Tạm xuất tái nhập vàng: Lộ trình SJC hóa
Một trong những giải pháp nhằm bình ổn thị trường vàng đó là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tạm xuất, tái nhập vàng để giúp tăng nguồn cung vàng SJC cho thị trường vàng đã bước đầu được thực hiện.
Từ nay đến hết tháng 3/2013, sẽ còn 9 tấn vàng nữa sẽ được chuyển đổi sang vàng SJC theo hình thức này.
9 tấn vàng chờ tạm xuất tái nhập
Video đang HOT
Lô hàng thí điểm đầu tiên đã thực hiện từ phía Ngân hàng Đông Á với 100 kg vàng nguyên liệu SJC được xuất đi và nhập về 100 kg vàng chuẩn quốc tế. Việc này đã được thực hiện hoàn tất ngay trong một ngày. Số vàng mới nhập về đạt chuẩn quốc tế sẽ được dập ra vàng miếng SJC. NHNN cho biết, sau đợt tạm xuất tái nhập vàng đầu tiên này, tới đây sẽ có nhiều tổ chức tín dụng khác cũng sẽ được cấp phép để xuất khẩu hết số lượng vàng phi SJC còn tồn trong hệ thống ngân hàng trong một tháng tới để nhập về loại vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, sẽ còn khoảng 9 tấn vàng phi SJC đang nằm chờ tạm xuất và dự kiến sẽ được hoàn thành xong trong tháng 3 này. Trước đó, gần 10 tấn vàng phi SJC đã được kiểm định trong nước và chuyển đổi thành vàng thương hiệu SJC.
Theo NHNN, việc cho các ngân hàng tạm xuất, tái nhập vàng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC tạo nguồn cung cho thị trường vàng trong nước. Việc tạm xuất tái nhập tuy đắt hơn so với tự kiểm định và dập đúc trong nước nhưng sẽ nhanh hơn. Bởi trung bình mỗi ngày SJC kiểm định và dập đúc khoảng 60 kg vàng, trong khi nhu cầu của toàn thị trường lên đến… hàng chục tấn.
Nguồn cung dồi dào, giá vàng sẽ hạ?
Điểm lại thời gian qua, đã có quá nhiều giải pháp, chính sách được đưa ra nhằm bình ổn thị trường vàng. Thế nhưng mục tiêu chính của việc bình ổn này là kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới thì vẫn chưa thực hiện được. Đến thời điểm này, giá vàng trong nước vẫn chênh so với giá vàng thế giới lên tới 5 triệu đồng/ lượng. Ngay cả việc đưa ra quyết định coi vàng SJC là vàng chuẩn thương hiệu quốc gia cũng đã đẩy thị trường này lên một cơn sốt vàng SJC đến mức cao độ.
Tính từ thời điểm vàng SJC “lên ngôi” loại trừ tất cả các loại vàng phi SJC ra khỏi “cuộc chơi” thì trên thị trường vàng, cơn sốt vàng SJC luôn ở tình trạng “ nóng bỏng”. Chính bởi vậy, quyết định cho phép tạm xuất tái nhập lượng vàng phi SJC còn tồn đọng của NHNN được coi là một giải pháp cấp cứu nhằm ổn định thị trường vàng lúc này.
Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp này sẽ gây ra những bất cập, chẳng hạn như nguy cơ về tình trạng vàng lậu, vàng gian tuổi… và không loại trừ cả việc đây sẽ là nguyên nhân tỷ giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính, tuy đó là nguy cơ hiện hữu nhưng không quá đáng lo. Vấn đề đặt ra ở đây là, nhà làm quản lý đưa ra giải pháp này cũng cần phải lường trước được những nguy cơ đó rồi, và tất nhiên việc kèm theo những chế tài và sự giám sát chặt chẽ là điều nhà quản lý phải lưu ý. Thời gian qua, việc giá vàng luôn ở mức cao, chênh lệch xa so với giá thế giới nguyên nhân chính ở đây là bởi nguồn cung quá thiếu, do vậy, với giải pháp tạm xuất tái nhập vàng khối của NHNN, chắc chắn sẽ là cơ sở tăng lượng cung SJC trên thị trường. Như vậy, tuy vẫn ẩn chứa rủi ro nhưng đây sẽ là giải pháp tốt nhằm bình ổn thị trường vàng, sẽ là cơ sở giúp giá vàng hạ nhiệt.
Theo Dantri
Khó kiềm chế giá thực phẩm, rau sạch
Mặc dù cơ quan chức năng khẳng định sẽ đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, đồng thời kiềm chế giá cả nhưng những diễn biến trên thị trường dường như đang ngược lại mong muốn này. Thực phẩm, rau xanh đang tăng giá từng ngày và khó tránh khỏi tăng giá đột biến khi cận Tết.
Thực phẩm tăng giá cũng là nguyên nhân làm giảm sức mua. Ảnh: PHÚ KHÁNH
"Giá tăng kinh khủng"
Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền. Bà Hiền cho biết, những ngày gần đây, thực phẩm tại thị trường Hà Nội tăng giá rất mạnh và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Cứ cách ngày, giá thịt lợn lại tăng thêm 1.000 đồng/kg. "Chỉ trong thời gian ngắn, giá gà đã tăng tới 22.000 đồng/kg, thịt lợn tăng 14.000 đồng/kg... Trong khi đó, cùng kỳ năm 2011, thị trường lại khá ổn định. So với năm 2010 - năm biến động giá khá lớn, thì thị trường năm nay bất thường hơn" - bà Hiền lo lắng. Trong khi đó, sức mua trên thị trường lại chuyển biến rất chậm.
Cùng chung nỗi lo này, anh Tiến - đầu mối buôn bán gà ta Yên Thế (Bắc Giang) cung cấp cho thị trường Hà Nội than thở, sắp Tết rồi mà đầu buôn lớn như anh lại rất rảnh rỗi. "Giá gà ta Yên Thế lên quá cao, từ hơn 40.000 đồng/kg gà lông từ cách đây hơn 2 tháng lên hơn 80.000 đồng/kg thời điểm hiện tại. Gà đắt quá nên bán rất chậm. Chỉ có gà to để phục vụ các đám cưới, đám hỏi mới bán được, gà nhỏ ế ẩm nên chúng tôi khó buôn bán" - anh Tiến nói.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, giá thực phẩm, rau xanh trên địa bàn thành phố có biến động trong những ngày gần đây. Cụ thể, tại các chợ đầu mối như: chợ Phùng Khoang, Ngã Tư Sở, Long Biên... giá thịt lợn, thịt bò tăng nhẹ so với cuối tháng 11. Thịt lợn mông khoảng 90.000-100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 85.000 đồng/kg, thịt chân giò 100.000 đồng/kg, sườn thăn lên tới 120.000 đồng/kg. Thịt bò tăng thêm 10.000-20.000 đồng/kg và hiện bán với giá 200.000-250.000 đồng/kg. Trứng gà ta 3.300 - 3.500 đồng/quả (tăng 300 đồng/quả); trứng vịt 3.000 đồng/quả (tăng 200 đồng/quả). Thịt gà công nghiệp tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg; thịt gà ta tăng từ 110.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg.
Giá các loại thủy, hải sản tăng nhẹ so với tháng 11. Tôm tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg; ghẹ được bán với giá từ 200.000-250.000 đồng/kg tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg; mực tươi 200.000 đồng/kg tăng 5.000 đồng/kg. Các loại cá cũng tăng giá, mức tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tôm càng 150.000 - 170.000 đồng/kg.
Giá rau xanh tăng nhẹ do vừa qua đợt thu hoạch rau chính vụ và thời tiết rét khiến sản lượng rau kém đi, nhiều loại rau chưa kịp tái sản xuất. Rau cải tăng từ 2.000 - 4.000 đồng lên 6.000 - 8.000 đồng/mớ, củ cải tăng từ 9.000 đồng/kg lên 11.000 - 13.000 đồng/kg, súp lơ xanh tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/cây lên 11.000 - 13.000 đồng/cây, cải xoong tăng từ 4.000 đồng lên 5.000 - 6.000 đồng/mớ, xà lách lên 3.000 - 4.000 đồng/lạng, dưa chuột tăng 2.000 đồng lên 10.000 - 11.000 đồng/kg, rau muống 11.000 đồng/kg. Tại các chợ, mặc dù giá rau xanh tăng nhưng sức mua không tăng. Sở Công Thương Hà Nội dự báo, giá cả thực phẩm rau xanh sẽ còn tăng khi Tết đến gần.
Khó bình ổn
Theo bà Hiền, thịt gia súc, gia cầm, đặc biệt là thịt lợn tăng giá chóng mặt do thời gian qua, một lượng lớn thịt lợn trong nước đã được xuất sang Trung Quốc: "Mỗi ngày nhiều khu vực biên giới có hàng trăm chuyến xe tải chở lợn sang Trung Quốc, chủ yếu là lợn ngon. Giá bán của họ đang cao hơn giá thịt lợn tại Việt Nam 18.000 đồng/kg". Với mặt hàng thịt gia cầm, do hồi tháng 7, tháng 8-2012, lượng gà thải loại nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam rất nhiều, giá rẻ khiến giá gà trong nước giảm thê thảm. Người chăn nuôi bỏ chuồng, nên hiện tại, khi nguồn gà nhập khẩu bị siết lại, nguồn cung trong nước không còn dồi dào, giá gà tăng cao. Ngoài ra, giá cả tăng cũng có nguyên nhân từ tính thời vụ cũng như tác động của thời tiết, tâm lý tiêu dùng... Theo đánh giá của những người chăn nuôi và buôn bán, năm nay thời tiết hoàn toàn thuận lợi cho việc chăn nuôi. So với những năm trước, dịch bệnh xảy ra ít và trên phạm vi hẹp, ít tác động đến nguồn cung thực phẩm, khác với nhận định của Bộ Công Thương thực phẩm có thể khan hiếm do dịch bệnh.
Cùng chung nhận định này, anh Tiến cho hay, rất có thể thời điểm Tết, giá gà ta Yên Thế sẽ ổn định như hiện tại, hoặc giảm xuống do đợt gà mới được xuất trúng thời điểm này. Về nguồn cung rau xanh, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ Đông Cao - Tráng Việt (Mê Linh) cho biết, hợp tác xã đã dự tính trồng 100ha rau xanh phục vụ dịp Tết, tăng khoảng 25% về sản lượng so với hiện tại. Tuy nhiên, giá cả các loại rau phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu nắng ấm, sản lượng rau lớn thì giá ổn định. Ngược lại, nếu rét đậm thì giá rau sẽ tăng cao.
Theo ANTD
Ồ ạt nhập thịt, nông dân "treo chuồng" Vì sao, một nước sản xuất nông nghiệp lớn như nước ta lại phải đi nhập khẩu thịt? Phóng viên đã ghi nhận tình hình sản xuất chăn nuôi tại nhiều địa phương để làm rõ hơn vấn đề này. Tại các vùng chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hà Nam... các hộ chăn nuôi đều đang treo chuồng...