Tản mạn cung đường đẹp ở An Giang
Là địa phương nằm ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, với sự kết hợp giữa dãy Thất Sơn hùng vĩ gắn với những cánh đồng uốn lượn tạo cho An Giang phong cảnh tuyệt vời, với những cung đường đẹp đến ngỡ ngàng, khiến một lần đi ngang qua phải xao xuyến.
“Cổng trời An Giang”
Chính là cổng vào của ngôi chùa Khmer Koh Kas thuộc ấp An Hòa (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Được du khách đặt cái tên mang đậm nét thiêng liêng, để truyền tai nhau tạo nên điểm đến nổi bật không thể bỏ qua khi đến với vùng đất này. Con đường từ cổng vào ngôi chùa uốn lượn như khúc sông nằm giữa 2 hàng cây xanh trải dài trên mặt ruộng, nối từ cổng vào ngôi chùa như một cây cầu nối vào ốc đảo.
Cổng trời nhìn khá cũ kỹ và nhuốm màu thời gian, nằm cách chùa chính hơn 500m bằng một con đường quanh co. Do nằm một mình giữa không gian bao la cùng với phông màu trầm ấm, kiến trúc mang đậm chất hoài cổ mang phong cách kiến trúc Khmer độc đáo nên chỉ cần chọn góc chụp phù hợp là bạn sẽ có được bức ảnh với nền trời cao, núi non phía xa trông cực kỳ ảo diệu. Người dân địa phương gọi là “Cổng thời gian”. Qua bao thăng trầm mưa nắng, chiếc cổng như một chứng nhân của năm tháng, soi chiếu cảnh vật xung quanh cho đến ngày nay.
Được xây dựng trên nền một khu đất rộng, chùa Koh Kas được bao bọc bởi những hàng cây dầu, cây thốt nốt. Đến đây, bạn đừng quên chuẩn bị những trang phục đẹp để khám phá và sống ảo. Không ít gia đình, nhóm bạn ở khắp nơi rủ nhau tìm đến đây để sưu tầm cho mình một bộ ảnh kỷ niệm khó quên.
Bát ngát “Cung đường vàng”
Video đang HOT
Nếu là người thích khám phá thì khi đến với vùng đất An Giang, ngoài chinh phục các đỉnh núi đều có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh đẹp giữa trời mây khi đi trên con đường giữa cánh đồng lúa bát ngát, mênh mông, tạo cảm xúc thơ mộng khi thả hồn trên tuyến tránh TP. Châu Đốc (Quốc lộ 91). Tuyến đường này dài 13km, bắt đầu từ phường Vĩnh Mỹ và kết thúc ở xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc).
Từ khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông trên đoạn đường Quốc lộ 91 tồn tại nhiều năm, nhất là trong dịp lễ, Tết và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Ngoài việc mang lại lợi ích đối với hệ thống giao thông vận tải của tỉnh, con đường này còn góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển với cảnh quan đẹp giữa những cánh đồng bát ngát và đường sá quanh co. Đồng lúa là hình ảnh thân quen, gần gũi, tượng trưng cho làng quê Việt. Hai yếu tố, một hiện đại, một truyền thống, tưởng chừng xa cách lại hòa hợp khó tin.
Con đường đẹp tựa phim cổ trang
Nhắc đến xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), không ai có thể bỏ qua được di tích nổi tiếng Ô Tà Sóc. Nằm ngay tại ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy Thất Sơn, mang đậm nét hoang sơ, bình yên nên được du khách yêu thích khám phá. Địa điểm này càng “nổi tiếng” hơn cùng với những con đường nằm giữa khu “thảm xanh” tầm vông từ bên ngoài vào chân núi được mọi người ví như khung cảnh của những bộ phim “cổ trang”.
Tầm vông là cây họ trúc xiêm la, người dân nơi đây đã gắn bó bao đời với nó. Cây tầm vông được sử dụng để sản xuất đồ mỹ nghệ, nhiều người yêu thích vì có độ bền cao, dân dã nhưng rất đẹp… Đặc biệt, trong những năm tháng chiến tranh cây tầm vông còn được sử dụng làm công cụ đánh giặc, hình ảnh này được khắc họa trên tượng đài “phù điêu” dân quân cầm gậy tầm vông như một biểu tượng hào hùng. Bước chân trên con đường qua “khu rừng tầm vông” dù dưới ánh nắng chói chang hay cơn mưa nặng hạt, sẽ cảm nhận được một bầu không khí tươi mát và bình lặng.
Uốn lượn như bay
Không giống như những cung đường nổi tiếng trên, ở dãy Thất Sơn còn có những con đường bình yên và tĩnh lặng. Tuy không rộng lớn nhưng đường trên cánh đồng lúa khu vực Tà Pạ hay trên cánh đồng thốt nốt, xã Núi Tô (huyện Tri Tôn) lại rất nhẹ nhàng, trầm lặng khi quan sát từ trên cao. Các con đường như hình thể một khúc sông hiền hòa đang cố chen qua giữa rừng cây to lớn, được hình thành từ chính bàn tay con người nhưng vẫn mang đậm nét thiên nhiên khi được bao bọc bởi những thảm xanh mát dịu.
Khi bình minh bắt đầu một ngày mới, trong tia nắng ban mai, những con đường dần hiện ra trong khói sương sớm bao phủ tựa những con rồng uốn lượn trên mây, đẹp kỳ vĩ. Thỉnh thoảng xuất hiện nhiều màu sắc khác nhau trong ánh nắng hòa vào sắc núi.
Một thoáng Phụng Hoàng sơn
Nằm giữa những cánh đồng bao la, bát ngát, Phụng Hoàng sơn (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là một trong bảy ngọn núi có dáng vẻ đẹp nhất và kỳ vĩ ở Thất Sơn với nhiều câu chuyện huyền bí của người xưa thời mở cõi.
Phụng Hoàng sơn nhìn từ xa
Phụng Hoàng sơn còn có tên là núi Cô Tô hay núi Tô, cao 614 mét so mặt nước biển, chu vi khoảng 13 km là ngọn núi cao thứ hai trong dãy Thất Sơn. Có nhiều truyền thuyết dân gian hàng trăm năm qua giải thích cho sự hình thành cũng như tên gọi của ngọn núi Phụng Hoàng này.
Dân gian lưu truyền rằng, xưa kia các nàng tiên nữ thường hạ phàm xuống vùng Thất Sơn những đêm trăng sáng để dạo chơi và vui đùa. Một hôm các nàng chơi trò ném đá và sáng hôm sau nơi ấy xuất hiện một ngọn núi đá chồng chất lên nhau hình thành nên Phụng Hoàng sơn. Cũng có truyền thuyết kể rằng, ngọn núi có hình dáng giống như cái tô lật úp nên mới gọi là núi Tô.
Một giả thuyết khác lại cho rằng núi này xưa kia là nơi có rất nhiều loài chim đẹp về trú ngụ trong đó có chim phụng hoàng một trong những loài linh điểu trong truyền thuyết và hình dáng núi giống như con chim phụng hoàng khổng lồ sải cánh giữa đồng bằng nên gọi là Phụng Hoàng sơn. Với bất kỳ truyền thuyết nào cũng có cái lý của nó, nhưng tựu chung vẫn muốn giải thích địa danh ngọn núi độc đáo giữa đồng bằng này.
Phụng Hoàng sơn khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng và chứa đựng biết bao sự tích chém rắn hổ mây, thu phục mãnh thú ly kỳ ở vùng Thất Sơn kỳ bí của người xưa thời mở cõi. Ông Nguyễn Văn Mọng, cư dân trên Phụng Hoàng sơn cho biết, trên núi này mỗi địa điểm đều có những huyền thoại riêng. Như, một tảng đá có hình dáng giống chiếc thuyền lớn, dân gian cho rằng khi đồng bằng chưa bồi tụ, Phụng Hoàng sơn là hòn đảo giữa biển, có một chiếc thuyền đã gặp nạn ở đây rồi hóa thành đá gọi là Mũi Tàu. Hay, điện Năm Căn là một ngôi điện nhỏ nằm khuất mình dưới những vồ đá to và những bóng cây cổ thụ thâm u, cao vút, người xưa kể lại chỗ này là nơi nghỉ chân của các "chúa tể sơn lâm" vùng Thất Sơn. Hoặc cách đó không xa là Sân Tiên, nơi đây còn lưu giữ dấu bàn chân khổng lồ in hằn trên đá còn cả từng ngón chân, gót chân hoàn chỉnh của bàn chân phải, còn núi Cấm còn lưu giữ dấu chân của bàn chân trái được dân gian truyền tụng là của những Tiên ông ở vùng Bảy Núi dạo chơi để lại.
Hồ Soài So bên dưới chân Phụng Hoàng sơn
Khung cảnh nhìn từ trên đỉnh Phụng Hoàng sơn
Bên cạnh những huyền thoại kỳ bí thời mở cõi chốn non cao, những hang động, lò ảng, đường ô, con suối, tảng đá... đến những ngôi chùa như: Vân Long, Bồng Lai đều là nơi ghi dấu biết bao kỳ tích chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Bảy Núi, gắn kết giữa Đảng và Nhân dân trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Ngoài những truyền thuyết dân gian huyền ảo, lịch sử chiến đấu hào hùng, thiên nhiên còn ưu đãi cho Phụng Hoàng sơn những cảnh sắc tuyệt diệu mà khó nơi nào có thể có được. Đứng từ hai tảng đá phẳng rộng lớn nhô ra giữa lưng chừng núi, người dân thường gọi là vồ Hội lớn và vồ Hội nhỏ có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh cánh đồng lúa Tà Pạ tuyệt đẹp như bức tranh hoàn hảo của thiên nhiên. Nhìn xuống ngay dưới chân Phụng Hoàng sơn là hồ Soài So, nước trong veo, mặt hồ phẳng lặng, gợn sóng lăn tăn tạo thành cảnh "sơn thủy" tĩnh lặng giữa núi rừng. Những người lớn tuổi kể rằng, hồ Soài So được xây dựng và tích trữ từ nguồn nước của suối Vàng trên đỉnh núi.
Gọi là suối vàng vì trong dòng suối có những hạt cát vàng li ti lấp lánh. Nơi đây, nước chảy quanh năm, lưu lượng vô cùng dồi dào, nhất là vào mùa mưa. Ngoài phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng, chống cháy rừng vào mùa khô. Vì vậy hiện nay, Phụng Hoàng sơn dần dần thu hút đông đảo khách du lịch và những bạn trẻ yêu thích thiên nhiên đến tham quan, khám phá và chụp ảnh. Vừa qua ở khu vực Sân Tiên, huyện Tri Tôn đã xây dựng biểu tượng chữ "TRI TÔN" tuyệt đẹp, trở thành điểm check-in gây sốt trong suốt thời gian qua của các bạn trẻ. Mỗi chữ cái cao 7m, nằm trên bệ đỡ cao từ 1,5 - 2m, có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, hàng rào xung quanh để bảo vệ. Nhìn từ chân Phụng Hoàng sơn, có thể thấy và chụp hình rõ chữ "TRI TÔN" xem như lời chào mời của huyện đối với du khách.
3 trải nghiệm cảm giác mạnh không nên bỏ lỡ ở Ninh Thuận Đến Ninh Thuận, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những cung đường đẹp, những bãi biển hoang sơ, mà còn được trải nghiệm loạt trò chơi cảm giác mạnh đáng nhớ. Ninh Thuận nổi tiới với biển xanh cát trắng và nhiều điểm du lịch đẹp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Ninh Thuận. 1. Lướt ván diều Một trong những môn thể...