Tấn công mạnh đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc
Vào mỗi dịp Tết Trung thu, thị trường đồ chơi trẻ em lại “ nóng” lên với sự hiện diện của các đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc. Trong đó có rất nhiều những đồ chơi mang tính bạo lực, đồ chơi không được kiểm định về chất lượng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em. Mặc dù các lực lượng chức năng đã làm khá mạnh tay đối với mặt hàng này từ trước mùa trung thu song vẫn chẳng thấm vào đâu. Đặc biệt, trong mùa trung thu năm nay, còn có thể xuất hiện một thứ đồ chơi mới : “ mặt nạ da người”
Đồ chơi nghèo tính giáo dục, đậm tính bạo lực
Gần đến ngày Tết Trung thu, dạo một vòng các tuyến phố chuyên về đồ chơi trẻ em như: Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược, chợ Đồng Xuân… có thể thấy, đồ chơi mang nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc đã chiếm phần lớn diện tích trưng bày tại các cửa hàng. Riêng với đồ chơi bạo lực do bị liệt vào danh sách cấm nên để đối phó với cơ quan công an và quản lý thị trường những đồ chơi loại này thường được giấu kỹ, khi nào có người hỏi mua mới mang ra.
Một chủ cửa hàng cho biết, các loại đồ chơi bạo lực như súng, dao kiếm, vũ khí thường giống như trong các trò game online có xuất xứ từ Trung Quốc. Ví dụ như đồ chơi mô phỏng kiểu dáng súng trong game Đột kích, Hafl-life và đao, kiếm có dạ quang phát sáng giống trong game Võ Lâm truyền kỳ, Thiên Long bát bộ… được các “thượng đế nhí” tìm mua rất nhiều. Không chỉ là những loại súng ống như: súng bắn đạn nhựa cứng, súng laze, gươm đao phát sáng, một số loại vũ khí “độc” trang bị cho nhân vật trong game Đột kích mà các game thủ rất thích đều có đồ chơi được mô phỏng theo như súng ngắn, súng trường, các khẩu M16, M700 cho đến AK47, lựu đạn… có giá thành cao cũng xuất hiện nhiều trên thị trường đồ chơi Trung thu năm nay.
Cảnh báo mặt nạ da người
Tại Trung Quốc đang lên cơn sốt một thứ đồ chơi mới đó là “mặt nạ da người” giống y như thật. Những chiếc mặt nạ này được làm bằng silicon mỏng có thể làm thay đổi diện mạo của người khác và rất khó phát hiện. Hiện trên các trang mạng của Trung Quốc thứ mặt nạ này có thể mua được dễ dàng vì theo các giới chức Trung Quốc đây được xếp vào mặt hàng đồ chơi nên không bị cấm. Thứ mặt nạ này có thể chơi đùa, hoặc để đóng kịch trên sân khấu, song giới chức Trung Quốc cũng lo ngại rằng mặt nạ giống y như mặt thật này rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để cải trang thực hiện các hành vi phạm tội mà tránh bị phát hiện.
Vào mùa Trung thu hàng năm, tại thị trường đồ chơi Trung thu của Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại mặt nạ bằng silicon có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đó là những loại mặt nạ có hình thù kỳ quái ghê rợn. Vì vậy cũng không thể loại trừ khả năng thứ mặt nạ da người của Trung Quốc sẽ hiện diện trên thị trường đồ chơi Trung thu năm nay. Theo điều tra của phóng viên, tại thị trường Hà Nội chưa thấy bày bán loại đồ chơi này. Lực lượng công an cũng cho biết chưa phát hiện vụ việc phạm tội nào mà đối tượng sử dụng loại mặt nạ da người này. Song trên thị trường TP.HCM cũng đã xuất hiện loại mặt nạ này. Theo thông tin trên báo điện tử Người đưa tin thì đây là mặt hàng đang “hút” khách tại TP.HCM và nó vẫn được bán “chui” tại một số cửa hàng trong thành phố và một số cửa hàng bán đồ chơi.
Video đang HOT
Được biết, một thanh niên châu Á đã từng sử dụng chiếc mặt nạ silicon, cải trang thành một người khác để đáp tới một chuyến bay tới Canada và đã bị phát hiện bắt giữ. Điều đó cho thấy khả năng loại đồ chơi mặt nạ da người này được tuồn về Việt Nam không phải là không có. Các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quản lý đối với mặt hàng này.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại và khó quản lý
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, có độ pH hay hàm lượng độc tố không vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Thế nhưng theo một số công trình nghiên cứu đã chứng minh có không ít các loại đồ chơi Trung Quốc nhập lậu trên thị trường hiện nay thường là các loại nhựa tái sinh nên phải bổ sung thêm các hóa chất để tăng cường tính chất cơ lý như tăng độ bền, độ mềm dẻo hay độ cứng. Ngoài ra để hạ giá thành xuống mức thấp nhất, các cơ sở sản xuất đồ chơi thậm chí còn thu gom cả nhựa phế thải từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí còn lẫn với các chất thải hữu cơ độc hại. Ngoài ra, các hóa chất như muối kẽm, muối catmi, muối đồng hoặc sử dụng các sơn màu vô cơ có thành phần oxit kim loại nặng như chì, thủy ngân… sẽ bị phôi ra và hấp thu vào cơ thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Ngân Hà – Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội), qua kiểm tra các cửa hàng buôn bán đồ chơi trong dịp Tết Trung thu đã phát hiện nhiều mặt hàng đồ chơi Trung Quốc nhập lậu không có tem kiểm định và dấu chứng nhận hợp quy. Ông Hà cho biết những đồ chơi nhập lậu và hầu hết đồ chơi bạo lực được đưa vào thị trường Hà Nội bằng cách trà trộn trong các lô hàng buôn lậu qua các cửa khẩu biên giới như Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh). Các đối tượng buôn lậu thường “đánh hàng” về các tỉnh giáp ranh Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên rồi sau đó mới xé lẻ và đưa vào tiêu thu trong nội đô. Trong khi đó, các chủ hộ bày bán những mặt hàng này thường có thủ đoạn rất cơ động và tinh vi làm giả các loại tem, nhãn để đối phó với cơ quan chức năng, và khi thấy bóng dáng công an và cơ quan quản lý thị trường là chạy ngay nên cơ quan chức năng không dễ xử lý.
Tấn công mạnh đồ chơi nhập lậu và bạo lực
Nói về thực trạng đồ chơi nhập lậu trong dịp Tết Trung thu, Trung tá Nguyễn Văn Võ, Đội phó Đội Chống buôn lậu và Buôn bán hàng cấm, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội cho rằng, Tết Trung thu thường là dịp để các đối tượng nhập hàng buôn lậu về với số lượng lớn nhằm thu lời bất chính. Biết rằng trong thời gian này, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra gắt gao nên các đối tượng đã tập kết hàng trước đó vài tháng rồi đợi đến dịp Trung thu để tung ra thị trường. Để đối phó với hoạt động này đơn vị đã phối hợp với Cơ quan Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch và mở các đợt cao điểm nhằm vào các “ổ” buôn bán hàng lậu trong đó có mặt hàng đồ chơi trẻ em. Còn với cơ quan quản lý thị trường, ông Nguyễn Công San, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chủ động nắm bắt tình hình thị trường, đặc biệt là kiểm tra trên các tuyến đường lưu thông và tại các kho hàng, cửa hàng phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh đồ chơi nhập lậu, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồ chơi chưa được chứng nhận hợp quy, không có tem hợp quy.
Với sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong dịp Tết Trung thu này, đã có nhiều vụ việc liên quan đến việc buôn lậu đồ chơi trẻ em được khám phá. Điển hình như ngày 11-9-2012, Đội Chống Buôn lậu và buôn bán hàng cấm (Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội) đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra “kho hàng” tại địa chỉ số 6 phố Gầm Cầu do Nguyễn Anh Thanh (SN 1977) làm chủ đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm đồ chơi do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chỉ sau đó 2 ngày, ngày 13-9-2012, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục phát hiện tại cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em số 83 Hàng Lược (Hoàn Kiếm – Hà Nội) do Lương Anh Tuấn (SN 1968) làm chủ đã phát hiện 7 thùng hàng với nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 24-8, Đội Quản lý thị trường số 2, Chị Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện tại vỉa hè số 4 phố Đồng Xuân, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm tập kết một lượng lớn đồ chơi bạo lực. Hàng hóa bị thu giữ gồm 30 khẩu súng bắn đạn nhựa, 90 kiếm nhựa, 432 chiếc ô tô đồ chơi hình con giống. Chủ hàng là Nguyễn Thị Đông, trú tại xã Sơn Thủy huyện Thanh Thủy, Phú Thọ cho biết, sau khi tập kết sẽ đem giao số hàng cấm trên cho các cửa hàng đồ chơi để bán trong dịp tết Trung Thu. Liên quan trực tiếp tới mặt hàng đồ chơi bạo lực do Trung Quốc sản xuất, sáng 5-9-2012 vừa qua, Tổ công tác TTKSGT, Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt – CATP Hà Nội) đang trong quá trình làm nhiệm vụ trên tuyến QL 1B đã phát hiện một xe ô tô khách do lái xe Phạm Văn Đoàn ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) điều khiển có chở 4 bao tải. Bên trong chứa gần 1.000 khẩu súng đồ chơi bắn đạn nhựa các loại mang độ sát thương cao.
Đồ chơi trẻ em là mặt hàng có sự ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách đạo đức của trẻ nhỏ. Với những loại đồ chơi nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc thường là những loại đồ chơi nghèo tính giáo dục nhưng lại mang đậm tính bạo lực đòi hỏi cần phải có sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ và xử phạt mạnh tay các cơ quan chức năng.
Theo ANTD
Thực phẩm bẩn ồ ạt nhập lậu
Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, tình hình nhập lậu hàng tiêu dùng không giấy tờ kiểm định, thực phẩm ôi thối từ Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng, đáng lo ngại.
Công an TP Lạng Sơn vừa bắt quả tang xe ô tô 29D-005.35 do Lương Đình Chúc (SN 1974, trú tại Hưng Yên), điều khiển, chở 6 bao tải chứa 550 kg nầm lợn đang trong thời kỳ phân huỷ mạnh.
Cùng thời điểm, công an thu giữ hơn 300 kg nội tạng lợn không có giấy tờ hợp lệ trên xe ô tô 20L-2357, đang trên đường chở về xuôi tiêu thụ.
Để vận chuyển hàng lậu, 2 xe ô tô trên đều tháo toàn bộ ghế ngồi, thay đổi kết cấu xe để chở hàng, trên xe tàng trữ nhiều biển số giả.
Lái xe Chúc khai, trên đường đi sẽ dừng lại để thay biển số giả, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Mỗi một bao nầm lợn vận chuyển trót lọt, Chúc được trả công 200.000 đồng.
Thiếu tá Hoàng Thị Tuyết Nhung, Đội trưởng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Lạng Sơn cho biết, cận Tết Trung thu, tình hình buôn lậu diễn biến càng phức tạp, các đối tượng dùng xe mô tô, xe tải, xe du lịch, lợi dụng đêm tối để chở hàng lậu.
Tại các địa điểm vắng vẻ, giáp gianh giữa huyên Cao Lộc và TP Lạng Sơn, dân buôn lậu chọn làm nơi tập kết, giao hàng. Vừa qua, công an TP đã bắt giữ được hơn 20 vụ, phần lớn chủ xe vứt hàng bỏ chạy.
Còn theo Công an tỉnh Lạng Sơn, riêng ngành hàng thực phẩm, đầu năm đến nay các đơn vị chức năng đã bắt 57 vụ, thu hơn 12 tấn gia cầm, thịt, nầm lợn, hơn 70.000 con gia cầm giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch.
Cụ thể, trưa 6-9, tại sân nhà ông Nguyễn Văn Thế (SN 1960, ở Cao Lộc), công an thu hơn 8.000 con gà giống không có giấy tờ kiểm dịch. Cùng ngày, công an bắt một xe ô tô chở 23.000 chai, hộp nước hàng, dầu hào, nước sốt cà chua, hương pha trái cây, bột làm kem xuất xứ Trung Quốc, phần lớn hết hạn sử dụng...
*Tin từ Công an tỉnh TT- Huế ngày 9-9 cho biết, 2 toa tàu chở hàng thuộc 2 đoàn tàu khác nhau lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Huế vừa bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ nhiều tấn hàng hóa nghi nhập lậu.
Ngày 7-9, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra toa tàu số hiệu 232384 (thuộc đoàn tàu lửa HBN3), phát hiện trong khoang chứa nhiều mặt hàng gia dụng do Trung Quốc sản xuất.
Thời điểm kiểm tra, lái tàu không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ liên quan đến lô hàng. Trước đó, ngày 6-9, tại ga Huế, công an kiểm tra đoàn tàu HBN1, phát hiện 1 toa xe chứa hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ.
Theo TPO
Mùa Trung thu: Tràn lan đồ chơi bạo lực Loay hoay tìm kiếm trong hàng chục món đồ chơi đầy màu sắc trên phố Lương Văn Can, chị Hoàng Thu Trang, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thất vọng quay ra vì chỉ thấy toàn đồ chơi bạo lực... Đồ chơi ngoại nhập vẫn lấn sân Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến rằm Trung thu, song thị...