Tân Tổng thống Zelenskiy và niềm hy vọng của Ukraine
Bài phát biểu và những bước tiến khá bất ngờ của tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong ngày nhậm chức đã cho thấy nhiều dấu hiệu đáng khích lệ.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 20-5 đã bác bỏ yêu cầu của Nga tổ chức cuộc họp về luật ngôn ngữ mới được Kiev thông qua nhằm bắt buộc người dân phải sử dụng tiếng Ukraine. Theo tờ Politico, tiếng Nga vẫn được sử dụng bởi hầu hết dân số ở bốn trong năm TP đông dân nhất của Ukraine là Kiev, Kharkov, Odessa và Dnipro. Có 43%-46% người dân Ukraine vẫn sử dụng tiếng Nga, theo Viện Xã hội học quốc tế tại Kiev.
Đại sứ Ukraine Volodymyr Yelchenko cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an bỏ phiếu vào đúng ngày ông Volodymyr Zelenskiy tuyên thệ nhậm chức tổng thống Ukraine.
Với việc 73% cử tri ủng hộ nghệ sĩ hài, ông Zelenskiy đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử trước đối thủ là tổng thống vừa mãn nhiệm Petro Poroshenko. Nhiều nhà phân tích băn khoăn liệu ông Zelenskiy sẽ thực sự là một nhà lãnh đạo chống tham nhũng và giữ cân bằng trong các chính sách đối ngoại hay trở thành triệu phú bị thao túng bởi giới tài phiệt và thế lực bên ngoài. Hiện tại vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng để khẳng định những nhận định trên nhưng bài phát biểu và một số bước tiến đầu tiên trong ngày nhậm chức của ông Zelenskiy đã cho thấy nhiều dấu hiệu đáng khích lệ.
Tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cầm cây trượng Bulava, biểu tượng quyền lựccủa Ukraine, trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20-5. Ảnh: UNIAN
Những cải cách bất ngờ của tân tổng thống
Theo tờ The Washington Post, ông Zelenskiy kêu gọi quốc hội nhanh chóng loại bỏ quyền miễn trừ truy tố của các thành viên và thông qua bộ luật mới cho phép điều tra các quan chức về việc làm giàu bất hợp pháp. Bên cạnh đó, tân tổng thống Ukraine còn tuyên bố sẽ giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Động thái này được cho là nhằm tạo ra một bộ máy lập pháp ủng hộ cải cách của ông Zelenskiy.
Trong khi ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo mới là chấm dứt chiến tranh ở Donbas, ông cũng cam kết không từ bỏ lãnh thổ Ukraine kể cả Crimea, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố là một phần của Nga. Theo hãng tin Unian, tân Tổng thống Zelenskiy khẳng định Ukraine sẵn sàng đối thoại với điện Kremlin nhưng với một điều kiện là Nga phải trao trả tự do cho các tù binh trước tiên.
Video đang HOT
Cùng ngày, ông Zelenskiy cũng kêu gọi quốc hội phê chuẩn bãi nhiệm công tố viên trưởng Yuriy Lutsenko vì những động thái được cho là can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2020. Luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Rudolph W. Giuliani, đã ép ông Lutsenko điều tra các cáo buộc về hành vi sai trái của ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden, dù không có bằng chứng nào về việc làm sai trái của hai người này.
Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm chính trị nhưng ông Zelenskiy dường như có đủ nhận định để chống lại việc chính quyền mới của ông bị lôi kéo vào chính trị Mỹ, theo tờ The Washington Post. “Cả cuộc đời tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để người dân Ukraine được cười. Đó là sứ mệnh của tôi. Bây giờ tôi sẽ làm tất cả có thể để người dân Ukraine ít nhất không còn khóc nữa” – Tổng thống Zelenskiy cam kết khi kết thúc bài phát biểu của mình.
Chúng ta nên trở thành người Iceland trong bóng đá, người Israel trong bảo vệ lãnh thổ của họ, người Nhật Bản trong công nghệ, người Thụy Sĩ về khả năng sống cùng nhau bất chấp mọi khác biệt. Tuy nhiên, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là làm cho lửa ngừng cháy ở Donbass.
Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKIY
Thách thức và hy vọng
Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman tuyên bố sẽ từ chức nhằm thể hiện sự bất đồng đối với quyết định giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm của ông Zelenskiy. Trong khi đó, đảng Mặt trận nhân dân liên tục chỉ trích và cáo buộc động thái của tân Tổng thống Zelenskiy là bất hợp pháp, theo hãng tin AP.
Mới đây, đảng này đã rút khỏi liên minh tại quốc hội nhằm ngăn chặn khả năng giải tán quốc hội nhưng khẳng định họ sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử mới. Khi ông Zelenskiy ký sắc lệnh bãi bỏ quốc hội, Ukraine sẽ tổ chức bầu cử trong vòng hai tháng sau đó.
Từ thủ đô Moscow, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin không gửi lời chúc mừng đến người đồng cấp Ukraine trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20-5. Theo hãng tin TASS, ông Putin sẽ chúc mừng nhà lãnh đạo Zelenskiy khi chính quyền mới ở Kiev thành công trong việc giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine và bình thường hóa quan hệ với Nga. Điều này chứng minh rằng Moscow cũng hy vọng nhà cải cách Zelenskiy sẽ thực hiện những bước đột phá nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước, hãng tin AP cho hay.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Tổng thống Zelenskiy thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015 và cũng đề nghị trao đổi tù binh giữa hai bên.
Trước đây, Tổng thống Putin đã ban sắc lệnh nhằm đơn giản hóa thủ tục xin quốc tịch Nga dành cho cư dân ở miền Đông Ukraine. Động thái này được coi là một phản ứng của Nga đối với chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Zelenskiy ở nước láng giềng.
Quan hệ giữa Ukraine và Nga
Mối quan hệ giữa Kiev và Moscow trở nên căng thẳng hơn sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và các cuộc xung đột vũ trang ở miền Đông Ukraine. Năm năm chiến tranh giữa quân đội Ukraine và các lực lượng miền Đông đã làm thiệt mạng 13.000 người nơi đây mặc dù lệnh ngừng bắn đã được ký vào năm 2015, theo hãng tin Reuters. Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của phương Tây và Ukraine rằng họ đã đưa quân và vũ khí hạng nặng để chiến đấu chống các lực lượng Ukraine trong khu vực.
Tháng 3 năm nay, Tổng thống Nga Putin đến Crimea để kỷ niệm năm năm sáp nhập bán đảo nằm giáp biển Đen trước đó thuộc Ukraine. Nga khẳng định nước này đã chi rất nhiều cho việc phát triển và sáp nhập Crimea kể từ năm 2014, trong đó có việc xây một cây cầu dài nối bán đảo này với miền Nam Nga.
TRƯỜNG VŨ
Theo PLO
Tại sao thế giới lo "sốt vó" sức mạnh năng lượng Nga
Một đường ống dẫn khí đốt mới được lên kế hoạch nối Nga với châu Âu đang làm rung chuyển bàn cờ địa chính trị.
Đường ống Nord Stream 2 đã làm Đông Âu lo ngại, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích và đặt Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ghế nóng.
Nord Stream 2 là đường ống dưới lòng biển dài 1.230 km sẽ mang khí đốt tự nhiên từ các cánh đồng ở Nga đến bờ biển Baltic của Đức. Gazprom PJSC của Nga với Royal Dutch Shell Plc và bốn nhà đầu tư khác bao gồm Uniper SE và Wintershall AG của Đức tham gia vào dự án này.
Nord Stream 2 AG - chi nhánh tại Thụy Sĩ của Gazprom đã nhận được giấy phép về môi trường và xây dựng từ Đức, Phần Lan và Thụy Điển nhưng đã gặp khó khăn khi xin cấp phép tại Đan Mạch. (Đường ống sẽ đi qua các khu kinh tế của bốn quốc gia trên, cùng với Nga.) Gazprom có thể định tuyến lại đường đi khỏi vùng biển Đan Mạch, loại bỏ rào cản pháp lý cuối cùng cho Nord Stream 2. Công việc nạo vét đã bắt đầu, và công ty có kế hoạch bắt đầu đặt các đoạn ống dưới đáy biển trong vài tuần tới. Kế hoạch là hoàn thành dự án vào cuối năm 2019, một mục tiêu trông có vẻ "lạc quan", theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, Rob Barnett và Elchin Mammadov.
Trước dự án Nord Stream, Nga đã gửi khoảng 2/3 lượng khí tự nhiên xuất khẩu sang châu Âu thông qua các đường ống ở Ukraine. Trong bối cảnh quan hệ Moscow - Kiev căng thẳng, Gazprom ngày càng đẩy mạnh quá trình đa dạng hóa con đường xuất khẩu của mình sang châu Âu.
Cả châu Âu đang nóng lên về dự án Nord Stream 2. (Nguồn: getty)
Các quốc gia nằm giữa Nga và Đức hiện đang thu phí vận chuyển trên khí thiên nhiên chảy qua lãnh thổ của họ. Những quốc gia này bao gồm Ukraine, Ba Lan và Slovakia. Họ lo lắng rằng sẽ mất doanh thu trên khi Nord Stream 2 giúp Nga đưa khí đốt tới châu Âu mà không qua đất nước của họ. Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite, cho biết quốc gia của bà luôn coi Nord Stream 2 xuất phát từ yếu tố "địa chính trị, có động lực chính trị, không có sự biện minh kinh tế nào và còn ràng buộc một số nước châu Âu trong việc theo đuổi chính sách năng lượng tự do". Tất cả điều này diễn ra khi quan hệ giữa châu Âu với Nga đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Về phía Mỹ, một nhóm 39 nghị sĩ nước này cho biết vào tháng 3 rằng Nord Stream 2 sẽ làm cho các đồng minh của Mỹ "dễ bị ảnh hưởng bởi sự ép buộc và gây ảnh hưởng của Moscow hơn." Vào ngày 11/7, trước cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Trump nói rằng Đức đã bị Nga "chi phối" với việc "nhận rất nhiều năng lượng" từ đó. Sau một cuộc họp tiếp theo với ông Putin, ông Trump tuyên bố sẽ cạnh tranh với Nga tại thị trường khí đốt của châu Âu - tuy nhiên, khả năng này không cao.
Trong khi đó, cũng có nhiều điều đáng nói về quan hệ năng lượng Nga - Đức. Thực tế là Berlin đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, và một trong những nguồn khí đốt khác của nó - Hà Lan - đang cạn kiệt nhanh chóng. Nga cung cấp khoảng 46% lượng khí đốt của Đức và 59% lượng dầu trong năm 2017, theo các tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu hải quan từ Moscow. Ông Trump có thể phóng đại khi ông nói Đức có thể dựa vào Nga cho tới 70% năng lượng của mình khi Nord Stream 2 hoạt động. Nhưng ông ấy cũng nói đúng việc Đức chi hàng tỷ vào năng lượng của Nga. Năm ngoái, số tiền đó lên đến gần 22 tỷ đô la, theo dữ liệu Hải quan Nga.
Theo toquoc
Nga phản bác chiến tích đánh chặn máy bay của không quân Anh trên Biển Đen Nga cáo buộc không quân Hoàng gia Anh đánh chặn các máy bay nước này hoạt động trên Biển Đen là một kiểu hành động nguy hiểm nhằm khiêu kích Moscow. Theo Reuters, lời cáo buộc được đại sứ quán Nga tại London đưa ra sau khi không quân Hoàng gia Anh tuyên bố các máy bay quân sự nước này đã đánh...