Tan giấc mộng đổi đời và những chuyện đau lòng ở vùng quê nghèo
Rời căn nhà của chị Bàn Thị Khé, bước chân của Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân và các trinh sát Phòng An ninh Đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái, càng thêm trĩu nặng.
Gương mặt khắc khổ của người phụ nữ Dao, với giọng nói mếu máo bằng tiếng mẹ đẻ, mỗi khi nhắc đến cậu con trai mất tích cứ ám ảnh trong tâm trí của chị và đồng đội.
Những chuyến đi không hẹn ngày về
“Cháu theo mấy người cùng xã, bảo sang Trung Quốc làm thuê để kiếm tiền giúp bố mẹ. Mấy tháng đầu mới sang cũng thấy gửi tiền về nhưng sau đó vợ chồng tôi không còn nhận được tin tức gì của con nữa. Tôi có nghe những người bên đó về nói lại là cháu đã bị Công an Trung Quốc bắt giam rồi. Bây giờ chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng tìm giúp đưa được cháu về nhà thôi”, người cán bộ xã thuật lại.
Gia đình chị Bàn Thị Khé với nỗi lo không có tin tức về con.
Hơn 2 năm kể từ khi cậu con trai là cháu Triệu Quý Vìn theo một số người ở địa phương xuất cảnh trái phép đi làm thuê ở một xưởng sản xuất thuốc lá tại Trung Quốc và mất tích, chưa bao giờ chị Bàn Thị Khé nguôi ngoai nỗi thương nhớ con. Cứ bưng bát cơm lên là chị lại khóc… Nửa đêm, một tiếng động mạnh cũng khiến người mẹ ấy ngỡ con trai trở về. Có đêm đang ngủ, chị bất ngờ ngồi dậy, thẫn thờ ôm những thứ đồ dùng của cậu con trai rồi khóc nức nở.
Qua những người từng sang Trung Quốc làm thuê, chị Khé dò hỏi thông tin về con trai nhưng tất cả đều chỉ là con số không tròn trĩnh. Chị cho biết: Bao đời nay, nhiều thế hệ trong gia đình chị kiếm sống bằng mấy sào ruộng và việc trồng rừng… thiếu ăn vào những ngày giáp hạt cũng là bình thường thôi. Dạo đó, người dân trong xã lũ lượt bỏ sang Trung Quốc làm ăn.
Một số trở về đã có “bát ăn bát để” nên người này rỉ tai người kia, nhiều người đang trong độ tuổi lao động bỏ đi làm ăn xa, để lại những căn nhà trống huơ trống hoác… Cũng như bao người khác, con trai chị Khé đang ở cái tuổi khỏe mạnh, trai tráng nhất cũng xin đi làm ăn xa nhưng sau đó thì bặt vô âm tín. Cái khổ nhất của chị là không biết con trai giờ đang ở đâu, cuộc sống thế nào.
Rời căn nhà của chị Bàn Thị Khé, các cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái tìm đến nhà của anh Đàm Văn Hậu (trú tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn), một người trước đây đã từng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Nhắc lại câu chuyện cũ, nỗi lo sợ vẫn còn hiện hữu trên gương mặt của người đàn ông.
Theo lời kể của anh Hậu thì khi đặt chân lên đất Trung Quốc làm thuê chẳng được bao lâu, anh bị bắt về hành vi nhập cảnh trái phép. Khi đi thì trốn chui lủi, còn trở về được đưa theo con đường chính ngạch… Sau khi trở về nước, anh cùng vợ con kiếm sống bằng việc lao động trên quê hương, cuộc sống tuy còn muôn vàn vất vả nhưng cảm thấy yên bình.
Các cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái đã không quản vất vả, lặn lội tìm đến cả gia đình những người không may có con cái phải bỏ mạng ở nơi đất khách quê người. Hoàn cảnh thương tâm của họ đã khiến người nữ trưởng phòng và các trinh sát cùng đi khảo sát thực tế không khỏi ngậm ngùi.
Một trong số đó là trường hợp của chị Đặng Thị Chung (trú tại xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, Yên Bái). Chưa bao giờ tình cảnh của chị Chung trở nên khốn đốn như bây giờ. Cùng lúc, chị vừa phải oằn lưng trả khoản vay khoảng 200 triệu đồng, lại phải gồng gánh nuôi dạy hai con nên người.
Giống như các trường hợp khác, thấy người dân trong xã phất lên một cách nhanh chóng, vợ chồng chị cũng bàn nhau sang nước ngoài làm một chuyến để đổi đời… Bàn đi tính lại, họ dứt ruột để những đứa con thơ cho ông bà nuôi dưỡng rồi vượt biên trái phép sang nước ngoài. Nhưng ở đời đúng là chẳng ai học được chữ ngờ! Khi vợ chồng chị vừa đặt chân đến nơi đất khách quê người chưa được bao lâu thì anh bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời.
Các cán bộ Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái thăm hỏi gia đình có người xuất cảnh trái phép bị tử nạn.
Video đang HOT
Ở nơi đất khách quê người, tiền không có, lại bất đồng về ngôn ngữ, chị chẳng biết xoay xở ra sao. Trong khi đó, vợ chồng chị xuất cảnh lao động trái phép nên việc đưa thi hài chồng về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn… Để có thể đưa thi thể người chồng xấu số về nước, chị đã phải vay mượn số tiền gần 200 triệu đồng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chi phí cho các dịch vụ đi lại. Cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn lại càng vất vả hơn gấp bội phần.
Gia cảnh anh Đinh Văn Long cùng ở thôn Năm Hăn, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũng thương tâm không kém. 3 năm trước, họ đã bán đi đàn lợn nái của gia đình để lấy tiền làm lộ phí sang Trung Quốc làm thuê. Trong những ngày sống chui sống lủi ở xứ người, họ đã phải chịu bao khổ cực…
Nhưng “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, sau khoảng 3 tháng lao động quần quật, nơi vợ chồng chị làm việc đã bất ngờ bị cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm tra. Chị bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ, còn anh thì bị chủ quỵt tiền không trả. Không còn cách nào khác, vợ chồng anh buộc phải trở về địa phương với hai bàn tay trắng.
“Sang bên đó khổ lắm, tôi thường xuyên bị chủ bỏ đói, ăn cũng không được no, lại phải làm việc quần quật 14 tiếng một ngày, Thứ bảy, Chủ nhật cũng không được nghỉ…”, anh Đinh Văn Long kể lại sự việc với các cán bộ công an.
Trăn trở của người làm án
Trở về đơn vị hôm đó, hình ảnh những căn nhà xơ xác, những đứa trẻ gầy guộc, thiếu vắng bàn tay của cha hoặc mẹ, rồi gương mặt thẫn thờ của người đàn bà mất con sau chuyến đi tìm cơ hội đổi đời… khiến Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân và đồng đội không khỏi day dứt, với câu hỏi phải làm gì để ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Trong năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái, trong đó chủ công là lực lượng công an đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức nhằm cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm khi đi lao động trái phép ở nước ngoài; đồng thời điều tra, làm rõ nhiều đường dây tổ chức người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động nhưng không ít người dân vẫn nhẹ dạ tin theo những lời hứa đường mật trốn sang Trung Quốc làm thuê. Rất nhiều người trong số đó đã phải trả giá đắt về hành vi phạm tội đã gây ra do không có bất kỳ sự bảo hộ nào từ nước sở tại…
Không dừng lại ở đó, việc xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc còn để lại những hệ lụy khôn lường về mặt xã hội. Đó là những đứa trẻ thiếu thốn vòng tay chăm sóc của gia đình trở lên hư hỏng, lao vào các tệ nạn xã hội; nhiều gia đình tan vỡ; một số thanh niên sau khi trở về địa phương đã mang theo các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc…
Gia đình chị Bàn Thị Khé trình bày sự việc với cơ quan chức năng.
Những cuộc họp được Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái triển khai. Thượng tá Ngân và đồng đội đã đến từng địa bàn gặp gỡ, thu thập các số liệu. Từ đó, họ bước đầu hình dung được “bức tranh toàn cảnh” về tình trạng xuất cảnh lao động trái phép, một thực tế đã và đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Từ đó, tìm được nguyên nhân của sự việc trên, đây là chìa khóa để xây dựng các văn bản tham mưu cho ban giám đốc, trình lãnh đạo UBND tỉnh các giải pháp.
Hầu hết những người này đều còn hạn chế nhận thức nên không những vi phạm quy định pháp luật về xuất nhập cảnh mà nhiều người còn phải gánh chịu những hậu quả, hệ lụy về kinh tế, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng của mình. Một số do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin nên thường tự đi khỏi địa phương hoặc bị các đối tượng môi giới, rủ rê đưa sang nước khác làm thuê trái phép…
Phòng An ninh đối ngoại đã báo cáo với Ban giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp căn cơ để làm giảm tình trạng này. Lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động nắm bắt tình hình, quản lý chặt chẽ những đối tượng có dấu hiệu tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, trong đó tập trung vào các trường hợp không có việc làm ổn định, dễ bị các đối tượng cò mồi rủ rê, lôi kéo, hứa hẹn về một mức thu nhập cao khi xuất cảnh trái phép đi làm thuê.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh Yên Bái đã phát hiện 121 vụ, 156 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2018 đã giảm 17,4%. Tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn đã giảm 10%. Đây là những con số ấn tượng, ghi nhận sự nỗ lực của Công an tỉnh Yên Bái nói chung, Phòng An ninh đối ngoại nói riêng.
Con số đó bước đầu cho thấy các giải pháp của UBND tỉnh, của Công an tỉnh Yên Bái và Phòng An ninh đối ngoại đã phát huy được hiệu quả. Đối với những trường hợp xuất cảnh trái phép bị nạn, cán bộ của đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh và phía nước bạn, hướng dẫn, hỗ trợ gia đình người bị hại tiến hành làm các thủ tục cần thiết đưa về gia đình.
Tháng 9-2018, 3 trường hợp là Mai Văn Tới (SN 1997), Lò Văn Niên (SN 1988) và Lò Văn Chiến (SN 1997, cùng trú tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê. Vào khoảng 22h ngày 25-7, 3 người này đi xe máy điện đâm vào đuôi xe container đi cùng chiều, làm cả 3 ngã bất tỉnh. Sau khi đưa vào bệnh viện cấp cứu, Lò Văn Chiến đã bị tử vong. Ngày 17-8, gia đình đã đưa tro cốt của Chiến về mai táng theo phong tục của người địa phương…
Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái điều tra, làm rõ đường dây tổ chức cho người khác trốn đi hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Một trong số đó là đường dây do Hoàng Văn Thiên (SN 1988) và Hoàng Văn Hồng (SN 1983, ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn) điều hành. Căn cứ vào kết quả đấu tranh, đến nay Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng về hành vi phạm tội.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất, góp phần vào thành công của Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Yên Bái đó là đặt mình vào vị trí của người lao động, hiểu rằng kiếm tiền là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân, nhất là ở vùng cao, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn… song phải hướng dẫn người dân làm theo các quy định của pháp luật.
Thông qua các buổi họp dân phố cùng các cán bộ công an cắm bản, họ đã tuyên truyền và hướng dẫn người dân làm đầy đủ các thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Phòng cũng báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu với UBND tỉnh triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ dạy nghề, việc làm, phát triển sản xuất cho vùng nông thôn, đặc biệt đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số…
Từ những việc làm và những giải pháp trên, hiệu quả đạt được thấy rõ rệt. Tỷ lệ người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê trái phép trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong năm 2019 đã giảm hơn 10%; nhận thức của người dân về những hệ lụy xuất cảnh trái phép cũng được nâng cao.
Theo Xuân Mai (Báo Công an nhân dân/ANTG)
Cảm phục người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi rẻo cao
Suốt hơn 20 năm gieo chữ ở xã Nậm Tha - một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, thầy giáo Trần Đình Phúc cùng các giáo viên nơi đây đã kiên trì bám bản, bám lớp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người ở nơi rẻo cao.
Thầy Trần Đình Phúc (SN 1978, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) hiện đang là giáo viên dạy lớp 5 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Tha. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai, thầy Phúc mang theo hoài bão, kiến thức của mình đến với bản khó khăn của xã vùng cao Nậm Tha gieo chữ.
Thầy giáo Trần Đình Phúc - người hơn 20 năm công tác ở xã vùng cao Nậm Tha.
Sáng học tiếng phổ thông, chiều học tiếng Dao
Tâm sự với PV Dân Việt, thầy Trần Đình Phúc chia sẻ: "Xã Nậm Tha khi ấy là một xã vùng núi hoang vắng, dân cư thưa thớt, các điểm trường cách xa khu dân cư. Khi biết tôi vào công tác ở vùng khó khăn này, vì không muốn các con khổ nên bố mẹ kịch liệt phản đối, nhưng tôi vẫn không từ bỏ con đường mình đã lựa chọn. Những ngày đầu đặt chân lên vùng đất này thật sự gian nan, từ xã Khánh Yên Hạ đi vào xã Nậm Tha phải cuốc bộ hơn 15 cây số trên con đường mòn dưới tán rừng nguyên sinh, rộng hơn 1m".
Thầy Phúc được phân công dạy tại điểm trường thôn Khe Tào, 100% học sinh là đồng bào người dân tộc Dao. Điểm trường lúc đó chỉ vẻn vẹn 20 học sinh với 5 lớp học (1 lớp đơn và 2 lớp ghép).
Gắn bó với vùng đất Nậm Tha hơn 20 năm nên thầy Phúc được học trò, người dân nơi đây tin yêu, quý mến.
"Về công tác ở đây, sau khi lên lớp xong, các thầy cô ngủ tại một nhà tạm bợ trước UBND xã Nậm Tha. Ngôi nhà được lợp bằng lá cọ, người dân bổ cây vầu quây lại xung quanh, giường ngủ cũng làm bằng vầu. Vùng này rừng nguyên sinh còn nhiều, mùa đông sương mù phủ kín khắp xã, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, buổi sáng ngủ dậy lớp chăn màn ở trên ướt như ai đó vừa phun nước vào", thầy Phúc nhớ lại.
Thời gian đầu, để có đủ số học sinh đến lớp, buổi sáng dạy học xong, buổi chiều thầy Phúc đi đến từng nhà trong thôn để vận động các em học sinh sáng hôm sau nhớ đến lớp học đầy đủ. Phải mất hơn một tháng trời làm công tác vận động, các em học sinh mới bắt nhịp được với lịch học.
"Cứ cuối tuần, tôi cùng với một số thầy cô ở các điểm trường khác trong xã Nậm Tha đi bộ ngược ra xã Khánh Yên Hạ để mua thức ăn, sắm sửa đồ dùng. Vì ở xa nên khi quay lại điểm trường thầy cô nào cũng vác trên lưng nửa bao tải gạo cùng thức ăn, đồ dùng cá nhân. Đi bộ 15 cây số mệt lắm, quần áo ướt đẫm mồ hôi", thầy Phúc kể.
Thầy Phúc cho biết, chương trình dạy học những năm đó ít, học sinh chỉ học buổi sáng, buổi chiều nghỉ học ở nhà. Do bất đồng ngôn ngữ nên rất khó truyền đạt kiến thức bài giảng cho các em học sinh. Bởi vậy, buổi sáng thầy dạy tiếng phổ thông cho các em, buổi chiều, các em dạy lại dạy cho thầy những câu tiếng Dao cơ bản trong giao tiếp. Thầy dạy trò, trò dạy lại thầy. Dần dần thầy trò quý nhau hơn, công việc học tập cũng thuận lợi hơn.
Từng bị lũ cuốn
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, thầy Phúc chia sẻ, nhiều lúc thầy từng có suy nghĩ muốn bỏ cuộc trở về quê sống với gia đình nhưng chính đức tính thật thà, chất phác của người dân, sự thân thiệt, dễ gần, đáng yêu của học trò đã níu bước chân thầy ở lại.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngôi trường khó khăn ngày nào thầy Phúc gieo chữ cho con em đồng bào người dân tộc nay đã được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của các học sinh.
Thầy Phúc cho hay, phụ huynh và học sinh Nậm Tha rất quý các thầy cô giáo. Việc tặng bó rau, túi gạo, con gà cho các thầy cô những lúc khó khăn cũng là động lực giúp các thầy cô bám bản, bám lớp.
"Hồi đó, trong lớp có cả những học sinh đã ở độ tuổi 18 - 19 nhưng mới học lớp 5. Tôi còn nhớ, hai cậu học trò của tôi là Triệu Tòn On và Triệu Tòn Cầu địu cả con trên lưng đến lớp học", thầy Phúc cười.
Chia sẻ thêm về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở nơi rẻo cao, thầy Phúc bộc bạch: "Cuối tháng 5/1999, hôm đấy trời mưa rất to, điểm trường Khe Tào lại ở bên kia suối. Nước suối dâng cao, để sang được điểm trường, người dân dùng bè mảng qua đón chúng tôi. Đến giữa suối, nước lũ chảy xiết, chèo chống không chắc tôi rơi xuống suối, các thầy cô khác hò hét to kêu cứu. Nhưng may mắn, tôi là người biết bơi từ bé nên nhanh chóng vật lộn thoát được dòng lũ dữ để vào bờ".
Nên duyên vợ chồng nơi núi rừng
Thầy Phúc vào công tác tại Nậm Tha được vài năm, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương nên con đường mòn băng rừng, vượt núi ngày nào nay đã được thay thế bằng con đường dân sinh, có xe cộ đi lại.
Sự hồn nhiên, ngây thơ của học trò là một trong những lý do giúp thầy Phúc gắn bó với người dân mấy chục năm qua.
"Sau khi nhà nước mở đường vào Nậm Tha, tôi sắm được 1 con xe "Min khờ (Minsk - PV)" để tiện đi lại. Hôm đó, từ Khánh Yên Hạ đi về Nậm Tha trời mưa nên đường khá trơn. Về đến thôn Ken 3, xã Chiềng Ken, xe của tôi bị chết máy. Loại xe này rất nặng, một mình không thể đẩy lên dốc được. May lúc đó, có cô em gái người dân tộc Tày là Hà Thị Thập (vợ tôi bây giờ - PV) đẩy xe hộ tôi. Thấy em vừa xinh xắn, lại dễ gần, tôi xin làm quen, dạy học xong, cuối tuần, tôi lại sang đấy chơi. Dần dà chúng tôi nên duyên từ lúc nào không biết. Hiện tại vợ chồng tôi có 2 cháu, 1 cháu học lớp 7 và 1 cháu mới hơn 1 tuổi", thầy Phúc kể.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phùng Văn Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Tha cho biết, thầy Phúc là một trong những giáo viên đầu tiên đặt chân lên "cắm bản" ở Nậm Tha, là người tận tụy với công tác giảng dạy, được học sinh tin yêu, người dân quý mến, sống rất tình cảm. Với đồng nghiệp, thầy Phúc là người tận tình giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ, sống hòa nhã... Năm nào thầy cũng được khen thưởng với danh hiệu lao động tiên tiến, nhiều năm là chiến sĩ thi đua.
Theo danviet
Yên Bái: Một người bị cuốn mất tích khi qua suối bằng mảng Khi qua suối Thia bằng mảng, ông Giàng A Hờ không may bị rơi xuống suối, do không biết bơi nên đã mất tích. Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã An Lương (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), khoảng 19h ngày 31/10, trên đường đi làm qua suối Thia bằng mảng ở...