Tan giấc mơ ô tô Việt: Sự thất bại của nội địa hóa
10 năm qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần như thất bại trong nội địa hóa.
Bỏ sản xuất ô tô con sang làm xe buýt
Xe tải từ 10 tấn trở xuống, xe buýt, xe khách trên 29 chỗ nên được xác định đây là dòng ô tô chiến lược thời gian tới. Ảnh: L.H.V.
Yếu tố quyết định để phát triển ngành công nghiệp ô tô là thị trường, nhưng Việt Nam với hơn 90 triệu dân vẫn chỉ nằm ở dạng tiềm năng. Năm 2014, Việt Nam chỉ tiêu thụ 150.000 xe, trong khi Thái Lan tiêu thụ 2,1 triệu xe, Indonesia, Malaysia cũng gần tương đương.
“Trở ngại chính là thị trường tiêu thụ ô tô của nước ta quá nhỏ, không tạo sức hút cho nhà đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Đầu tư công nghệ ô tô rất tốn kém, nhưng chỉ cung cấp được cho vài nghìn xe sẽ chẳng ai dại gì làm”, chủ một doanh nghiệp chuyên lắp ráp ô tô phân tích.
Ông Đào Phan Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng: Các nước phát triển đều chú trọng ngành công nghiệp ô tô. Phân khúc xe cá nhân lợi nhuận cao nên các nước đều đã phân chia thị trường, Việt Nam muốn chen chân rất khó. Chỉ còn phân khúc xe tải nhẹ, xe buýt, xe khách các hãng lớn ít chú trọng mới tới phần Việt Nam, do chi phí vận chuyển sản phẩm cao. “Chúng ta chưa làm được động cơ xe, nhưng tỷ lệ nội địa hóa với xe khách, xe tải cũng đạt khá”, ông Long nói.
Không hiểu “chiến lược” muốn gì
Video đang HOT
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra đời lần đầu tiên năm 2004. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, ngành sản xuất ô tô trong nước vẫn ở dạng sơ khai, nhập máy móc về lắp ráp là chính. “Những năm qua, thực hiện chiến lược ô tô giống như gia công giày da, may mặc nên thất bại là đương nhiên”, ông Đào Phan Long nói.
Chiến lược cũ không thành công, tháng 7/2014, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn chưa nghiên cứu xong cơ chế, chính sách để thực hiện.
Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta từng nói rằng, đọc xong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông vẫn chưa rõ thực chất chiến lược muốn gì. Đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể, nên các hãng không biết phải làm gì cho đúng chiến lược Chính phủ đã ban hành. “Quyết định của các doanh nghiệp có tiếp tục đầu tư lắp ráp trong nước hay mở rộng nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào những chính sách cụ thể hóa chiến lược đó”, ông Maruta nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước nhận định: Chiến lược ô tô mới của Việt Nam hơi “viển vông” và theo ý chí của nhà quản lý. Theo ông, chiến lược đưa ra phải tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập của người dân, không phải ai muốn thế nào thì viết ra như vậy.
“Khi đề ra chiến lược nên ghi rõ: Dòng xe ưu tiên là gì; Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện cụ thể thế nào sẽ nhận được ưu đãi ra sao. Phải ghi rõ như vậy mới tránh được tình trạng xin – cho, ai quan hệ tốt sẽ được ưu đãi nhiều”, ông này nói. Do vậy, muốn công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển phải có chính sách đột phá lớn, để các nhà sản xuất ô tô thế giới chuyển về Việt Nam.
Ông Lâm Chí Quang, Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Ban ô tô của VAMI, cho biết: Thị trường ô tô Việt Nam có tiềm năng rất lớn, chiến lược phát triển ô tô đã được Thủ tướng thông qua, nhưng các chính sách vẫn chậm được ban hành, đặc biệt về thuế và phí. “Các chính sách thuế cần ổn định trong ít nhất 10 năm”, ông Quang nói. Theo ông Quang, Chính phủ cần thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe lắp ráp trong nước, thay cách tính thuế này khi xe đã xuất xưởng bằng việc đánh thuế trên bộ linh kiện nhập khẩu.
“Nếu thay cách đánh thuế, nhà sản xuất ô tô nào đẩy mạnh nội địa hóa sẽ được khuyến khích, đồng thời duy trì được sản xuất trong nước sau năm 2018. Từ đó, hướng tới mục tiêu xe được sản xuất trong nước đáp ứng 70% nhu cầu, như mục tiêu chiến lược ô tô mới ban hành. Cách đánh thuế này sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ô tô”, ông Quang nói.
Theo ông Long, việc tính thuế với ô tô lắp ráp trong nước có thể căn cứ giảm thuế theo tỷ lệ nội địa hóa, nội địa hóa nhiều sẽ chịu mức thuế thấp.
Theo Lê Hữu Việt – Tuấn Đức
Tiền Phong
Tan giấc mơ ô tô Việt: Nên bỏ làm ô tô cá nhân?
Tới năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN về 0%, nếu không có thay đổi về chính sách, các chuyên gia tính toán giá xe nhập sẽ rẻ hơn xe sản xuất trong nước khoảng 20%. Khi đó, sẽ chẳng còn doanh nghiệp nào lắp ráp hay sản xuất xe con cá nhân tại Việt Nam nữa.
Sắp buông thị trường nội địa
Thiếu vốn, mẫu xe cá nhân 4 chỗ do Vinaxuki sản xuất chỉ hoàn thành được phần khung và phải tạm dừng từ năm 2012 tới nay. Ảnh: L.H.V.
Theo tính toán của các nhà sản xuất ô tô, thời điểm này giá bán các dòng xe sản xuất và lắp ráp trong khu vực ASEAN so với xe lắp ráp trong nước chênh lệch không lớn. Một số dòng xe cá nhân nhập khẩu Việt Nam chỉ đắt hơn xe rắp ráp trong nước 15-18%. Khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018, giá xe nhập từ khu vực ASEAN sẽ rẻ hơn xe trong nước khoảng 20%.
Lãnh đạo một tổng công ty sản xuất ô tô có vốn nhà nước cho biết, dù nói được nhà nước hỗ trợ nhiều, nhưng thực tế công ty phải tự làm không có ưu đãi. Trong công nghiệp ô tô, xe con cá nhân mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi nhuận nhất. Tuy nhiên, phân khúc này các nước phát triển đã đi trước Việt Nam cả trăm năm, với tỷ lệ chuyên môn hóa cao, phân công sản xuất hoàn chỉnh. Thông thường, các hãng xe chỉ nắm công nghệ và sản xuất động cơ, các bộ phận khác do nhà sản xuất thứ cấp làm. Trong khu vực ASEAN, ngành công nghiệp xe hơi của Thái Lan là mạnh nhất, sau đó tới Indonesia, Malaysia. Các nước này đều có công nghiệp phụ trợ phát triển.
Trước đây, Malaysia cũng tham vọng có xe riêng, khi lập ra hãng Proton. Tuy nhiên, dây chuyền công nghệ nhập về sản xuất được vài năm sau đó lạc hậu, không cạnh tranh được với các nhà sản xuất lớn.
Theo vị lãnh đạo tổng công ty sản xuất ô tô này, thiết thực hơn với Việt Nam hiện nay là đầu tư sản xuất phân khúc xe khách từ 29 chỗ ngồi trở lên và xe tải từ 10 tấn trở xuống. Đồng thời, Việt Nam nên sản xuất một số linh phụ kiện cho ô tô để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu thay vì nghĩ đến sản xuất cả một chiếc xe "Made in Vietnam".
Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) nói: "Tôi đầu tư nghiên cứu sản xuất được xe tải 15 tấn, với tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%, nhưng khi vừa đưa ra thị trường thì dòng xe tải tương tự nhập khẩu được miễn thuế. Như vậy chúng tôi cạnh tranh sao được".
Doanh nghiệp lớn đắn đo
Mới đây, ông Yoshihisa Maruta - Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam tuyên bố: Toyota Việt Nam luôn mong muốn và quyết tâm duy trì sản xuất tại Việt Nam, nhưng từ năm 2018, việc duy trì sản xuất tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Toyota mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ. "Mốc 2018 rất quan trọng, tất cả các doanh nghiệp sản xuất phải đưa ra quyết định sống còn", ông Yoshihisa Maruta nói.
Theo ông Maruta, linh kiện, phụ kiện để lắp ráp chiếc ô tô tại Việt Nam đa số nhập từ nước khác, tốn chi phí vận chuyển, đóng gói, thuế... "Nói một cách khiên cưỡng, khi đó (năm 2018 - PV) ô tô nhập từ Thái Lan sẽ rẻ hơn xe lắp ráp tại Việt Nam, đây là vấn đề rất lớn với các hãng xe", người đứng đầu Toyota Việt Nam nhận định. Vị này cho hay, khó nhất của ngành ô tô Việt Nam là gần như chưa có ngành phụ trợ. "Các nhà sản xuất đang trong thời điểm ra quyết định nên tiếp tục đầu tư lắp ráp tại Việt Nam hay chuyển sang nhập khẩu. Vì để sản xuất 1 chiếc xe hơi mới, thời gian chuẩn bị mất khoảng 3 năm", ông Maruta nói.
Tuyên bố trên của ông Yoshihisa Maruta lập tức khiến nhiều người giật mình. Sau hơn 20 năm, với nhiều ưu đãi, các nhà sản xuất ô tô lớn (phần lớn là doanh nghiệp vốn nước ngoài) đã chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa với xe con trung bình chỉ từ 5 đến 10%. Và khi hội nhập, các doanh nghiệp đều phải tính tới lợi nhuận và quay ra lại kêu gọi Chính phủ hỗ trợ. Thất bại của ngành sản xuất ô tô trong nước vốn đã được cảnh báo từ lâu nay càng trở nên hiện hữu.
Theo Tuấn Đức - Lê Hữu Việt
Tiền Phong
Toyota tăng đầu tư vào Indonesia, "doạ" bỏ Việt Nam Ngay trước khi đề cập khả năng ngừng lắp ráp xe hơi tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc, nhà sản xuất ô tô số 1 Nhật Bản Toyota đã tuyên bố sẽ đầu tư thêm vào Indonesia, nhằm biến nước này thành cứ địa sản xuất phục vụ xuất khẩu. Công nhân lắp ráp phụ tùng ô tô tại...