Tần Thủy Hoàng thực sự có phải là một ‘tên bạo chúa’?
Nhắc đến Tần Thủy Hoàng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cụm từ miêu tả về ông như: Đốt sách chôn người tài, sát thủ giết Kinh Kha,…Nói chung, người đời đã dùng một cụm từ để nói về Tần Thủy Hoàng là “một tên bạo chúa”.
Như vậy, Tần Thủy Hoàng cũng coi như được người đời biết rõ rồi thì hà tất gì phải nói thêm về ông ta? Kỳ thực, còn có rất nhiều người chỉ biết về Tần Thủy Hoàng với tư cách là một hình tượng văn học hay hình tượng dân gian mà lại rất mơ hồ khi nhắc đến ông với hình tượng là một nhân vật lịch sử.
Trong nghiên cứu về lịch sử, các nhà lịch sử học thông thường chia nhân vật lịch sử làm ba loại: Hình tượng lịch sử, hình tượng văn học, hình tượng dân gian. Muốn biết rõ, Tần Thủy Hoàng có phải là một tên bạo chúa hay không, trước hết chúng ta cần hiểu rõ về ba khái niệm này.
1. Hình tượng lịch sử là gì?
Hình tượng lịch sử là nhân vật lịch sử được ghi chép trong tư liệu trực tiếp. Thời Trung Quốc cổ đại, mỗi một triều đại đều có người phụ trách việc ghi chép lịch sử và thường được gọi là “Sử quan”. Tại Trung Quốc thời Xuân Thu, có một vị Sử quan chuyên phụ trách ghi chép việc đại sự của Quốc gia. Đặc biệt là vua của một nước thì càng phải ghi chép mỗi ngày giống như nhật ký của chúng ta ngày nay, nên cũng có câu “Quân cử tất thư”. Hơn nữa, trong Sử quan còn phân chia thành nhiều chức quan như quan ghi chép việc lớn (đại sử quan), quan ghi chép việc nhỏ (tiểu sử quan), quan ghi chép việc trong nước (nội sử quan), quan ghi chép việc bên ngoài nước (ngoại sử quan). Như vậy, có thể thấy rằng thời Trung Quốc cổ đại, việc ghi chép lịch sử là rất nghiêm ngặt, quan ghi chép cũng phải rất cẩn thận và vô cùng minh xác.
2. Hình tượng văn học là gì?
Hình tượng văn học là việc các nhà văn đời sau dựa vào ghi chép lịch sử mà thêm thắt, sửa đổi mà viết lại nhằm giao phó cho nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử một sinh mệnh mới. Thứ mà chúng ta gọi là tác phẩm, sáng tác… Ví dụ: “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của tác giả La Quán Trung. Tác phẩm này được La Quán Trung viết lại dựa theo nguyên tác “Tam quốc chí” của nhà sử học Trần Thọ thời Tây Tấn, Trung Quốc. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung đã đem những nhân vật lịch sử và những tình tiết cải biến đi rất nhiều, nhằm khiến cho câu chuyện thêm hấp dẫn và sâu sắc. Khi tác phẩm văn học đã được cường điệu hóa lên nhiều rồi thì tính chân thật sẽ bị giảm đi. Cho nên, nhân vật trong hình tượng văn học nhất định đã có sự sai biệt lớn so với hình tượng lịch sử.
3. Hình tượng dân gian là gì?
Không phải tất cả những sự kiện lịch sử đều được các nhà văn cải biên thành tiểu thuyết mà là được dân chúng truyền miệng. Trong quá trình truyền miệng cũng không khỏi có chút thêm thắt, bịa đặt, gia tăng thậm chí cải biến cả nội dung sự kiện. Hơn nữa, nhiều khi vì để biểu đạt tiếng lòng, nguyện vọng của quảng đại người dân nên người dân cũng tự đặt ra một hình tượng dân gian. Ví dụ “Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành” là có ý muốn biểu đạt tiếng lòng của người dân trong việc phản ánh sự gian nan vất vả và sự căm phẫn của người dân vì phải xây dựng Trường Thành theo lệnh của Tần Thủy Hoàng.
Vậy, rốt cuộc Tần Thủy Hoàng có thực sự là một “tên bạo chúa” không?
Thực sự, từ trước đến nay rất nhiều tác phẩm văn học đều xây dựng Tần Thủy Hoàng thành một nhân vật tàn bạo nhưng là tác phẩm văn học, thì việc chủ quan cải biến là việc tất nhiên. Vậy hãy xem trong sử sách ghi chép lại thì Tần Thủy Hoàng là như thế nào. Rất nhiều nhân sĩ đời sau khách quan nhìn nhận đánh giá, lại phát hiện Tần Thủy Hoàng trong cách hành xử cũng có những chỗ hợp lý và sáng suốt.
Thứ nhất: Thuyết pháp “đốt sách chôn người tài” là có chỗ sai lầm
Nói Tần Thủy Hoàng bạo ngược, trong đó có một nguyên nhân chính là ông “đốt sách chôn người tài”, thiêu hủy kinh điển nho giáo, giết chết nhiều phần tử trí thức. Nhưng mà, câu chuyện này không phải hoàn toàn là sự thật!
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, để hoàn thiện thể chế chính trị quốc gia đã chọn dùng pháp gia của tể tướng Lý Tư làm lý niệm trị quốc, cải sửa chế độ phân đất phong hầu, thiết lập chế độ quận huyện. Nhưng chế độ cải cách này đã bị bộ phận nho sinh thời ấy kịch liệt phản đối. Đặc biệt là một nhóm nhà nho do Thuần Vu Việt dẫn đầu. Họ có khuynh hướng muốn giữ nguyên chế độ phân đất phong hầu mà Vương triều nhà Chu đã áp dụng trước đó.
Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng không tiếp thu ý kiến này. Một số nho sinh không chịu chấp nhận điều này đã trích dẫn một số lời thánh hiền trong cổ đại từng nói ra để phê bình tình hình chính sự đương thời, phản đối cải cách, khiến cho Tần Thủy Hoàng phẫn nộ. Thế là, Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đốt cháy sách cổ của nho gia, kể cả “Tần ký”. Ngoại trừ “Liệt quốc sử ký”, còn lại tất cả thơ và sách không do tiến sĩ cất giữ thì đều phải đến kỳ hạn giao nộp và đốt hết. Đồng thời những ai dám đàm luận về thơ ca cũng bị đem ra xử tử, không cho phép cá nhân tự học, ai muốn học phải lấy quan lại làm thầy.
Lúc ấy, công tử Phù Tô và và thừa tướng Vương Quản cũng ra sức phản đối cách làm của Doanh Chính. Đồng thời họ kiến nghị Tần Thủy Hoàng dùng học phái nho gia của Khổng Tử để trị quốc. Tần Thủy Hoàng không nghe. Vì để trấn át nho sinh, ông còn hạ lệnh chôn giết rất nhiều thư sinh, phần tử trí thức.
Phải nói rằng, câu chuyện bên trên so với lịch sử chỉ đúng được khoảng một nửa. Việc Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đốt cháy sách của nho gia là chuyện có thật. Nhưng, Doanh Chính không chôn sống “nhà nho” mà là chôn sống “thuật sĩ”. Trong “sử ký” của Tư Mã Thiên cũng không có ghi chép những lời này.
Thuật sĩ là chỉ những người chuyên đi bói toán, đoán mệnh cho người khác. Trong “Sử ký” có ghi lại, Tần Thủy Hoàng khi về già si mê với thuật trường sinh bất lão. Thế là, ông phân công Lô Sinh và Hầu Sinh thay ông đi tìm tiên dược. Hai người này biết rõ việc tìm kiếm tiên dược là việc khó khăn và là việc ngoài khả năng, vì vậy sau khi cầm một món tiền lớn rời khỏi kinh thành đã bỏ trốn. Sau khi biết việc này, Tần Thủy Hoàng đã vô cùng giận dữ, hạ lệnh bắt tất cả thuật sĩ trong kinh thành về chôn sống.
Ngoài ra, trong câu chuyện đem khái niệm của từ “Người đọc sách” đánh đồng với “Người học nho giáo” cũng là sai lầm. Thời ấy, “Người đọc sách” được chia thành rất nhiều trường phái như Nho gia, Pháp gia, Đạo gia, Mặc gia… Cho nên, học giả nhà Nho chỉ là một trường phái trong số “Người đọc sách” chứ không đại biểu cho tất cả họ.
Thư hai: Đối xử tử tế công thần, không lạm sát người vô tội
Video đang HOT
Sau khi thống nhất đất nước, Tần Thủy Hoàng đối xử với công thần không đến nỗi tệ. Ví dụ như Vương Quản là một thừa tướng từ thời Lã Bất Vi sau này tiếp tục kế nhiệm, đảm nhiệm thừa tướng 20 năm. Vương Quản từng là người đứng đầu trong việc phản đối gay gắt chế độ “phân đất phong quyền” của Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, Vương Quản cũng có nhiều lần không đồng ý với những chủ trương của Tần Thủy Hoàng, nhưng không vì thế mà bị Tần Thủy Hoàng xử phạt.
So với Hán Vũ Đế thời Tây Hán và Tào Tháo thời Tam Quốc thì Tần Thủy Hoàng cũng được cho là vị Hoàng Đế ôn nhu rồi.
Tể tướng Đậu Anh thời Tây Hán đã từng trợ giúp Hán Cảnh Đế bình định đất nước, có nhiều chiến công hiển hách. Nhưng về sau chỉ vì xúc phạm đến cậu của Hoàng Đế mà bị bỏ tù rồi bị Hán Vũ Đế hạ lệnh xử tử. Ngoài ra một công thần khác là Chủ Phụ Yển đã từng trợ giúp Hán Vũ Đế làm suy yếu thế lực chính trị của chư hầu tại các địa phương nhưng về sau chỉ vì một chuyện nhỏ lại bị nghi ngờ là tư thông với chư hầu. Cuối cùng, ông bị Hán Vũ Đế hạ lệnh giết cả gia tộc.
Thời Tam Quốc, Tào Tháo cũng nổi danh là người giết đại thần để làm bá chủ. Tuần Vực chính là người mưu tài nhất trong số những người tài dưới trướng của Tào Tháo. Tuần Vực đi theo Tào Tháo mấy chục năm, giúp Tào Tháo dành được thiên hạ, là công thần đứng đầu của Tào Tháo. Nhưng sau này Tuần Vực vì phản đối Tào Tháo xưng vương nên đã bị ép phải chết.
So với những điều này thì Tần Thủy Hoàng ít nhất cũng là người có tấm lòng quảng đại hơn, ông ta còn có can đảm tiếp nhận ý kiến bất đồng, đối đãi với công thần cũng có chút bao dung, độ lượng.
Lý Tín là một vị tướng quân ở bên Tần Thủy Hoàng. Ông ta từng khoe khoang mà tuyên bố rằng chỉ trong vòng hai, ba tháng sẽ chiếm được nước Sở nhưng cuối cùng lại bị tướng quân nước Sở đánh cho đại bại mà bỏ về. Sau này, Tần Thủy Hoàng lại một lần nữa bổ nhiệm lão tướng Vương Tiễn đi đánh nước Sở. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng vẫn cho Lý Tín làm phó soái. Điều này thể hiện ông rất tín nhiệm đối với hạ thần, tố chất này không phải vị vua nào cũng có.
Cha con Vương Tiễn là những người có công lao rất lớn trong việc giúp Tần Thủy Hoàng giành được thiên hạ. Từ khi Tần Vương được thành lập, Tần Thủy Hoàng vẫn luôn đối xử tốt và yêu mến gia đình Vương Tiễn. Sau này, Vương Tiễn cũng được an hưởng tuổi già.
Trái ngược lại điều này có thể kể đến hoàng đế Lưu Bang. Có câu nói về Lưu Bang thế này: “Giang sơn vừa được, công thần tức rơi”. Hàn Tín chính là một ví dụ điển hình nhất. Hàn Tín vốn là công thần có công lao lớn trong việc trợ giúp Lưu Bang binh chinh thiên hạ. Nhưng mà sau khi Hàn Tín trợ giúp Lưu Bang diệt trừ Hạng Võ đã bị chính Lưu Bang lập mưu kế và giết hại.
Ngoại trừ Lưu Bang ra, còn có Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu. Sau khi tiêu diệt Ngô quốc, việc đầu tiên mà Việt Vương Câu Tiễn làm chính là giết chết người cùng chung hoạn nạn với mình – đại thần Văn Chủng. Phạm Lãi là người biết trước Việt Vương Câu Tiễn chỉ có thể là “người cùng chung lúc hoạn nạn chứ không thể là người cùng hưởng phúc” nên đã rời xa sớm mà tránh được kiếp nạn.
Nhiều người vẫn cho rằng Lưu Bang và Việt Vương Câu Tiễn có tài chính trị lỗi lạc, tinh thần vững vàng mà không hề nghĩ rằng về lòng dạ và trí tuệ thì so với Tần Thủy Hoàng, họ không được sáng suốt bằng.
Thứ ba: Từ sau khi thống nhất lục quốc, chưa từng đại tàn sát
Tần Thủy Hoàng thực hiện chiến tranh thống nhất đất nước, kỳ thực số người thương vong là không lớn. Hơn nữa, Tần Thủy Hoàng cũng dùng nhiều chính sách như dụ dỗ lôi kéo hoặc là phương thức hòa bình chứ không phải lúc nào cũng động binh. Tề quốc chính là ví dụ điển hình nhất. Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng còn là người có tâm khiêm tốn, lòng khoan dung, điều này được thể hiện rõ nhất ở cuộc chiến Yên quốc.
Trước khi thu phục Yên quốc, thái tử Đan của Yên quốc từng phái Kinh Kha đến ám sát Tần Thủy Hoàng nhưng bị thất bại. Sau này khi Tần Thủy Hoàng đã thu phục được Yên quốc, ông không vì điều này mà trả thù. Sau khi loại bỏ thể chế chính trị của Yên quốc, Tần Thủy Hoàng đã áp dụng chính sách “vỗ về” để đối đãi với người dân Yên quốc, trấn an dân chúng. Thử nghĩ, nếu Doanh Chính là một tên bạo chúa, khi bị thích khách hành thích như vậy chỉ e rằng người dân vô tội cũng khó mà tránh được đại nạn.
Vào thời Tần mạt, Hạng Võ dẫn đầu 40 vạn quân đánh vào thành Hàm Dương, tàn sát hàng loat dân chúng Hàm Dương, thiêu cháy cung A Phòng. Ngọn lửa hừng hực cháy ròng rã ba tháng trời. Tuy nhiên người đời sau chỉ ca ngợi Hạng Võ là một đại anh hùng, còn đối với việc Hạng Võ giết hàng loạt dân Hàm Dương và đốt cháy cung A Phòng thì coi như không thấy…
Tháng 9 năm 879 công nguyên, Hoàng Sào đánh chiếm Quảng Châu. Sau khi đánh chiếm Quảng Châu, Hoàng Sào giết hại 12 vạn dân trong thành đồng thời san bằng Quảng Châu, nơi từng là trung tâm buôn bán với nước ngoài sầm uất thời đó.
Thành Cát Tư Hãn, một đời kiêu hãnh cũng không ngoại lệ. Sau khi tiêu diệt Tây Hạ liền xuôi nam, tiến vào triều đại Nam Tống. Dân chúng bên đường bị cướp bóc không còn thứ gì. Sau khi Mông Cổ thống nhất, cũng không đối xử ngang hàng mà phân cấp người dân thành 4 loại. Người Mông Cổ là cấp 1, người Sắc Mục là thứ hai, người Hán phương bắc là thứ ba, người phương nam là thứ 4.
Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc không làm theo cách đó. Ông căn cứ pháp luật Tần triều, đối xử với người dân như nhau, tất cả đều ngang hàng. Hơn nữa, Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc cũng không giết chết lục quốc quân vương mà là đưa họ đến Hàm Dương giam lỏng, cho họ một con đường sống. Hành động này, đối với rất nhiều vị Hoàng đế tài đức đời sau cũng không làm được.
Thứ tư: Vì sao Tần Thủy Hoàng bị dán nhãn hiệu “bạo chúa”?
Điều đáng thương chính là trải qua hơn 2000 năm qua, Tần Thủy Hoàng luôn bị dán nhãn hiệu là một tên “bạo chúa”. Từ xưa đến nay, trong hình tượng tác phẩm văn học và dân gian, Tần Thủy Hoàng hầu như là nhân vật phản diện, điều này có thực sự công bằng cho ông không?
Truy cứu nguyên nhân có thể thấy rằng điều này là do chính điều kiện lịch sử thời đó tạo thành. Thời Xuân thu chiến quốc, dân chúng sinh ra đã có một loại tư duy cố định. Họ cho rằng thiên hạ này phải “chia năm xẻ bảy” mới là bình thường còn thống nhất là điều không bình thường. Mỗi một người đều có cảm tình với nơi mình sinh sống và không có ước nguyện thống nhất đất nước. Trái lại, “thống nhất” ở một góc độ nào đó mà nói, nó có thể trở thành đại từ “xâm lược”. Vì vậy, dân chúng đều căm hận Tần Thủy Hoàng, ông đã khiến dân chúng mất đi quê hương, biến họ thành người dân mất nước. Căn cứ vào tâm tình loại này, Tần Thủy Hoàng không khỏi bị yêu ma hóa, và cũng trở thành một hình tượng “thiên cổ bạo quân” (bạo chúa ngàn đời).
Theo bạn thì thế nào, Tần Thủy Hoàng trong suy nghĩ của bạn liệu có phải là một tên bạo chúa?
Theo PNN
Vụ thảm sát 45 vạn người khiến Tần Thủy Hoàng gánh họa
Đại tướng quân mạnh nhất thời Chiến Quốc là người làm suy yếu các nước chư hầu, dọn đường để Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa nhưng ông cũng để lại mối họa khiến nhà Tần sụp đổ.
Bạch Khởi trong phim truyền hình Trung Quốc.
Theo trang mạng Qulishi, Bạch Khởi (? - 257 TCN) là đại tướng quân thời Chiến Quốc, lập nhiều chiến công, làm tiền đề để Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Các nhà sử học hiện đại đánh giá Bạch Khởi là vị tướng tài năng nhất trong bốn vị đại tướng thời Chiến Quốc, 3 người còn lại là Vương Tiễn, Liêm Pha và Lý Mục.
Trong khi các tướng lĩnh thời Chiến Quốc dựa nhiều vào binh pháp khi ra trận, Bạch Khởi lại dùng binh không theo sách. Có thể nói, Bạch Khởi một khi cầm quân thì đã đánh là thắng, không gì có thể ngăn nổi. Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, hầu như rất ít tướng lĩnh có được những tố chất như ông.
Đại tướng mạnh nhất thời Chiến Quốc
Tổ tiên Bạch Khởi là người nước Sở, sau đó đến định cư ở huyện Mi, nước Tần, đổi sang họ Bạch. Cha Bạch Khởi xuất thân là binh sĩ nhà Tần. Ông từ nhỏ theo cha sống trong môi trường quân ngũ, lại rất ham học về quân sự.
Chiến công đầu tiên của Bạch Khởi là vào năm 294 TCN, khi đó ông cùng quân Tần đi đánh nước Hàn, một trong ba nước tách ra từ nước Tấn nên gọi là Tam Tấn. Chiến dịch thành công khi quân Tần chiếm được Tân Thành.
Bạch Khởi từ đó nhanh chóng lọt vào mắt xanh của tướng quốc nhà Tần là Ngụy Nhiễm. Năm đó, Ngụy Nhiễm tiến cử Bạch Khởi lên vua Tần Chiêu Tương vương, phong làm tướng.
Chỉ một năm sau, Bạch Khởi trong tay chỉ có 12 vạn quân nhưng đã đánh bại 24 vạn liên quân nước Ngụy và nước Hàn trong trận Y Khuyết. Đây được coi là một trong những trận đánh lớn nhất thời Chiến Quốc.
Sau trận đánh này, lần đầu tiên ảnh hưởng của nước Tần đã tới miền trung của Trung Quốc. Quân Hàn-Ngụy bị thiệt hại nặng nề nên buộc phải cắt đất cho Tần để xin cầu hòa.
Phác họa hình ảnh Bạch Khởi.
Trận đánh đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của đại tướng quân Bạch Khởi là đại chiến Trường Bình, nơi quân Tần vây hãm 45 vạn quân Triệu. Tướng Triệu đến ải Trường Bình khi đó là Triệu Quát, vì thiếu kinh nghiệm mà bị Bạch Khởi đánh cho tan tác, phải rút về cố thủ.
Quân Triệu bị vây liên tục trong vòng 46 ngày, mặc dù quân số đông hơn quân Tần nhưng không thể phá vây ra được. Quân Tần ít hơn nhưng dũng mãnh thiện chiến, quân Triệu mấy phen xông ra đều bị đánh bại. Đến lúc hết lương, Triệu Quát phải liều phá vây ra, bị Bạch Khởi hạ lệnh dùng nỏ cứng ngắm bắn nên tử trận. Gần như toàn bộ quân Triệu đầu hàng mà không biết họ phải đối mặt với thảm kịch trước mắt.
Giết hại 45 vạn hàng binh Triệu
Sử ký của Tư Mã Thiên chép lại, vì quân Triệu đầu hàng quá đông, Bạch Khởi sợ không quản lý được, nên bàn với phó tướng Vương Hạt đem giết hết.
Để lừa quân Triệu, ông đem hàng tốt chia làm mười doanh, sai mười viên tướng thống lĩnh, hợp với quân Tần, đem cho trâu rượu, ăn uống và nói rằng ngày mai sẽ chọn binh, người nào khoẻ mạnh đánh trận được, thì cấp cho khí giới và đem về nước Tần , còn người già yếu hay nhát sợ đều cho về Triệu. Quân Triệu mừng rỡ.
Đêm ấy, Bạch Khởi truyền mật lệnh cho mười viên tướng rằng: "Quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu, nếu đầu không có vải trắng, thì tức là quân Triệu, đều phải giết đi".
Quân Tần theo lệnh, đồng loạt ra tay. 45 vạn quân Triệu chịu chết chỉ trong một đêm. Bạch Khởi thu nhặt những đầu lâu quân Triệu, chất đống ở trong luỹ Tần, ngày nay gọi là núi Đầu Lâu.
Tính ra trong trận Trường Bình, quân Tần sát hại 45 vạn hàng binh Triệu, chỉ còn 240 người ít tuổi được thả về Hàm Đan, kinh đô nước Triệu để truyền lại những gì xảy ra.
Ảnh minh họa.
Các nhà sử học Trung Quốc từ xưa đến nay đều nghi ngờ con số 45 vạn quân Triệu bị sát hại chỉ trong một đêm. Chu Hi đời Tống trong Chu Hi Ngữ Lục cũng nói Tư Mã Thiên hành văn không đáng tin cậy.
Con số kinh hoàng trên có lẽ không phải chỉ là số quân lính nước Triệu thiệt mạng, mà có lẽ cả số người chết xuyên suốt trong chiến dịch đánh Triệu.
Khiến Tần Thủy Hoàng rước họa
Sử gia Hà Yến thời Tam Quốc nói rằng, việc Bạch Khởi ra lệnh sát hại 45 vạn quân Triệu giống như một "trò lừa đảo".
Bạch Khởi đã đồng ý tha chết cho những người bại trận để dụ họ đầu hàng. Thế nhưng khi họ đã hạ vũ khí, tất cả đã bị giết hại thảm khốc. Hành động phản ánh sự tàn bạo và không có tầm nhìn xa trông rộng của Bạch Khởi và cả triều Tần.
Hà Yến cũng nhận định, việc làm của Bạch Khởi đã làm tăng phần khó khăn cho việc ổn định thiên hạ của nước Tần.
Kể từ đó, người trong thiên hạ đều nhận ra rằng, họ không thể trông chờ vào kết cục đầu hàng Tần triều, thay vào đó, họ phải chiến đấu đến chết và nuôi nung nấu ý định trả thù.
Vì hy vọng đạt được công lao nhất thời, Bạch Khởi khi đó không thể ngờ được rằng, dã tâm của ông ta đã nung nấu thêm ý chí và quyết tâm của các nước chư hầu.
Bạch Khởi chính là người đặt nền móng giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ.
Kể từ sau cuộc đại thảm sát do Bạch Khởi gây ra, các nước khác liên tiếp tuyênchiến với Tần nên tham vọng thống nhất thiên hạ của Tần Thủy Hoàng trở nên khó khăn hơn.
Có thể nói, trong 37 năm xông pha trận mạc, Bạch Khởi hầu như đánh đâu thắng đó, chém đầu gần 100 vạn quân địch, hạ hơn 73 thành, mở rộng hơn trăm dặm đất đai cho nước Tần.
Bạch Khởi đã trực tiếp tiêu hao sinh lực của các nước mạnh nhất như Triệu và Sở, đưa Tần trở thành nước bá chủ thời Chiến Quốc.
Năm 257 TCN, vì mâu thuẫn với Thừa tướng Phạm Thư mà Bạch Khởi bị vua Tần tước hết chức vị, cuối cùng phải tự sát.
11 năm sau cái chết của Bạch Khởi, Tần Thủy Hoàng lên ngôi khi mới 13 tuổi. Năm 235 TCN, Tần Thủy Hoàng bắt đầu công cuộc chinh phục 6 nước còn lại, tiếp nối những gì mà Bạch Khởi gây dựng. Nhưng Tần Thủy Hoàng cũng thừa hưởng cả sự căm phẫn, oán hận của người dân các nước chư hầu.
Vì vậy mà khi Tần Thủy Hoàng đột ngột qua đời, nội bộ nhà Tần trở nên rối ren vì một hoạn quan nước Triệu. Người dân trên khắp nước Tần cũng đứng lên nổi dậy, khiến cho triều đại thống nhất Trung Hoa sụp đổ nhanh chóng.
Theo Danviet
Cuộc "tắm máu" nhà Tần sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời Nguyên nhân nhà Tần sớm sụp đổ được các học giả Trung Quốc hiện đại nhận định là do bàn tay của một người sắp đặt nên, thậm chí người còn khả năng đã ra tay hạ sát Tần Thủy Hoàng. Triệu Cao là một trong những người thân cận nhất với Tần Thủy Hoàng. Theo trang mạng Qulishi (Trung Quốc), Triệu Cao...