Tân Nhàn khiến người nghe “Chơi vơi”
Tân Nhàn gửi thông điệp mong phụ nữ luôn quyến rũ dù cuộc sống muôn vàn khó khăn trong MV mừng 8/3.
Nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8/3, Tiến sĩ âm nhạc, Phó trưởng khoa Thanh nhạc- Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam- ca sĩ Tân Nhàn chính thức phát hành MV “Chơi vơi”, một sáng tác của nhạc sĩ Vũ Quốc Nam, phổ thơ Hồ Mậu Thanh.
Ca sĩ Tân Nhàn
Tân Nhàn chia sẻ, cô quyết định thực hiện MV này trong thời gian rất ngắn. “Chơi vơi” là ca khúc nói về vẻ đẹp người phụ nữ vô cùng tinh tế. Những ca từ sâu sắc ngợi ca vẻ dịu dàng, duyên dáng và cũng thật rực rỡ, luôn tươi mới giữa cuộc đời của phụ nữ. Đó là vẻ đẹp “cúc tàn em thắm lại”, đó là khi “hanh heo vàng lá rụng” thì người phụ nữ ấy “tích nhựa chồi ủ nóng” để âm thầm đợi Xuân, đó là vẻ đẹp thật êm dịu, đầy sức sống như mầm xuân “vùi trong bao kẽ lá” đem mùa xuân lan toả, là vẻ đẹp đầy sắc hương của người phụ nữ khi “Sen hồng tắm thơm da” trong mùa hạ nồng nàn…
Tân Nhàn rất chịu chị đầu tư về trang phục
Và Tân Nhàn đã thực sự khiến khán giả “Chơi vơi” khi nghe ca khúc qua cách thể hiện của mình. “Chơi vơi” của Tân Nhàn là một sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện của một Tiến sĩ âm nhạc với lối hát dân gian của Việt Nam mà cô đã dày công nghiên cứu. Bởi vậy, dù ca khúc đã được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng với cách thể hiện của Tân Nhàn “Chơi vơi” đã được khoác lên mình một sự hấp hấp dẫn, mới mẻ,ngọt ngào, vô cùng nữ tính và ngập tràn ý tình thiết tha… rất khác biệt.
MV “Chơi vơi” của Tân Nhàn góp phần khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ trước bốn mùa một cách nhẹ nhàng, duyên dáng. Dẫu ở mùa nào thì người con gái ấy vẫn nồng nàn sắc hương, “là hoa của đất, là sương của trời”. MV mang một chút âm hưởng liêu trai khi diễn tả chàng trai gặp được người đẹp bốn mùa trong mộng, và đến khi tỉnh thức mới phát hiện đó là người phụ nữ trên bức tranh Xuân- Hạ- Thu- Đông vẫn bên cạnh chàng bấy lâu nay.
Video đang HOT
So với những hình ảnh thường thấy, thì hình ảnh Tân Nhàn trong MV này kiêu kỳ, lộng lẫy khác biệt khi diện các thiết kế áo dài cách tân lệch vai, tay loe rộng mềm mại hay ngực chữ V khoét sâu gợi cảm. Tân Nhàn cho biết, cô rất yêu tà áo dài Việt Nam và đã gắn bó với áo dài suốt hành trình sự nghiệp của mình, lần này, trong sản phẩm mới, cô đặc biệt mặc áo dài cách tân mới mẻ để góp phần nói lên thông điệp rằng cũng như người phụ nữ luôn ẩn chứa vẻ đẹp, sự thu hút mới lạ sau những điều thường nhật, quen thuộc, thì tà áo dài của người phụ nữ Việt cũng luôn đem đến những điều mới mẻ như thế khi biết khai thác, làm mới.
“Tất cả những gì tôi muốn chuyển tải qua bài hát, MV này là vẻ đẹp của người phụ nữ rất nhẹ nhàng, tinh tế và đầy quyến rũ, dù cho bốn mùa có đổi thay thì sự hấp dẫn đó, vẻ đẹp đó không hề thay đổi. Cuộc sống vốn dĩ rất khó khăn và đầy rẫy những khắc nghiệt nhưng sẽ không bao giờ làm mất đi được vẻ đẹp và sức hút này”- Tân Nhàn chia sẻ.
MV “Chơi vơi” là khởi đầu cho loạt dự án âm nhạc của Tân Nhàn trong năm 2020 này. Tân Nhàn cho biết, những dự án cô đang sẵn sàng thực hiện năm 2020 là sự tiếp nối của thành công rực rỡ năm 2019.
2019 là năm Tân Nhàn đã hoạt động không ngừng nghỉ để thực hiện những sản phẩm âm nhạc đặc sắc, đặc biệt là liveshow “Trở về”. “Trở về” được đánh giá cao bởi sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng và các nhạc cụ âm nhạc truyền thống của Việt Nam cùng với giọng hát của Tân Nhàn đã tạo nên một liveshow chất lượng, khác biệt. Đặc biệt, thông qua liveshow, Tân Nhàn đã khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam khi dành hẳn 1 phần quan trọng để hát các bài chầu văn, xẩm, quan họ… đặc sắc.
Tường Vy
Theo Toquoc.vn
Hát với ban nhạc: Không dễ!
Chỉ cần có sự quyết tâm, đồng lòng từ nghệ sĩ, nhà tổ chức và đòi hỏi của công chúng, chắc chắn thị trường biểu diễn nhạc Việt sẽ nâng cao chất lượng như thời đỉnh cao trước đây
Những chương trình biểu diễn dài kỳ kiểu "chiếc hộp âm nhạc" (thu live - trực tiếp và phát sóng) mà ở đó chỉ có ca sĩ "phiêu" cùng ban nhạc; những sản phẩm ca sĩ thu live cùng ban nhạc với mong muốn gầy dựng lại nhạc Việt thời kỳ đỉnh cao... đang khiến khán giả tin rằng thời ca sĩ hát live cùng ban nhạc đã trở lại. Nhưng, những cố gắng đó chỉ là một vệt sáng nhỏ vụt qua bầu trời nhạc Việt.
Giấc mơ con nhà nghèo
Đẹp đẽ, ấn tượng nhưng khó để có thể duy trì một tiết mục trình diễn có ca sĩ với ban nhạc trong thời buổi khó khăn như hiện nay, đó là cảm nhận chung của người làm nghề. Khi ca sĩ Hoàng Bách trở lại cùng ban nhạc BACH 20, anh khẳng định giọng ca của Hoàng Bách sẽ chỉ là một trong những "nhạc cụ" của ban nhạc, sẽ góp phần tạo nên sự hoàn chỉnh của ban nhạc mỗi khi xuất hiện trên sân khấu. Điều đó nhận được sự tán dương của giới chuyên môn, sự ủng hộ của đồng nghiệp và sự đón nhận nhiệt tình của công chúng.
Thực tế, hình ảnh Hoàng Bách cùng ban nhạc BACH 20 xuất hiện trong mỗi chương trình biểu diễn đều mang lại những hiệu ứng đặc biệt. Khán giả thấy "đã" với âm thanh sống động, chất ngẫu hứng của âm nhạc, người hát... khác nhau mỗi lần diễn. Nhưng tần suất trình diễn của BACH 20 không cao so với nhiều ca sĩ hát đơn khác. Bởi không nhiều chương trình chịu nổi kinh phí cho một lần xuất hiện của BACH 20 với chi phí ở mức gần 200 triệu đồng, mặc dù đây là chi phí trung bình, thậm chí khá thấp cho một phần trình diễn với lượng nghệ sĩ đông đảo trên sân khấu như của BACH 20. Chưa kể để một ban nhạc trình diễn sống trên sân khấu, nhà sản xuất chương trình phải đầu tư rất tốn kém trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng để đáp ứng. Mặt khác, sẽ không có nhà tổ chức biểu diễn nào tự gây khó cho mình khi trong một chương trình có tiết mục hát với ban nhạc sống còn những tiết mục khác vẫn hát bằng nhạc đệm phòng thu, bởi hai cách hát là hai hệ thống âm thanh khác nhau, không đồng bộ...
Người trong giới cho hay thuê một ban nhạc gồm khoảng 5 - 7 nhạc công hay một dàn nhạc ít lắm cũng phải 20 người, chưa kể thiết bị âm thanh đi kèm, tính trung bình kinh phí bỏ ra cũng là hơn 100 triệu đồng, chưa kể tiền thù lao ca sĩ biểu diễn, do đó không có nhiều chương trình kham nổi.
Ca sĩ Hoàng Bách biểu diễn cùng ban nhạc BACH 20
"Lực bất tòng tâm" là bày tỏ chung của nhiều ca sĩ khi họ cũng rất muốn hát cùng ban nhạc nhưng khó thực hiện. Ca sĩ có muốn đầu tư ban nhạc cho mình cũng không thể.
Trong tình hình âm nhạc thế giới ngày càng phát triển đạt đỉnh cao và tinh tế như xu hướng âm nhạc hiện đại, nhiều ca sĩ còn nuôi tham vọng đưa cả dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu trình diễn trong các tiết mục của mình. "Nhưng một dàn nhạc giao hưởng khoảng 60 người trở lên đòi hỏi kinh phí bỏ ra lớn hơn rất nhiều" - nhạc trưởng Trần Nhật Minh lý giải.
Đồng lòng được không?
"Hát cùng ban nhạc "sướng" bội phần so hát với nhạc beat được làm trên máy tính" - ca sĩ Phương Thanh khẳng định. Nhiều ca sĩ cũng thừa nhận hát với nhạc beat được làm trên máy tính sẽ không thể hiện được hết năng lực hát, tính chất âm nhạc, phong cách âm nhạc của họ. Nhưng muốn hay không đôi khi không phải một cá nhân có thể làm được.
Thực tế thị trường, ngoài các phòng trà ca nhạc, hiếm hoi chương trình ca nhạc ở đó ca sĩ trình diễn cùng ban nhạc. Thi thoảng có chương trình ca nhạc định hình thương hiệu như "In the spotlight" hay live show riêng của các ca sĩ danh tiếng là sử dụng ban nhạc trình diễn. Nhiều ca sĩ chấp nhận đầu tư lớn để có một live show có dàn nhạc hoành tráng. Nhưng với tình hình bán vé ế ẩm như hiện tại, doanh thu không đủ bù chi phí sản xuất chương trình. Đáng kể đến là live show "Trở về" của ca sĩ Tân Nhàn diễn ra vào năm ngoái. Cô chia sẻ: "Chương trình bán hết vé cũng chỉ thu được khoảng 2 tỉ đồng, trong khi kinh phí đầu tư cho sô diễn gấp đôi".
Không phải ca sĩ nào cũng có đủ điều kiện hay dám làm như ca sĩ Tân Nhàn. Vì vậy, lượng ca sĩ có khả năng chi một khoản tiền lớn cho cuộc chơi âm nhạc trọn vẹn cho mình vẫn còn rất ít ỏi.
Làm thế nào để có thể thúc đẩy phong trào ca sĩ hát cùng ban nhạc có hiệu quả? Đó là câu hỏi không dễ trả lời nhưng không hẳn bế tắc. Bởi lẽ, chỉ cần có những quy định chung, những thỏa thuận đồng lòng từ các đơn vị tổ chức chương trình, sự kiện, buộc ca sĩ biểu diễn hát cùng ban nhạc. Với yêu cầu này, người không muốn bị đào thải chắc chắn phải dụng công tập luyện, nhất là ca sĩ trẻ.
Điều vô lý là thỉnh thoảng có những chương trình, sân chơi mà ở đó, nhạc công được chơi nhạc, người trong cuộc lại hân hoan, rằng "cuối cùng đã có sân chơi cho nhạc công". Nhạc công gần như mất việc khi công nghệ phòng thu thay thế nhạc đệm trong các chương trình biểu diễn. Thế nên, chỉ cần có sự quyết tâm, đồng lòng từ nghệ sĩ, nhà tổ chức và đòi hỏi của công chúng, chắc chắn thị trường biểu diễn nhạc Việt sẽ nâng cao chất lượng như thời đỉnh cao trước đây.
Nhiều ca sĩ ngôi sao trẻ không hát live nổi cùng ban nhạc
Có một lý do khác đang chi phối khá nhiều đến chuyện không thực hiện được việc ca sĩ biểu diễn cùng ban nhạc trên sân khấn chính là không ít ca sĩ trẻ thậm chí là ngôi sao hiện nay không thể hát live cùng ban nhạc. Trong một chương trình biểu diễn, hầu hết là đại nhạc hội với nhiều giọng ca biểu diễn, chương trình không thể bố trí cả hai hệ thống âm thanh cho tiết mục ca sĩ hát live cùng ban nhạc và ca sĩ hát với beat nhạc thu sẵn. Bỏ khó chọn dễ thường là giải pháp chung của các nhà tổ chức chương trình sự kiện.
Bài và ảnh: Thùy Trang
Theo nld.com.vn
"Vang mãi giai điệu Tổ quốc" 2020 Đó là tên gọi chương trình nghệ thuật đặc biệt diễn ra tối 4-1-2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. "Vang mãi giai điệu Tổ quốc" hướng tới chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới nhằm chào mừng nhiều ngày lễ lớn trọng đại. Do đó, các tiết mục xuyên suốt chương trình sẽ là những ca khúc hay...