Tan hoang làng hoa Tết sau lũ lịch sử
Trận lũ lịch sử quét qua làm các làng hoa phục vụ Tết ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đồng loạt héo rủ, chết khô và khiến hơn 1.000 hộ dân lâm cảnh trắng tay.
Hơn 95.000 chậu hoa cúc, hoa hồng ở làng hoa xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa bị chết khô đồng loạt khiến hơn 400 hộ dân trồng hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán trắng tay. Ông Lê Văn Tấn, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết, lũ lịch sử đã gây thiệt hại gần 100% các vườn hoa phục vụ Tết của người dân ở các thôn Thế Bình, Hải Môn, Đồng Viên với tổng số tiền đầu tư trên 7 tỷ đồng. “Giờ họ không biết xoay xở thế nào để kiếm sống, nguy cơ người dân tái nghèo sau lũ là rất lớn”, ông Tấn nói.
Vợ chồng chị Phan Thị Hồng Đức trồng 700 chậu hoa cúc, cất công chăm sóc suốt hơn 3 tháng thì lũ tràn về gây chết khô phải nhổ vứt đi. “Vụ hoa năm nay gia đình tôi vay 70 triệu đồng đầu tư trồng cúc đại đóa để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Giờ thì trắng tay và lâm cảnh nợ nần”, chị Đức than.
Tại các xã khác trong huyện Tư Nghĩa, người dân cũng phải đưa các chậu từ đồng về nhà đợi đến mùa hoa năm sau.
Mặc dù lũ đã qua hơn 2 tuần nhưng ngày 29/11,chị Lý ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp mới ra vườn dọn dẹp vườn hoa tan hoang với nỗi lo nặng trĩu. “Mùa hoa tết năm trước mang về cho gia đình tôi khoảng 70 triệu đồng còn năm nay hoa tơi tả, chết rũ theo dòng nước lũ hết rồi”, chị Lý mếu máo.
Những thanh tre che chắn cho các chậu hoa cúc được buộc thành bó mang về làm củi.
Video đang HOT
Hàng nghìn chậu hoa úp ngược nằm ngổn ngang khắp nơi trên đồng để nhường đất cho các loại cây rau màu ngắn ngày ở làng hoa Tư Nghĩa.
Lưới vây chắn gió bên ruộng hoa mênh mông chết khô sau lũ lịch sử. Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư huyện ủy Tư Nghĩa cho biết, lũ đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho các làng hoa tại địa phương. Huyện đã kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi xem xét mức hỗ trợ, khẩn cấp đưa giống rau màu ngắn ngày vào trồng để giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Dù được đặt cách mặt đất hơn 1m trên vùng gò cao, song những chậu hoa vẫn không thể thoát việc bị dòng lũ lịch sử nhấn chìm.
Hoa chết sau lũ, giờ đây một số hộ dân tìm cách ươm những cây rau màu ngắn ngày như ớt, cải… trồng lại trong những chậu hoa để vớt vát phần nào thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo VNE
'Không để người dân đói, rét sau lũ lịch sử'
"Phải đảm nơi ăn, chốn ở, không để cho người dân bị thiếu đói, rét", Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo khi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ ở Quảng Ngãi, Bình Định ngày 19/11.
Ngày 19/11, đoàn công tác chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã về kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả, chia sẻ mất mát với người dân Bình Định trong trận lũ lịch sử vừa qua.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm hỏi anh Mạnh Trọng Kim có vợ và con bị chết do lũ lịch sử gây ra tại xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: Minh Thùy.
Phó thủ tướng về thăm thị xã An Nhơn, địa phương thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh khi có đến 8 người chết do mưa lũ; đi thị sát tuyến đê Công Thắng bị sạt lở nghiêm trọng, kiểm tra việc khắc phục mố cầu Liêm Trực trên tuyến quốc lộ 1A.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, cơn lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh đã làm 18 người thiệt mạng, một mất tích, ước tính tổng thiệt hại gần 1.600 tỷ đồng. Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận định, trận lũ lớn diễn ra bất ngờ, không kịp trở tay. "Bất thường nhất là lũ xảy ra ở vùng miền núi, điều mà từ trước đến nay chưa hề có. Do diễn biến bất ngờ, công tác cứu hộ ở Bình Định lực bất tòng tâm", ông Lộc nói.
Ông Lộc kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 5.000 tấn gạo và 300 tỷ đồng để cứu trợ nhân dân vùng thiên tai gồm lương thực, giống cây trồng, thuốc chữa bệnh, vệ sinh môi trường, khắc phục giao thông, nước sạch, điện. Hỗ trợ lắp đặt ngay 12 trạm đo lượng mưa tự động cho 5 hồ chứa nước lớn của tỉnh và hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác thu thập, điều tra hiện trạng đợt lũ vừa qua.
Trận lũ lịch sử khiến hàng nghìn ngôi nhà ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi bị sập hoàn toàn, tốc mái hư hỏng nặng. Người dân bỗng chốc lâm cảnh "màn trời, chiếu đất". Ảnh: Trí Tín.
Sau khi làm việc với tỉnh Bình Định, chiều 19/11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác về kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả ở vùng rốn lũ huyện Nghĩa Hành, địa phương bị thiệt hại nặng trong trận lũ lịch sử vừa qua ở Quảng Ngãi.
Sau trận lũ vượt đỉnh lịch sử, tại Quảng Ngãi có 15 người chết, một mất tích và 75 người bị thương, ước tính tổng thiệt hại ban đầu là 1.730 tỷ đồng. Tính đến chiều 19/11, có hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang đã về các vùng rốn lũ huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức giúp chính quyền địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả; thăm khám, cấp thuốc chữa bệnh cho người dân.
Theo ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, để kịp thời hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ cho người dân, đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp gạo, thuốc... để tổ chức khám bệnh cho dân; tiêu độc khử trùng nhằm xử lý ô nhiễm môi trường các vùng bị ngập lũ, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ 800 tấn giống lúa, ngô, rau màu các loại để kịp thời gieo sạ vụ mùa sắp tới.
Hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã về vùng rốn lũ ở Quảng Ngãi giúp địa phương cùng người dân khắc phục hậu quả. Trong ảnh, lực lượng bộ đội Quân khu 5 đang cùng giáo viên trường THCS Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành dọn vệ sinh trường, lớp học.Ảnh: Trí Tín.
"Trước mắt, các tỉnh cần khẩn trương ứng kinh phí hỗ trợ người dân sau lũ để đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho người dân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dân thiếu đói, bị rét", Phó thủ tướng nói.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được yêu cầu khẩn trương cung ứng giống lúa, ngô, rau màu sản xuất vụ Đông Xuân; Bộ Y tế, ngành y tế địa phương gấp rút thực hiện công tác phòng dịch bệnh, vệ sinh môi trường yêu cầu.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi rút ra bài học kinh nghiệm từ cơn lũ bất thường vừa xảy ra, đánh giá lại toàn bộ công tác phòng, chống thiên tai... Phó thủ tướng sẽ trực tiếp kiểm tra quy trình tích nước, xả lũ ở các hồ chứa, nếu phát hiện vi phạm sẽ lập tức xử lý.
Theo VNE
Tan hoang ở rốn lũ Tư Nghĩa, Quảng Ngãi Ngày 17.11, phóng viên Dân Việt đã có mặt tại huyện Tư Nghĩa, huyện thiệt hại nặng nề sau trận "đại hồng thủy" vừa qua ở Quảng Ngãi, đã làm 6 người chết, nhà cửa tan hoang... Em Nguyễn Thị Cẩm Ly, HS Trường trung học cơ sở Nghĩa Hà bên cuốn sách còn sót lại sau lũ: "Lũ lên nhanh quá, bà...