Tan tác làng ương cá phóng sinh, ao bỏ hoang cho… bò nằm!
Từ một làng nghề ăn nên làm ra với con cá giống, sau những biến động về giá cả, môi trường ô nhiễm…, giờ làng nghề Thái Mỹ tan tác trong sự tiếc nuối của bao người.
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ Nguyễn Văn Hoàng, chúng tôi về khu ương cá giống của ấp Bình Thượng 1 (xã Thái Mỹ, Củ Chi, TP.HCM) trong một chiều mưa tầm tã. Dọc theo những con đường nội đồng đã được nhựa hóa phẳng phiu, thi thoảng xuất hiện những phủ (ao) ương cá giống bỏ hoang cho… bò nằm.
Tiếc nuối…
Theo ông Hoàng, nghề ương cá giống xã Mỹ Thái có từ năm 2007. Thời hoàng kim, xã có 7 ấp thì ấp nào cũng có hộ ương cá giống, tập trung nhiều nhất tại ấp Bình Thượng 1 và 2. Bình quân mỗi hộ ương 2-5 phủ cá giống, như: Trê lai, tai tượng, chép. Trung bình mỗi hộ cho ra vài tấn cá giống/tháng. Phương thức hợp tác được các hộ ương cá giống tính với nhau theo kiểu “vần đổi công”.
Có nghĩa, người bỏ giống, người bỏ thức ăn, hoặc hỗ trợ vật liệu phủ bạt, thi công hồ cá, sang cá giống cho đủ số lượng, chủng loại cung cấp cho khách hàng khi có yêu cầu số lượng lớn, thương lái thu mua…
“Để hỗ trợ nông dân ương cá giống, ngoài kỹ thuật, Hội Nông dân xã đã cho hàng chục hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân” – ông Hoàng cho biết.
Những phủ ương cá trước đây của chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, giờ đã bỏ hoang. Ảnh: T.Đ
Đồng hành với nông dân ương cá, Hội Làm vườn và Trang trại huyện Củ Chi còn thành lập Chi hội cá bột ở xã Thái Mỹ với 17 hội viên nhằm hỗ trợ phát triển ngành sản xuất cá giống theo hướng chuyên nghiệp hóa. Khi tham gia chi hội, hội viên được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật tạo hồ, chăm sóc cá giống, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Anh Trần Văn Tuấn – Chi hội trưởng chi hội cá bột cho biết, một năm ương cá giống được 9 chu kỳ. Nếu hộ nào có 2 phủ cầm chắc có thu nhập 60-70 triệu đồng/năm” – anh Tuấn khẳng định.
Còn nhớ, vài năm trước, chúng tôi cũng đã có lần ghé Thái Mỹ xem nông dân ương cá trê giống. Mỗi năm gần 100 hộ ương cá giống ở đây cung cấp cho miền Tây Nam Bộ hàng trăm triệu con cá giống. Ông Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ, đã rất sung sướng với nghề này vì đã đưa Thái Mỹ từ một xã nghèo trở thành xã giàu với gần 70% số hộ khá giả, hộ nghèo chỉ còn đếm đủ trên đầu ngón tay.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (ấp Bình Thượng 1) – một trong những người khai sinh ra làng ương cá giống cho biết, lúc ấy với 5 phủ ương cá giống, mỗi tháng chị thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Video đang HOT
Giờ ngay cả chị Nga cũng giảm từ 5 phủ xuống con 2 phủ ương cá giống. Chồng chị, từ chỗ chí thú ương cá giống, giờ đã chuyển sang nuôi 20 tổ ong lấy mật.
“Giờ tình hình ương cá giống rất khó khăn. Giá cả, đầu ra bấp bênh, môi trường nước không tốt, chất lượng cá bột yếu… Nhiều hộ ương cá giống ở đây giờ đã bỏ nghề, người tiếp tục làm thì giảm phủ, nuôi cầm chừng. Vừa rồi tôi lỗ 10 triệu đồng tiền mua cá bột vì thả cá bao nhiêu chết bấy nhiêu” – chị Nga thổ lộ.
Theo ông Hoàng Minh Đức – một chủ trại ương cá bột cung cấp cho các hộ ương cá giống ở xã Thái Mỹ, so với thời hoàng kim, hiện số hộ ương cá bột ở xã chỉ còn khoảng 40%. “Trước đây, mỗi năm trại tôi sản xuất 200 triệu con cá bột. 50% số cá này bán cho các hộ ương cá giống ở xã Thái Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ còn 1/2 số lượng cá giống bán ra cho các hộ ương cá ở Thái Mỹ so với trước đây” – ông Đức chia sẻ.
Ông Hoàng cho biết, mới đây xã đã cho khảo sát số lượng hộ ương cá giống trên địa bàn. “Làng ương cá giống bây giờ chỉ còn 55 hộ thôi” – ông Hoàng thông tin.
Cầm vàng mà để vàng rơi…
Nhiều phủ ương cá của nông dân các tỉnh đang mọc lên trên đất Thái Mỹ, trong khi bà con nông dân địa phương lại bỏ nghề. Ảnh: T.Đ
Theo ông Đức, việc ông Hoàng thông tin còn 55 hộ ương cá giống trên địa bàn xã Thái Mỹ là tính luôn số hộ từ các tỉnh miền Tây đến xã tổ chức ương cá giống chứ không phải hoàn toàn là người địa phương. Riêng số hộ ương cá của các tỉnh trên địa bàn đã hơn 30 hộ.
Ông Đức cho rằng, ông không chắc nghề ương cá có thể làm giàu, nhưng thoát nghèo và vươn lên khá giả thì hoàn toàn có thể làm được. “Nghề ương cá chỉ cần diện tích vài trăm m2 và số vốn ban đầu chỉ cần vài triệu đồng để mua bạt về làm phủ. Giống cá thì tôi cho mua thiếu, khi nào bán cá giống thì trả tiền” – ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, người ương cá ở Thái Mỹ lần lượt bỏ nghề để đi theo tiếng gọi của thợ hồ, bảo vệ, công nhân… “Hội cũng đã hết sức vận động, hỗ trợ bà con ương cá giống, nhưng họ không thích ương cá nữa nên biết làm sao” -ông Hoàng bộc bạch.
Thương lái thu mua cá giống để bán phóng sinh. Ảnh: T.Đ
Hiện, tại xã Thái Mỹ có 4 lái cá. Ông Sáu Bình (Đinh Văn Bình) – một thương lái cá cho biết, thời gian qua 90% lượng cá ương ra chỉ bán để phóng sinh. Vào những dịp rằm lớn trong năm, như: Tháng Giêng, tháng Bảy hay tháng Mười, mỗi thương lái thu mua mỗi ngày từ 1-2 tấn cá trê tại đây để bán cho thị trường phóng sinh. Vào ngày thường, mỗi thương lái cũng thu mua vài trăm kg/ngày.
“Giờ không chỉ những người giàu có mua cá mà công nhân cũng bỏ tiền mua cá phóng sinh” – ông Sáu Bình cho biết.
Trong khi nhiều hộ ương cá tại địa phương bỏ nghề, thì hàng chục nông dân từ tỉnh Sóc Trăng lại kéo về Thái Mỹ tổ chức ương cá. Hiện tại khu đất rộng khoảng 1ha giáp ranh 2 ấp Bình Thượng 1 và Bình Hạ Đông mọc lên liên tiếp các ao nuôi cá giống. Xung quanh những ao nuôi cá là những mái chòi lụp xụp che chắn bằng những tấm nhựa tạm bợ. Mỗi chòi là một gia đình người Khmer – chủ những ao cá tại đây.
Hầu hết những hộ này đều có ruộng đất tại quê nhà, nhưng do đất quá ít (2 – 3 công đất/hộ) nên lợi nhuận từ làm lúa gần như không có.
Theo anh Thạch Diện – một hộ đang ương 3 phủ cá, sau 2 tháng ương, mỗi phủ có thể thu được 500kg – 1 tấn. Với giá 37.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi phủ lời 5 – 10 triệu đồng.
“Mỗi năm gia đình tôi cũng lời được 100 triệu đồng từ ương cá. Số tiền này lớn hơn rất nhiều so với trồng lúa tại quê nhà. Tôi nghĩ, mình sẽ không làm lúa nữa mà chuyên tâm ương cá tại đây” – anh Diện thổ lộ.
Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Lê Ngọc Sương chia sẻ, nghề ương cá từng giúp nhiều hộ trên địa thoát nghèo vươn lên khá giả. “Giờ thấy bà con bỏ nghề ương cá đi làm công nhân, thợ hồ… mà xót. Sao người nơi khác đến lăn xả, kiếm tiền từ nghề ương cá mà bà con mình lại không gắn bó?” – bà Sương tiếc ngẩn ngơ.
Theo Danviet
TP.Hồ Chí Minh: Nhiều xã cùng về đích nông thôn mới nâng cao
Sau thời gian trùng xuống, nhiều xã thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) nâng cao theo đặc thù của TP.HCM đã "rủ nhau" về đích.
Theo Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM TP.HCM Thái Quốc Dân, hiện đã có 4 xã hoàn thành chương trình NTM nâng cao của thành phố, gồm: Thái Mỹ, Tân Thạnh Tây, Nhuận Đức (huyện Củ Chi) và Bình Lợi (huyện Bình Chánh).
Những điển hình vượt khó...
Xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi vừa tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Qua 10 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nâng chất NTM giai đoạn 2016 - 2020. Cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh.
Theo Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Lê Ngọc Sương, hiện thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 58 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo là 0,46%/tổng số hộ dân.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất với xã Thái Mỹ là cảnh quan, môi trường ở đây. Dọc theo một số tuyến đường, chính quyền và người dân trồng chăm sóc và tạo những con đường hoa rất đẹp.
Một con đường hoa ở xã Thái Mỹ. (ảnh: Trần Đáng)
Bên cạnh đó, theo bà Sương, đến nay, 100% hộ dân trong xã được tiếp cận và sử dụng nước sạch. 100% hộ dân trong khu dân cư đăng ký thu gom rác. Số hộ dân "xanh hóa tường rào" đạt 25%.
Về việc nâng cao thu nhập cho người dân Xã Bình Lợi được xem như lá cờ đầu. Từ một xã vùng trũng, phèn chua, đời sống người dân khốn khó chỉ sau những năm đẩy mạnh làm NTM, thu nhập bình quân của người dân xã Bình Lợi đạt 65 triệu đồng/người năm (2018) - đây là mức thu nhập cao nhất hiện nay của các xã làm NTM của thành phố.
Theo ông Trương Thái Ngọc - Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, thành công này là được sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo thành phố; sự đồng lòng tham gia chung sức xây dựng NTM của nhân dân.
Nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân
Từ năm 2009, thành phố đã triển khai bộ tiêu chí NTM, mục tiêu đề ra là phấn đấu đến năm 2020 tất cả 56/56 xã của 5 huyện, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh đạt chuẩn NTM nâng cao theo đặc thù của thành phố với đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập người dân nông thôn được nâng cao và bền vững.
Theo ông Trần Ngọc Hổ -Phó Giám đốc Sở NNPTNT, chương trình xây dựng NTM luôn được người dân ủng hộ và cùng chung sức. 10 năm qua, nguồn lực đầu tư rất lớn; nhờ đó sản xuất phát triển, có sự chuyển biến mạnh về chất và lượng...
Ông Dân cho biết, thành tựu nổi bật sau 10 năm xây dựng NTM của thành phố có thể khái quát: Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 427,2%; năm 2018 bình quân đạt 502 triệu đồng/ha/năm, so với 2008 (117,5 triệu đồng/ha/năm) - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ước tính thu nhập bình quân năm 2018 của người dân nông thôn đạt 54,76 triệu đồng/người, tăng 248,1% so với năm 2008 (15,73 triệu đồng/người). Hiện TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia...
Ông Hổ cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện các tiêu chí còn khó khăn và đã đề ra các giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua bố trí vốn trung hạn hơn 8.000 tỷ đồng cho hơn 1.500 công trình.
"Sở NNPTNT sẽ phối hợp các cơ quan liên quan và 5 huyện triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình góp phần cải thiện hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, thành phố tiếp tục triển khai các chính hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ưu tiên đầu tư công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người dân nâng cao thu nhập" - ông Hổ cho biết.
Theo Danviet
Trung ương Hội NDVN hỗ trợ nông dân Yên Bái 11.000 con cá giống Chiều ngày 15/7, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hỗ trợ 11.000 con cá giống cho Hợp tác xã nông - lâm - thủy sản xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên (Yên Bái) để thực hiện mô hình nuôi ghép cá trắm. Tổng trị giá đợt hỗ trợ là 200 triệu đồng. Trong dịp hỗ trợ lần này, thừa...