Tàn phá rừng nguyên sinh ở Kon Plông
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum – nơi được ví như Đà Lạt thứ hai ở miền đất Tây Nguyên, đang bị đe doạ nghiêm trọng vì một số cánh rừng nguyên sinh đang bị người dân ngang nhiên chặt phá rừng làm rẫy, những khoảnh rừng nguyên sinh đang bị “cạo trọc” để nhường đất cho càphê, cây mì…
Tuyến quốc lộ 24 – tuyến đường huyết mạch nối liền tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi – len lỏi giữa rừng thông bạt ngàn giống như tấm lụa đen vắt ngang sườn núi. Từ thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy dọc theo hướng Kon Rẫy – Kon Plông, cách huyện Kon Plông khoảng 5km là khu du lịch sinh thái Măng Đen, khí hậu mát lạnh. Thế nhưng đáng tiếc, ngay trên tuyến đường đi vào thủ phủ khu du lịch sinh thái Măng Đen, một khoảnh rừng nguyên sinh rộng vài trăm mét vuông đã bị một số người dân chặt phá, cây rừng nằm la liệt, bốc khói nghi ngút, chẳng thấy cơ quan chức năng nào can ngăn.
Hàng trăm gốc cây rừng nằm la liệt bị cháy sém. Ảnh: M.T
Tuyến tỉnh lộ 676, tuyến đường từ xã Măng Cành đi vào các xã phía đông Trường Sơn như Măng Bút, Đăk Tăng…, nhiều vạt rừng nguyên sinh cũng đang bị người dân triệt hạ không thương tiếc. Ngay sát nách trụ sở UBND xã Măng Cành, một khoảnh rừng bị người dân chặt hạ, cây gỗ nằm la liệt, cháy sém đen. Một gia đình khoảng 14 người đang đốt những cây gỗ vừa bị chặt hạ, dùng cưa cắt từng đoạn gỗ nhỏ dùng làm củi, thật xót xa cho những cánh rừng nguyên sinh. Khi hỏi tại sao canh tác nương rẫy nơi này?
Ông A Phổ – trú tại làng Kon Chênh, xã Măng Cành – nói tỉnh bơ: Rừng này là rừng của ông bà mình để lại, mình tranh thủ phát đốt để trồng mì, trồng lúa rẫy nơi này không mọc, rồi sau này mình trồng càphê.
Cháu của ông A Phổ là A Ly đang cầm máy cưa cắt những cây gỗ dài suôn đuột cả chục mét, thấy chúng tôi bỗng dừng tay. A Lý – Bí thư Chi đoàn làng Kon Chênh – cho biết: Mình đi làm cho A Phổ, mình cưa những khúc gỗ này dùng làm củi, dọn dẹp những khúc cây chưa cháy hết để lấy đất trồng mì. Tôi biết tên ông A Phổ qua một người đang trồng mì, người này nói, A Phổ đang công tác tại huyện Kon Plông.
Cách thôn Kon Chênh khoảng vài trăm mét, cũng trên tuyến đường độc đạo vào xã Măng Cành, ngay tại làng Kon Kum, một số người dân đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang chặt phá rừng để lấy đất làm rẫy. Đứng đằng sau họ có thể là một số đầu nậu khác, bởi vì theo quan sát của chúng tôi, có một số người nai nịt, áo bỏ trong quần đang chỉ trỏ, hướng dẫn họ chặt phá cây rừng trông rất “hoành tráng”.
Ông U S Long – công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông, vừa kiểm lâm viên phụ trách xã Măng Cành – cho biết: Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông đang phối hợp cùng địa chính xã tiến hành đo đếm số lượng cây bị chặt hạ và diện tích rừng bị phá. Khi tôi hỏi: “Diện tích rừng bị phá bao nhiêu hécta?”. Ông U S Long trả lời ậm ừ: Nhiều khoảnh, có thể mỗi khoảnh là 1.000m2, diện tích rừng này thuộc TK 478 nên một phần giao cho xã quản lý, một phần giao cho Lâm trường Măng Cành 1 quản lý, nhưng khi xác minh tại cơ sở thì chưa người dân nào nhận cả.
Ông Phan Ngọc Vinh – tân Chủ tịch UBND xã Măng Cành – cho biết thêm: “Tôi thấy người dân phát rừng làm nương rẫy nóng ruột lắm. Mình đi kiểm tra thì họ không làm, họ tranh thủ lúc ngày nghỉ để phát nương làm rẫy, lâm tặc phá rừng một, người dân phá rừng làm nương rẫy gấp 2-3 lần”.
Một khoảnh rừng nguyên sinh trên tuyến quốc lộ 24 (vào khu du lịch sinh thái Măng Đen) bị đốt khói đang bốc nghi ngút.
Theo số liệu tổng hợp mới nhất từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, tính từ đầu năm đến nay, mới khoảng 3 tháng, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra 29 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép, với diện tích thiệt hại là 9,35ha. Song con số này đã đến hồi báo động, vì cả năm 2009 mới xảy ra 37 vụ, với diện tích thiệt hại 12,6ha…
Không những ở xã Măng Cành xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy trái phép, men theo tuyến quốc lộ 24, bằng mắt thường ai cũng phát hiện dọc bên đường nhiều diện tích rừng tự nhiên tại xã Hiếu, Pờ Ê… cũng bị chặt hạ không thương tiếc. Trao đổi qua điện thoại, một cán bộ kiểm lâm viên huyện Kon Plông cho biết: Tại xã Hiếu chỉ xảy ra một số vụ phá rừng làm nương rẫy, diện tích thiệt hại khoảng 5ha, kiểm lâm địa bàn đang phối hợp với chính quyền địa phương xử lý.
Ông Phan Ngọc Vinh lý giải nguyên nhân gần đây trên địa bàn xã gia tăng phá rừng làm nương rẫy vì: “Theo Nghị quyết 30 A của Chính phủ giao rừng từ lâm trường về xã quản lý, nhưng đang tiến hành giao cho xã thì người dân tranh thủ chặt phá. Hơn nữa, theo nghị quyết này, người dân được hỗ trợ tiền công khai hơn, giá mì tăng cao nên người dân phá rừng càng nhiều hơn”.
Ông Phan Ngọc Vinh đề nghị: “Các ngành chức năng sớm quy hoạch vùng canh tác nương rẫy để cấp đất sản xuất cho người dân; đẩy nhanh tiến độ giao đất khoán rừng về cho xã để xã giao cho người dân quản lý; tiền hỗ trợ khai hoang theo Nghị quyết 30A thì hỗ trợ người dân kiên cố diện tích đất canh tác nương rẫy… Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để người dân thâm canh tăng năng suất…”.
Video đang HOT
Phải chăng, phá rừng nguyên sinh làm nương rẫy là chuyện thường ngày ở huyện hay sao mà ngành chức năng không nóng ruột(!?). Chính quyền các cấp cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa mới hy vọng giữ gìn được những cánh rừng nguyên sinh còn lại ở Kon Plông, để Kon Plông không hổ thẹn là “Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên”!
Theo Lao Động
10 không gian xanh vẫy gọi dịp nghỉ tết
Nếu không có điều kiện đi chơi xa trong dịp Tết dương lịch, nhưng muốn trải nghiệm không khí trong lành của gió biển, cây xanh, sông nước, hãy ghé vào các khu du lịch xanh của TP HCM.
1. Biển Cần Giờ
2. Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
Có rất nhiều điểm tham quan cùng trò chơi thú vị khi đến đây như ruộng muối, hồ nổi, đầm cua, tháp Tang Bồng... Du khách có thể đến đây bằng đường bộ, đường thủy (từ bến Bạch Đằng) hay đăng ký tour với mức giá 200.000 đồng/người/ngày.
Địa chỉ: Xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ, TP.HCM. Cách trung tâm thành phố 50km.
Hàng ngàn con dơi treo mình trong đầm Dơi.
3. Làng du lịch Bình Quới
Đây là khu du lịch tổng hợp lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến đây du khách có thể thuê thuyền dạo trên sông, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức món ngon khắp các vùng miền.
Khu du lịch Bình Quới: 1147 Bình Quới, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
4. Khu du lịch Văn Thánh
Khu du lịch Văn Thánh nằm trong khu vực rộng rãi bên bờ sông Thị Nghè, nhánh của sông Sài Gòn. Không gian ở đây đậm chất thôn quê với những cây cổ thụ vài người ôm, ao sen, những bãi cỏ xanh. Buổi tối Văn Thánh luôn rộn rã tiếng nhạc và sàn nhảy trong không khí.
Khu du lịch Văn Thánh, 48/10 Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Những ngôi nhà ẩn hiện trong màu xanh của cây.
5. Khu du lịch Suối Mơ
Khu du lịch có nhiều tiết mục mới lạ như biểu diễn cá heo, sư tử biển, hải cẩu nên có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Ngoài ra, đến đây, bạn còn được sử dụng miễn phí các dịch vụ hỗ trợ khác như hồ bơi (dành cho cả người lớn và trẻ em), câu cá, cắm trại, chơi tenis... Nhà hàng tại đây đáp ứng tốt lượng khách đến tham quan tại đây trong những ngày cao điểm.
Khu du lịch Suối Mơ: phường Long Bình, quận 9,Tp. Hồ Chí Minh. Cách trung tâm thành phố 15km.
Con suối uốn lượn giữa lòng thành phố.
6. Vườn cò Thủ Đức
Ngắm nhìn hình ảnh cánh cò nổi bật trong ánh tà dương sẽ để lại ấn tượng khó quên. Để có được góc nhìn như vậy, khách phải thuê đò ra giữa dòng sông với giá 80.000 đồng/ giờ (cho cả một chuyến đò có thể chứa đến 10 người).
Đường đi: Từ ngã tư Thủ Đức đi về phía Tăng Nhơn Phú, rẽ phải theo đường Nguyễn Văn Tăng đến ngã ba Gò Công, tiếp tục rẽ phải, băng qua cầu, cặp theo con đường đất nhỏ khoảng 800m sẽ đến vườn cò của bác Tư Đê.
Cách cò chập chờn trong hoàng hôn.
7. Khu du lịch một thoáng Việt Nam
Là một quần thể làng nghề thủ công truyền thống, với diện tích 22,5 ha nằm cạnh rạch Bò Cạp, gần sông Sài Gòn. Khu du lịch bao gồm 30 hạng mục với: đền thờ đất nước, sa bàn nước Việt Nam, lầu vọng, ba khu tiêu biểu cho ba miền đất nước. Bên cạnh là khu văn hóa ẩm thực, đảo nuôi chim thú tự nhiên, khu chợ hàng tiểu thủ công nghiệp, chợ trên sông, vườn cây ăn trái...
Khu du lịch một thoáng Việt Nam: Bến Bò Cạp, ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP. HCM
Sa bàn Việt Nam được tạc khắc công phu.
8. Địa đạo Củ Chi
Kỳ quan độc nhất vô nhị: dài 250km, sâu từ 3 - 8m chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, được làm nên từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất. Nếu đến đây đừng quên nếm thử món rau mốp, loại lương thực chính của quân dân Củ Chi ngày trước, còn giờ là đặc sản.
Địa đạo Củ Chi thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh 70km về phía tây bắc.
Cổng vào địa đạo.
9. Mười tám thôn vườn Trầu
Ngày nay, Mười tám thôn vườn Trầu mướt một màu xanh ngát của trầu, thanh bình với hình ảnh người mẹ miền Nam áo bà ba, khăn rằn, nón lá ẩn hiện trong vườn.
Mười tám Thôn vườn trầu thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, ngoại vi TP. Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố chưa đầy 10km.
10. Thảo Cầm Viên
Nằm ngay trung tâm thành phố, rất tiện lợi cho việc đi lại. Tới đây, bạn sẽ được chìm trong khung cảnh thiên nhiên với những loại cây lâu đời, bãi cỏ xanh mướt, tìm hiểu lịch sử với đền Hùng, nghe tiếng gầm của hổ hay ngắm chú "Tôn Ngộ Không" nhỏ bé đơn độc trên Hoa Quả Sơn giữa hồ.
2B Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Ngày mới ở Thảo Cầm Viên.
Linh San
Theo Bưu Điện Việt Nam
Dù rớt đại học, tớ vẫn... rất ổn! Kết quả thi đại học đã có, có bạn vui, có bạn rất buồn vì... thi trượt. Nhưng thay vì ngồi nhà đóng cửa phòng than thở, sao bạn không nghĩ đến những kế hoạch thật thú vị để quên nỗi buồn đó đi??? Một chuyến du lịch cho bản thân 12 năm cần mẫn bên sách vở nhiều teen ước mơ có...