Tân Kỳ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch
Là vùng đất có Km số 0 đường Hồ Chí Minh huyền thoại, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cộng với tính cách con người hòa đồng, thân thiện, lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống – huyện Tân Kỳ là điểm đến có sức hút lớn đối với du khách mỗi khi về với xứ Nghệ.
Điểm đến hấp dẫn
Những ngày này, chị Vi Thị Thúy, bản Chiềng, xã Tiên Kỳ đang cùng gia đình tất bật chuẩn bị nguồn thực phẩm, tập dượt các tiết mục văn nghệ mới để biểu diễn phục vụ khách du lịch. Lượng khách tăng lên trong thời gian qua, nhất là sau thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát, khiến công việc của chị Thúy và các thành viên trong nhóm du lịch cộng đồng homestay cũng bận rộn hơn nhiều lần, tuy nhiên ai cũng vui mừng vì có thể mang lại những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của địa phương giới thiệu cho du khách gần xa mỗi khi họ có dịp ghé qua mảnh đất Tân Kỳ.
Lễ hội Bươn Xao xã Tiên Kỳ thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm. Ảnh: PV
Chị Thúy chia sẻ: “Gia đình mình là 1 trong 3 hộ được chọn làm điểm homestay phục vụ du khách. Thời điểm mới thành lập và đưa vào hoạt động cuối năm 2019, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi Nhà nước kiểm soát được dịch bệnh, thì lượng khách đã tăng lên đáng kể. Điểm du lịch cộng đồng của chúng tôi ngày càng được biết đến nhiều hơn, đến thời điểm hiện tại đã đón được khoảng 500 lượt khách đến tham quan làng nghề dệt thổ cẩm, thưởng thức ẩm thực, các chương trình văn nghệ…”.
Xã Tiên Kỳ là một trong những địa phương có nhiều điểm du lịch bậc nhất trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái những nét đẹp hoang sơ, kỳ vỹ. Đến đây, du khách có thể đến tham quan hang Mó, trải nghiệm dệt thổ cẩm và dịch vụ homestay của đồng bào Thái, tham gia lễ hội Bươn Xao hay đến thăm di tích đền thờ Nghĩa quân Lê Lợi…
Ông Trương Công Thạch – Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết: Tính riêng trong năm 2020 đã có hàng ngàn du khách về với địa phương để tham quan, trải nghiệm các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Hiện địa phương cũng xác định du lịch là một trong những ngành mũi nhọn và sẽ chú trọng phát triển để tạo thương hiệu cho địa phương nói riêng và huyện Tân Kỳ nói chung.
Video đang HOT
Huyện Tân Kỳ hấp dẫn du khách với những nét đẹp văn hóa truyền thống, những món ẩm thực độc đáo. Ảnh: P.V
Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Tân Kỳ có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch di tích lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng. Đối với du lịch di tích lịch sử, điểm nhấn là di tích Quốc gia đặc biệt Km số 0 – đường Hồ Chí Minh; Khu di tích lịch sử thành Lê Lợi, đình làng Dụng, đình làng Sen, đền Song Đồng Ngọc Nữ…. Đối với du lịch sinh thái, huyện có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: hệ thống hang Mó ở Tiên Kỳ, thác Bồn ở Tân Hợp, cụm hang Thung Khiển, khe Xanh ở Nghĩa Phúc, Tân An; hệ thống hồ đập phong phú và dòng sông Con thơ mộng…
Tân Kỳ còn là điểm đến hấp dẫn du khách với các cộng đồng làng gắn với các giá trị bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, như lễ hội Bươn Xao gắn với làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Thái ở Tiên Kỳ; làng nghề đan võng gai của đồng bào Thổ ở xã Giai Xuân; lễ hội đình làng Dụng gắn với các tín ngưỡng thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các; các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ (múa cồng chiêng, hát dạ ời, các làn điệu đu đu điềng, tập tình tập tang)…
Nhảy sạp tại Lễ hội Bươn Xao trên địa bàn xã Tiên Kỳ. Ảnh: Huy Thư
Theo thống kê của UBND huyện Tân Kỳ, giai đoạn 2017 – 2019, huyện đón tiếp khoảng 12.000 – 15.000 lượt khách/năm. Trong đó, lượt khách lưu trú chiếm khoảng 10-12% lượt khách tham quan hàng năm. Thu nhập liên quan đến du lịch đang chủ yếu từ việc kinh doanh ăn uống, các sản phẩm địa phương và lưu trú.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 18 cơ sở lưu trú, trong đó gồm 4 khách sạn, 12 nhà trọ, nhà nghỉ và 2 nhà khách với tổng số 236 phòng, 388 giường, có hệ thống nhà sàn có thể cải tạo để tiếp khách (hiện tại đã có 3 mô hình homestay/ tổng số 135 nhà sàn tại xã Tiên Kỳ).
Du khách tham gia các chương trình văn nghệ truyền thống trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Ảnh: P.V
Quan tâm điều kiện hạ tầng
Mặc dù vậy, ngành Du lịch tại huyện Tân Kỳ trong thời gian qua còn một số hạn chế. Công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch các điểm du lịch còn chậm; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, thực tế cho thấy đường giao thông đi vào các điểm du lịch trọng điểm như Tiên Kỳ, Tân Hợp… vẫn đang bị xuống cấp nặng nề cần sớm được đầu tư để đảm bản an sinh cho người dân cũng như phát triển du lịch trong tương lai.
Đốt lửa trại tại Lễ hội Bươn Xao của huyện Tân Kỳ. Ảnh: Huy Thư
Hiện huyện Tân Kỳ đã đặt ra những mục tiêu cụ thể để phát triển ngành du lịch xứng tầm với tiềm năng. Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện phấn đấu đón tổng lượt khách tham quan, lưu trú là 75.000 – 80.000 lượt, bình quân 15.000 – 16.000 lượt/năm, ít nhất có 3-5 homestay phục vụ lưu trú đạt chuẩn, tạo ra 100 – 150 việc làm, tạo doanh thu 5 – 7 tỷ đồng/năm.
Khởi sắc du lịch cộng đồng Nghệ An
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên đa dạng cùng những giá trị lịch sử, văn hóa bản địa, các huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Đó cũng là hướng đi bền vững mà tỉnh chú trọng nhằm phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân.
Mâm cơm truyền thống của người Thái gây ấn tượng với nhiều du khách.
"Đặc sản" du lịch cộng đồng
Là một xã miền núi phía Tây Nghệ An, xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ) được biết đến với bản du lịch cộng đồng Thái Minh thu hút khá nhiều du khách. Với lợi thế nằm dưới chân núi Pù Loi, khí hậu quanh năm mát mẻ cùng hệ thống hang Mó - nơi có nhiều khối thạch nhũ kỳ thú, du khách sẽ có những giây phút nghỉ ngơi, khám phá vùng đất mang nét đặc trưng của miền núi phía Tây Nghệ An. Bên cạnh đó, du khách còn được cùng người dân gặt lúa, hái cam, đi chợ phiên, trải nghiệm dệt thổ cẩm hay thưởng thức ẩm thực và ngủ tại nhà sàn... Anh Nguyễn Văn Sơn, du khách đến từ thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết: "Mùa hè năm nay, thay vì đi biển, tôi đưa gia đình đến bản Thái Minh nghỉ ngơi và cho các con tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái. Những trải nghiệm thú vị đã giúp gia đình tôi hiểu hơn về văn hóa bản địa một cách gần gũi, ấn tượng".
Đến với bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông), du khách không khỏi bất ngờ trước vẻ đẹp nguyên sơ của một bản Thái truyền thống. Tại đây, du khách có thể đi bộ khám phá núi Bà Hoàng hay các đồi chè mênh mông, thăm cây đa cổ thụ 400 tuổi hay thác Khe Kèm... Sau một ngày tham quan, du khách trở về tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái với những phong tục tập quán truyền thống như buộc chỉ cổ tay cầu may, đắm mình trong làn điệu khắc luống, thưởng thức các món ăn độc đáo như: Cá mát nướng, cơm lam, xôi nếp cẩm...
Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, trong đó có Vườn quốc gia Pù Mát đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, huyện xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch cộng đồng là "đặc sản". Nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), Con Cuông đã phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho bà con. Nhờ đó, cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể.
Du khách giao lưu nhảy sạp cùng đội văn nghệ bản Thái Minh (xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ) - Ảnh chụp năm 2019.
Xây dựng sản phẩm khác biệt
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia du lịch, nếu Nghệ An không quy hoạch, phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản thì sẽ dẫn đến tình trạng trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương, chưa kể là sự phát triển "nóng" của du lịch sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa bản địa. Bà Vi Thị Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VSC cho rằng, mỗi địa phương cần xây dựng mô hình du lịch cộng đồng giàu tính văn hóa bản địa gắn với phát triển các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của địa phương nhằm tạo nên giá trị khác biệt. "Cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước để kiểm soát số lượng và chất lượng các điểm homestay nhằm hạn chế việc phát triển ồ ạt, tự phát. Mỗi địa phương nên lựa chọn loại hình sản phẩm, dịch vụ khác biệt cho từng điểm đến và có định hướng phát triển phù hợp, bền vững", bà Vi Thị Thắm chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, tỉnh đã và đang hỗ trợ kinh phí cho các hộ kinh doanh dịch vụ homestay xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị ban đầu (chăn, ga, gối, đệm, máy lọc nước...); hỗ trợ đội văn nghệ của các thôn, bản mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn để phục vụ du khách. Ngoài ra, tỉnh còn mở các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn, đào tạo tiếng Anh; hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, quảng bá cho các huyện có điểm du lịch cộng đồng... Giai đoạn tiếp theo (2021 - 2025), tỉnh Nghệ An dự kiến hỗ trợ các địa phương với tổng kinh phí khoảng 10,3 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm 2020, Sở Du lịch Nghệ An sẽ hỗ trợ các địa phương tiếp tục khai thác hiệu quả các mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông, Tân Kỳ theo hướng phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, phát huy bản sắc văn hóa bản địa; nghiên cứu xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Quỳ Châu, Quế Phong; phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) triển khai dự án tại huyện Con Cuông và Tương Dương để từng bước hình thành Quần thể du lịch sinh thái - cộng đồng tuyến quốc lộ 7... Với những kế hoạch, dự án bài bản, du lịch cộng đồng Nghệ An chắc chắn khởi sắc trong tương lai.
Ấn tượng chợ phiên Sìn Hồ Chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) thu hút du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vỹ và những tập quán lâu đời hình thành nên bản sắc văn hóa của người dân nơi đây. Từ cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng ở biên giới Việt - Trung, đồng hành cùng anh bạn người bản địa, theo con...