Tân Vua Hài Kịch Người ta nói “hài nhảm”, ai biết Châu Tinh Trì đang nghĩ gì?
Người ta chê Tân Vua Hài Kịch ( New King of Comedy) kém bộ cũ, tôi cho rằng không đúng, đây chính là tác phẩm tuyệt nhất từ khi ông làm đạo diễn.
Tân Vua Hài Kịch và khái niệm về diễn xuất
Tân Vua Hài Kịch mở đầu phim gần giống người quen Vua Hài Kịch với một người đàn ông bị xe đâm, diễn viên chính liền chạy ra chê bai ông ta diễn không đạt: “ Bác hai à! Diễn vậy đâu có chuẩn, cháu cũng là diễn viên đây, người ta đau đớn khác cơ, bác còn không thuyết phục được mọi người thì làm sao lấy tiền của người ta“, sau đó máu mũi người “diễn viên” đổ ra, kèm theo tiếng xe cấp cứu – Chất đến thế là cùng!
Một mặt mỉa mai các xu hướng ăn vạ (đặc sản của Trung Quốc nói chung), mặt khác lại làm khán giả bật cười. Cái hài hước của nó chắc chắn chỉ có Châu Tinh Trì (CTT) mới nghĩ ra được, một cú twist khiến cho người chưa xem phim cũ cười một đàng, mà người đã xem phim cũ cười một nẻo – tuyệt hảo! Cứ như đi vào tâm trí khán giả mà thao túng vậy. Bạn đừng nhầm nhé, phim hài mà làm đc điều này hiếm lắm.
Khi xem bạn hãy để ý kỹ nhé, những diễn viên xấu đau xấu đớn được nhiều đất diễn nhất. Cái hay của nó ở chỗ này, diễn viên đẹp lồng lộn sẽ mãi chú ý cái đẹp của họ trước màn ảnh lẫn trước ống kính máy ảnh và phỏng vấn, họ diễn rất nhạt các trường đoạn cảm xúc, đặc biệt là vẻ đẹp giả tạo của phẫu thuật. Các đoạn thử vai của quần chúng cũng thể hiện sự tinh quái của CTT khi chọn những diễn viên diễn giả nhất, gây cười nhất, dễ nhận ra nhất để đc chọn, diễn mà không diễn vậy, double act kinh điển!
Có 2 vai diễn mà tôi đặc biệt chú ý, diễn xuất sắc, gây xúc động mạnh và đầy nhập tâm: vai đạo diễn, và vai ông bố. Bạn chú ý nhé!
Vai đạo diễn có cái hay riêng khi từng cử chỉ, từng điệu bộ, hóm hỉnh nhẹ nhàng, bộ tóc hàm râu, cứ mỗi lần cậu ta diễn, khuôn mặt cam phận nhẹ tênh, diễn hài hước như một bát phở có nước dùng ngon vậy… Người ăn chú ý thịt chú ý bánh phở, mấy ai chú ý nước nhiều, tuy nhiên tinh túy của phở nằm ở nước dùng, tràn ngập cả bát phở mà có mấy ai húp cạn, ngon nhất bát phở mà có mấy ai khen! Cái điệu bộ diễn mà như không diễn, hóm hỉnh đến lạ, cái vuốt tóc vuốt râu, gắng thuyết phục Thày Mã… Chậc, nói đến bát phở ngon, tôi cũng khen cả người dịch phim, khẳng định luôn đây chắc là fan lâu năm của anh Tinh, xuất sắc trong câu chữ. Người dịch phim thấm nhuần tư tưởng của rất nhiều phim cũ, tự nhiên, hóm hỉnh, tếu táo, không phải văn viết văn đọc gì cả, cứ như giọng đọc của anh Tinh văng vẳng bên tai vậy. Ây dza tại sao! Tại sao không ai khen anh? Chỉ có mình tôi khen anh?
Về vai diễn ông bố, đây mới là đỉnh cao của người diễn viên, phải nói CTT cũng xuất sắc và tìm đúng người hơn các đạo diễn khác
Tư tưởng ông bố vừa thương con mà vừa giận con, biết nó đi vào đường khổ, vừa chửi vừa mắng, lại vừa lặn lội theo dõi, thấy con bị người ta bắt nạt lao vào như thiêu thân. Cái tính vừa bi vừa hài được lão tiền bối thể hiện mà vừa cười mắt cứ cay cay. Để ý CTT có gì đó giống với cái tư tưởng của Nam Cao vậy, nghiệt ngã mà nhân hậu, giành cho người diễn viên già này những góc quay, những trường đoàn khó khăn mà gai góc nhất. Có người cảm giác như ông lão này đóng vai giống một vai trong Vua Hài Kịch (đố bạn biết vai nào), nhưng phần phim đó lại không có tình thương trọn vẹn của người cha giành cho con ngọt ngào quyết liệt mà trái lại là cương nghị cục cằn. Nói tới đây phải thừa nhận CTT đã lột xác, trưởng thành hơn rất nhiều so với CTT cũ, chân thật hơn. Đặc biệt trong đoạn ông bố đuổi con ra khỏi nhà, góc quay rất đặc sắc, (tuy vẫn là đặc sản của anh Tinh nhưng mình mê nên vẫn phải nói). Không có chút nhạc nền, quay toàn cảnh, không đặc tả, tạo cảm giác cho người xem đứng ở tận xa mà nhìn vào câu truyện ông bố vừa ném vừa mắng, mà con gái thì vừa nhặt vừa nói, người xem vừa cười vừa thương, lời thoại thì câu trước chửi, câu sau yêu…
Vai chính nói chung là tròn vai, mình nghĩ tư tưởng của CTT giành tình cảm rất đặc biệt cho các diễn viên phụ ở phim này, nói vậy không phải khen chê gì vai chính, vì nhiều khi nó chính là tư tưởng của người đạo diễn muốn truyền đạt, nhiều khi diễn viên tốt chính là lột tả được, thể hiện được, và phù hợp mục đích mà đạo diễn muốn truyền đạt.
Nói anh người yêu và cô bạn là những diễn viên xuất sắc là không đúng, diễn ở cuộc đời và diễn ở bộ phim đòi hỏi khác nhau, diễn ở cuộc đời là để phù hợp với mục đích của bản thân, còn diễn ở một bộ phim, bạn phải phù hợp với mục đích của đạo diễn. Tôi nói đây cũng chính là tư tưởng mà CTT đã trưởng thành hơn nhiều so với phần 1. Phần 1 ca ngợi những người diễn ngoài đời, phần 2 này lại khác, diễn ngoài đời đơn giản không có sự lựa chọn khi muốn đạt mục đích của bản thân mà diễn, diễn trong phim bạn phải đạt mục đích của đạo diễn, ấy là lúc bạn lên một tầm cao khác của cái nghiệp diễn viên. Tuy nhiên mình cũng đồng quan điểm, người diễn viên học tốt nhất chính là nhìn những vai diễn xuất sắc ngoài đời mà học theo được.
Vậy mình xin nhắc lại: Tân Vua Hài Kịch là bộ phim tuyệt vời nhất kể từ khi CTT bước hẳn ra làm đạo diễn và không đứng vào vai trò diễn viên. Tuy nhiên khi xem, nếu muốn cảm nhận đầy đủ cái hay thì thứ nhất, hãy xem bản phụ đề (nhiều chỗ gắng đọc vì hơi nhanh); thứ 2 hãy giành sự chú ý cho những diễn viên xung quanh, ngoài diễn chính và diễn viên “nổi tiếng” hơn một chút; thứ 3, xem và cảm nhận bằng con mắt của người xem phim chứ không phải con mắt của người xem diễn viên.
Cuối cùng, xin tặng bạn bài hát của phim, đừng dị ứng vì nó tiếng Hồng Kong nha!
Theo mooveek.com
Những điều khiến 'Tân vua hài kịch' chưa thể vượt qua bóng của 'Hỷ kịch chi vương' 20 năm về trước
"Tân Vua Hài Kịch" đã cho thấy nỗ lực làm mới bản thân của "vua làng hài" họ Châu, song phim vẫn còn nhiều điều tiếc nuối, khiến người xem không khỏi nhớ đến siêu phẩm hài kịch kinh điển một thời của Châu Tinh Trì khi còn diễn xuất và "nàng thơ" Trương Bá Chi.
Đúng tròn 20 năm về trước, siêu phẩm Vua Hài Kịch phần đầu tiên do Châu Tinh Trì và Trương Bá Chi đóng chính đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt và đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp "vua làng hài" họ Châu. Chuyện phim theo chân chàng diễn viên quần chúng Doãn Thiên Sầu (Châu Tinh Trì) với niềm đam mê mãnh liệt dành cho nghiệp diễn nhưng thường gặp nhiều chông gai, để rồi anh gặp gỡ và phải lòng nàng vũ nữ Liễu Phiêu Phiêu (Trương Bá Chi), từ đó dần thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình.
20 năm sau, thay vì để tên tuổi của mình và siêu phẩm Vua Hài Kịch được khán giả nhớ đến như một huyền thoại của làng hài 20 năm về trước, Châu Tinh Trì lựa chọn thử thách với chính danh xưng "vua hài kịch" của mình, cũng như tác phẩm Vua Hài Kịch bằng cách thay máu toàn bộ diễn viên và làm lại với Tân Vua Hài Kịch.
Tân Vua Hài Kịch theo chân Như Mộng (Ngạc Tĩnh Văn đảm nhận), một cô gái xấu xí, thường bị mọi người trêu chọc, coi khinh, nhưng lại nuôi giấc mộng trở thành ngôi sao điện ảnh. Bất chấp sự phản đối gay gắt của bố mẹ, Như Mộng vẫn dốc hết công sức để theo đuổi các vai diễn, thậm chí giữ nguyên trang phục hóa trang kì dị khi ngồi ăn cùng gia đình, khiến cha cô không khỏi tức giận. Dù lăn xả bất kể sớm hôm, cực nhọc tại trường quay, Như Mộng vẫn mãi không thể nổi tiếng, thậm chí chắng có lấy một vai diễn nào có lời thoại.
Năm 1999, Vua Hài Kịch đã tạo nên "cơn sốt" màn ảnh rộng, đưa tên tuổi Châu Tinh Trì trở thành ngôi sao hiếm hoi được xưng vương của nền điện ảnh Trung Hoa, đồng thời giúp Trương Bá Chi một bước vụt thành sao sáng. Song, 20 năm sau, Tân Vua Hài Kịch không thể trở thành "hiện tượng" như siêu phẩm kinh điển của "vua làng hài", mặc dù vẫn làm hài lòng người hâm mộ Tinh Gia, thậm chí được nhận xét là "tác phẩm xuất sắc nhất của Châu Tinh Trì".
Giống như mọi tác phẩm hài kịch của mình, "vua hài kịch" Châu Tinh Trì vẫn tạo nên tiếng cười từ những bi kịch. Như Mộng của Tân Vua Hài Kịch cũng chịu những thiệt thòi không thua kém anh chàng Doãn Thiên Sầu (Châu Tinh Trì) ở Vua Hài Kịch. Song song với đó, các mặt tối khuất lấp của thế giới showbiz hiện đại cũng được bóc trần: từ câu chuyện diễn viên thực lực, có đam mê nhưng không được trân trọng, các nhà làm phim chỉ lựa chọn diễn viên bằng nhan sắc thay vì năng lực, cho đến sự ngược đãi đối với diễn viên quần chúng, việc diễn viên có tiếng hống hách với đạo diễn...
Ngạc Tĩnh Văn (Ngạc Bác) trong vai Như Mộng.
Song có thể nhận thấy, tiếng cười đặc trưng của "vua làng hài" họ Châu giờ đây đã trở nên tiết chế hơn. Không còn là những nhân vật được cường điệu hóa đến tận dùng như Doãn Thiên Sầu "lầy lội", bị quăng vào đời vẫn trơ như sỏi đá, Liễu Phiêu Phiêu (Trương Bá Chi) xinh đẹp, học diễn xuất để chiều lòng khách, Tân Vua Hài Kịch hướng ống kính đến các cuộc đời rất đời thường, những cô gái, chàng trai không có gì nổi bật mà khán giả có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu, thậm chí trong chân dung của chính mình.
Cũng vì lẽ đó, Tân Vua Hài Kịch không tạo nên tiếng cười đặc trưng, "lầy lội", thậm chí là "nhảm nhí" như những năm trước đó, khiến khán giả khó có thể cười không ngớt giống khi xem "vua làng hài" thể hiện trên màn ảnh 20 năm về trước. Bên cạnh đó, Ngạc Tĩnh Văn cũng là một cô gái bình thường về cả nhan sắc lẫn khả năng gây cười. Nữ diễn viên sinh năm 1989 không xinh đẹp, hút mọi ánh nhìn như Trương Bá Chi, cũng không đủ năng lực "cân" mọi yếu tố hài hước giống Châu Tinh Trì.
Cũng vì những mảng miếng hài rất đời thường, cùng với tạo hình nhân vật không được cường điệu hóa đến tận cùng như Doãn Thiên Sầu hay Liễu Phiêu Phiêu, Tân Vua Hài Kịch của Ngạc Tĩnh Văn có thể làm hài lòng người xem, song không có điểm sáng để tạo nên tiếng vang lớn.
Ở Vua Hài Kịch 20 năm về trước, người xem có thể nhớ đến những cảnh quay, lời thoại, tạo hình kinh điển của Doãn Thiên Sầu và Liễu Phiêu Phiêu khi dạy - học diễn xuất rồi dần dành tình cảm cho nhau, song Tân Vua Hài Kịch lại không có nhiều trường đoạn ấn tượng đến thế. Đây cũng có thể xem là lý do khiến bộ phim hài Tết của "vua hài kịch" họ Châu không thể vượt qua cái bóng của phiên bản cũ, tạo cơn sốt mùa Tết 2019.
Có thể nói, những miếng hài của điện ảnh đang ngày càng đa dạng, ngôi vương không ngai của Châu Tinh Trì đang dần bị đe dọa bởi những cái tên trẻ, triển vọng khác. Tân Vua Hài Kịch đã cho thấy nỗ lực làm mới bản thân của "vua làng hài" họ Châu, song phim vẫn còn nhiều điều tiếc nuối, khiến người xem không khỏi nhớ đến siêu phẩm hài kịch kinh điển một thời của Châu Tinh Trì khi còn diễn xuất và "nàng thơ" Trương Bá Chi.
Theo saostar
Phản ứng khán giả xem phim Tết 2019 của Châu Tinh Trì: 'Rõ ràng là phim hài nhưng làm tôi rơi lệ không biết bao nhiêu lần' Mặc dù chỉ đứng thứ ba trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé nhưng "Tân vua hài kịch" của Châu Tinh Trì vẫn nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả, họ đã để lại rất nhiều 5 sao trong phần đánh giá. Tân vua hài kịch là bộ phim xoay quanh nhân vật nữ chính "Như Mộng" vì theo đuổi...