Tản mạn về Android: “Đóng hay mở” (Phần 1)
Đằng sau những lời quảng cáo về bản chất mở của hệ điều hành Android là 1 câu chuyện rất khác và cũng rất thú vị: câu chuyện về Android dưới góc nhìn của nhà sản xuất thiết bị. Tương lai nào đang chờ chú robot xanh?
Đối với những ai đang sở hữu 1 chiếc smartphone chạy Android và thường xuyên tham gia vào việc tranh luận giữa các ifan với Android fan thì việc Android là 1 hệ điều hành “mở” có lẽ là 1 trong những luận điểm chính thường được những đối tượng này lôi ra để “đàn áp” ifan. Dù rằng sự thực là qua sự tiếp xúc với rất nhiều người từng đem cái sự “mở” của Android ra để tranh luận với ifan, tôi thấy đa phần trong số họ không thực sự hiểu về chữ “mở” của Android.
Trong những cuộc tranh luận dai dẳng giữa fan Apple và fan Android, bản chất mở của Android luôn là thứ vũ khí yêu thích của “phe” Android.
Nhân dịp HTC và các hãng sản xuất điện thoại như Motorola, Sony Ericsson đồng loạt có những động thái “xuống thang” trước yêu sách của người sử dụng đòi hỏi những cơ chế thoáng hơn trong việc quản lý thiết bị chạy Android do các hãng này sản xuất. Chúng tôi xin được giới thiệu đến bạn đọc một góc nhìn rất khác bàn về bản chất mở của Android, từ góc độ nhà sản xuất thiết bị.
Google “mở” nhưng nhà sản xuất lại “đóng”
Android là 1 hệ điều hành mã nguồn mở, điều này không có gì cần bàn cãi. Mỗi khi có phiên bản Android mới ra mắt, Google đều đăng tải mã nguồn của hệ điều hành này trên trang thông tin dự án của mình. Có mã nguồn của Android trong tay, các lập trình viên có thể chỉnh sửa hệ điều hành này “thêm mắm dặm muối” để cải thiện hiệu năng, sửa lỗi và thậm chí là đưa ra 1 phiên bản Android mới hoàn toàn cho riêng mình. Hệ điều hành mã nguồn mở có lợi ích cụ thể nhất đó là tập trung được sức mạnh của cộng đồng vào công việc phát triển và hoàn thiện bản thân nó.
Một ví dụ cụ thể nhất về lợi ích của việc Android mở mã nguồn đó là CynogenMod. Nếu bạn sở hữu 1 chiếc smartphone và là người thích vọc, thì có lẽ bạn đã ít nhất 1 lần nghe đến cái tên này. CynogenMod là 1 trong những custom ROM nổi tiếng nhất của Android. Nói 1 cách dễ hiểu, nó là 1 phiên bản Android do nhóm lập trình viên hoạt động hoàn toàn độc lập với Google tạo nên. Và CynogenMod được cho là hoạt động nhanh, mượt mà, ổn định và tiết kiệm pin hơn hẳn phiên bản Android gốc.
CynogenMod, 1 ví dụ điển hình về lợi thế nguồn mở của Android: Có thể tận dụng được trí tuệ của số đông.
Video đang HOT
Chính vì ưu thế này của Android so với những hệ điều hành nguồn đóng, bị kiểm soát và phát triển bởi 1 chủ thể duy nhất (như iOS chẳng hạn), người sử dụng luôn coi tính “mở” của Android là vũ khí tối hậu trong mọi cuộc tranh luận.
Thế nhưng câu chuyện của chúng ta không chỉ đơn giản như thế. Android là 1 hệ điều hành mở, nhưng những thiết bị chạy Android thì vẫn là những thiết bị đóng. Về 1 phương diện nào đó, chiếc HTC Desire HD của bạn cũng là 1 thiết bị “đóng” chẳng khác gì iPhone.
Apple từng bị chỉ trích vì quản lý quá chặt iOS của mình. Nhưng còn Android hóa ra cũng không khá khẩm hơn là bao?
Nguyên nhân của chuyện ngược đời này xuất phát từ phía các nhà sản xuất điện thoại như HTC, Motorola, LG, Samsung…
Ngay từ thời kỳ đầu của smartphone, trong kỉ nguyên Windows Mobile còn đang thịnh hành, các nhà sản xuất đã có nhu cầu kiểm soát thiết bị của mình 1 cách chặt chẽ. Không một nhà sản xuất nào muốn người sử dụng có thể “chọc ngoáy” phần mềm của thiết bị do mình sản xuất, vì việc chỉnh sửa hệ điều hành trên các smartphone không đơn giản như việc bạn cài lại Windows cho chiếc máy tính hay laptop của mình, chỉnh sửa hệ điều hành nhà sản xuất cài sẵn trên smartphone có thể đem lại rất nhiều phiền toái cho người sử dụng. Nhất là với những ai thiếu kinh nghiệm (hoặc đơn giản là không chịu… đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng), việc cài đặt các bản custom ROM trên điện thoại có thể gây hỏng hóc, trục trặc hoặc hoạt động thiếu ổn định trên thiết bị đó.
Và khi có sự cố trên thiết bị, nhà sản xuất thường là phía phải “giơ đầu chịu báng”. Sau vài kinh nghiệm đau thương, các nhà sản xuất hè nhau tìm cách kiểm soát chặt hơn thiết bị của mình để ngăn không cho người sử dụng chỉnh sửa hệ điều hành của thiết bị, tránh những phiền toái cho cả người sử dụng lẫn nhà sản xuất. Thậm chí hầu như tất cả các nhà sản xuất còn đi xa hơn trong việc cấm đoán này bằng cách nêu rõ trong điều khoản dịch vụ rằng: “Đã flash custom ROM thì không bảo hành, muốn được bảo hành thì đừng có “nghịch” với ROM của máy”
Ngứa chân ngứa tay mà nghịch ROM của máy có thể biến chiếc smartphone bóng bẩy của bạn thành một cái chặn giấy giá đắt.
Và 1 trong những phương thức kiểm soát mà các nhà sản xuất rất ưa chuộng đó là khóa bootloader. Bootloader là 1 phần mềm được nạp sẵn trong thiết bị. Bất kỳ 1 thứ máy móc nào có hệ điều hành thì đều có bootloader, ở dạng này hay dạng khác mà thôi. Nói thế có nghĩa là chiếc máy tính mà bạn đang sử dụng chạy Windows cũng có bootloader, chiếc iPod Touch bạn dùng nghe nhạc chạy iOS cũng có bootloader và chiếc smartphone chạy Android của bạn tất nhiên cũng có bootloader.
Vì là phần mềm khởi động đầu tiên khi bạn bấm nút nguồn, bootloader có nhiệm vụ kiểm soát những phần mềm sẽ chạy sau nó, mà ở đây là hệ điều hành của smartphone. Khi hệ điều hành trên máy không khớp với nhận dạng của bootloader, máy sẽ không thể khởi động được. Và đây chính là cách mà các nhà sản xuất kiểm soát thiết bị của mình khi xuất xưởng: Họ khóa bootloader của máy để tránh việc các “vọc sĩ” táy máy với hệ điều hành cài sẵn.
Nếu máy bị khóa bootloader, dù Android “mở” người sử dụng cũng không được tận hưởng tự do.
Trở lại với câu chuyện lịch sử của smartphone, vào thời kì WinMo, các nhà sản xuất đã tìm cách khóa bootloader của máy khi xuất xưởng. Và các “vọc sĩ” thì tìm trăm phương ngàn kế để mở bootloader ngõ hầu chỉnh sửa hệ điều hành của máy. Một số nhà sản xuất như HTC được coi là khá thân thiện với các “vọc sĩ” đã chọn cách làm “mắt nhắm mắt mở”.
Sensation, chiếc smartphone từng khiến fan của HTC thót tim vì qui chế quản lý bootloader chặt chẽ bất thường.
Có nghĩa là tuy họ khóa bootloader nhưng vẫn chừa ra 1 “cửa” để mở khóa nó, và những ai đủ khả năng khai thác lỗ hổng này thì thường cũng có kinh nghiệm kha khá và sẽ giảm thiểu nguy cơ hỏng hóc trong quá trình vọc máy. Bản chất của WinMo là 1 hệ điều hành mã nguồn đóng và các lập trình viên thường chỉ có thể chỉnh sửa WinMo ở 1 mức độ rất giới hạn mà thôi. Vì thế nhu cầu của việc flash custom ROM đối với các smartphone chạy WinMo thực sự cũng không lớn cho lắm.
Và cứ thế, các nhà sản xuất smartphone chơi trò cút bắt với các lập trình viên suốt thời kỳ đầu của smartphone. Việc flash custom ROM trở thành chuyện ai cũng biết nhưng không ai nói ra, và cũng chẳng ai muốn làm quyết liệt để tiêu diệt cộng đồng vọc sĩ.
Android, kẻ thay đổi luật chơi
Thế nhưng Android ra đời và thay đổi câu chuyện hoàn toàn. Với bản chất là 1 hệ điều hành mở, những lợi ích mà người sử dụng có được từ việc tùy biến Android vượt xa các hệ điều hành nguồn đóng trước đó. Flash custom ROM trên chiếc smartphone chạy Android của mình và bạn sẽ được trao quyền kiểm soát hoàn toàn chú dế của mình, bạn có thể “ép” nó chạy nhanh hơn, làm được nhiều việc mà trước đây nó không thể, hoạt động tiết kiệm pin hơn…
Sự ra đời của Android đã khiến việc flash custom ROM trở thành 1 nhu cầu thiết yếu của người sử dụng. Giờ đây, không chỉ có những vọc sĩ đam mê Android mới có nhu cầu flash custom ROM, mà cả những người sử dụng thông thường cũng cảm thấy sức ép khiến họ muốn sử dụng ROM do cộng đồng lập trình viên “chế” ra.
Và rõ ràng là các nhà sản xuất chẳng thích thú gì với việc người sử dụng có được nhiều lợi ích hơn khi chỉnh sửa hệ điều hành đi kèm theo máy. Nhiều lợi ích hơn có nghĩa là sẽ nhiều người muốn thực hiện hơn, và dẫn đến là nhiều phiền toái hơn cho nhà sản xuất. Tất cả dẫn đến 1 hệ quả ngược đời: Android càng “mở” thì phía các hãng sản xuất thiết bị càng nỗ lực hơn trong việc tìm cách “đóng” thiết bị của mình. Cuối cùng mớ bòng bong “Mở- đóng” và trò chơi ú tim giữa các vọc sĩ với nhà sản xuất đã khiến các smartphone chạy Android cũng bị kiểm soát chặt chẽ chẳng thua gì những người đồng nghiệp trên nền iOS, bất chấp bản chất rất “thoáng” của Android.
Bắt đầu với Motorola
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu với 1 Motorola. Giữa 2010, khi chiếc Droid X ra đời, nhiều vọc sĩ cảm thấy bị shock khi phát hiện ra bootloader của chiếc smartphone này không những bị “canh gác” rất chặt chẽ, mà Motorola còn tiến thêm 1 bước xa hơn bằng việc tích hợp vào trong Droid X 1 công nghệ mang tên eFuse. eFuse được IBM phát triển cách đó 1 vài năm, và có khả năng “nướng” cháy bo mạch của thiết bị điện tử mà nó thường trú bằng cách tăng đột ngột hiệu điện thế. eFuse được IBM tạo ra với mục đích bảo đảm an toàn dữ liệu cho các thiết bị nhạy cảm, thử tưởng tượng bạn để mất 1 chiếc laptop có chứa dữ liệu cưc kỳ quan trọng mà bạn không muốn ai xem được, chỉ với 1 tin nhắn để kích hoạt eFuse, bạn có thể “giết” chiếc laptop của mình từ xa để tránh tình huống nó bị kẻ xấu lợi dụng.
Droid X, thành trì đầu tiên sụp đổ trước làn sóng dư luận
Và Motorola sử dụng eFuse để bảo vệ bootloader của Droid X. Bất kỳ “vọc sĩ” nào có ý định hack bootloader của máy hoặc flash custom ROM trên Droid X đều sẽ kích hoạt eFuse. Kết quả là bạn sẽ có được 1 cục chặn giấy đắt tiền ngay sau đó. Việc Motorola sử dụng “hàng nặng” eFuse khiến khách hàng của hãng này thực sự phẫn nộ: ngay cả “tên độc tài” Apple cũng không dùng vũ lực như vậy với các vọc sĩ.
Tất nhiên ở đâu có áp bức, ở đó có phản kháng. Các “vọc sĩ” không cam chịu số phận thậm chí còn thành lập cả 1 cuộc vận động chữ kí phản đối việc Motorola ngăn sông cấm chợ trên Droid X. Cuộc vận động này nhận được trên 10 nghìn chữ ký ủng hộ. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, làn sóng đòi tự do của những người sử dụng Droid X cũng liên tục lên cao, và tiếng bất ném đi, tiếng chì ném lại. Trên 1 video ở Youtube, 1 nhân viên của Motorola đã phát biểu những câu rất khó chấp nhận: “Nếu bạn thích vọc, hãy mua máy của hãng khác, chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi chính sách hiện tại, xin cám ơn!”.
Phát biểu thiếu trách nhiệm này của nhân viên Motorola đã là giọt nước làm tràn ly, và trở thành tâm điểm cho sự chế giễu của cộng đồng người sử dụng. Cuối cùng sự phản đối này mãnh liệt đến mức tháng 4 năm nay, Motorola phải chính thức xin lỗi người sử dụng về phát biểu của nhân viên đó, đồng thời hứa hẹn rằng sẽ mở cửa bootloader cho các vọc sĩ và cuối năm 2011. Sự kiện này của Motorola đã chứng tỏ với người sử dụng rằng các hãng sản xuất phải “sợ” người sử dụng, và nếu biết cách gây áp lực hợp lý, người sử dụng hoàn toàn có thể khiến yêu sách của mình được thỏa mãn.
Và cuộc “thánh chiến” của người sử dụng để giành lại tự do trong việc tùy biến thiết bị chạy Android của mình không dừng lại ở Motorola mà còn lan ra các hãng khác với những diễn biến mới mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần sau của bài viết.
Theo Bưu Điện VN