Tan cửa nát nhà vì bạc tỷ… “rớt trúng đầu”
Gia đình nghèo ấy đã chạm tay đến ước mơ khi vận may chợt đến nhờ vé số. Thế nhưng họ không thể ngờ, khoản bạc tỷ bỗng nhiên “rơi xuống đầu” kia lại trở thành điềm báo một tai họa. Từ chỗ sống cảnh ấm êm, chăm chỉ làm ăn, con cái trong gia đình thành ra tranh giành, từ mặt nhau chỉ vì cho rằng cha mẹ phân phát không sòng phẳng khoản “lộc Trời”.
Sướng như nhà nghèo…trúng số
Quá nửa cuộc đời dầm sương dãi nắng trên những thửa ruộng chìm ngập suốt mùa nước lũ, đôi vợ chồng nghèo ngoài 60 tuổi ở thị trấn H., huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chẳng bao giờ dám mơ màng nghĩ đến một ngày mình sẽ được “lên đời”.
Trong tâm niệm của ông L., thì dường như số phận đã lựa chọn ông làm “điểm nhấn” cho cuộc sống đói khổ. Lấy vợ rồi sinh một lèo bảy đứa con, nhưng toàn bộ chi phí sinh hoạt, ông L. chỉ biết trông vào mấy sào ruộng đắp đổi. Cuộc sống nghèo nàn, túng bấn, mấy đứa con ông cũng lần lượt vứt bỏ ước mơ con chữ để chạy theo bám đuôi đám trâu bò. Rồi lớn lên, mấy người con cũng dựng vợ gả chồng, đứa bám ruộng nương, đứa thoát ly lên thành phố làm thuê, phụ hồ.
Ở chung với cậu con út, ông L. đinh ninh cuộc đời mình chắc chẳng bao giờ được nếm cảm giác cầm mấy chục triệu đồng trong tay. Vậy mà, trong lúc cuộc sống tưởng chừng bế tắc nhất, thì gia cảnh đại gia đình khốn khổ bỗng chốc thay đổi đến chóng mặt.
Một buổi chiều tháng 6, cách đây hơn 4 năm, trong lúc trở về nhà sau một chầu nhậu say túy lúy, “ma xui quỷ khiến” thế nào, ông L. lại khật khưỡng chạy theo bà bán vé số dạo đòi mua mấy tờ cho bằng được.
Ông L kể lại chuyện buồn đã qua
Sau này nhớ lại, ông bảo: “Lúc ấy, cơn say dẫn lối nên đột nhiên thích mua cho vui vậy chứ chẳng mơ mộng gì trúng giải”. Không ngờ sáng hôm sau tỉnh cơn say, nhớ lại mấy tờ vé số, ông lấy cho con cháu dò thử thì phát hiện trúng giải đặc biệt. “Lúc ấy, thằng con trai hét toáng lên làm tui cũng sướng lây. Vợ tui từ ngoài nghe tiếng chạy vô nhà xem thực hư rồi mắng vốn: “Đã nghèo rồi còn cứ đùa cà chớn không à (?). Hai cha con nằm mơ hả (?)”. Nghe thế, tui bèn nói bà ấy là mình trúng lớn rồi, giàu lắm rồi, được những hơn 2 tỷ đồng lận”. Vừa nói, ông L. vừa chìa tờ kết quả ra cho vợ xem. Hết dụi mắt rồi lại vốc nước rửa mặt cho tỉnh táo vì sợ “mình đang mơ”, bà vợ cầm mấy tờ vé số lên rồi bật khóc nức nở. Giây phút ấy, bà thầm cảm ơn trời đã thấu niềm mong ước tâm can, ban ơn cho số kiếp nghèo hèn của hai vợ chồng.
Khi cảm xúc vui sướng tột độ qua đi, ông L. bèn gọi điện cho hai người con trai lớn cùng mình đi lĩnh thưởng. Mấy đứa con còn lại, dù chưa được thông báo, cũng lập tức đổ về nhà cha mẹ chờ đợi. Suốt một buổi sáng, hơn chục con người trong đại gia đình không cười nói, trong lòng xốn xang, hết đứng lại ngồi chờ đợi.
Mãi đến giữa trưa, lúc ba cha con ông L. trở về, mặt còn ướt đẫm mồ hôi, kèm theo đó là chiếc ba lô nặng trịch, bên trong chứa tiền thưởng, mọi người mới đồng loạt thở phào. Nhớ lại khoảnh khắc đó, ông L. bảo, lúc ba lô tiền về đến nhà cũng là lần đầu tiên, vợ con ông nở nụ cười mãn nguyện. Bên mâm cơm làm lễ “rửa lộc”, ông nhìn những món ngon mà bản thân trước tới giờ dù có thèm đến mấy cũng không dám ăn, nước mắt lăn dài mừng tủi. “Thấy đó mà nuốt không trôi. Nhìn các con, cháu say sưa ăn uống, tui hạnh phúc vô chừng”, ông L. nói.
Video đang HOT
Đêm đó, ông không tài nào chợp mắt nổi. Giữa đêm khuya khoắt, cả hai vợ chồng còn dậy kiểm tra chốt cửa rồi chong đèn run run ngồi… đếm tiền. Đếm tới tận khi gà gáy, vợ chồng mệt quá lại vơ vội tiền nhét vào ba lô, tính đủ thứ chuyện như làm lại căn nhà dột nát, tiền để dành dụm lúc tuổi già ốm đau bệnh tật, tiền cho các con có vốn làm ăn… Bàn tính đủ chuyện nhưng ông lại quên nghĩ đến câu “người tính không bằng trời tính (!)”.
Đau như nhà giàu… hết tình
Cả đời mơ ước được thoát ra khỏi cảnh chật vật lo ăn buổi sáng lại thiếu đói buổi chiều, ông cứ ngỡ khi được cầm tiền tỷ trong tay, hậu vận của mình sẽ đỡ cực nhọc. Nhưng ông không ngờ, tiền nhiều lên thì tình nghĩa giữa những người thân trong gia đình cũng vơi đi.
Cho đến tận bây giờ, ông vẫn chưa thể tin vào sự thật đó, khi mấy đứa con chỉ vì “lộc trời” mà tan đàn xẻ nghé, thậm chí từ mặt nhau. Trò chuyện với người viết, ông luôn miệng thở dài: “Muốn trách thì cũng phải nhìn lại chính bản thân mình. Bài học lớn nhất của tui là không giáo dục con cái ngay từ đầu. Bài học nữa là do trước đây quá nghèo nên lúc tiền nhiều quá, không biết cách để kìm hãm được lòng tham của các con. Chuyện xảy ra, tui cũng không muốn chình ình mặt ra để thiên hạ cười chê, chỉ mong những ai đó nếu có lỡ trúng vé số thì sẽ có cách quản lý, chi tiêu đồng tiền hợp lý, thấu đáo thì mới giữ trọn vận may, còn không thì tai họa rình rập”.
Theo lời ông, sau bận trúng vé số tiền tỉ, cả gia đình có ngồi họp lại và lên kế hoạch chia tiền rồi còn tính kế sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà. Tuy nhiên, mọi rắc rối cũng bắt đầu xuất phát từ đây. Bảy người con của ông, khi nhắc đến chuyện tiền thì “mắt cứ sáng rực như đèn pha ô tô”, đứa nào cũng đòi phải được phần hơn. Ngồi trước mặt cha mẹ, có đứa còn ngồi kể chi li việc cho ba mượn mấy chục ngàn đi đám giỗ; đứa thì kể lể chuyện mua giúp má mấy con cá, mớ rau; đứa thì chen ngang lớn giọng bảo cho ba vay mấy trăm ngàn, rồi tiền triệu… Cứ thế, các con ông ngồi thao thao bất tuyệt, lớn tiếng trình bày tuốt tuồn tuột “công trạng” ra nhằm được ba má ưu ái chia thêm tiền. Cũng từ đây, đồng tiền “đè” luôn tình cảm của mấy người con ông.
Nghe đến đó, ông L. bực quá gắt giọng bảo: “Tiền ba má chia đều, đứa nào cũng như nhau hết trơn. Giờ ba tính thế này, trước hết để vợ chồng già dựng lại căn nhà che mưa tránh nắng, còn lại chút vốn phòng thân. Đứa nào không đồng ý thì cũng không được nhận tiền luôn”.
Thấy ba làm căng, các con ông đành miễn cưỡng nhận tiền nhưng trong bụng vẫn ấm ức. Thậm chí, từ con gái tới con trai đều ngấm ngầm theo dõi xem ba má có lén lút cho đứa này, đứa kia hơn không. Từ đó, tình cảm anh em ruột thịt cũng dần tan vỡ. Đáng trách hơn nữa, các con ông khi có tiền lại vung tay quá trán, mua sắm xe ga, đồ hiệu, vòng vàng trang sức đeo lủng lẳng khắp người thể hiện… mình giàu và chẳng còn chí thú làm ăn. Nhìn thấy cảnh đó, người cha càng đau lòng. Ông không thể tin nổi, chính mấy tờ vé số mình vô tình may mắn trúng thưởng lại là tác nhân làm hại con cái, dẫn đến bi kịch gia đình.
Ông càng buồn hơn nữa, bởi lúc cất được căn nhà khang trang, sắm được chiếc xe máy đàng hoàng và ít vật dụng như tủ lạnh, tivi màn hình phẳng, bếp ga thì số tiền còn lại cũng chẳng dư được bao nhiêu. Nhưng cứ dăm bữa nửa tháng, mấy người con của ông lại tìm đến tỉ tê, nài nỉ xin ông thêm chút tiền mua sữa, tiền đóng học phí, tiền đổ xăng… Lúc ông kêu hết tiền, mấy người con lại quay sang lườm nguýt, xỉa xói. Riêng người con trai út ở cùng vợ chồng ông, trước kia được xem là “ngoan nhất nhà” thì nay có tiền vào bỗng dưng thay đổi tâm tính.
Hàng ngày, cậu con trai này trở thành khách quen của mấy quán nhậu, mấy điểm đánh bida độ, mát-xa, bài bạc và chiều nào cũng mua vài lốc vé số chờ vận may. Ăn chơi bạt mạng, đến khi hết tiền, túng quá, cậu lấy luôn sổ đỏ của ba đi cầm cố, rồi xe máy, tivi cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Ấm ức, cay đắng nhưng ông đành cắn răng cùng vợ… đi ở ké người quen. “Coi như số tui không có phúc nên mới ra nông nỗi này. Đó cũng là bài học để mọi người đúc rút kinh nghiệm khi “giàu đột xuất”", ông nói.
Giờ cuộc sống của vợ chồng ông cũng đang rơi vào bi kịch với cảnh túng thiếu triền miên. Con cái ông khi thấy ba mẹ hết tiền cũng chẳng màng ngó thăm, chỉ mạnh ai người đó lo phận. Tuy không nói ra, nhưng hàng xóm ai cũng bảo, các con ông sau giai đoạn “lên đời” thì đã quay trở về kiếp nghèo vì thói vung tiền.
Mua chịu vé số chờ vận may Bà K., một người từng bán vé số cho ông L. kể với người viết rằng: “Lúc trúng vé số, ông L. cũng biết điều dữ lắm. Sau này nghe nói con cái tranh giành nhiều quá khiến ông mới sinh ra vậy. Mấy hôm trước, ông còn đến quầy vé số của tui mua chịu vài tờ, thấy thương tình nên tui cũng để. Mua thì vậy thôi, chứ trúng thêm lần nữa chắc khó quá. Trời đã thương mà không biết giữ thì chắc gì đã còn có cơ duyên”.
Theo Dương Kiết (Đời sống & Hôn nhân)
Bay 2 tỷ trúng số vì... mua mì trúng thưởng
Ít ai nghĩ, tỷ phú Trần Kim Hùng lại rơi vào bi kịch thảm hại đến vậy. Đến tận bây giờ, nhiều người không thể lý giải được chuyện Hùng khi đã bỗng chốc giàu sụ lại có thú vui bỏ ra cả đống tiền ra chỉ để mua mì tôm về, tìm thẻ cào hy vọng trúng... chiếc xe máy khuyến mại.
Vùi mình trong thú vui và các cuộc ăn chơi vô bổ, khoản tiền trúng số bạc tỷ dần vơi. Để rồi sau khoảnh khắc "lên đời" ngắn ngủi, người đàn ông này lại trở về kiếp xe ôm, mướt mồ hôi chạy ăn từng bữa.
Bỗng chốc lên đời
Trong quá trình thực hiện loạt bài về những số phận sau khi trúng xổ số tiền tỷ, người viết được nghe rất nhiều câu chuyện đến Trần Kim Hùng (hay còn gọi Hùng "xe ôm") ở Phường Tân Mai, TP.Biên Hòa. Dù chuyện của anh Hùng trôi qua đã gần chục năm, nhưng giai thoại và những lời đàm tiếu thì vẫn còn nguyên vẹn. Khi chúng tôi lặn lội tìm đến địa chỉ nhà gặp nhân vật thuộc diện "đặc biệt" này thì rất ít người biết. Phải nhờ đến sự chỉ dẫn của những người quen từng một thời rong ruổi xe ôm với Hùng, phóng viên mới tiếp cận được "tỷ phú" xổ số một thời có tính cách khác người này.
Ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy cà tàng, mắt đảo như rang lạc chờ đợi khách, người đàn ông khoác trên mình bộ quần áo cũ rích dường như chẳng có chút dáng vẻ gì của một... tỷ phú. Ngay ngã tư sầm uất giữa lòng thành phố Biên Hòa, sau cái bắt tay làm quen có phần gượng gạo, anh bảo: "Thời vàng son của đời tôi đã khép lại rồi. Giờ chạy ăn từng bữa mới thấy tiếc. Ngày ấy, tôi nông nổi quá, thích chơi trội nên giờ hối hận cũng đã muộn". Cái ngày ấy, theo như lời người đàn ông tuổi gần 40 thì cũng cơ cực chẳng khác mấy so thời điểm hiện tại, có chăng chỉ là "một phút lóe sáng" trở thành tỷ phú rồi bỗng chốc vụt tắt.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh liên tục rít thuốc lá, đôi mắt mơ màng nhớ về kiếp đời chìm nổi: "Tôi quê gốc ở Bắc Giang, thất học từ bé nên lớn lên theo bạn bè vào đây sinh sống, lập nghiệp. Nói là lập thân cho oai chứ thực chất, thì tôi cũng chỉ biết mỗi việc làm thuê làm mướn cho người ta. Do có chút tay nghề làm thợ xây nên chỉ sau một thời gian ngắn đi phụ việc khuân vác nặng nhọc, tôi xin được vào một nhóm thợ hồ để làm tay thợ chính. Mỗi ngày lao động, tiền kiếm cũng được trăm ngàn bạc.
Nhưng cuộc sống chốn thành thị tốn kém, nhiều thứ chi tiêu, thành thử tôi làm mãi cũng chỉ vừa đủ ăn tiêu hàng tháng, không dư ra được đồng nào. Thậm chí, nhiều lúc tôi còn phải chạy ăn từng bữa, loay hoay đi mượn tiền để đóng phí thuê nhà. Về sau, tôi tích góp, vay mượn mua được chiếc xe máy nên chuyển sang hành nghề xe ôm.
Thời điểm những năm 2000, phương tiện xe buýt chưa thực sự hữu dụng như bây giờ nên cũng kiếm được kha khá. Khi có tiền, trong những lúc đứng chờ đợi khách, mấy người bạn xe ôm thường xuyên rủ tôi mua vé số tìm kiếm vận may. Và, tôi đúng là may thật...".
Hàng ngày Hùng vẫn bám mặt đường chạy xe ôm kiếm sống
Buổi chiều được xem là "vận may lớn nhất trong cuộc đời" của Hùng là lúc trên đường chở khách đi từ TP. Biên Hòa xuống huyện Nhơn Trạch. Trên đường đi, Hùng mau mồm trò chuyện mua vui, đến nơi vị khách hào phóng "boa" thêm cho anh hơn trăm ngàn tiền công. Cả ngày bám mặt với đường, Hùng phấn khởi trở về nhà và quyết định chiều đó không chạy xe nữa mà dành sức nghỉ ngơi. Đang loay hoay đứng trước phòng trọ, có bà bán vé số đi ngang qua năn nỉ mời mua. Lúc đầu Hùng cố sức chối đẩy, nhưng thấy bà già đội áo mưa năn nỉ mãi, anh rút ví lấy 50.000 đồng tiền "lộc" khách cho mua mấy tờ vé số ủng hộ.
"Nghĩ thấy tội nghiệp bà lão nên cũng mua vậy thôi. Nào ngờ vài hôm sau lúc rỗi khách, đến điểm bán vé số dò kết quả, tôi không tin nổi vào mắt mình nữa. "Trúng rồi (!)". Tôi hét tướng lên khiến tất cả những người xung quanh tập trung dõi nhìn", anh Hùng nhớ lại.
"Hơn 2 tỷ đồng", anh bảo đó là số tiền cả đời làm xe ôm mình cũng chẳng dám mơ hay mảy may nghĩ đến, đã trở thành hiện thực. Chỉ trong thoáng chốc, anh tài xế ôm đã "lên đời", thoát khỏi cảnh bầm giập cóp nhặt từng đồng tiền lẻ của nghề bám bụi mặt đường.
"Lên voi xuống chó"
Thói đời vốn dĩ cũng thật lắm trớ trêu, mà Hùng chính là trò đùa nghiệt ngã nhất của số phận may rủi. Ngày Hùng trúng số tiền tỷ, anh trở thành người nổi tiếng nhất khu vực này. Có ai ngờ mới ngày hôm trước, cánh xe ôm hành nghề còn thấy chàng trai 29 tuổi mặc cái quần xanh cũ mèm, khoác trên người chiếc áo sơ mi đầy bụi bặm, đầu lúc nào cũng đội nắng chang chang chạy ngoài đường. Vậy mà ngay sáng hôm sau, Hùng đã "lột xác" hoàn toàn với áo sơ mi phẳng phiu, quần ủi li thẳng tắp, giày da bóng lộn đến ngay chỗ hành nghề xe ôm mọi ngày của mình, giả vờ đứng đợi bạn, thực chất là để khoe mẽ với mọi người.
Sự đổi thay của Hùng từ lúc có tiền cũng khiến nhiều người cũng choáng ngợp. Lúc ấy, dãy trọ nơi chàng trai thuê ở trong một con hẻm ở P. Tân Mai là cảm nhận rõ nhất.
"Nói thật nha, lúc ấy mấy người công nhân cùng khu trọ cứ nhìn tôi giống như từ trên trời rơi xuống vậy. Có người còn nghĩ, tôi đi ăn cướp tiền hay sao mà mua sắm hết cái này cái nọ, bỏ hẳn nghề xe ôm. Mãi về sau, khi tôi mua nhà, chuyển đi chỗ khác, họ mới biết được nguồn cơn sự việc", anh Hùng kể.
Có tiền trong tay, Hùng cũng chứng minh cho bà con xung quanh nơi "làm việc" của mình rằng: "Tui cũng chơi được lắm à nha, chứ không phải là chỉ biết chạy xe ôm". Việc chứng tỏ đầu tiên của chàng trai gốc Bắc là tậu ngay căn nhà khá khang trang nằm trên trục đường Nguyễn Ái Quốc (P. Tân Phong, TP. Biên Hòa). Tiếp đó, anh tìm đến gặp gỡ bạn bè thuở hàn vi. Đặc biệt hơn, khi nghĩ lại cảnh ngộ éo le của đám bạn cùng quê một thời vắt ráo mồ hôi cực lực mưu sinh, Hùng cứ nghe ai than nghèo kể khổ là rút ngay xấp tiền dúi vào tay bạn rồi rủ mọi người đi nhậu, đi hát hò, đàn đúm cho thỏa nỗi thèm khát hưởng thụ bấy lâu nay.
Tuy nhiên, đó chưa phải là cách vung tiền "dị" nhất của Hùng "xe ôm" một thời. Đến tận bây giờ, giai thoại được nhiều người kể nhất chính là cách tiêu tiền thuộc dạng "có một không hai" của một tỷ phú xổ số. Người ta đồn rằng, sau khi mua nhà, còn dư rất nhiều tiền, Hùng nghe tin một hãng mì tôm đang có chương trình khuyến mãi "ăn mì tôm trúng xe máy" nên rất hào hứng. Muốn sở hữu được xe máy thì phải bóc từng gói mì tôm ra rồi cào thẻ trúng thưởng tìm vận hên xui. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, Hùng cũng tin răm rắp và mua cả đống mì tôm về chất đầy nhà rồi kỳ cạch ngồi bóc từng gói mì để hy vọng sẽ trúng thưởng.
Thế nhưng, hết gói mì này đến gói mì khác bị bóc mà cơ duyên may mắn vẫn ngoảnh mặt. Bao nhiều tiền của đã đổ ra, nhưng nỗi thèm khát được sở hữu xe máy của Hùng thì vẫn xa vời. Hùng xác nhận: "Câu chuyện đó là có thật. Chẳng hiểu sao thời đó mình dại quá, số tiền mua mì tôm đủ để tui mua cả chục chiếc xe máy chứ đâu có ít, đến khi giật mình nhìn lại thì đã quá muộn".
Khi số tiền dần vơi, Hùng lại tìm đến vé số, lô đề, bài bạc như một thứ bùa hộ mệnh nhằm cứu vớt lại những gì đã ném vào những sở thích vô bổ và các cuộc ăn chơi trác táng. Tuy nhiên, quy luật cuộc đời với câu nói: "Cờ bạc là bác thằng bần, lô đề ra đê mà ở" lại ứng nghiệm với Hùng. Sau khoảng thời gian "chói sáng" và ngập chìm trong những cuộc chơi vận mệnh đầy may rủi kia, Hùng trượt dốc thảm hại. Ngày qua ngày, anh lún sâu thêm vào mà không thể rút chân ra khỏi những cuộc chơi, bỏ tiền đầu tư thì nhiều mà những lần thu về thì rất ít.
Càng thua bài bạc, Hùng lại như con thiêu thân biết chết nhưng vẫn lao vào lửa, điên cuồng cố gắng tìm kiếm vận may nhằm hy vọng gỡ gạc và quay về những ngày sung sướng. Nhưng hy vọng ấy là quá xa vời, Hùng bán xe, nhà cửa, đồ đạc vung tiền vào những con số. Chỉ vỏn vẹn trong gần 2 năm, Hùng "tỷ phú" lại trở về cuộc sống túng bấn chưa hẹn ngày kết thúc...
Theo Hữu Huấn (Đời sống & Hôn nhân)
Trúng vé số, người ở đợ bỗng thành tỉ phú Khi nhìn vào bảng thông báo kết quả sổ xố, cầm tờ vé số trên tay, anh Bạch không tin vào mắt mình. Anh đã sở hữu số tiền khổng lồ 1,5 tỉ đồng nhờ tấm vé số. Đó là điều ngay cả trong giấc ngủ anh cũng chưa từng mơ tới. Cuộc đời Bạch có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên được...