Tăng 9 lần phí visa, lỗi tại ai?
Sự “thờ ơ” với chính sách của cơ quan chức năng ngành du lịch đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành và ngay chính bản thân cơ quan này cũng tỏ ra bất ngờ với quy Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới được thực hiện từ 1/1/2015.
Theo đó, khách quốc tế đến bằng tàu biển muốn vào nội địa du lịch theo tour của công ty trong nước phải xin thị thực nhập cảnh chứ không phải là xin giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam như trước. Với quy định mới, du khách phải tốn thời gian làm thủ tục xin visa và tốn phí nhiều hơn 9 lần, từ 5 đô la Mỹ (USD) lên 45 USD mỗi người.
Quy định mới được đưa ra đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tỏ ra hết sức lúng túng. Chỉ một ngày sau khi quy định có hiệu lực, để làm thủ tục cho 2.318 du khách Đức vào du lịch VN trên tàu Aida Sol, Công ty du lịch Tân Hồng (TP.HCM) đã phải huy động toàn bộ nhân viên ra hỗ trợ thủ tục và trải qua hơn 10 giờ mới hoàn tất thủ tục.
Tiếp sau đó, tại Quảng Ninh, ngày 7.1, để làm thủ tục cho hơn 500 du khách quốc tế A.QUEST nhập cảnh vào Việt Nam, cơ quan chức năng đã phải huy động trên 20 nhân sự để hoàn tất các thủ tục cho khách. Tuy nhiên, cũng phải mất trên 3 tiếng, các lực lượng chức năng mới hoàn thiện thủ tục. Trong khi trước đó, với lượng khách này họ chỉ cần tới 4-5 người với thời gian thực hiện khá nhanh. Quy định mới có hiệu lực đúng vào thời điểm Hạ Long bắt đầu vào mùa du lịch tàu biển.
Trước tình hình này, ngày hôm qua Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp bàn với các bộ ngành liên quan để tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục nhập cảnh đối với khách du lịch tàu biển với sự tham gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An nhiều doanh nghiệp lữ hành.
Với quy định mới, du khách phải tốn thời gian làm thủ tục xin visa và tốn phí nhiều hơn 9 lần, từ 5 đô la Mỹ (USD) lên 45 USD mỗi người.
Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Quý Phương (vụ trưởng Vụ lữ hành – Tổng cục Du lịch) cho rằng Bộ VH-TT&DL có nhận được văn bản yêu cầu đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân Tổng cục Du lịch không nhận được bất cứ thông tin gì về đóng góp ý kiến mãi đến cuối tháng 12-2014 mới nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an yêu cầu triển khai quy định này.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, theo quy định, mọi công dân nước ngoài di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam đều phải có Visa hoặc thị thực. Dự thảo đã được Bộ Văn hóa đồng ý và cũng được gửi tới Tổng cục Du lịch lấy ý kiến. Tuy nhiên lúc đó cơ quan này không có sự phản hồi. Chính vì thế, Luật vừa ban hành thì chúng ta không thể sửa và vẫn phải làm đúng luật.
Video đang HOT
Trả lời báo giới, sau buổi họp với Chính phủ, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho rằng, sau buổi họp này TCDL đã có cam kết về việc tìm cách khắc phục những hạn chế đối với du khách tàu biển khi cập bến tham quan Việt Nam.
Cũng theo nhận định của nhiều doanh nghiệp lữ hành thì lượng khách tàu biển đến Việt Nam thời gian tới sẽ là cứu cánh cho họ trong bối cảnh khó khăn. Nhưng quy định mới cho việc nhập cảnh cho khách tham quan đã gần như dập tắt hy vọng này của những người làm du lịch.
Trong khi đó, ngay sau buổi họp này một số ý kiến cho rằng, để tháo gỡ khó cho doanh nghiệp vấn đề mấu chốt ở chỗ là làm thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đón khách thuận lợi hơn. Có thể chúng ta sẽ hạ mức phí visa bởi mức phí 45 USD là quá cao và sẽ cho phép dùng visa rời và tiến hành làm mọi thủ tục visa ngay từ trước khi tàu cập bến để không làm mất thời gian của khách.
Như vậy có thể thấy rằng, việc thực hiện quy định mới trong việc nhập cảnh cho khách tàu biển đã gây khó khăn cho ngành du lịch.
Hoạt động du lịch biển đang được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Trước đó, cách đây không lâu, người đứng đầu ngành ngành du lịch Việt Nam đã đề xuất với bộ trưởng du lịch 5 nước là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanma kiến nghị lên lãnh đạo cấp cao 5 nước có ý kiến chỉ đạo quyết liệt vấn đề này nhằm tiến tới một ACMECS có 1 visa chung. Tuy nhiên cho tới nay vấn đề cốt lõi là một thị thực chung cho năm nước chưa được thực hiện
Thực tế, so với các quốc gia trong khu vực lợi thế đường biển ở Việt Nam hơn hẳn. Có lẽ vì thế, mới đây hãng tàu Princess Cruises đã giới thiệu 8 tour du ngoạn Đông Nam Á bằng tàu du lịch cao cấp Sapphire Princess đến thị trường Việt Nam. Hải trình Princess Cruises Đông Nam Á đi qua 7 nước với 16 bến cảng tại Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Brunei. Thời gian thực hiện các hải trình trên được thực hiện trong vòng bốn tháng từ tháng 11-2014 đến tháng 2-2015.
Hiện, hoạt động du lịch biển đang được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hữu Thắng – Thu Hà
Theo Dantri
Hàng trăm xe chở nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh
Mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) tiếp nhận khoảng 600 - 800 xe tải hàng nông sản xuất khẩu. Do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, bến bãi không đáp ứng được nhu cầu vận tải gây nên tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ trên đường và tại cửa khẩu.
Hiện nay, mỗi ngày có tới hàng trăm xe tải chở hàng nối đuôi nhau theo hướng cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục xuất hàng. Do lượng xe dồn về cửa khẩu ngày một nhiều nên hầu hết các phương tiện đều phải di chuyển hết sức chậm chạp.
Hàng hóa trên xe chủ yếu là quả thanh long và một số mặt hàng nông sản khác được xuất khẩu sang Trung Quốc. Được biết, do năm nay sản xuất thanh long tại các tỉnh phía Nam được mùa, được giá nên bà con đã ồ ạt vận chuyển mặt hàng hoa quả tươi này ra cửa khẩu tiêu thụ.
Xe tải chở hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.
Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, trong những ngày đầu năm, mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh tiếp nhận tới 600 - 800 lượt xe ô tô tải, container chở hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, việc làm thủ tục thông quan tối đa chỉ được khoảng 300 xe. Hơn nữa, do phía Trung Quốc thu mua có hạn nên xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng nông sản tại một số đoạn đường ra cửa khẩu.
Anh Nguyễn Văn Việt, lái xe tải chở hoa quả từ Bình Thuận cho hay, anh đã nằm tại cửa khẩu Tân Thanh hơn 2 ngày. Không có cách nào khác ngoài việc chờ đợi, tuy nhiên anh cũng chưa biết là phải chờ đến bao giờ mới đến lượt xe mình được làm thủ tục. Do là mặt hàng nông sản nên nếu chờ thêm vài ngày nữa, hàng hóa sẽ có nguy cơ bị hỏng.
Cuối năm lượng hàng hóa xuất khẩu tăng cao, tuy nhiên hoạt động thông quan tại cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường.
Bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan cửa khẩu Tân Thanh, cho biết, do vào thời điểm cuối năm nên nhu cầu tiêu thụ phía Trung Quốc tăng cao, do đó các phương tiện dồn về các cửa khẩu để xuất khẩu hàng hóa là điều bình thường. Những lúc cao điểm có thể lên tới khoảng 600 xe chờ làm thủ tục, tuy nhiên, mọi hoạt động thông quan tại Tân Thanh vẫn diễn ra bình thường. Hoàn toàn không có chuyện không xuất được hàng, gây ách tắc tại cửa khẩu.
"Việc làm thủ tục thông quan cho hàng xuất khẩu còn phụ thuộc vào sức thu mua từ phía Trung Quốc. Hiện tất cả các xe tải, xe container chở hàng xuất khẩu đều nằm trong địa bàn Tân Thanh chứ không xảy ra tình trạng xe ùn tắc, dừng đỗ ngoài đường như đợt ùn tắc dưa hấu đầu năm 2014", bà Ngân cho biết.
Trung tá Hứa Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Văn Lãng cho biết, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng Công an huyện Văn Lãng đã triển khai phương án giải quyết chống ùn tắc giao thông tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Do lượng xe dồn về cửa khẩu rất đông nên lực lượng cảnh sát giao thông đã huy động tối đa lực lượng chốt trực 24/24h tại những ngả đường rẽ để phân luồng phương tiện đi đúng tuyến.
Trước tình trạng trên, lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn vừa nỗ lực giải quyết xe hàng nông sản ùn tắc kéo dài, đồng thời chủ động nắm tình hình, phòng ngừa không để xảy ra tình trạng trộm cắp, bảo kê... Hầu hết các tuyến đường qua huyện Văn Lãng lên cửa khẩu Tân Thanh cơ bản đã thông suốt và đảm bảo an ninh trật tự.
Trước đó, khoảng đầu năm 2014, trên QL1A đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng xuất hiện tình trạng ùn ứ xe tải, container kéo dài hàng chục cây số. Mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt xe tải chở hàng nằm chờ trên các tuyến đường theo hướng đi ra một số cửa khẩu, trong đó có cửa khẩu Tân Thanh. Hàng hóa chủ yếu là dưa hấu và một số hàng nông sản khác.
Q. Cường - X. Thái
Theo Dantri
Thủ tướng lệnh cắt ít nhất 25% chi phí thực hiện thủ tục hành chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2015 với mục tiêu đơn giản hóa và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với 13 nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan. Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu 100% thủ tục hành chính tại...