Tấn xoài đầu tiên của Việt Nam chính thức đến Australia
Ngày hôm nay (19.9), 1 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam chính thức có mặt tại thị trường Australia, mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng này.
Xoài Việt có nhiều khả năng đẩy mạnh xuất khẩu sang Autralia. Ảnh: Internet
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Xoài của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Australia từ cách đây hơn một tháng, nhưng đến thời điểm hiện tại mới xuất khẩu lô đầu tiên.
Về cơ bản, thị trường đã được khơi thông. Thời điểm hiện tại, tại Australia đang không đúng mùa xoài nên khả năng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới tương đối khả quan. Tuy nhiên, việc gia tăng khối lượng xuất khẩu như thế nào phụ thuộc rất lớn vào việc tổ chức sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Video đang HOT
Thông thường, xoài muốn xuất khẩu vào Australia phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng. Các cơ sở đóng gói cũng cần được cấp mã số. Công tác chiếu xạ sản phẩm trước khi xuất khẩu được Cục Bảo vệ thực vật giám sát chặt chẽ. Khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, Cục sẽ cấp giấy kiểm dịch thực vật cho từng lô hàng xuất khẩu.
“Australia là một trong những quốc gia có quy định kiểm dịch thực vật chặt chẽ nhất thế giới nên việc xoài Việt có thể xuất khẩu vào Australia là bước tiến rất đáng ghi nhận”, vị đại diện này nói.
Sau xoài, thanh long là mặt hàng tiếp theo có khả năng lớn xâm nhập vào thị trường Australia. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đã hoàn thành bản dự thảo đối với việc nhập khẩu thanh long từ Việt Nam và bản dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhiều đơn vị, tổ chức liên quan trước khi trình Chính phủ.
Theo bản dự thảo, Australia sẽ cho phép nhập khẩu tất cả các loại thanh long được trồng ở các vùng miền của Việt Nam, miễn là các sản phẩm này phù hợp với tiêu chuẩn an toàn sinh học của Australia.
Nhìn nhận về tiềm năng xuất khẩu thanh long sang Australia, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho hay: Đây là loại quả Australia gần như không trồng được nên cơ hội xuất khẩu khá lớn.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ cố gắng đẩy nhanh mọi tiến trình để khơi thông cho thanh long xuất khẩu vào Australia. Tuy nhiên, thanh long là loại quả mới ở thị trường Australia nên dù có được phép xuất khẩu thì để đạt được hiệu quả như mong muốn, các khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm… đóng vai trò rất quan trọng.
Theo Thanh Nguyễn (Báo Hải Quan)
Người Hàn Quốc mê xoài, dứa Việt Nam
Ông Roh Inho - Phó Chủ tịch Trung tâm xúc tiến thương mại Hàn Quốc, phụ trách khu vực Đông Nam Á và Châu Đại dương (KOTRA) nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ khai trương Trung tâm Hỗ trợ FTA Việt Nam - Hàn Quốc, tổ chức ở TP.HCM sáng 4.3.
Ông Roh Inho cho rằng, nông sản Việt Nam như trái cây nhiệt đới, thủy hải sản như tôm, cá tra, cua ghẹ... có nhiều lợi thế tại Hàn Quốc. Đặc biệt, người Hàn Quốc rất thích ăn trái thơm (dứa), xoài và các loại rau thơm như tía tô, tỏi... của Việt Nam.
Phân loại xoài trước khi sơ chế xuất khẩu ở Cù lao Giêng (An Giang). ảnh:T.H
Cuối năm 2015, sau khi FTA hai nước có hiệu lực, Hàn Quốc cam kết cắt giảm 95,4% trong tổng số 11.000 dòng thuế, kể cả cho các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam kể trên, càng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, rau tía tô... cũng được cắt giảm thuế quan theo lộ trình. Mức thuế cho các sản phẩm này hiện khảng 30 - 50% và sẽ loại bỏ trong vòng 10 năm tới. Việt Nam cũng là nước đầu tiên được mở cửa cho những sản phẩm nhạy cảm này.
"Hàn Quốc nhập khẩu trái cây từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu từ Việt Nam giảm, người Hàn Quốc lại thích nông sản Việt nên nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng nhập khẩu trái cây từ Việt Nam" - ông Roh Inho nhấn mạnh.
Tuy vậy, vị này cho rằng, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cải thiện chất lượng, mẫu mã và giả cả sản phẩm để có thể tận dụng được các lợi thế từ FTA hai nước, tăng tính cạnh tranh cũng như "lấy lòng" người tiêu dùng Hàn Quốc.
Từ 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ, trong khi đó, Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Ông Park Who Wan - Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cũng thông tin, hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Riêng tại TP.HCM, có hơn 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động, sử dụng hơn 70.000 lao động Việt Nam. Hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 70 tỷ USD vào năm 2020.
Ngoài ra, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất lúa gạo, chế biến thực phẩm... Để thực hiện các thỏa thuận này, hai bên đã đưa ra nhiều phương án như hỗ trợ chuyển giao công nghệ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, giao lưu trực tuyến...
Theo Danviet