Tận mắt chiêm ngưỡng làng nhà sàn đá đặc biệt nơi biên cương Cao Bằng
Xây dựng cách đây hơn 400 năm, những nhà sàn đá của người Tày ở làng Khuổi Ky bình yên bên bờ suối, lọt thỏm dưới những dãy núi nơi biên ải Tổ quốc.
Nằm giữa 2 điểm du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, vẻ đẹp của làng nhà sàn đá Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) khiến du khách mãn nhãn về kiến trúc, thêm hiểu về văn hóa và bề dày lịch sử hàng trăm năm hình thành.
Theo các bậc cao niên trong làng, bà con dân tộc Tày ở đây có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi khởi nguồn của sự sống đều từ đá và quan niệm rằng “con người sinh ra từ đá, khi mất sẽ hóa đá”.
Bản làng Khuổi Ky bình yên giữa núi rừng Đông Bắc
Với người dân nơi đây, đá thiêng liêng như một vị thần che chở, bao bọc và giúp họ sinh tồn qua nhiều thế hệ. Tín ngưỡng ấy đã hiện thực vào những ngôi nhà sàn, bức tường rào hay nền sân đều được làm bằng đá gắn với đời sống của người dân qua nhiều thế hệ.
Từ trên cao nhìn xuống, ngôi làng trải rộng khoảng 1ha, với 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky.
Sự xuất hiện của nhà sàn đá như điểm tô vào bức tranh núi rừng nét chấm phá độc đáo, lôi cuốn, sơn thủy hữu tình.
Hình thành cách đây hơn 400 năm, làng đá Khuổi Ky vẫn bình yên, chiều về, những bếp củi được dân bản thổi lên, khói hun lên sưởi ấm một góc núi rừng Đông Bắc.
Ngôi làng có 14 nhà đá cổ trên diện tích khoảng 1ha
Anh Sỹ (40 tuổi), chủ một nhà sàn đá ở Khuổi Ky tâm sự, từ tấm bé, trong tâm trí và hành động, anh luôn nhớ tới việc gìn giữ nét đẹp truyền thống về nhà sàn đá mà các thế hệ đi trước truyền lại.
“Lịch sử hình thành ngôi nhà đến các bước xây dựng, ý nghĩa thiêng liêng của đá, tôi thấm nhuần qua những câu chuyện của ông cha. Rồi khi con tôi dần lớn, tôi lại nhắc nhớ con về truyền thống ấy”, anh Sỹ nói.
Đá gắn liền với đời sống tín ngưỡng của người Tày nơi đây
Theo anh Sỹ, những nhà sàn đá ở đây thường được người dân chọn lựa kĩ lưỡng về vị trí. Đa phần đều có nét chung là tựa lưng vào núi, phía trước mặt là cảnh sắc khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn, ổn định cuộc sống lâu dài.
Nhà sàn đá được thiết kế có 2 mái, lợp bằng ngói âm dương. Đi qua những chiếc cổng bằng đá được trang trí bằng những chậu hoa rừng, bước lên từng bậc thang đá, nội thất căn nhà xuất hiện với những cột gỗ thẳng hàng, trần và sàn nhà đều được làm bằng gỗ.
Nhà sàn đá thường cao khoảng 8m, có 3 gian. Ở giữa nhà, ban thờ tổ tiên được đặt trang trọng với sự tôn kính. Dọc theo những xà nhà, từng bó lúa khô còn trĩu hạt được người dân trang trí đẹp mắt sau những vụ mùa bội thu, no đủ.
Làng đá Khuổi Ky có vị trí đắc địa, sơn thủy hữu tình
Với sự phát triển mạnh mẽ và đầu tư cho du lịch cộng đồng, hiện nay người dân làng Khuổi Ky phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, từng đợt khách du lịch ghé thăm được trải nghiệm sinh hoạt theo văn hóa người Tày trong nhà sàn đá.
Vẻ đẹp, nét cổ kính và lòng hiếu khách của người dân truyền tai từ người này đến người khác, hàng trăm lượt khách đã tìm đến Khuổi Ky để khám phá và trải nghiệm, từ đây, nguồn thu dịch vụ du lịch giúp đời sống của người dân thêm no đủ.
Với sự vào cuộc hỗ trợ, tuyên truyền của Sở VHTT&DL Cao Bằng, nhiều người dân nhận thức rất rõ về trách nhiệm gìn giữ văn hóa, bảo tồn những nếp nhà đá có lịch sử hàng trăm năm.
Những tường bao được xếp khéo léo từ những viên đá lớn, nhỏ
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở VHTT&DL cho VietNamNet biết, làng Khuổi Ky đã được Bộ VHTT&DL công nhận là làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người.
“Trong vùng di sản công viên địa chất non nước Cao Bằng, làng Khuổi Ky được tỉnh xác định là một trong những điểm trọng tâm.
Sở đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản cho bà con. Một số tổ chức đã đến hướng dẫn triển khai du lịch cộng đồng như mở các homestay. Nhiều homestay đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả bước đầu”, ông An tự hào.
Căn nhà được làm chủ yếu từ gỗ
Những bó lúa trĩu hạt được người dân bày trí trong nhà
Nụ cười hồn hậu của người dân làng Khuổi Ky mỗi khi có khách ghé thăm
Những nóc nhà hòa hợp với núi rừng Đông Bắc
Nét cổ kính của nhà đá sau hàng trăm năm
Người dân sinh hoạt trong những căn nhà đá cổ
Từ lối đi, tường bao hay các vật dụng nhỏ của người dân đa phần được làm từ đá
Làng tựa lưng vào núi, mặt hướng ra dòng suối Khuổi Ky chảy thì thầm
Du khách có thể trải nghiệm tắm suối, sinh hoạt trong nhà đá và nếm những món ăn đậm chất núi rừng
Đoàn Bổng
Theo vietnamnet.vn
Có một Việt Nam đẹp đến nao lòng qua góc máy P30 Pro
Đi dọc Việt Nam từ cao nguyên nơi địa đầu Tổ quốc đến miền biển xanh sóng vỗ rì rào, những bức ảnh chụp bằng Huawei P30 Pro đã vẽ nên bức tranh du lịch đa sắc màu và đầy cuốn hút.
Hà Giang, Đà Lạt - nét thơ của núi rừng
Với hơn 3/4 diện tích là đồi núi, Việt Nam trở thành cái tên hấp dẫn cho tín đồ xê dịch - những người khao khát chinh phục độ cao hay chỉ đơn giản là muốn hòa mình vào thiên nhiên và tự thưởng cho mình đôi phút "sống chậm". Ở hai miền của đất nước, mang những nét đẹp khác nhau nhưng Hà Giang, Đà Lạt đều là điểm dừng chân không thể bỏ lỡ. Nếu thiên nhiên ưu ái cho núi rừng Đông Bắc cảnh sắc đổi khác suốt 4 mùa, từ sương phủ trắng trời khi đông giá đến mây trắng bồng bềnh khi hạ sang, thì Đà Lạt lại nồng nàn chất thơ với những rừng thông xanh, đồi cỏ hồng trải dài hút tầm mắt. Tất cả được ghi lại trọn vẹn qua lăng kính của Huawei P30 Pro cùng hai nhiếp ảnh gia Antondat, Nguyễn Khánh. Với hệ thống 4 camera Leica, bao gồm một camera chính 40 MP có cảm biến Huawei SuperSpectrum, một camera 20 MP chụp góc siêu rộng, một camera 8 MP có ống kính tele, một camera có cảm biến Huawei TOF, những giới hạn khi chụp ảnh, quay phim với điện thoại trong điều kiện thiếu sáng dường như được phá bỏ hoàn toàn.
Phố cổ Hội An - nơi thời gian ngưng đọng
Không biết ai đã đặt tên cho dải đất bên sông Thu Bồn là Hội An, nhưng những ai từng đặt chân đến đây ắt hẳn đều cảm nhận được hai nét đẹp đối lập mà song hành: Tấp nập như hội nhưng lại rất an yên. Đêm xuống, khi dòng người tham quan đã vãn, phố "hội" trở lại khung cảnh bình yên đẹp đến nao lòng. Nhưng để lưu giữ khoảnh khắc này lại không hề đơn giản. Theo nhiếp ảnh gia Tannobi, trong bối cảnh này, nếu là máy chuyên nghiệp thì dù có chân máy, người trong ảnh vẫn sẽ bị nhòe. Nhưng với chiếc điện thoại Huawei P30 Pro, bạn chỉ cần đứng trên bờ sông, cầm máy bằng tay mà vẫn có thể thu về những bức ảnh rất đẹp và rõ nét. Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Antondat lại như bị cuốn theo những con người nồng hậu của mảnh đất di sản. Bằng chế độ chụp chân dung có hỗ trợ AI và tính năng portrait trên P30 Pro, ánh mắt trìu mến, nụ cười nhân hậu của người dân trở nên gần gũi, chân thực hơn bao giờ hết. Cũng với chiếc smartphone này, bạn có thể sử dụng tính năng zoom 50x để ghi lại những hình ảnh tưởng như không thể, đơn cử như kiến trúc đặc sắc của mái Chùa Cầu hay ván cờ dưới ánh đèn dầu leo lét.
Ninh Thuận - bản hòa tấu đặc sắc của thiên nhiên và con người
Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ xa xôi, nếu khí hậu Ninh Thuận khiến người ta e dè khi đặt chân tới thì bù lại cảnh sắc nơi đây lại khiến du khách khó lòng rời đi. Đồi cát Nam Cương trải dài, uốn lượn như dải lụa; vịnh Vĩnh Hy xanh mướt màu ngọc lam hay những cô gái Chăm rộn rã vui đùa dưới nước... không chỉ biến Ninh Thuận thành điểm đến hấp dẫn mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho hàng trăm tác phẩm nghệ thuật. Để chụp ảnh ở đồi cát Nam Cương, nhiếp ảnh gia Tannobi phải dậy từ lúc 4h sáng cho kịp ánh bình minh, bởi chỉ cần trễ một chút, ánh nắng gắt nơi đây chắc chắn sẽ khiến mọi tay săn ảnh phải bỏ cuộc. Nhưng khi chụp các cô gái người Chăm, mọi thứ lại trở nên dễ dàng hơn, một phần bởi sự dạn dĩ của chính họ, phần khác nhờ có người bạn đồng hành P30 Pro. Với những bức ảnh chụp người, người dùng chỉ cần chọn chế độ portrait, camera TOF của thiết bị sẽ tự đo lường và làm việc để cho ra bức ảnh xóa phông tự nhiên nhất. Bên cạnh đó, các tính năng của điện thoại này cũng có thể làm mịn da, tạo hiệu ứng trái tim với các tia nắng mà nó bắt được khi mình chụp ngược sáng... giúp người dùng không cần chỉnh sửa hay sử dụng ứng dụng thứ 3.
Ảnh: Nguyễn Khánh, Antondat, Tannobi
Theo zing