Tan giấc mơ ô tô Việt: Nên bỏ làm ô tô cá nhân?
Tới năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN về 0%, nếu không có thay đổi về chính sách, các chuyên gia tính toán giá xe nhập sẽ rẻ hơn xe sản xuất trong nước khoảng 20%. Khi đó, sẽ chẳng còn doanh nghiệp nào lắp ráp hay sản xuất xe con cá nhân tại Việt Nam nữa.
Sắp buông thị trường nội địa
Thiếu vốn, mẫu xe cá nhân 4 chỗ do Vinaxuki sản xuất chỉ hoàn thành được phần khung và phải tạm dừng từ năm 2012 tới nay. Ảnh: L.H.V.
Theo tính toán của các nhà sản xuất ô tô, thời điểm này giá bán các dòng xe sản xuất và lắp ráp trong khu vực ASEAN so với xe lắp ráp trong nước chênh lệch không lớn. Một số dòng xe cá nhân nhập khẩu Việt Nam chỉ đắt hơn xe rắp ráp trong nước 15-18%. Khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018, giá xe nhập từ khu vực ASEAN sẽ rẻ hơn xe trong nước khoảng 20%.
Lãnh đạo một tổng công ty sản xuất ô tô có vốn nhà nước cho biết, dù nói được nhà nước hỗ trợ nhiều, nhưng thực tế công ty phải tự làm không có ưu đãi. Trong công nghiệp ô tô, xe con cá nhân mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi nhuận nhất. Tuy nhiên, phân khúc này các nước phát triển đã đi trước Việt Nam cả trăm năm, với tỷ lệ chuyên môn hóa cao, phân công sản xuất hoàn chỉnh. Thông thường, các hãng xe chỉ nắm công nghệ và sản xuất động cơ, các bộ phận khác do nhà sản xuất thứ cấp làm. Trong khu vực ASEAN, ngành công nghiệp xe hơi của Thái Lan là mạnh nhất, sau đó tới Indonesia, Malaysia. Các nước này đều có công nghiệp phụ trợ phát triển.
Trước đây, Malaysia cũng tham vọng có xe riêng, khi lập ra hãng Proton. Tuy nhiên, dây chuyền công nghệ nhập về sản xuất được vài năm sau đó lạc hậu, không cạnh tranh được với các nhà sản xuất lớn.
Theo vị lãnh đạo tổng công ty sản xuất ô tô này, thiết thực hơn với Việt Nam hiện nay là đầu tư sản xuất phân khúc xe khách từ 29 chỗ ngồi trở lên và xe tải từ 10 tấn trở xuống. Đồng thời, Việt Nam nên sản xuất một số linh phụ kiện cho ô tô để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu thay vì nghĩ đến sản xuất cả một chiếc xe “Made in Vietnam”.
Ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) nói: “Tôi đầu tư nghiên cứu sản xuất được xe tải 15 tấn, với tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%, nhưng khi vừa đưa ra thị trường thì dòng xe tải tương tự nhập khẩu được miễn thuế. Như vậy chúng tôi cạnh tranh sao được”.
Video đang HOT
Doanh nghiệp lớn đắn đo
Mới đây, ông Yoshihisa Maruta – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam tuyên bố: Toyota Việt Nam luôn mong muốn và quyết tâm duy trì sản xuất tại Việt Nam, nhưng từ năm 2018, việc duy trì sản xuất tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Toyota mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ. “Mốc 2018 rất quan trọng, tất cả các doanh nghiệp sản xuất phải đưa ra quyết định sống còn”, ông Yoshihisa Maruta nói.
Theo ông Maruta, linh kiện, phụ kiện để lắp ráp chiếc ô tô tại Việt Nam đa số nhập từ nước khác, tốn chi phí vận chuyển, đóng gói, thuế… “Nói một cách khiên cưỡng, khi đó (năm 2018 – PV) ô tô nhập từ Thái Lan sẽ rẻ hơn xe lắp ráp tại Việt Nam, đây là vấn đề rất lớn với các hãng xe”, người đứng đầu Toyota Việt Nam nhận định. Vị này cho hay, khó nhất của ngành ô tô Việt Nam là gần như chưa có ngành phụ trợ. “Các nhà sản xuất đang trong thời điểm ra quyết định nên tiếp tục đầu tư lắp ráp tại Việt Nam hay chuyển sang nhập khẩu. Vì để sản xuất 1 chiếc xe hơi mới, thời gian chuẩn bị mất khoảng 3 năm”, ông Maruta nói.
Tuyên bố trên của ông Yoshihisa Maruta lập tức khiến nhiều người giật mình. Sau hơn 20 năm, với nhiều ưu đãi, các nhà sản xuất ô tô lớn (phần lớn là doanh nghiệp vốn nước ngoài) đã chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa với xe con trung bình chỉ từ 5 đến 10%. Và khi hội nhập, các doanh nghiệp đều phải tính tới lợi nhuận và quay ra lại kêu gọi Chính phủ hỗ trợ. Thất bại của ngành sản xuất ô tô trong nước vốn đã được cảnh báo từ lâu nay càng trở nên hiện hữu.
Theo Tuấn Đức – Lê Hữu Việt
Tiền Phong
Tỷ phú Thái thâu tóm ôtô Việt: Chờ thời xe giá rẻ?
Thị trường ô tô Việt Nam với quy mô 12 tỷ USD/năm, đang ở "chiếu dưới" và trở thành mục tiêu đầy tham vọng, nhằm cứu nguy cho ngành công nghiệp ô tô Thái Lan.
Bước đi tham vọng
Đầu năm 2015, Công ty Chairatchakarn (Bangkok) đã mua gần 2 triệu cổ phiếu của Công ty Ô tô Trường Long (TP.HCM) và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 22,6%.
Chairatchakarn là DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô tại Thái Lan với các thương hiệu xe Toyota và Hino, còn Trường Long là DN kinh doanh ô tô của Việt Nam, với doanh số bán hàng tăng mạnh trong năm 2014, đạt 1.031 tỷ đồng.
Như vậy, người Thái đã bước chân vào thị trường ô tô Việt Nam với những bước đi bài bản ngay từ đầu. Sự hiện diện của nhiều DN ô tô Thái khác tại thị trường Việt Nam thời gian tới sẽ khiến các DN Việt không khỏi ngỡ ngàng.
Mới đây ông Vichai Jirathiyut - Chủ tịch Viện ôtô Thái Lan đã bày tỏ mong muốn ngành ô tô hai nước Thái Lan và Việt Nam cùng nhau hợp tác để phát triển, thay vì cạnh tranh với nhau.
Việt Nam là thị trường tiềm năng, với quy mô khoảng 12 tỷ USD mỗi năm (ảnh minh họa).
Lý do hợp tác, ông Vichai Jirathiyut đề cập đến hai vấn đề: Thứ nhất, Việt Nam có thị trường ô tô tiềm năng, đang tăng trưởng mạnh, dự báo sẽ đạt 1,5 triệu xe vào năm 2035. Thứ hai, các nhà sản xuất Thái Lan đang nắm giữ nhiều công nghệ tiên tiến, có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam trong thị trường chung AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN).
Tuy nhiên, qua phát biểu này, nhiều ý kiến cho rằng, thực ra Thái Lan đang nhòm ngó và muốn mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô, vốn đang bắt đầu rơi vào thời kỳ khủng hoảng của mình.
Thái Lan hiện có 67 triệu dân và đa số đang ở độ tuổi về già, sức cầu ô tô mấy năm qua giảm khá mạnh, từ khoảng 1,2 triệu xe/năm xuống còn 880.000 xe/năm. Xuất khẩu ô tô cũng đã tới hạn, không có tăng trưởng. Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan được dự báo bắt đầu rơi vào thời kỳ khủng hoảng, với chi phí sản xuất tăng và sản lượng giảm. Trong khi đó, Việt Nam hiện có dân số trên 90 triệu người, đa số còn trẻ, nên nhu cầu mua sắm ô tô tăng cao. Và người Thái nhìn sang thị trường Việt Nam như giải pháp cứu ngành công nghiệp ô tô của họ thoát khỏi khủng hoảng, tiếp tục phát triển.
Chỉ hơn phí nhân công rẻ
Thuận lợi đang đến với người Thái, bởi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có sức cạnh tranh rất yếu ớt. Các chính sách cụ thể để khuyến khích DN đầu tư sản xuất nhằm phát triển công nghiệp ô tô đến nay vẫn chưa có gì. Chỉ 3 năm nữa, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%, theo cam kết gia nhập AFTA. Khi đó, theo tính toán, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan từ 20-30% khiến xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Hợp tác với Thái Lan trong sản xuất ô tô, DN Việt Nam chỉ có lợi thế duy nhất là chi phí nhân công rẻ.
Nhiều người đã hình dung ra kịch bản, đến 2018, tất cả các DN ô tô tại Việt Nam sẽ phải ngừng hoạt động và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối. Đến 2020, thị trường ô tô Việt Nam được dự báo bắt đầu bùng nổ, có thể đạt sản lượng trên 300.000 xe và liên tục tăng trưởng mạnh, đến 2030 đạt hơn 1 triệu xe mỗi năm. Đây là thị trường tiềm năng, với quy mô khoảng 12 tỷ USD mỗi năm. Và đương nhiên người Thái sẽ được hưởng lợi nhất, bởi có vị trí gần Việt Nam, vận chuyển dễ dàng, lại được ưu đãi với thuế suất 0%. Cùng với việc mạnh tay thâu tóm các DN Việt Nam thì thị trường 12 tỷ USD thuộc về người Thái phần lớn, chắc cũng không quá khó khăn.
Còn với Việt Nam, khi đó ô tô sẽ là ngành nhập siêu lớn nhất và phải lo làm sao có đủ ngoại tệ để nhập khẩu ô tô. Câu hỏi đặt ra là với khoản chi 12 tỷ USD mỗi năm chỉ để nhập ô tô, không biết lấy gì bù đắp? Phải trồng bao nhiêu lúa, nuôi bao nhiêu thủy sản để xuất khẩu mới cân bằng? Nếu không, chỉ còn một cách duy nhất là hạn chế nhập khẩu, hạn chế tiêu dùng. Nhu cầu tăng cao mà xe khan hiếm thì giá sẽ bị đẩy lên cao, ước mơ ô tô lại xa vời đối với nhiều người.
Có lĩnh vực khả thi nhất, có thể hợp tác với DN ô tô Thái Lan, đó là sản xuất linh kiện, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. DN Thái có máy móc, có công nghệ, có vốn liếng, lại nằm trong chuỗi cung ứng rồi, vì vậy có thể hỗ trợ các DN Việt Nam, như lời ông Vichai Jirathiyut nói.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Hợp tác với Thái Lan, DN Việt Nam chỉ có lợi thế duy nhất là chi phí nhân công rẻ, còn tất cả đều phụ thuộc vào họ, từ đầu vào đến đầu ra. Với năng lực như vậy, khó có sự hợp tác bình đẳng và chẳng khác làm thuê bao nhiêu.
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan được nhận định, sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục phát triển rực rỡ nhờ dựa vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Trần Thủy
Vef
2016: Ôtô nhập nguyên bản đồng loạt xuống giá Từ 2016, thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN còn 40%; đến 2018, thuế nhập khẩu về 0% thì lắp ráp xe trong nước có khi đắt hơn nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Lắp ráp đắt hơn nhập khẩu Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và...