‘Tamiflu là thuốc không thể sử dụng tùy tiện’
Tamilflu không phải thuốc đặc trị chữa khỏi cúm, tuy nhiên, nhiều người dân lại đổ xô mua loại dược phẩm này.
Những ngày qua, miền Bắc bước vào đợt lạnh, gia tăng các ca mắc cúm. Đặc biệt, các ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện. Điều này gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều người.
Cúm vào mùa
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), cho biết cùng kỳ năm trước, mỗi tuần đơn vị này tiếp nhận 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau.
“Năm nay, cúm đang vào mùa tương tự, tuy nhiên số lượng bệnh nhân cũng như mọi năm, chưa có sự bất thường”, TS Lâm cho hay.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho.
Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, giọt bắn hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, cúm có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết thời tiết trở lạnh, đặc biệt là mùa đông ở miền Bắc là thời điểm vào mùa của cúm.
Trong trường hợp trẻ bị mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp cho con; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu; tắm cho con bằng nước ấm trong phòng kín, tránh việc nhiễm lạnh. Ngoài ra, trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.
Để phòng ngừa bệnh cúm, cha mẹ nên chú ý đến việc tiêm vaccine đầy đủ cho con. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng.
Thuốc Tamiflu bị đẩy giá lên cao do người dân lo lắng, tự mua thuốc để chữa cúm. Ảnh: Vox.
Không tự ý mua thuốc
Nhiều người cho rằng thuốc Tamiflu quan trọng trong việc trị cúm nên mua về tích trữ, vô tình đẩy giá sản phẩm lên cao. Đây không phải lần đầu tiên giá thuốc Tamiflu bị đội lên cao gấp nhiều lần. Tháng 12 năm ngoái, trong đợt cao điểm mắc cúm, thuốc Tamiflu rơi vào tình trạng cạn kiệt, khiến cho mặt hàng này khan hiếm và đội giá lên tới gấp 4-5 lần.
Video đang HOT
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khẳng định bệnh nhân mắc cúm A, sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng, việc sử dụng Tamiflu không có tác dụng với virus cúm.
PGS Dũng giải thích khi virus xâm nhập, nó phải chui vào tế bào cơ thể người và nhân lên. Tamiflu chỉ có tác dụng không làm virus nhân lên mà không thể tiêu diệt nó. Nói cách khác, loại thuốc này chỉ ức chế được virus. Trong khi đó, người bình thường vẫn có cơ thể tự ức chế virus mà không cần sự hỗ trợ của Tamiflu.
“Nếu bệnh nhân bị cúm nặng, chúng tôi điều trị bằng loại thuốc khác, ngay cả khi không có Tamiflu vẫn không ảnh hưởng”, bác sĩ Dũng nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Tamiflu là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi với chỉ định của bác sĩ. Nếu loại thuốc trên được bày bán tràn lan trên mạng là sai về mặt pháp luật và khoa học. Người dân tự ý mua thuốc trong trường hợp này rất nguy hiểm”.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, cho rằng nhiều người có thói quen dùng thuốc tràn lan. Mỗi khi có dịch cúm, người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu là không cần thiết. “80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị”, ông Kính nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh , Bộ Y tế, khuyến cáo: “Tamiflu không phải thuốc đặc trị chữa khỏi cúm. Người dân tuyệt đối không nên đổ xô đi mua về sử dụng”. Yếu tố quan trọng nhất là phòng bệnh và giải quyết tốt các nhiễm trùng cơ hội. Tamiflu được xếp vào nhóm hỗ trợ điều trị, không phải thuốc chữa đặc hiệu.
Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải phương án số một. Người dân có thể tiêm vaccine để ngừa cúm và phòng hộ cá nhân (uống đủ nước, giữ ấm cơ thể, chân, đầu).
Nguy hại khi tự ý cho trẻ dùng Tamiflu
Tamiflu có thể giúp giảm thời gian hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm. Tuy nhiên, loại thuốc này không chữa khỏi bệnh cúm và nguy cơ mang đến rất nhiều hệ lụy cho trẻ nhỏ nếu không được sử dụng đúng cách.
Không phải bệnh nhân cúm nào cũng dùng thuốc Tamiflu. Ảnh minh họa.
Nhận biết bệnh cúm
Cuối năm 2019, số bệnh nhân mắc cúm A tại Việt Nam tăng mạnh, bao gồm người già và trẻ nhỏ. Do đó, không ít gia đình mua thuốc Tamiflu về "tích trữ" để dùng khi cần. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, lạm dụng thuốc Tamiflu sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, đặc biệt khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, bệnh cúm hay cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm.
Đặc biệt, vào mùa đông, hay giao mùa đông xuân, số bệnh nhân, trong đó chủ yếu là trẻ em mắc cúm gia tăng. Việc thay đổi thời tiết thất thường khiến cho sức đề kháng cơ thể mỗi người, nhất là trẻ em bị giảm xuống... tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng lan truyền.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cúm là căn bệnh lây nhiễm khắp mọi nơi. Thống kê cho thấy, có khoảng từ 9 triệu - 45 triệu người mắc bệnh cúm mỗi năm. Thông thường, người mắc cúm sẽ gặp hàng loạt các triệu chứng bao gồm: Sốt, ho, ớn lạnh, mệt mỏi, đau người và chảy nước mũi.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh cúm. Tuy nhiên, nếu nhận thấy một người mắc bệnh cúm, bác sĩ có thể đề nghị dùng Tamiflu để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Daisy Dodd - bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi của Kaiser Permanente ở Nam California (Mỹ), cho biết: "Tamiflu (oseltamivir) là một loại thuốc kháng virus. Loại thuốc này sẽ làm giảm sự nhân lên của virus cúm, miễn là chúng được dùng trong vòng 48 giờ sau khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng".
Nữ chuyên gia này giải thích rằng, virus cúm phải nhân lên trong tế bào người để tồn tại. Trong khi đó, Tamiflu hoạt động bằng cách ngăn chặn sự nhân lên của virus, làm giảm thời gian của bệnh khoảng 24 giờ.
Việc điều trị sớm bằng Tamiflu có thể giúp tình trạng bệnh nhẹ hơn. Nhờ đó, làm giảm số ca nhập viện và tử vong do cúm. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Tamiflu không thực sự chữa khỏi bệnh cúm.
Ai nên dùng Tamiflu?
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lý giải, 80% - 90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài liên tục, tổn thương phổi mới cần nhập viện điều trị. Không phải bệnh nhân cúm nào cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nhẹ không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi.
Tiến sĩ Patt cho biết, Tamiflu được khuyên dùng cho những bệnh nhân bị cúm nặng. Ngoài ra, những bệnh nhân được coi là có nguy cơ cao gặp các biến chứng của cúm cũng nên sử dụng loại thuốc này. Nữ chuyên gia đã đưa ra một số ví dụ về những người có thể sử dụng Tamiflu, bao gồm trẻ em dưới 2 tuổi. Đây là nhóm có nguy cơ cao mắc các biến chứng đe dọa đến tính mạng như viêm phổi và mất nước.
Bên cạnh đó, người trên 65 tuổi hoặc mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường, bệnh phổi, bệnh tim hoặc thiếu hồng cầu cũng có thể dùng Tamiflu. Phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con, cũng như bất kỳ ai dùng thuốc có thể ức chế hệ thống miễn dịch đều dùng được Tamiflu khi bị cúm.
Cũng theo Tiến sĩ Dodd, một số phụ huynh cũng yêu cầu cho trẻ sử dụng Tamiflu nếu điều đó có thể giúp bệnh nhi phục hồi nhanh hơn. Bởi, một số trẻ có cha mẹ quá bận rộn. Họ không thể vừa làm việc và chăm sóc con khi trẻ bị ốm.
Tác dụng phụ đối với trẻ em
Người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc Tamiflu khi bị cúm.
Mặc dù Tamiflu có thể rút ngắn thời gian bị cúm, nhưng không phải là loại thuốc này không mang lại tác dụng phụ. Một trong số những tác dụng phụ phổ biến nhất là các vấn đề về đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Những triệu chứng này thường xảy ra trong hai ngày đầu điều trị.
Dược sĩ Quang Ánh Nguyệt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết, dùng Tamiflu cùng với bữa ăn có thể giúp giảm tác dụng phụ này. Ngoài ra, còn có thể gặp các triệu chứng khác như đau bụng, mệt mỏi khi dùng thuốc. Phản ứng dị ứng như nổi mẩn đỏ trên da là hiếm gặp. Nếu xuất hiện mẩn đỏ sau khi dùng Tamiflu, trẻ cần ngưng thuốc và đến khám tại các cơ sở y tế ngay lập tức.
Trong khi đó, một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn mà Tamiflu gây ra có thể là lú lẫn, ảo giác hoặc có hành vi bất thường. Tuy nhiên, đây chỉ là một số trường hợp hiếm hoi. Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên theo dõi nếu trẻ em mắc cúm dùng Tamiflu.
Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng, chống cúm mùa, người dân cần: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; Thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết; Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (ví dụ thuốc Tamiflu) mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc; Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
"Trẻ em và trẻ vị thành niên mắc cúm có thể có nguy cơ cao hơn gặp phải các biểu hiện co giật, lơ mơ hoặc các hành vi bất thường trong thời gian mắc bệnh. Các tác dụng phụ này có thể diễn ra một thời gian ngắn sau khi dùng Tamiflu, hoặc cũng có thể xảy ra bởi bệnh cúm chưa được điều trị đầy đủ. Các biểu hiện dạng này không thường gặp nhưng có thể dẫn đến các tổn thương do tai nạn xảy ra ở người bệnh.
Vì vậy, nhóm bệnh nhân này cần phải được theo dõi các dấu hiệu hành vi bất thường trong khi dùng thuốc và thông báo cho nhân viên y tế ngay lập tức", dược sĩ Nguyệt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyến cáo, thuốc Tamiflu chống chỉ định dùng trong các trường hợp quá mẫn với Oseltamivir phosphat hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
"Vậy với những tác dụng phụ này, Tamiflu liệu có an toàn cho trẻ?" - Đây chắc hẳn là nỗi băn khoăn của không ít ông bố bà mẹ. Thực tế, tương tự bất kỳ loại thuốc nào, cha mẹ và bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích, trước khi cho trẻ uống Tamiflu.
"Nếu một đứa trẻ đang bị cúm nhẹ, nguy cơ đau dạ dày có thể cao hơn lợi ích mà trẻ nhận được từ thuốc. Điều đó nghĩa là chúng tôi cho phép bệnh cúm tự khỏi mà không cần dùng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ mắc bệnh mãn tính hoặc đang có các triệu chứng cúm nghiêm trọng, Tamiflu được khuyến khích sử dụng như một lựa chọn điều trị", Tiến sĩ Patt lý giải.
Cách sử dụng Tamiflu
Theo Tiến sĩ Dodd, để phát huy tác dụng một cách hiệu quả, Tamiflu phải được dùng trong vòng 48 giờ kể từ khi phát bệnh. Bệnh cúm có thể được xác định bằng phương pháp xét nghiệm hoặc đánh giá nhanh từ bác sĩ. Chuyên gia y tế có thể quyết định kê đơn Tamiflu tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ của trẻ.
Bên cạnh đó, CDC cho biết, các bác sĩ nhi khoa cũng có thể điều trị "nghi ngờ cúm" bằng Tamiflu, nếu điều đó có lợi cho bệnh nhân. Ví dụ, các bác sĩ có thể cho phép bệnh nhi uống Tamiflu, nếu trẻ có nguy cơ cao đã nhiễm virus cúm qua bạn bè hoặc anh chị em.
Tamiflu không phải là thuốc có thể mua tự do. Vì vậy, mọi người chỉ có thể mua thuốc khi được chỉ định. Thuốc có sẵn ở dạng lỏng hoặc viên nén và thường được kê đơn trong 5 ngày, mỗi ngày một lần. Bác sĩ sẽ thông báo cho phụ huynh về liều lượng Tamiflu chính xác dành cho trẻ em. Bởi, số lượng thuốc phụ thuộc vào các yếu tố, như trọng lượng cơ thể và tuổi tác.
Nếu trẻ được chỉ định dùng Tamiflu, cha mẹ cũng được khuyến khích áp dụng các biện pháp chống cảm cúm khác. Một số biện pháp bao gồm để trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước và có thể dùng thuốc hạ sốt.
"Nếu bệnh nhân được kê đơn Tamiflu, họ vẫn có thể uống thuốc hạ sốt như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil)", Tiến sĩ Patt cho biết thêm.
Sự hấp thu của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Do đó, trẻ có thể dùng thuốc trước hoặc sau ăn. Tuy nhiên, thuốc nên được dùng kèm với thức ăn. Như vậy, có thể giúp giảm tác dụng phụ gây buồn nôn và nôn của thuốc.
Nếu sử dụng Tamiflu dạng viên nang, người dùng được khuyến cáo nuốt nguyên viên khi dùng. Trong khi đó, người dùng cần lắc đều và kỹ trước khi sử dụng Tamiflu dạng hỗn dịch. Trường hợp trẻ không thể nuốt được nguyên viên và không có dạng hỗn dịch thay thế, phụ huynh có thể mở viên nang thuốc ra. Sau đó, cha mẹ nên lấy bột thuốc bên trong hòa với lượng nhỏ chất lỏng có vị ngọt, nhằm giảm bớt mùi vị của thuốc khi uống - Dược sĩ Ánh Nguyệt.
Nhiều người ở TP HCM lo lắng vì trẻ phải dời lịch uống vitamin A Một số phụ huynh khi đưa con đi uống bổ sung vitamin A vào ngày 1-12 theo thông lệ hằng năm được thông báo chưa có thuốc. Sáng 1-12, chia sẻ trên mạng xã hội, chị N.T.A. (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết khi đưa con đi uống bổ sung vitamin A liều cao tại trạm y tế theo thông lệ...