Tấn công vào Syria: Đâu là toan tính thực sự của Mỹ và liên quân?
Cuộc tấn công của Mỹ vào Syria rạng sáng 14.4 dù chỉ diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ nhưng được chuyên gia nhận định là một cuộc chiến thực sự, không đơn thuần vì mục tiêu trừng phạt Syria vì đã sử dụng vũ khí hóa học như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trao đổi với PV Dân Việt , ông Nguyễn Đăng Phát – Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương – nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Nga nhận định, ông không tin vào những tuyên bố của Mỹ và phương Tây cho rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng bởi chính phủ Syria trong vụ vừa rồi.
Ông Nguyễn Đăng Phát – Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương – nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Nga nhìn nhận, đợt không kích vừa rồi của Mỹ và liên quân là một cuộc chiến thật sự chứ không còn là cuộc chiến tuyên truyền hay ngoại giao.
Theo ông vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động tấn công Syria vào thời điểm này? Nguyên nhân căn bản của đợt tiến công này nhằm vào Syria là gì?
Ông Nguyễn Đăng Phát: Về công khai, Mỹ đưa ra lý do đã nói với dư luận, tức là vì việc vụ tấn công vũ khí hóa học mà phía Mỹ và phương Tây cho rằng do chính phủ Syria thực hiện.
Ngoài ra họ cũng nói chính phủ Syria có sở hữu vũ khí hóa học, có những cơ sở nghiên cứu về vấn đề vũ khí hóa học. Mỹ và liên quân cũng nói chứng cứ đối với họ đã rõ ràng rồi, nên quyết tâm trừng phạt Syria.
Đòn đánh này tổng thống Mỹ cũng nói là đánh vào những nơi triệt tiêu tiềm năng vũ khí hóa học của Syria. Đấy là qua những tuyên bố chính thức của Mỹ hôm qua và nhiều lần trước đó. Còn đằng sau đó có lẽ cũng có nhiều toan tính.
Hình ảnh cho thấy hoạt động không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Damascus. (Nguồn: AP)
Thực ra, thời gian gần đây chúng ta cũng biết ở Syria diễn ra cuộc chiến trên cơ bản gọi là cuộc chiến chống khủng bố, năm 2015 Nga có can dự.
Trước đó, liên minh do Mỹ cầm đầu, danh nghĩa cũng tới sáu mươi mấy nước cũng nói đã can dự, tuy nhiên trên thực địa Nga và Syria cũng giành được nhiều kết quả hơn. Thế giới cũng thừa nhận như thế. Còn liên minh do Mỹ đứng đầu không thực sự giành được kết quả lớn trong cuộc chiến họ nói chống khủng bố, chống IS.
Gần đây có những diễn biến rất đáng chú ý là quân đội Nga nói về cơ bản IS ở Syria đã bị đập tan, hướng vào giải pháp hòa bình lâu dài, thương lượng cho Syria.
Video đang HOT
Phía Mỹ không thừa nhận việc này, họ cho rằng chính quyền sở tại vẫn có những hành động mà họ nói chống lại, tìm cách triệt tiêu phe đối lập ở Syria. Vụ mới nhất họ nói có tình trạng sử dụng vũ khí hóa học nên Mỹ và liên minh trừng phạt.
Ở đây, cá nhân tôi không tin vào những tuyên bố của phía Mỹ và phương tây cho rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng bởi chính phủ Syria trong vụ vừa rồi. Thực tế họ không chấp nhận một điều tra quốc tế cho cặn kẽ tại thực địa, không ai đến đây để điều tra thực sự cả.
Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Nga yêu cầu phải có điều tra, tất nhiên đứng đầu là tổ chức quốc tế chống vũ khí hóa học, có vẻ như tổ chức này đã soạn sửa cử chuyên gia đến nhưng chuyên gia chưa đến thực địa thì đã xảy ra cuộc chiến trừng phạt.
Điều hiện nay dư luận đặt câu hỏi là chưa rõ có xảy ra cuộc tiến công bằng vũ khí hóa học như vừa rồi hay không? Thứ hai, nếu xảy ra thì mức độ như thế nào? Thứ ba nếu đã xảy ra thì do ai, ai là thủ phạm đều chưa rõ.
Có lẽ Mỹ, Anh, Pháp đang theo đuổi mục tiêu khác nữa, không chỉ là trừng trị thủ phạm gây ra vụ đánh vũ khí hóa học vừa rồi.
Có ý kiến nói, ông Trump muốn chứng tỏ quyền lực, uy tín Tổng thống bởi các vụ rắc rối bầu cử, phát triển kinh tế trong nước, nên đánh Syria để hướng dư luận vào đó. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Ông Nguyễn Đăng Phát: Chắc chắn có những mục tiêu khác, kể cả mục tiêu đối nội trong những quyết sách của nhà lãnh đạo như ông Trump đối với vấn đề quốc tế. Thực ra chuyện này ở nhiều nước trên thế giới vẫn xảy ra, không chỉ riêng gì nước Mỹ.
Tên lửa bay qua thủ đô Damascus, Syria rạng sáng 14.4 theo giờ địa phương. Ảnh Reuters.
Gần đây, bên cạnh những vụ ở Syria, chúng ta cũng biết có những vụ việc xảy ra ở phương Tây mà truyền thông cũng như chính giới và ngoại giao phương Tây làm rất mạnh để chống Nga, như vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh. Vụ này cũng chưa rõ ràng nhưng dấy lên một chiến dịch rất lớn, Mỹ cũng ủng hộ các nước phương Tây, ủng hộ Anh. Lần này cuộc chiến ở Syria là cuộc chiến chứ không phải thuần túy là một cuộc chiến tuyên truyền hoặc ngoại giao nữa. Nhưng mà cũng có những phần diễn biến trong cái quỹ đạo đó.
Tức là cũng thể hiện một sự kình địch với Nga, và sự kình địch chống Nga này đối với ông Trump ở Mỹ cũng chính là chiều theo một phần dư luận Mỹ. Một bộ phận quan trọng trong Quốc hội Mỹ đã có một khí thế, tâm lý chống lại Nga kể từ khi ông Trump nhận chức cho đến nay.
Tôi nghĩ cái đó phải gắn với một phần những yếu tố trong nước, yếu tố đối nội của ông Trump.
Theo nhận định của ông thì Nga sẽ phản ứng thế nào trước cuộc tấn công này?
Ông Nguyễn Đăng Phát: Trước và sau khi Mỹ đã thực hiện tấn công, Nga cũng đã có những tuyên bố công khai.
Bây giờ hãy nhìn lại những tuyên bố mà sau khi Mỹ đã phát động tấn công sẽ thấy.
Một, về mặt ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng có nói là cuộc tấn công này cũng nhằm làm cho tình hình rối lên sau những âm ỉ nói rằng có vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria.
Cuộc tấn công này của liên minh Mỹ cũng nhằm xóa sạch các dấu vết có thể có liên quan đến vụ này ở Syria. Nga nói rằng không xảy ra vụ như thế và yêu cầu điều tra thì bây giờ đánh mạnh vào điều tra viên quốc tế không thể đến được. Hiện trường thì lại càng đổ nát, tan hoang nên càng khó điều tra. Đúng ra, Syria đã được hưởng hòa bình sau khi cuộc chiến chống IS tại Syria đã có những kết thúc nhưng bây giờ phương tây lại tấn công.
Còn về mặt quân sự, Bộ Quốc phòng Nga cũng nói một điều mà chúng ta thấy rất chờ đợi, là loạt tên lửa đánh vào Syria chưa ảnh hưởng đến vùng mà lực lượng vũ trang Nga chịu trách nhiệm ở Syria, chưa bay vào vùng có căn cứ không quân, có căn cứ hải quân của Nga.
Vậy phản ứng của họ đến mức độ này có lẽ vì loạt không kích đầu tiên của Mỹ vẫn còn đang giới hạn ở cái mức độ, phản ứng của Nga cũng đang giới hạn.
Với cuộc tấn công này, Mỹ – Nga nhằm thị uy sức mạnh vũ khí, hay ông Trump muốn chứng tỏ điều gì thưa ông?
Theo tôi phía Mỹ và những nước ủng hộ Mỹ muốn thể hiện không phải là sức mạnh của vũ khí.
Trước đó, Nga và liên minh từng tuyên bố vấn đề ở Syria chỉ Nga và những nước đang phối hợp với Nga mới giải quyết được. Bây giờ có thể Mỹ và liên quân muốn khẳng định vấn đề tại Syria cần phải có nhiều nước, nhiều bên khác nữa.Những bên này cụ thể ở đây là Mỹ và phương tây có nhiều lợi ích rất trái ngược nhau, do đó cuộc chiến như Nga nói chống IS ở Syria đã hoàn thành, nhìn ở góc độ Mỹ và phương Tây thì không thể kết thúc ở đây được.
Chúng ta cũng biết là trong tiến trình tìm kiếm giải pháp ngoại giao chính trị cho Syria, Nga, Iran, phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ đã mở thêm một diễn đàn là vòng đàm phán ở Kazakhstan song song với vòng đàm phán ở Geneva do Liên hợp quốc bảo trợ. Cái này cũng gây chia rẽ giữa hai bên: Mỹ, phương Tây và Nga, Iran và một số đối tác khác.
Nếu chỉ sử dụng một diễn đàn ở Kazakhstan mà gần như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì sẽ không đủ và phía Mỹ cùng phương tây cũng không chấp nhận. Còn nếu chỉ sử dụng diễn đàn ở Geneva thì phía Nga, Syria và các đối tác cũng không chấp nhận.
Do đó, cuộc chiến xung đột và giải pháp cho Syria không thể giải quyết được chỉ bởi những nỗ lực của Nga và các nước phối hợp với Nga. Do đó nó chứa đựng mâu thuẫn giữa hai phe và cuộc chiến này chứa đựng mâu thuẫn như thế.
Theo Danviet
Mỹ và đồng minh tấn công Syria: Vì sao Nga không đáp trả?
Cả Nga và Mỹ đều kiềm chế vì biết rõ đụng độ quân sự trực diện ở Syria sẽ khiến tình hình mất kiểm soát
"Thế chiến thứ ba có thể bắt đầu từ Syria" - nhiều chuyên gia đã lo sợ điều này sẽ xảy ra nếu Mỹ và đồng minh không kích Syria với lý do "đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma gần thủ đô Damascus của Syria cuối tuần trước".
Kịch bản này có vẻ không thành hiện thực nếu nhìn vào cách Mỹ tấn công rạng sáng 14-4 và cách Nga phản ứng. Mỹ và đồng minh chọn không kích 3 mục tiêu. Đây được xem là trọng tâm của chương trình vũ khí hóa học Syria nhưng mặt khác, đánh vào đây lại giảm thiểu thiệt hại vì không gây thương vong cho cả dân thường lẫn binh lính Nga, theo đài BBC.
Báo New York Times cũng cho rằng dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố rất mạnh miệng nhưng hành động của Mỹ đã được tính toán cẩn thận để không làm Nga và Iran trả đũa, từ đó tránh dẫn đến một cuộc xung đột sâu rộng. "Các mục tiêu bị đánh trúng liên quan đến vũ khí hóa học, không phải các căn cứ của Nga và Iran" - ông Dennis Ross, chuyên gia về Trung Đông, nhận định.
Theo tờ New York Times, trong một cuộc họp của quân đội Mỹ trước cuộc không kích, nhiều quan chức lo ngại Nga có thể phản ứng nếu các cơ sở của Syria bị tấn công. Họ thậm chí lên kế hoạch bảo vệ các tàu khu trục của hải quân Mỹ trong trường hợp phía Nga phản công. Nhưng có vẻ Nga và Iran không chọn cách đáp trả trực tiếp quân đội Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, hàng đầu) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái, hàng đầu) tại căn cứ không quân Khmeimim cuối năm 2017 Ảnh: ĐIỆN KREMLIN
Giữa những bất ổn, chỉ có một điều chắc chắn: Các cuộc không kích mới nhất của Mỹ và đồng minh sẽ không thay đổi được cục diện quân sự hiện nay ở Syria. Dội tên lửa các cơ sở hóa học của Syria chỉ là hành động mang tính biểu tượng thay vì một chiến lược và rõ ràng không thể đem đến kết thúc cho cuộc nội chiến đã bước vào năm thứ 8 ở quốc gia Trung Đông này.
Thiếu một chiến lược dài hạn khiến hoạt động của Mỹ ở Syria sau cuộc không kích ngày 14-4 tiếp tục là chuỗi mơ hồ. Trong lúc vẫn muốn rút quân về thì ông Trump lại khơi mào cuộc tấn công tiềm ẩn rủi ro mở rộng xung đột. Mỹ thực sự muốn gì - Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi hay chỉ đơn giản là củng cố "lằn ranh đỏ" đối với việc sử dụng vũ khí hóa học? Trong khi ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh vế sau thì đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, lại khẳng định "không có giải pháp chính trị ở Syria một khi ông Assad còn tại vị".
Thật ra, ảnh hưởng lớn nhất của các cuộc không kích là khoét sâu hơn mối quan hệ lạnh lẽo giữa Mỹ và Nga. Cả hai nước đều kiềm chế vì biết rõ đụng độ quân sự trực diện ở Syria sẽ khiến tình hình mất kiểm soát. Dù vậy, một số chuyên gia dự đoán Nga có thể đáp trả bằng cách không can thiệp nếu các lực lượng Iran trả đũa hàng ngàn binh sĩ Mỹ đang đóng ở Syria và Iraq, đặc biệt là khu vực phía Đông sông Euphrates (của Syria) và dọc biên giới Iraq - Syria. Nga cũng có thể không kiềm chế các tay súng do Iran hậu thuẫn ở miền Nam Syria trong việc khiêu khích Israel.
Ngoài ra, khả năng đáp trả của Moscow và Tehran còn nằm ở sức mạnh trên không gian mạng của họ. Chỉ mới vài tuần trước, Bộ An ninh nội địa Mỹ cảnh báo có các phần mềm độc hại "cài cắm" trong lưới điện của Mỹ và cho rằng chúng có nguồn gốc từ Nga.
Theo Hải Ngọc (Người lao động)
Hình ảnh nghi vấn đầu tiên về cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria Một số người dùng mạng xã hội đã đăng các video được cho là các tên lửa phòng không của Syria bắn về phía các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ trên bầu trời thủ đô Damascus sau khi Tổng thống Donald Trump phát lệnh tấn công Syria. Theo RT, những hình ảnh và video đầu tiên đã xuất hiện trên mạng...