Tấn Minh thăng hoa trong liveshow để đời
Giọng ca “Phượng hồng” đã có những phút giây sống trọn với hạnh phúc trong đêm nhạc diễn ra vào tối 16/11 tại Hà Nội.
Hơn 20 năm tham gia ca hát, từ một cậu học trò tỉnh lẻ, một mình khăn gói từ Nam Định lên Hà Nội học nhạc, Tấn Minh nay đã trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của thể loại semi classic tại Việt Nam. Trong suốt chặng đường theo đuổi nghệ thuật, Tấn Minh chọn cho mình một hành trình đi lên chậm rãi, kiên định, như một người chăm chỉ leo những bậc thang dài. Nhiều người cho rằng, chính sự an toàn và chỉn chu khiến hình ảnh của anh tẻ nhạt, thiếu sự bứt phá để trở thành một ngôi sao lớn của nền tân nhạc Việt Nam đương đại. Nhưng trong liveshow đầu tiên của Tấn Minh diễn ra vào tối 16/11 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, nằm trong chuỗi sự kiện âm nhạc In the spotlight, khán giả đã phần nào khỏa lấp những kỳ vọng về một Tấn Minh rất khác, bùng nổ trong âm nhạc.
Tấn Minh thăng hoa trong liveshow đầu tiên của sự nghiệp.
Nền tảng hạnh phúc gia đình là điều khiến nam ca sĩ sinh năm 1972 yên tâm và thăng hoa hơn trong nghệ thuật. Sự xuất hiện của vợ Tấn Minh – nghệ sĩ chèo Thu Huyền – là một bất ngờ lớn đối với khán giả vì trước đó, ca sĩ Những mùa đông yêu dấu từng tâm sự rằng anh đã mất nhiều ngày để thuyết phục bà xã lên sân khấu nhưng đều bất thành. Trong liveshow lần này, hai vợ chồng nghệ sĩ đã cùng nhau thể hiện ca khúcĐào liễu đầy ăn ý.
Theo tiết lộ của Thu Huyền, ban đầu, cô rất ngại vì không biết hát gì, làm gì trên sân khấu hiện đại mà cô lại là nghệ sĩ chèo. Nhưng nhờ Tấn Minh động viên rằng anh sẽ hát chèo cùng nên cô đã nhận lời. Là một hậu phương vững chắc luôn kề cận bên chồng suốt nhiều năm nay, Thu Huyền không khỏi xúc động khi Tấn Minh đã cố gắng học cách hát chèo. Đó là điều không đơn giản với một ca sĩ nhạc nhẹ. Dù vậy, giọng ca truyền cảm, phong thái điềm tĩnh của Tấn Minh kết hợp với vẻ lúng liếng, lẳng lơ của nghệ sĩ đã “đóng đinh” qua vai diễn Thị Màu đã làm nên một tiết mục khó quên trong đêm nhạc.
Bên cạnh việc hát chèo cùng vợ, Tấn Minh coi dòng nhạc dân gian đương đại là một phần thử thách trong liveshow bởi anh ít khi hát theo phong cách này. Trước đây, giọng ca thành Nam từng thu âm ca khúc Còn ngày dài, còn tình đầy (Quốc Bảo) trong album đầu tay. Nhưng anh cất lại cho riêng mình và để tới tận bây giờ mới mang ra trình diễn trước hàng ngàn khán giả. “Có người nhớ, có người quên, nhưng đây lại là ca khúc tôi thích nhất trong CD đầu tiên của mình”.
Với Tấn Minh, dân gian đương đại như một góc nhỏ trong âm nhạc của anh mà ở đó, anh tự do thể hiện cá tính khác biệt, xen lẫn giữa những chuẩn mực, khuôn thước của nhạc nhẹ mà anh theo đuổi bấy lâu. Các ca khúc mang âm hưởng dân gian như Một thoáng Tây Hồ, Mái đình làng biển cũng góp phần làm nên một Tấn Minh đa chiều hơn và không kém phần mới lạ với những bản phối pha chút jazz hoặc nhạc điện tử do nhạc sĩ Hồng Kiên thực hiện.
Nam ca sĩ sinh năm 1972 lần đầu song ca cùng vợ trên sân khấu trong một ca khúc chèo.
Video đang HOT
Trở về với dòng nhạc nhẹ sở trường của mình, Tấn Minh khẳng định giọng ca hàng đầu và đẳng cấp không đổi theo thời gian. Những ca khúc quen thuộc ghi dấu ấn với giọng ca của Tấn Minh lần lượt được anh biểu diễn trên sân khấu: Bức thư tình đầu tiên, Phượng hồng, Mối tình đầu, Những mùa đông yêu dấu… Sau hàng chục năm, anh hát lại Phượng hồng, Mối tình đầu thuở nào với xúc cảm vẹn nguyên, vẫn mộc mạc, chân thành nhưng nay đã trưởng thành hơn. Ngoài ra, giọng ca Tấn Minh còn được đánh giá cao với nhạc Phú Quang, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… Từ tình cảm biết ơn gửi tới đấng sinh thành trong ca khúc Mẹ của Phú Quang, cho tới chất trữ tình, tự sự với Tôi ru em ngủ (Trịnh Công Sơn), Kiếp nào có yêu nhau (Phạm Duy), đến cả ca khúc mà anh chưa từng thể hiện như Buồn ơi chào mi (Nguyễn Ánh 9), đều được khán giả vỗ tay không ngớt.
Hà Nội trong Tấn Minh cũng lại là một góc khác để anh nhắc tới thân thương như một quê hương thứ hai của mình. Nơi đây đã in dấu những bước đường trưởng thành của anh trong những năm tháng đầu tiên lập nghiệp, đến cả hiện tại, khi anh đã có một tên tuổi vững chắc trong làng nhạc cùng một mái ấm hạnh phúc và viên mãn. Đó có thể là Hà Nội của “Những ngày tôi lang thang/ Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội/ Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi/ Mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi…” (Hà Nội và tôi – Lê Vinh), hoặc những ấn tượng khác về “Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội/ Những con đường ngoại ô nắng chói/ Những con đường đầy hoa tháng sáu hè rơi…” (Mong về Hà Nội – Dương Thụ).
Trong liveshow, Tấn Minh ôn lại kỷ niệm xưa cùng người bạn thân là ca sĩ Mỹ Linh. Nổi tiếng cùng thời, nhưng hai người dường như ở hai thái cực hoàn toàn khác. Khi một người nỗ lực bứt phá, làm mới mình để bước lên hàng diva nhạc Việt, còn một người lại chọn con đường nổi tiếng chậm rãi, bình thản như một cách chấp nhận lẽ tự nhiên. Mỹ Linh nhớ lại hồi mới đi hát cùng Tấn Minh, cả hai đã cùng nhau chia sẻ từng đồng bạc nhỏ, lúc đó, cát-xê chỉ được 8.000 đồng đủ để ăn hai bát phở. Hơn 20 năm trôi qua, hai giọng ca hàng đầu của làng nhạc Việt đứng trên sân khấu song ca mùi mẫn những bản tình ca như Mong anh về (Dương Cầm), Vẫn mãi mong chờ (Anh Quân).
Tấn Minh song ca tình tứ cùng khách mời đặc biệt của chương trình – diva Mỹ Linh.
Chặng đường âm nhạc hơn 20 năm được Tấn Minh gói gọn trong hơn 2 tiếng, làm thỏa mãn khán giả với những cảm xúc lãng mạn của một thờiPhượng hồng đến cả bất ngờ mà nhiều người từng kỳ vọng ở liveshow lần này. Còn với nam ca sĩ sinh năm 1972, hạnh phúc với anh cũng đã vẹn tròn.
Trên con đường nghệ thuật anh đã chọn, có thể một số người cho rằng anh chưa thực sự thành công khi chưa đi đến đỉnh cao. Nhưng thành công là một khái niệm trừu tượng, với một người gần như “đứng ngoài showbiz” như cách Mỹ Linh nói, thì được sống hết mình với âm nhạc cũng đã là một điều tuyệt vời. “Tôi muốn được là chính tôi, được làm việc gì mình thích nhất mà không phải phụ thuộc vào bất kể người nào. Tôi chưa phải làm một điều gì tôi không thích trong âm nhạc. Xét như thế tôi có thể tự tin mình là người hạnh phúc nhất, âm nhạc không đem đến cho tôi cái nọ cái kia nhưng những nhu cầu đích đáng thì không có gì là không có. Như vậy tôi là người hạnh phúc đúng không?”, nam ca sĩ trải lòng.
Theo Zing
Tấn Minh chạnh lòng khi con hỏi 'tối bố có đi làm không'
Tấn Minh chưa bao giờ bị gia đình than phiền về trách nhiệm và tình cảm.
Vợ lùi cho chồng tiến
- Anh đảm nhiệm vai trò Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã được một thời gian. Hẳn là cá nhân anh đã phải hy sinh những show diễn ở bên ngoài rất nhiều?
- Tôi từ chối nhiều chứ. Đó cũng là một sự hy sinh đấy. Trong 2 năm vừa rồi, tôi hủy ít nhất 4 show ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi như thế là hàng trăm triệu đồng rồi. Nhưng tôi ở lại để tập trung cho nhà hát đi vào quy củ, ổn định. Muốn sốc lại tinh thần anh em thì cá nhân tôi phải làm gương trước đã, chứ cũng đi suốt nữa thì nói làm gì. Thay vì đi xa như trước đây, giờ tôi chỉ chọn những show quanh Hà Nội hoặc TP.HCM thôi.
- Chính vì thế mà ca sĩ Trọng Tấn đã có lựa chọn bỏ công việc nhà nước để được tập trung cho công việc biểu diễn. Trong khi đó, anh lại làm ngược lại?
- Đời sống thì ai cũng cần tiền cả, tôi cũng thế thôi. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, tôi không coi nặng chuyện kiếm tiền nhiều nữa. Người nghệ sĩ làm nghề đích thực, toàn tâm toàn ý với nghệ thuật thì không bao giờ giàu được. Nói như thế không có nghĩa là mình xoay sang làm quản lý là để kiếm tiền. Tôi luôn có suy nghĩ rằng, cơm không ăn gạo còn đó. Thay vì chúng ta lấy một lúc thì rải ra, không đi diễn lúc này, họ sẽ mời mình lúc khác. Đương nhiên là cũng không được để cho mình nghèo. Vẫn phải kiếm tiền nuôi vợ nuôi con cho đúng trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình, nhưng chất lượng sống mới là điều quan trọng.
Ca sĩ Tấn Minh.
- Có câu nói "Đằng sau một người chồng làm sếp là một người vợ làm ô sin". Ý nói, mọi việc trong nhà đều do người phụ nữ đảm nhiệm. Anh thấy câu này ứng thế nào ở gia đình mình?
- Đúng là từ khi lên làm lãnh đạo thì tôi ít thời gian cho gia đình hơn. Dù không nói ra nhưng tôi biết Thu Huyền đã lùi lại một bước cho chồng tiến lên. Tôi biết ơn và xúc động về điều đó. Nhưng vợ và các con chưa bao giờ than phiền là thiếu thốn tình cảm của bố vì tôi học được cách sắp xếp thời gian cho khoa học hơn, cân đối hơn. Vợ chồng vẫn có thời gian đi thư giãn, con cái vẫn được đi chơi cùng bố mẹ. Tuy nhiên, cũng có lúc tôi chạnh lòng khi nghe con hỏi: "Bố ơi, tối nay bố có đi làm không?". Ngay lập tức tôi ôm con vào lòng vỗ về. Và trong khoảng thời gian ít ỏi của buổi chiều, tôi bù đắp bằng cách chơi với con, trò chuyện, hỏi han để con hiểu công việc của bố. Nếu về sớm được thì tôi sẽ vào nằm cùng cho đến khi con chìm vào giấc ngủ, sáng vẫn đưa con đến trường...
- Vậy sao trong liveshow tới đây của anh, nghệ sĩ Thu Huyền lại từ chối tham gia. Phải chăng vì dòng nhạc của hai người khác nhau hay vì nguyên nhân nào khác?
- Lúc đầu tôi mời tham gia cùng thì cô ấy từ chối, còn bây giờ được nhiều người thuyết phục nên chưa biết kết quả ra sao. Có một chút riêng tư dẫn đến sự ngập ngừng này là Huyền muốn ngồi xem thật trọn vẹn show diễn của chồng như một khán giả, một người thân. Ngoài ra, tôi biết Huyền ngại xuất hiện, không muốn bị hiểu nhầm rằng vợ hát chỉ để tạo chiêu trò cho show diễn của chồng. Nếu có xuất hiện thì cũng phải rất tự nhiên, mộc mạc thôi...
Không bao giờ sai khiến nhau làm việc nhà
- Vừa làm quản lý, vừa làm nghệ sĩ biểu diễn, lại vẫn phải chu toàn việc nhà. Có khi nào anh cảm thấy quá tải?
- Cũng có lúc về nhà mệt mỏi, tôi muốn thả lỏng hết tất cả để được nghỉ ngơi, không phải làm gì nữa và tôi tin là Huyền sẽ không phàn nàn gì điều đó. Chuyển hết gánh nặng cho người phụ nữ thì mình sẽ được nhàn thân đấy, nhưng lòng tự trọng của người đàn ông không cho phép mình làm như thế. Gọi là làm nhưng thực ra là lăng xăng một tí cho gia đình có không khí, con cái ríu rít xung quanh, thấy mỏi mệt cũng như tan biến đi hết.
Gia đình hạnh phúc của Tấn Minh.
- Hình như đàn ông bị sai khiến làm việc nhà thì rất hay phản kháng, trốn tránh?
- Chuẩn đấy. Cho nên trong nhà tôi không bao giờ có chuyện sai khiến, kể cả con cái. Ví dụ cần lấy cái gì đó thì cũng sẽ nói: "Con ơi, bố nhờ chút", "Con lấy hộ bố cái này, cái kia...". Từ đứa trẻ con còn như vậy huống hồ là vợ chồng với nhau. Bao giờ cũng là "Anh ơi, làm giúp em cái này nhé", nên văn hóa ấy cũng lây sang các con. Cũng là một cách nói, nhưng nó làm cho mình thấy dễ chịu và hứng thú hơn khi làm việc. Còn đương nhiên là với những chuyện lớn thì vợ chồng phải bàn bạc để đi đến thống nhất chứ không còn là "nhờ vả" nữa.
- Có lần anh nói: "Gia đình tôi không bao giờ có chuyện cãi nhau". Nhưng có người cho rằng, không cãi nhau bao giờ cũng là một dạng bi kịch. Anh thấy sao về nhận định này?
- Trên lý thuyết là như thế. Không cãi nhau cũng chưa hẳn đã hay và cãi nhau cũng vậy. Cái gì cũng có hai mặt. Tranh luận thì có nhưng cãi nhau thì không, đơn giản vì chúng tôi đủ hiểu biết để thấy thế nào là đúng - sai. Đó là chưa kể đến việc trong gia đình tôi có một nguyên tắc, khi một người to tiếng thì người kia tự động nhịn đi. Nó đã thành một thói quen. Chúng ta chỉ sai khi bị mất kiểm soát, mất bình tĩnh, nhưng gia đình tôi luôn chủ động tránh đi khi một người to tiếng, cho nên cãi nhau là không bao giờ xảy ra.
- Qua trường hợp của anh, hình như câu nói "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" dường như không còn chính xác nữa?
- Câu nói đó ngày xưa thì đúng, nhưng trong xã hội hiện đại lại chưa đủ. Phải là hai ngọn lửa thì mới ấm được. Phụ nữ giữ lửa cho gia đình thì đàn ông là lửa của phụ nữ. Có qua có lại, chăm sóc lẫn nhau mới điều hòa được cuộc sống.
Theo Thanh Hà / Gia Đình & Xã Hội
Tấn Minh: Tôi có thể mua cho vợ cái túi mấy ngàn đô... "Tôi có thể mua cho vợ cái túi mấy ngàn đô nhưng mua cho mình cái ví 500 đô thì lại đắn đo mãi", Tấn Minh chia sẻ. Sau 20 năm đi hát, ca sĩ Tấn Minh mới có một liveshow cho riêng mình vào ngày 16/11 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Trước ngày liveshow diễn ra, Tấn Minh...