Tắm trắng liệu có trắng?
Tắm trắng có bị ung thư da hay không? Đó là băn khoăn của không ít người mơ làm nàng Bạch Tuyết.
Chết vì kem tắm trắng
Ngày 8-3-2008, nạn nhân Nguyễn Thị Bích, 15 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Quới, xã Hòa Tân (Châu Thành, Đồng Tháp) đã tử vong sau khi sử dụng thuốc tắm trắng pha sẵn. Thuốc là 2 hộp kem lột lạnh 2 giờ, bán tràn lan ở các chợ với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/hộp.
Sau một giờ thoa thuốc, rồi dùng bọc ny-lon quấn quanh mình, Bích có những phản ứng bất thường như đau đầu, khó chịu, nôn mửa, nóng sốt. Đến khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Bích liên tục co giật, toàn thân tím tái và hôn mê sâu dẫn đến tử vong.
Theo các chuyên gia Da liễu, cái gọi là kem tắm trắng thật ra là hợp chất acid salicylique, acid benzoique, iode, thủy ngân, … có tác dụng làm lột da, tiêu lớp sừng ở phần da bên ngoài. Sau khi bôi, các chất này sẽ được chà xát và kích thích da một cách quá mức để làm lột da. Lúc này da hoàn toàn bị tê liệt, không tự bảo vệ được, dễ nhiễm trùng, không điều tiết được sự thẩm thấu nước nên cơ thể thường thiếu nước, không điều hòa được thân nhiệt và người tắm trắng hay có cảm giác toàn thân nóng bức.
Đây là cách làm trắng phản khoa học bởi sau 27 ngày, lớp da ngoài mới đạt cấu tạo hoàn chỉnh. Nếu ta lột, tẩy liên tục sẽ khiến da sẽ trở nên rát, đỏ ứng, dễ bị kích ứng, dễ bị bội nhiễm, bị dị ứng mỹ phẩm, bị phồng rộp như bỏng, chảy nước… nguy cơ nhiễm trùng, tử vong là rất cao như trường hợp đau lòng của Nguyễn Thị Bích nói trên.
Video đang HOT
Biến chứng
Sau khi dùng các loại thuốc tẩy, kem lột… để tắm trắng, về lâu dài, da của người thường xuyên sử dụng sẽ trở nên sạm đen, tăng nám, sần sùi như da cóc! Ngoài ra, đối với bất cứ sản phẩm nào dùng trên da, nhất là vùng da bị chấn thương, các hoạt chất có thể thẩm thấu qua da, từ đó đi vào mạch máu và có những tác dụng xấu với cơ thể mà ta không kiểm soát được.
Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp không thể chữa khỏi do nhiễm trùng quá nặng, bị suy gan, suy thận vì dị ứng. Vì thế, phái nữ đừng nên quá tin những quảng cáo phóng đại, hoa mỹ, tránh rước họa vào thân.
Những thứ mà họ gọi là mỹ phẩm có chứa chất làm lột da, làm tiêu lớp sừng ở phần da bên ngoài, tên gọi và thành phần của chất làm lột da được các cơ sở dịch vụ tắm trắng da giấu kín. Theo chuyên khoa Da liễu, ở nồng độ thích hợp, các chất như Acid Salicylique, Acid Benzoique, iode… có khả năng làm lột da, mức độ lột nhẹ hay nặng tùy theo nồng độ được pha. Sau khi tắm trắng, lớp da bên ngoài bị tróc làm da có vẻ sáng hơn, nhưng thực ra màu da không thể thay đổi.
Khi tầng thượng bì bị bong tróc, da không được bảo vệ. Nếu bị nhiễm trùng sinh mủ và không được can thiệp kịp thời hoặc điều trị không hiệu quả, da sẽ có sẹo thâm, sẹo lồi. Nếu bệnh nhân đến sớm khi chưa có biến chứng, việc điều trị sẽ có kết quả tốt nhưng thời gian điều trị phải kéo dài, ít nhất là 1 tháng và phải mất 3 tháng sau da mới hồi phục bình thường.
Có thực sự trắng?
Tắm trắng thực chất chỉ là sử dụng mỹ phẩm để lột bỏ lớp da đen chết bên ngoài nằm trong lớp sừng như đã trình bày trên. Trong khi đó, các tế bào hắc tố melanin vẫn được lớp mầm của thượng bì sản sinh và tái tạo màu da ban đầu một cách liên tục. Như vậy, tắm trắng chỉ có thể thay đổi được lớp da đen bên ngoài trong một khoảng thời gian nhất định, chứ thực chất không thể thay đổi số lượng melanin trong tế bào. Vì vậy, bạn không nên hy vọng sẽ có một làn da trắng hơn vĩnh viễn so với làn da nguyên thủy vốn có.
Để có làn da trắng đẹp, chị em phụ nữ cần chú ý vấn đề dinh dưỡng. Cần uống nhiều nước, dùng thức ăn có nhiều rau cải, trái cây tươi; hạn chế sử dụng các loại thực phẩm ngọt-béo, thực phẩm chế biến công nghiệp, thức uống có gas. Cần tập thể dục mỗi ngày và nên thực tập một vài động tác mát – xa cơ bản tại nhà để gia tăng tuần hoàn máu ở da.
BS. Lê Đức Thọ
Giám đốc BV Hoàn Mỹ Sài Gòn
Theo Tiền phong
Sự thật về lợi ích và nguy cơ khi ăn cá
Bạn cảm thấy bối rối về lợi ích và nguy cơ khi ăn cá? Sau đây là những gì bạn cần biết:
Lợi ích
Ngăn ngừa đột quỵ: Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn cá ít nhất 1 lần/tuần thì nguy cơ thiếu máu đến não (tai biến do não thiếu máu) sẽ thấp hơn 13% so với những người không ăn cá thường xuyên. Hiện HIệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo mọi người nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần vì axit béo omega-3 giúp bảo vệ tim mạch.
Đánh bại bệnh tật: Cá giàu chất béo là nguồn axit béo omega-3 phong phú nhất. Omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe tim mạch và có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm khớp, đái đường, trầm cảm và một số loại ung thư. Omega-3 tập trung nhiều nhất trong các loài cá nước lạnh, chẳng hạn như cá mòi, cá trích, cá hồi, cá thu.
Nguy cơ
Nguy cơ trong suốt thời gian mang thai: Phụ nữ mang thai, những bà mẹ đang cho con bú và những phụ nữ sắp mang thai nên hạn chế tiếp xúc với cá chứa methylmercury một dạng thủy ngân có trong cá. Chất ô nhiễm công nghiệp này có thể cản trở sự phát triển của hệ thần kinh trong bào thai, trẻ sơ sinh và trẻ em. Do methylmercury thường tích tụ theo thời gian nên nó thường tập trung nhiều nhất trong những loài cá lớn và sống lâu, chẳng hạn như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá ngừ vây dài.
Cá nuôi có thể chứa chất gây ô nhiễm: Cá hồi được nuôi có thể chứa hàm lượng chất độc cao. Để tránh bất kỳ tác hại nào của các chất gây ô nhiễm này, bạn nên mua cá hồi tự nhiên thay vì cá hồi nuôi. Khi đi chợ, bạn nên tìm mua và hỏi xem đó là cá hồi tự nhiên hay cá hồi nuôi thả.
Thụy Vân
(Tổng hợp)