có nhiều lo ngại về hiệu quả của một số loại vắc xin trong việc đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19).
Ông Badai Ismoyo, trưởng văn phòng y tế huyện Kudus ở tỉnh Trung Java, cho biết hầu hết các bác sĩ trên không có triệu chứng và đang tự cách ly ở nhà. Tuy nhiên, có hàng chục người phải nhập viện, với các triệu chứng như sốt cao và độ bão hòa oxy trong máu giảm.
Huyện Kudus đang đối phó với đợt bùng phát dịch được cho là gây ra bởi biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) có mức độ lây nhiễm cao hơn. Đợt dịch này đã đẩy tỉ lệ sử dụng giường bệnh tại huyện Kudus lên hơn 90%.
Được xem là nhóm ưu tiên, các nhân viên y tế Indonesia nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19 khi chương trình tiêm chủng của Indonesia khởi động hồi tháng 1 năm nay.
Gần như tất cả các nhân viên y tế này đã được tiêm vắc xin COVID-19 do hãng Sinovac của Trung Quốc phát triển, theo Hiệp hội Y khoa Indonesia (IDI).
Số nhân viên y tế Indonesia tử vong do COVID-19 đã giảm đáng kể, từ 158 ca tử vong hồi tháng 1 xuống còn 13 ca tử vong hồi tháng 5. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế đánh giá số ca nhập viện trên đảo Java hiện nay là nguyên nhân gây lo ngại.
Ông Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Griffith của Úc, nói rằng dữ liệu cho thấy các nhân viên y tế ở huyện Kudus đã nhiễm biến thể Delta. "Phần đông nhân viên y tế ở Indonesia tiêm vắc xin hãng Sinovac và chúng ta vẫn chưa biết được vắc xin này hiệu quả ra sao trong việc đối phó biến thể Delta", ông nói.
Theo Reuters, người phát ngôn của Sinovac và Bộ Y tế Indonesia hiện chưa bình luận về hiệu quả của vắc xin CoronaVac (vắc xin bất hoạt) của hãng Sinovac trong việc đối phó các biến thể virus.
Động đất mạnh làm rung chuyển tỉnh Tây Java của Indonesia Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý của Indonesia ngày 27/4 thông báo một trận động đất độ lớn 5,6 vừa xảy ra tại tỉnh Tây Java của Indonesia. Theo cơ quan trên, động đất xảy ra vào lúc 16h23 (giờ địa phương). Tâm chấn động đất nằm ở vị trí cách huyện Sukabumi 103 km về phía Đông Nam,...