Tân Tổng thống Argentina sa thải hơn 5.000 nhân viên chính phủ
Tổng thống Argentina Javier Milei tuyên bố sẽ cắt giảm đáng kể quy mô nhân sự chính phủ quốc gia Nam Mỹ.
Tân Tổng thống Argentina Javier Milei tuyên thệ nhậm chức tại Buenos Aires ngày 10/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo Politico, tân Tổng thống Argentina Javier Milei ngày 26/12 cho biết chính phủ nước này không gia hạn hợp đồng cho hơn 5.000 nhân viên được tuyển dụng trong năm 2023 trước khi ông nhậm chức.
Động thái này là một phần trong kế hoạch cắt giảm nhân sự được nhà lãnh đạo cánh hữu công bố kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 10/12 nhằm chuyển đổi nền kinh tế đang gặp khó khăn của Argentina. Các nhà chức trách cho biết hợp đồng của các nhân viên chính phủ khác, những người được thuê trước năm 2023, cũng sẽ được xem xét lại.
Với tỷ lệ lạm phát dự kiến đạt khoảng 200% vào cuối năm nay, tân Tổng thống Milei đã cam kết cắt giảm các quy định và nhân viên chính phủ, đồng thời cho phép tư nhân hóa các ngành công nghiệp nhà nước như một cách để thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư.
Việc cắt giảm đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối nhưng tân Tổng thống tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai mục tiêu.
“Mục tiêu là để bắt đầu xây dựng lại đất nước của chúng ta, trả lại tự do và quyền tự chủ cho các cá nhân và chuyển đổi số lượng lớn các quy định đã ngăn cản, làm đình trệ tăng trưởng kinh tế”, ông Milei nhấn mạnh.
Các biện pháp mới nhằm giảm thâm hụt tài chính của Argentina mà ông Milei công bố còn bao gồm giảm 50% giá trị đồng nội tệ peso xuống còn 800 peso/USD, cắt giảm trợ cấp năng lượng và hủy đấu thầu các công trình công cộng.
Argentina, một trong những quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, đang phải đối mặt hàng loạt khó khăn kinh tế như tỷ lệ lạm phát gần 150%, trong khi tỷ lệ đói nghèo vượt quá 40% dân số.
Video đang HOT
Argentina lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng năm 2018 dưới thời Tổng thống Mauricio Macri và đã phải viện tới sự hỗ trợ của IMF. Theo đó, IMF đã đồng ý cấp cho Argentina khoản vay tín dụng lên tới 57 tỷ USD, mức cho vay cao nhất trong lịch sử của IMF. Chỉ tính riêng trong nửa cuối năm 2023, Argentina cần các khoản tạm ứng trị giá 10,6 tỷ USD nhằm tăng dự trữ của ngân hàng trung ương và củng cố tài khóa theo yêu cầu của IMF. Trong khi đó, đợt hạn hán nghiêm trọng trong thời gian gần đây đã khiến kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này thiệt hại khoảng 20 tỷ USD.
Tân Tổng thống Argentina: Cờ đã đến tay
Ngày 20/11, kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 tại Argentina xác nhận: Ông Javier Milei, ứng viên theo đường lối cực hữu, đã trở thành tân Tổng thống Argentina, với 56% số phiếu bầu.
Tuy nhiên, ngay sau hào quang chiến thắng, ông sẽ lập tức phải đối diện với những thách thức vô cùng khó khăn.
Một "người ngoài cuộc"
Reuters nhận xét: Cử tri Argentina, "với việc bầu cho ứng viên cánh hữu có quan điểm tự do Javier Milei làm tổng thống nhiệm kỳ tới, đã đặt cược vào một người ngoài cuộc có quan điểm cấp tiến để khắc phục nền kinh tế bị tàn phá bởi lạm phát 3 con số, suy thoái kinh tế sắp xảy ra và tình trạng nghèo đói gia tăng".
Sở dĩ Reuters nói như vậy, vì ông Javier Milei, 53 tuổi, xuất thân là một nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do và mới chỉ tham gia chính trường từ 2 năm trở lại đây. Chính trị gia này đã có một chiến dịch tranh cử sôi nổi, với lời hứa hẹn thay đổi căn bản hiện trạng chính trị của Argentina. Ông Milei nhiều lần tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ đóng cửa Ngân hàng Trung ương, USD hóa nền kinh tế và cắt giảm mạnh chi tiêu nhà nước. Những bài phát biểu của ông nhận được sự tán thưởng của đông đảo cử tri Argentina, đặc biệt là giới trẻ, trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn và tình trạng lạm phát liên tục tăng cao trong những năm qua.
Ông Javier Milei trong khoảnh khắc biết mình trở thành tân tổng thống.
Chuyên gia phân tích chính trị Alejandro Katz nhấn mạnh: Kết quả điều hành đất nước không mấy khả quan của giới lãnh đạo chính trị truyền thống trong những thập niên gần đây, bao gồm sự trì trệ của nền kinh tế với nạn lạm phát không ngừng gia tăng, mức độ nghèo đói chạm ngưỡng 40% và các chỉ số phát triển xã hội suy giảm, đã góp phần không nhỏ khiến các cử tri quay sang ủng hộ ông Milei.
Từ đó, một thành công "làm rung chuyển bối cảnh chính trị và lộ trình kinh tế của Argentina, đồng thời có thể tác động đến thương mại ngũ cốc, lithium và dầu mỏ" xuất hiện.
"Milei, người dẫn đầu làn sóng phẫn nộ của cử tri đối với xu hướng chính trị dòng chính, đã giành chiến thắng với khoảng cách rộng hơn dự kiến. Ông đã giành được khoảng 56% phiếu bầu so với chỉ hơn 44% của đối thủ, Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa, người của đảng Peron, đã nhận thua cuộc" và "Chiến thắng của Milei, một kinh tế gia và cựu chuyên gia truyền hình 53 tuổi, đã phá vỡ bá quyền của 2 lực lượng chính trị hàng đầu - đảng Peron đã thống trị nền chính trị Argentina từ những năm 1940 cũng như phe đối lập chính của nó, khối bảo thủ Cùng nhau Thay đổi", Reuters phân tích.
Toàn bộ các diễn biến của cuộc bầu cử này là một cuộc so kè nghẹt thở, giữa Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa, do liên minh cầm quyền theo đường lối trung tả Unión por la Patria (Liên minh vì Tổ quốc) đề cử và ông Javier Milei.
Đầu tiên, trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi giữa tháng 8, Hạ nghị sĩ Javier Milei làm rúng động dư luận Argentina khi giành tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, lên tới 30,2%; Bộ trưởng Massa đứng thứ hai, với 21,4% số phiếu ủng hộ. Vào thời điểm đó, nói như giáo sư xã hội học Melina Vázquez thuộc Đại học Buenos Aires (UBA), chiến thắng của ông Milei là một bất ngờ đối với ngay cả những người ủng hộ lạc quan nhất của chính trị gia này. Họ cho rằng đạt được tỷ lệ ủng hộ 15- 20% đã là một thành công lớn.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 sau đó, ông Massa đã "lật ngược thế cờ" với việc thu được gần 37% số phiếu ủng hộ, cao hơn tỷ lệ dành cho ông Milei (khoảng 30%) và rõ ràng là nắm giữ những ưu thế rõ rệt.
Song, rút cục, với những màn thể hiện khá tương đồng với phong cách tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ở chặng "về đích", "người ngoài cuộc chân ướt chân ráo" bước lên vũ đài chính trị đã trở thành tân Tổng thống Argentina.
Sau ánh hào quang
Ngay sau khi kết quả bầu cử được xác nhận, tổng thống các quốc gia láng giềng như: Paraguay, Colombia, Chile, Uruguay, Peru đã gửi lời chúc mừng Argentina tổ chức cuộc bầu cử một cách trật tự và hòa bình, bày tỏ hy vọng thúc đẩy quan hệ song phương bền chặt với chính phủ mới ở Argentina.
Tổng thống Argentina mãn nhiệm - Alberto Fernández, trong lời chúc mừng, đánh giá cao sự lựa chọn của người dân, đồng thời bày tỏ tin tưởng có thể lập tức bắt đầu phối hợp với với ông Javier Milei, nhằm bảo đảm chuyển giao quyền lãnh đạo một cách có trật tự.
Cuộc tranh luận của các ứng viên ở vòng 1 cuộc bầu cử.
Từ lục địa bên kia kênh đào Panama, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan bày tỏ mong muốn hướng tới xây dựng mối quan hệ song phương vững mạnh giữa Mỹ và Argentina. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển liên Mỹ Ilan Goldfajn khẳng định ngân hàng này "sẵn sàng duy trì hợp tác với Argentina, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện vì lợi ích của người dân quốc gia này".
Bối cảnh thực tế ấy, rõ ràng, giúp tân Tổng thống Argentina thêm tự tin, để khẳng định: "Hôm nay là ngày chúng ta bắt đầu xây dựng lại Argentina. Hôm nay là ngày chúng ta bắt đầu chấm dứt quãng thời gian sa sút của Argentina!". Quả thật, quãng thời gian ấy đã kéo dài đủ lâu, để làm xói mòn niềm tin của các cử tri vào các thế lực chính trị cũ, đồng thời tô đậm thêm nhu cầu thay đổi đầy bức thiết.
Dự kiến, tổng thống đắc cử của Argentina sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 10/12. Nhiệm vụ hàng đầu của tân tổng thống là vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latin, đưa guồng máy kinh tế này thoát khỏi tình trạng đình đốn cũng như nạn lạm phát, cùng với đó giải quyết nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Washington, qua những động thái đầu tiên từ Cố vấn Jake Sullivan, đang bộc lộ một sự hài lòng rõ rệt cũng như những thông điệp hứa hẹn đầy thiện chí, nhằm giúp đỡ một tân Tổng thống Argentina có quan điểm gần gũi với nước Mỹ như vậy. Đây có thể xem là một điểm tựa, ít nhất là về mặt tinh thần, dành cho người chuẩn bị phải đối diện với tiến trình đầy những cạm bẫy trước mắt.
Song, ngược lại, không nên quên rằng thế giới nói chung và nền kinh tế toàn cầu hiện tại nói riêng đã "phẳng" đến mức độ nào. Ở không ít khía cạnh, những ý tưởng được xem là đột phá trong việc điều hành nền kinh tế Argentina của ông Javier Milei lại có vẻ như sẽ tạo nên các mâu thuẫn với lập trường của Brazil - nền kinh tế số 1 Mỹ latin, cũng là thành viên của nhóm Các nền kinh tế mới nổi BRICS - một quyền lực đã, đang và sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với nhóm Các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) do nước Mỹ đứng đầu, nhất là vấn đề phi USD hóa.
Ở một góc nhìn rộng hơn, sự kiên quyết đến cực đoan mà tân Tổng thống Argentina thể hiện nhất quán trong suốt quá trình tranh cử, nếu không được thể hiện mềm mỏng hơn trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế - thương mại quốc tế, cũng lại có nguy cơ đẩy Argentina bị cuốn vào các cuộc cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là khi vấn đề giao thương trong chuỗi cung ứng quốc tế đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ngay cả đối với những vấn đề nội bộ, chuyện tân Tổng thống Argentina mới chỉ có vỏn vẹn 2 năm tham gia chính trường, nghĩa là kinh nghiệm xử lý các vấn đề phức tạp hay dàn xếp các mối quan hệ lợi ích tế nhị còn chưa được dày dặn, cũng đã gợi lên nhiều dấu hỏi đối với giới phân tích quốc tế. Một cách ngắn gọn, tổng thống mới đắc cử của Argentina dự định sẽ lật tung tất cả, xóa bỏ thẳng tay rất nhiều khúc mắc tồn đọng, nhưng đó cũng sẽ chính là những mầm mống tạo nên bất ổn và xáo trộn trong lòng xã hội.
Không nên quên rằng, đối với một bộ phận không nhỏ cử tri Argentina, việc ông Massa thắng cử sẽ là cơ sở bảo đảm cho sự ổn định về chính trị. Nhà khoa học chính trị Juan Negri từ Đại học Torcuato di Tella cho rằng "đường phố trở nên thanh bình hơn" nếu đại diện của liên minh cầm quyền thắng cử, do "các công đoàn có mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ đương nhiệm". Bởi lẽ, trái ngược với người chiến thắng, ông Massa từng có hơn 30 năm hoạt động chính trị, trải qua hàng loạt chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hạ viện, Chánh Văn phòng Nội các và nay là Bộ trưởng Kinh tế. Đồng thời, ông được cho là có khả năng dung hòa lợi ích giữa các phe phái chính trị trong nước.
Nhưng, dù sao, cuộc bầu cử cũng đã ngã ngũ. Lá cờ lệnh bây giờ hoàn toàn nắm chắc trong tay tân Tổng thống Javier Milei và chỉ thời gian mới có thể trả lời rằng liệu ông có thành công với những mục tiêu thay đổi của mình hay không.
Kỷ nguyên chính trị mới ở Argentina Chính trị gia theo đường lối cánh hữu Javier Milei giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Argentina, diễn biến được đánh giá là có thể mở ra một kỷ nguyên chính trị mới tại quốc gia Nam Mỹ vốn đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế, đồng thời tác động đáng kể đến bối cảnh chính trị ở khu...