Tăng 250.000 – 400.000 đồng/tháng với lương tối thiểu vùng từ 1/1/2015
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân… Nghị định này để thay thế Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
Cụ thể, đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu mới là doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không đăng ký lại hoặc chưa chuyển đổi theo quy định); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2015 tới đây là, Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000-400.000 đồng/tháng.
Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm các điều kiện.
Trước hết, mức lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất.
Mức lương thực tế trả phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề).
Video đang HOT
Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên và các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động với người lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp, doanh nghiệp phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động để thỏa thuận, xác định mức điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho người lao động phù hợp, bảo đảm các quy định của pháp luật lao động và tương quan hợp lý tiền lương giữa lao động chưa qua đào tạo với lao động đã qua đào tạo và lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
P.Thảo
Theo Dantri
Quốc hội đồng ý tăng lương từ ngày 1/1/2015
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống), tính từ ngày 01/01/2015.
Với đa số phiếu tán thành, chiều nay 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Theo đó, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 911.100 tỷ đồng; nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 921.100 tỷ đồng.
Còn tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách. Hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định.
Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; giảm nợ đọng thuế. Không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.
"Tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2015 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ", Nghị quyết nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2015; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.
Về điều hành chi ngân sách nhà nước, Chính phủ cần thực hiện theo dự toán được giao. Không cho phép ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên, không mua xe công (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật); giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài. Tổ chức đại hội Đảng các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt, theo Nghị quyết, Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 01/01/2015.
Với phương án dự toán ngân sách năm 2015 như trên, Chính phủ cần phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán các khoản nợ của ngân sách nhà nước, thu hồi các khoản tạm ứng. Không bố trí vốn đối với các dự án mới chưa cấp bách.
Trong trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát mục tiêu của 16 chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung bố trí vốn ngân sách cho các mục tiêu quan trọng, cấp bách, hoàn thành dứt điểm trong năm 2015. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai giai đoạn 2011-2015; tiến hành rà soát tổng thể để cắt giảm, lồng ghép, thu gọn các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2016-2020; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; trong điều hành ngân sách nhà nước có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2014 chủ yếu để ưu tiên trả nợ của các cấp ngân sách, thực hiện một số khoản chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Tính đúng, tính đủ nợ công, không để vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội (65%GDP), quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt là các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản vay về cho vay lại. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ quỹ tích lũy trả nợ. Tiếp tục các biện pháp cơ cấu lại các khoản vay. Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi NSNN, giảm mức vay đảo nợ.
Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương mở rộng thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế đặt hàng.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Trình Quốc hội phương án tăng lương cho gần 5 triệu người Phương án tăng lương vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đồng thời ủy quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó sẽ có 5 triệu người thuộc 3 nhóm đối tượng được tăng lương từ ngày 1/1/2015 tới. Chiều 6/11, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án tăng...