Tận hưởng những ngày cuối tuần sau giãn cách xã hội: Không mong gì ngoài được ăn món mình thích, đến nơi mình muốn!
Khoảng thời gian cách ly xã hội đã khiến những mong ước quá đỗi bình thường của mỗi người trở nên khó thực hiện hơn.
Từ 23/4, Hà Nội chính thức nới lỏng giãn cách xã hội. Các nhà hàng, quán ăn và nhiều loại hình kinh doanh khác đã tấp nập mở cửa, đón khách trở lại sau 3 tuần then cài im lìm.
Mặc dù vậy, phải tới ngày nghỉ cuối tuần, Trung Hiếu (26 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) mới có thể tận hưởng cảm giác phóng xe băng qua mỗi con phố thủ đô theo một cách trọn vẹn nhất. Vẫn là đoạn đường từ vườn hoa Hàng Đậu, rẽ ra Lý Nam Đế quen thuộc, nhưng Trung Hiếu bỗng thấy vui vẻ đến lạ.
Đi làm giữa mưa lạnh là điều đầu tiên mà đa phần mọi người đều thực hiện ngay sau khi lệnh giãn cách tại Hà Nội được nơi lỏng
‘ Đối với người sợ ngồi im một chỗ như mình, 3 tuần làm việc ở nhà giống như ngục tù vậy. Trước giờ cứ cuối tuần là mình chạy xe ra ngoại thành chơi rồi vòng về. Nay Hà Nội hết giãn cách, tranh thủ cuối tuần rảnh, mình cũng thử dành ra thời gian cảm nhận lại những cung đường hối hả trong phố xem 3 tuần vừa qua nó có gì thay đổi không. Quả thật có chút gì đó khác biệt, tươi mới hơn là đằng khác‘ – Trung Hiếu chia sẻ.
Than thở về việc phải đi làm tới hết thứ Bảy, Hạnh Dung (27 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô chỉ có thể thoả thích la cà phố sách hay quán cà phê vào ngày Chủ nhât. Do đó, những ngày cuối tuần đầu tiên sau đợt giãn cách bỗng trở nên thật đặc biệt.
‘ Mình thấy bản thân như một du học sinh xa quê trong 3 tuần vậy’ – Yến Ly (25 tuổi, nhân viên văn phòng) ví von.
‘Thực hiện lệnh giãn cách nên hàng quán quanh nhà mình đóng cửa hết. Mình thèm phở kinh khủng, dù trước giờ cũng chẳng thường xuyên ăn. Nhớ cảm giác dầm chiếc quẩy trong nước dùng thơm ngọt, hơi nóng bốc lên mờ mắt kính. Ăn xong, thong thả làm ly cà phê, hoặc cốc nước ép hoa quả, vậy là xong một buổi sáng ‘ểnh ương’. Sau cách ly xã hội, điều mình làm đầu tiên là ăn phở. Đúng vậy, mình ăn phở 3 ngày liên tiếp rồi.‘
Quán không cho ngồi vỉa hè nên có người đã nhanh trí mang bát phở lên… ô tô để thưởng thức (Ảnh: Huy Phong)
Bát phở thưởng thức vào cuối tuần đầu tiên sau lệnh giãn cách trở nên thật đặc biệt (Ảnh: Yến Ly)
21 ngày cách ly xã hội khiến cuộc sống của tất cả mọi người đều thay đổi theo những cách khác nhau, nhưng điểm chung mà ai cũng gặp, đó là sự hạn chế trong cả giao tiếp lẫn thói quen hàng ngày. Nào là làm việc online, không ra đường trừ trường hợp khẩn cấp, chuyển từ ăn cơm hàng về ăn cơm nhà, đeo khẩu trang mọi lúc, rửa tay mọi nơi.
Chưa kể, đợt giãn cách này còn giúp nhiều người có hội khám phá năng lực của chính bản thân trong những công việc chưa từng có. Nào là hoá thân thành ‘master chef’, thành ‘huấn luyện viên thể hình cá nhân’…, tóm lại là thực hiện những công việc, vai trò mà mỗi người đều thấy lạ lẫm và chưa bao giờ nghĩ tới.
Nhật Hạ, du học sinh từ Anh trở về Hà Nội, trải qua đợt cách ly tập trung 14 ngày và giãn cách xã hội 21 ngày, mong muốn được gặp bạn bè, người thân, hỏi thăm và kể cho họ nghe những câu chuyện mà cô không nghĩ sẽ gặp trong đời. Cảm giác í ới cùng lũ bạn hiền, gọi đồ ăn về tận nhà, ríu rít như những ngày xưa, nghe đơn giản bình dị mà hoá ra lại thành khó khăn trong thời điểm dịch bệnh.
Nhiều bạn trẻ rủ nhau ăn kem Tràng Tiền vào tối cuối tuần đầu tiên sau lệnh giãn cách
Hay lê la những quán cà phê thân thuộc (Ảnh: @saurommm)
Bác Hoàng Đức, (63 tuổi, Hà Nội) thì rất nhớ những người bạn già vẫn chiều chiều đánh bóng bàn cùng mình tại nhà văn hoá phường. 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội, bác biết bản thân thuộc độ tuổi dễ lây nhiễm, nên đành quanh quẩn ở nhà mà chẳng dám ra ngoài thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ.
Còn Thanh Hải, cậu muốn quay lại trường để tiếp tục việc học ở ĐH Bách khoa Hà Nội. Cuối tuần, cậu sẽ đi cắt tóc, rồi tranh thủ về thăm nhà. Thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cậu không dám đi đâu khỏi khu vực nội thành. Dẫu nhớ nhà, Hải vẫn lo lắng sẽ mang lại phiền phức cho gia đình.
Cậu cho rằng, tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg vẫn nên được đưa vào các hoạt động thường ngày, tránh tụ tập quá đông, luôn đeo khẩu trang và rửa tay sạch nhằm tránh các mối nguy về lây lan Covid-19. Kim Cúc (29 tuổi, Hải Dương) cũng bày tỏ việc muốn về thăm gia đình. Cô đã xa nhà hơn 1 tháng kể từ ngày dịch bùng phát trở lại tại Hà Nội.
Và rất nhiều những mong ước giản dị khác, đều sẽ dần được thực hiện trong cuối tuần đầu tiên sau lệnh giãn cách xã hội. Mặt khác, nhiều hàng quán vẫn đóng cửa do chưa chuẩn bị được nguyên liệu lẫn nhân công, phần cũng lo ngại diễn biến xấu có thể ập tới bất cứ lúc nào. Tuy vậy, không khí nhộn nhịp đang dần trở lại với Hà Nội. Thế nhưng đâu đó trong những cuộc vui, người ta vẫn tự dặn nhau ý thức hơn về việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cộng đồng, không nên chủ quan mất cảnh giác để rồi phá bỏ mọi nỗ lực của toàn dân trong những ngày vừa qua.
Minh Minh
Hết cách ly xã hội: Cư dân mạng phấn khởi nhưng vẫn cảnh giác cao độ
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc nới lỏng cách ly xã hội trên cả nước (trừ vài nơi có nguy cơ cao) từ 0 giờ 23.4 đã khiến cư dân mạng ngập tràn cảm xúc hạnh phúc sau bao ngày chống dịch Covid-19.
Nhiều chủ hàng quán dọn dẹp để chuẩn bị mở cửa vào hôm nay 23.4 - ẢNH: TRẦN CƯỜNG
Thông tin được chia sẻ chóng mặt với cơn mưa tim, kèm theo đó cũng là những lời nhắc nhở, cảnh báo nhau tuyệt đối không lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19.
Mừng rỡ và nghe ngóng
Cả ngày 22.4, cư dân mạng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đều nóng lòng chờ đợi thông tin quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau 22 ngày thực hiện cách ly xã hội nghiêm túc, quyết liệt, nhiều người không khỏi mong chờ việc hết cách ly xã hội để nhiều hoạt động cuộc sống có thể hoạt động trở lại bình thường. Trước đó, nhiều hội nhóm được lập ra trên Facebook để cổ vũ người dân vẫn ở nhà nếu không có việc quá cấp thiết.
Chiều tối, khi kết quả cuộc họp được công bố, mạng xã hội đã thực sự bùng nổ. Theo kết luận của Thủ tướng, từ ngày mai 28 tỉnh thành thuộc nhóm "nguy cơ cao" và "có nguy cơ" bùng phát dịch Covid-19 sẽ dừng thực hiện CLXH như quy định của Chỉ thị 16 (trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh). Từ 0 giờ ngày 23.4, không còn tỉnh, thành trực thuộc T.Ư nào phải cách ly xã hội.
Cập nhật sáng 23.4: Tròn 1 tuần Việt Nam không có bệnh nhân Covid-19 mới
Thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ và hàng loạt bình luận dự định kế hoạch đã được nhiều cư dân mạng liệt kê. Bạn Quang Minh Phạm ở Hà Nội hào hứng: "Thế là ngày mai mình sẽ được đi làm tại công ty, hết cảnh làm việc ở nhà rồi. Mai mình sẽ dậy thật sớm, đến công ty thật sớm sau nhiều ngày xa cách".
Nhiều dòng trạng thái cùng được mọi người đăng tải là: "Thế là mai ta lại được gặp nhau". Có tài khoản thì hóm hỉnh hơn: "Mai mình gặp nhau nhưng vẫn khẩu trang và cách xa 2 m nhé"...
Tổng hợp tin dịch bệnh virus corona tối 22/4: Cả nước kết thúc cách ly xã hội
Tùy theo quy định của địa phương, mỗi người đã lên sẵn phương án cho mình. Tại TP.HCM, cho đến 21 giờ đêm qua, nhiều thắc mắc về chuyện quán ăn, tiệm cắt tóc đã được mở lại chưa vẫn được mọi người rôm rả đăng tải.
Nhìn Hà Nội cho phép taxi, nhà hàng, quán ăn được phép hoạt động trở lại, bạn Ngọc Khải ghen tị: "Nãy giờ tìm thông tin mà cũng chưa biết quán xá, hay tiệm hớt tóc ở TP mở lại chưa. Nếu có mai mình sẽ đường hoàng đi ăn một tô phở, rồi xếp hàng cắt tóc thôi".
Ở TP.HCM, taxi và Grab công nghệ vẫn bị cấm khiến nhiều thành viên trong group này tiếp tục buồn. Trong hội nhóm "Đà Nẵng", những câu hỏi tương tự cũng được đặt ra...
Nhắc nhau phòng dịch: "Vui thôi, đừng vui quá"
Bên cạnh việc chia vui thì những dòng trạng thái rủ rê nhau mai tụ tập cũng nhận được những ý kiến trái chiều, phê phán của cộng đồng mạng khi cho rằng: nới lỏng cách ly chứ không phải là hết dịch và cho rằng: "Dường như có một số bộ phận vui mừng quá sớm mà quên mất trách nhiệm phòng dịch".
Cộng đồng mạng đa phần nhắc nhở nhau phải cẩn thận hết mức và không được vui mừng quá vì nước ta hiện vẫn còn ca nhiễm Covid-19 đang điều trị và vẫn còn nhiều người đang trong giai đoạn cách ly tập trung.
Bên cạnh vui mừng, nhiều tài khoản vẫn không quên nhắc nhở tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Cư dân mạng hoàn toàn đồng ý với yêu cầu của Thủ tướng đây không phải là lúc ăn mừng. "Chỉ nên ăn mừng, tụ tập bạn bè khi đã công bố hết dịch hoàn toàn để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng", nhiều status đã được viết.
Tài khoản Da Thao Thalia nói: "Dù gì ai cũng đã có được 21 ngày để xây dựng một thói quen mới rồi ha. Sống chậm bớt vội vàng mà ùn ùn ra đường nghen". Bạn Ri Cao nhắc nhở: "Hết cách ly nhưng nhớ vẫn phải mang khẩu trang nha, chứ ngoài đường nhiều người bắt đầu tháo khẩu trang rồi". Những người khác cẩn trọng hơn thì cho rằng chậm một chút cho chắc.
Bạn Huệ Vương viết: "Hãy cứ vẫn ở yên một chỗ nếu không có việc gì cần. Chậm một tí nữa cho chắc ăn!". Bạn Chinh Nguyễn cũng ủng hộ: "Em vẫn sẽ tự hạn chế thêm một tuần nữa cho hết hẳn vì xã hội".
Lê Hồng Hạnh
Cách ly xã hội thêm 1 tuần: Bạn trẻ tiếp tục học nấu ăn, đọc sách Nhiều bạn trẻ chia sẻ trong thời gian gần 2 tuần cách ly xã hội vừa qua chỉ quanh quẩn làm việc ở nhà, nấu ăn và sẽ tiếp tục việc này khi chính phủ thông báo một số tỉnh thành cách ly thêm 1 tuần. Một số bạn trẻ chọn cách học nấu ăn trong những ngày cách ly xã hội tiếp...