Tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế
Sự thành công của Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) năm 2020 không chỉ là bài học ý nghĩa với các nước đang phát triển trong nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19, mà còn là một câu chuyện điển hình về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng.
Đó cũng là nền tảng, tiền đề quan trọng, sẵn sàng đưa đất nước thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 – 2025.
Nhiều công nghệ mới được trình diễn trong Triển lãm Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Mục tiêu thách thức
Video đang HOT
Tại Báo cáo số 8652/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 – 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ KH và ĐT nêu mục tiêu phát triển kinh tế trung hạn 2021 – 2025 là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2016 – 2020 và đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH và ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, mục tiêu đặt ra 5 năm tới là rất cao và thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn mới đạt được. Cần nhìn vào thực lực của đất nước để luôn có giải pháp dự phòng. Yếu tố dịch Covid-19 cũng được xem xét đến trong kế hoạch năm 2021, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính khả thi. Mặc dù dịch Covid-19 gây ra nhiều tác hại tiêu cực nhưng cũng mang lại cả cơ hội. “Nếu thích nghi và làm tốt được như năm 2020, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển”, ông Đỗ Thành Trung tin tưởng.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ KH và ĐT đưa ra các giải pháp đột phá hướng vào yếu tố về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thể chế, nguồn lực và cả yếu tố văn hóa. Đầu tư công được kỳ vọng tiếp tục trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng trong kế hoạch 5 năm tiếp theo với phương thức thay đổi hoàn toàn khác so với trước đây. Nghĩa là, vốn đầu tư công phải được tập trung cho đầu tư và phát triển dự án liên vùng, dự án xương sống của quốc gia để từ đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thế giới và KTXH trong nước, Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia (NCIF) xây dựng hai kịch bản chủ yếu cho tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể, theo kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm, với giả định các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế và thương mại tăng trưởng chậm. Theo kịch bản khả quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình có thể đạt gần 6,8%/năm, nền kinh tế mặc dù có điều chỉnh giảm nhẹ sau mức tăng trưởng cao năm 2021, nhưng sau đó sẽ hồi phục ổn định.
Tận dụng cơ hội mới để phục hồi, tăng tốc
Bên cạnh những khó khăn, thách thức, dịch Covid-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, nhất là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021 – 2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 – 2025.
Theo TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF, diễn biến dịch Covid-19 vẫn có thể phức tạp và khó lường, tiếp tục tác động đến khả năng phục hồi. Do đó, cần tập trung thực hiện hai nhóm chính sách quan trọng. Thứ nhất, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua giải pháp tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm phí và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành xuất khẩu nhằm dịch chuyển lên mức giá trị cao hơn trong chuỗi; đẩy nhanh quá trình đầu tư vào nền tảng hạ tầng công nghệ. Thứ hai, thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường bằng cách tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm đối với các công trình giao thông quy mô lớn, các công trình đầu mối công nghiệp quan trọng, có sức lan tỏa; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU với các mặt hàng chủ lực; cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực DN…
Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) nhận định, quy mô gói hỗ trợ tài khóa cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn vì dịch Covid-19 Việt Nam đã thực hiện nhỏ hơn rất nhiều so các nước khác. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính các biện pháp chính sách của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trung bình đạt 15% GDP, trong khi con số tương ứng của Việt Nam là khoảng 1% GDP. Theo các chuyên gia kinh tế, với những rủi ro và bất định khó lường, phải rất nỗ lực Việt Nam mới có thể đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong những năm tiếp theo. Các gói hỗ trợ kinh tế dài hạn cần tính đến để tạo động lực cho tăng trưởng. Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu cho rằng, gói chính sách hỗ trợ mới cần phục vụ cho hai mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng. Đối với mục tiêu phục hồi kinh tế, các giải pháp của Chính phủ nên tập trung vào chia sẻ khó khăn cho DN trong phòng, chống dịch Covid-19, tránh những chính sách gây ra tác động ngược. Đối với nội dung hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, cần có các giải pháp tập trung nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Dư địa tăng trưởng phải là năng suất và hiệu quả. Đây không phải yếu tố mới, vì ngay cả khi không có dịch Covid-19, trong bối cảnh bình thường cũng phải cải thiện năng suất. Yếu tố mới ở đây đó là sự năng động, nghĩa là phải thật sự nhanh nhạy trong việc cơ cấu lại DN. Một yếu tố chủ chốt khác thúc đẩy tăng trưởng là thể chế, phải tạo ra được sự năng động trong kinh doanh, thúc đẩy sự cạnh tranh. Trong quá trình này, những DN hiệu quả sẽ có cơ hội tồn tại, còn những DN không hiệu quả sẽ được thay thế bởi những DN khác.
Hiệu quả từ Đề án "Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng"
Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được ví như mở ra "cánh cửa" phát triển bền vững của khu vực miền núi.
Chính vì lẽ đó, việc triển khai hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng" được xem là giải pháp chính sách phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng dân số tại 47 xã/11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Một buổi sinh hoạt câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết tại xã Mường Chanh (Mường Lát).
Tại huyện Mường Lát, đề án được triển khai tại 6 xã: Mường Chanh, Quang Chiểu, Pù Nhi, Tam Chung, Nhi Sơn, Trung Lý. Phòng Dân số và Truyền thông giáo dục sức khỏe - Trung tâm Y tế huyện phối hợp với ban dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) xã, trạm y tế xã, đã tổ chức các hoạt động truyền thông, nói chuyện chuyên đề, tư vấn về các chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ, SKSS tiền hôn nhân, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sàng lọc chẩn đoán trước sinh, sàng lọc sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh... cho trẻ vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người có uy tín trong cộng đồng. Cụ thể, phòng đã phối hợp với ban dân số - KHHGĐ 6 xã tổ chức 24 buổi sinh hoạt câu lạc bộ chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết, với sự tham gia của 1.200 lượt hội viên. Đồng thời, tổ chức 18 buổi nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của 900 lượt đối tượng là phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng mới kết hôn... Hoạt động truyền thông được duy trì thường xuyên hàng tháng, quý tại huyện và các xã, thị trấn đã gây được sự chú ý của cộng đồng xã hội đến công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương. Làm mới 175 băng rôn tuyên truyền, hưởng ứng các Ngày Dân số thế giới 11-7, Ngày Dân số Việt Nam 26-12, hưởng ứng các chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tiếp nhận và treo 582 áp phích tại các trạm y tế xã, nhà văn hóa các bản; cấp phát 8.870 tờ rơi cho đối tượng, thông qua các buổi nói chuyện chuyện đề, sinh hoạt câu lạc bộ... Số lượt người được nghe tư vấn và giáo dục sức khỏe là 28.500 lượt, đạt 73,1%. Số lần phát thanh trên loa đài là 283 lần, đạt 123% so với kế hoạch.
Ông Lê Quốc Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết: Thực hiện đề án, huyện đã thành lập 6 câu lạc bộ chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết và tổ chức các buổi sinh hoạt với sự tham gia của hàng trăm hội viên. Đặc biệt huyện đã đẩy mạnh công tác truyền thông, trang bị các kiến thức về hôn nhân, gia đình, SKSS... cho các đối tượng. Qua đó, góp phần thay đổi hành vi, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời, làm giảm tỷ lệ tảo hôn, nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; giảm tỷ lệ sinh; trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt trên 95%; hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai thực hiện thường xuyên ở 100% xã, thị trấn, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tại các huyện miền núi Thanh Hóa, những năm gần đây, số cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp KHHGĐ luôn tăng hàng năm; quy mô gia đình có hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS đang từng bước được nâng lên. Các vấn đề về chất lượng dân số cả thể chất lẫn tinh thần, đang từng bước được cải thiện. Thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng", có 47 xã thuộc 11 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy và Như Thanh, được thụ hưởng. Các địa phương đã tổ chức các hoạt động nói chuyện chuyên đề, hội nghị cung cấp thông tin; các buổi sinh hoạt câu lạc bộ chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết; phát thanh, truyền hình, cấp phát sản phẩm truyền thông đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân tại địa bàn triển khai đề án, để cung cấp các thông tin về các chính sách dân số - KHHGĐ trong tình hình mới, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết về bình đẳng giới, về sàng lọc trước sinh và sơ sinh... Cụ thể, duy trì sinh hoạt 47 câu lạc bộ chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết (mỗi câu lạc bộ 50 người, sinh hoạt 3 lần/năm); tổ chức 22 hội nghị cung cấp thông tin tại 11 huyện với 1.100 người tham dự; tổ chức 114 cuộc nói chuyện chuyên đề về công tác dân số trong tình hình mới tại xã, với hơn 7.050 lượt người tham gia; nhân bản và cấp phát 40.525 tờ rơi... góp phần làm thay đổi hành vi, tập quán sử dụng các dịch vụ về dân số - KHHGĐ, tăng cường thực hiện các chính sách dân số, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, cho biết: Đạt được kết quả trên, tại các địa phương triển khai đề án đã đẩy mạnh công tác truyền thông về nâng cao chất lượng dân số. Nhờ vậy, người dân đã được tiếp cận các chính sách dân số, với nội dung và hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng. Thông qua đề án góp phần tăng cường thực hiện các chính sách dân số - KHHGĐ tại vùng các dân tộc ít người có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi; giúp vị thành niên, thanh niên trang bị các kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, về SKSS, KHHGĐ và SKSS tiền hôn nhân... Đặc biệt, do làm tốt công tác tuyên truyền đã huy động được sự tham gia tích cực, hiệu quả của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết từng khá phổ biến trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
"Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 là thành tựu tuyệt vời" Các chuyên gia y tế thế giới đánh giá cao nỗ lực phát triển vaccine COVID-19 của Việt Nam. Việc Việt Nam đã có 2 ứng viên tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine là thành tựu tuyệt vời. Ngày 15/1, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Hợp tác để ứng phó với thách thức y tế" do Bộ Ngoại giao...