Tâm thư xúc động của người mẹ sau gần 5 năm đi tìm ánh sáng cho con: “Ngã quỵ khi nghe bác sĩ báo tin dữ về đôi mắt của con…”
“Từ ngày con sinh ra đến giờ, bao nhiêu đau đớn về thể xác con đều gánh chịu. Mẹ ước được một lần chịu thay con, mẹ ước có thể thay đôi mắt của mẹ cho con để con nhìn thấy cuộc đời một cách trọn vẹn nhưng điều đó là không thể…”.
Đó là lời chia sẻ xúc động của người mẹ trẻ trên hành trình đi tìm lại ánh sáng cho Trần Hoàng Gia Anh – bé trai bị mù bẩm sinh với đôi mắt màu xanh đẹp tựa thiên thần.
Sau khi nhìn thấy ánh sáng mặt trời, giác mạc của đứa trẻ 5 tuổi lại gặp vấn đề, rất có thể một lần nữa con sẽ rơi vào cảnh mù lòa…
Mẹ trẻ quỳ gối, xin cộng đồng mạng cứu lấy con trai
Những ngày qua, câu chuyện về người mẹ trẻ Nguyễn Thị Bé Thy (27 tuổi) ôm đứa con trai đi cầu cứu khắp nơi mong tìm lại ánh sáng một lần nữa lại gây xúc động lớn trong cộng đồng mạng.
Dẫu mang trong mình đôi mắt màu xanh đẹp tựa thiên thần nhưng từ khi lọt lòng mẹ, Trần Hoàng Gia Anh (gần 5 tuổi) đã trải qua những đợt phẫu thuật phức tạp để có thể thấy ánh sáng mặt trời bởi căn bệnh Glocom quái ác.
Bức tâm thư của người mẹ gây xúc động mạng xã hội khi kể về hành trình đi tìm ánh sáng cho con trai
Sau khi được mạnh thường quân giúp đỡ, từ lúc 1 tuổi, Gia Anh đã được sang Singapore để chữa trị, ghép giác mạc. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với gia đình nhỏ khi Gia Anh đã thấy ánh sáng mặt trời, từng ngày lớn lên trong vòng tay của bố mẹ. Tuy nhiên, 2 năm dịch Covid-19 bùng phát khiến đứa trẻ không thể quay trở lại Singapore để thăm khám, kết quả nhãn áp mắt phải của đứa trẻ 5 tuổi tăng lên, có thể phải tiếp tục thực hiện phẫu thuật mới duy trì được ánh sáng.
“Bác sĩ bảo là con phải nhập viện để khám chuyên sâu và thử máu, nhưng kinh phí để con tiếp tục chữa trị lên đến hơn 200 triệu đồng. Ba năm qua, vợ chồng em cũng đã cố gắng làm lụng, tích góp từng đồng để con tiếp tục được chữa trị. Nhưng mà đùng một cái phải xoay xở số tiền lớn như vậy, em không biết làm sao nữa.
Khoảng 3 năm nay, đứa trẻ 5 tuổi đã có thể nhìn thấy được mọi vật bằng đôi mắt màu xanh tựa thiên thần
Gia Anh có thể thấy đường, nhìn được mọi vật xung quanh cũng nhờ vào sự yêu thương của các anh chị thiện nguyện, mạnh thường quân. Nhiều lúc em nghĩ gia đình em đã mắc nợ mọi người quá nhiều rồi, muốn dừng lại tất cả…, nhưng mà thấy con mình mù lòa, em không chịu được”, chị Thy xúc động.
Trong bức tâm thư gửi đến cộng đồng mạng, người mẹ trẻ không cầm được nước mắt, bật khóc:
“Có lẽ giờ này con đã chìm sâu vào giấc ngủ. Nhìn ngắm con mà lòng mẹ thắt hết cả ruột gan, nước mắt thì chảy dài không có điểm dừng. Mẹ một thân một mình ở nơi đất khách quê người tìm ánh sáng cho con. Còn bố con thì ở quê nhà cặm cụi hết việc này đến việc khác đến khuya mới về tới nhà để có thể kiếm được chút tiền giúp con có thêm kinh phí.
Từ ngày con sinh ra đến giờ bao nhiêu đau đớn về thể xác con đều gánh chịu. Mẹ ước được một lần chịu thay con, mẹ ước được mẹ có thể thay đôi mắt của mẹ cho con để con có thể nhìn thấy cuộc đời một cách trọn vẹn nhưng điều đó là không thể. Mẹ đã cố gắng rất nhiều, rất nhiều để không gục ngã, không được yếu ớt nhưng giờ con hãy cho mẹ một lần được khóc con nhé.
Mẹ biết mẹ là một người mẹ tồi tệ khi sinh con ra nhưng chưa lo được cho con một ngày nào mà con là con của cộng đồng, của xã hội. Mẹ đã thật sự ngã quỵ, không còn một động lực nào để mẹ có thể đứng dậy đi tiếp khi nghe bác sĩ báo tin dữ về đôi mắt của con.
Video đang HOT
Mẹ thật sự bất lực vì bây giờ mẹ không biết phải làm gì cả. Ai cũng hỏi mẹ vì sao không sinh em bé nhưng mà một đứa mẹ lo còn chưa xong huống gì thêm đứa nữa…”.
Đứa trẻ 5 tuổi đang ngày một lớn lên, chẳng biết những ngày phía trước, con có đủ điều kiện để tiếp tục chữa trị hay không?
Hành trình một nửa của Gia Anh
Ngồi một góc lặng lẽ trong căn phòng trọ nhỏ, chị Thy cố gạt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má, vừa vỗ đôi bàn tay động viên. Cách đó vài bước chân, Gia Anh đang tập tành đọc bảng chữ cái rồi nhìn mẹ cười hạnh phúc.
Dù hiện tại, Gia Anh có thể nhìn thấy tất cả mọi vật, quen dần với ánh sáng mặt trời sau những năm đầu bị mù lòa. Nhưng: “Bác sĩ nói phải khám lại nhãn áp, nếu không ổn bắt buộc phải mổ. Chưa kể phải điều trị sẹo võng mạc ở mắt. Em sợ một ngày nào đó, Gia Anh sẽ quay lại như trước đây, thằng bé không thấy đường nữa…”, chị Thy nghẹn lời.
Đứa trẻ 5 tuổi bật khóc khi nghe mẹ nhắc đến “lỡ sau này con không thấy đường thì sao”…
Từ ngày con trai bị bệnh, cuộc sống gia đình chị Thy rơi vào vòng luẩn quẩn khi nỗi lo lắng chi phí chữa bệnh cho con trai đè nặng lên vai của 2 vợ chồng. Dù làm tất cả mọi việc thì giao hàng, nhân viên siêu thị, giúp việc nhà, bán hàng online…, nhưng số tiền mà cả 2 vợ chồng kiếm được cũng chỉ đủ lo cơm ngày 3 bữa và chi phí đi lại để khám chữa bệnh. Riêng khoản tiền phẫu thuật vài trăm triệu đồng trước mắt, hai vợ chồng chẳng biết cách nào để xoay xở.
Ngồi trong lòng mẹ, Gia Anh đưa đôi bàn tay tìm những món đồ chơi mà con thích, chốc chốc lại quay sang làm nũng, í ới gọi bố. Suốt 3 năm nhìn thấy ánh sáng mặt trời, con đã tập cho mình những thói quen riêng biệt. Nhìn vào bảng chữ cái được gắn trong nhà, Gia Anh bập bẹ đọc từng chữ một.
Anh Ngọc làm đủ mọi ngành nghề để gom góp tiền đưa con trai đi chữa bệnh
Dù đôi mắt vẫn chưa thể nhìn rõ như những đứa trẻ bình thường nhưng được thấy ánh sáng mặt trời, đó là niềm hạnh phúc của Gia Anh
Trước câu hỏi của mẹ: “Lỡ sau này Gia Anh không thấy đường nữa, con có giận mẹ không”, đứa trẻ ngơ ngác rồi òa khóc: “Con không chịu đâu, con muốn nhìn thấy bố mẹ”. Hơn ai hết, Gia Anh hiểu được nỗi đau đớn mà bản thân con đang gánh chịu, nếu không có đủ tiền để tiếp tục điều trị, có lẽ một lần nữa, con lại phải mù lòa.
Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, chị Thy liên tục lau nước mắt rồi cố tỏ ra vui vẻ để cười đùa với Gia Anh. Bởi hơn ai hết, chị biết rằng cơ hội để giúp Gia Anh duy trì ánh sáng đã nằm ngoài khả năng của gia đình. Đó là điều đau đớn nhất của một người mẹ khi chẳng thể làm được gì cho con trai dù đang ở cạnh bên.
Nhìn Gia Anh ngày một lớn lên, chị Thy càng lo sợ, chị không biết phải đối mặt ra sao nếu đứa con trai duy nhất lại không thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời…
Gần 5 tuổi, Gia Anh đã được đến nhà trẻ, được bố mẹ dạy cho những chữ cái đầu tiên trong cuộc đời, được ngắm nhìn mọi vật xung quanh với những màu sắc tuyệt đẹp. Nhưng nếu lỡ một ngày, trước mắt con chỉ còn lại sự tăm tối của màu đen, con quay trở lại vạch xuất phát khi chẳng còn thấy gì nữa, bố mẹ và những người yêu thương con phải sống sao…
“Em chỉ biết cúi đầu cầu xin mọi người, xin giúp con em có thêm cơ hội để được chữa trị…”, trong tiếng nấc nghẹn, chị Thy ôm chầm lấy Gia Anh. Hi vọng nào cho đứa trẻ 5 tuổi khi hành trình tìm ánh sáng của con lại quá gian nan.
Hi vọng và cầu mong, phép màu sẽ đến với Gia Anh để con tiếp tục có cơ hội chữa bệnh, duy trì ánh sáng
Cô gái Afghanistan trong tấm hình nổi tiếng thế giới: Phía sau đôi mắt hút hồn chứa đựng số phận nghiệt ngã của đứa trẻ tị nạn mồ côi
Bức ảnh "Cô gái Afghan" là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất và được tái dựng lại nhiều nhất thế giới.
Nếu nhắc đến những bức ảnh báo chí nổi tiếng mà có sức lay động nhất thế giới, người ta không thể không nhắc tới bức ảnh mang tên "Cô gái Afghan" - một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất và được tái dựng lại nhiều nhất thế giới. Đó chỉ đơn giản là một bức ảnh chân dung bé gái người Afghanistan mang chiếc khăn màu đỏ rách tả tơi. Tâm điểm của bức ảnh chính là đôi mắt màu xanh đượm vẻ u buồn của cô bé. Nó ẩn chứa sức mạnh gì đó khiến người ta có cảm giác ám ảnh lạ kỳ. Đến nỗi mà người ta còn ví cô bé trong bức ảnh là "Nàng Mona Lisa người Afghan".
Dù chưa biết cô bé là ai và câu chuyện sau đó là gì nhưng nhiều người chỉ cần nhìn qua một lần vào ánh mắt sâu thẳm ấy cũng bị ám ảnh lạ kỳ.
Bức ảnh chụp vội mà đẹp không tưởng
Năm 2017, tạp chí National Geographic đã có một bài viết dài kể tường tận về cuộc đời của bé gái trong bức ảnh do phóng viên ảnh người Mỹ Steve McCurry, làm việc cho National Geographic và Magnum Photos, chụp lại vào tháng 12 năm 1984. Khi ấy cuộc chiến tại Afghanistan đang diễn ra khốc liệt.
Bé gái trong bức ảnh tên là Sharbat Gula, một học sinh tại trường học tự mở trong trại tị nạn. Tháng 12 năm 1984, cuộc chiến tại Afghanistan đang diễn ra khốc liệt, hàng triệu người tị nạn đã phải trốn qua Pakistan để tránh bom đạn.
Hình ảnh nhiếp ảnh gia Steve McCurry.
Khi ấy, nhiếp ảnh gia Steve McCurry có mặt ở vùng biên giới Afghanistan - Pakistan để ghi lại những hình ảnh về cuộc chiến này. Giữa mưa bom bão đạn, Steve không ngại hiểm nguy, bất chấp cả tính mạng để có những bức hình vừa giàu tính nghệ thuật vừa đậm chất thời sự và chúng đã mang về cho ông danh tiếng xứng đáng.
Steve kể rằng: "Có những lúc tôi thấy hàng ngàn người dân Afghanistan đang bị nhồi nhét trong cái trại tị nạn bẩn thỉu này, không nước sạch, không điện, bệnh tật ở khắp nơi, thương lắm".
Ngày tháng 12 năm 1984, Steve bất chợt nghe thấy tiếng con trẻ cười nói trong một cái lều lớn ở trại tị nạn tại thành phố Peshawar của Pakistan. Đó là nơi các bé gái được học con chữ. Steve kể lại cơ duyên với đứa trẻ 12 tuổi và bức ảnh để đời của ông: "Tôi thấy bé gái với đôi mắt đẹp sững người và tôi biết rằng tôi nhất định phải chụp được tấm hình cô bé ấy. Chỉ vài giây thôi, mọi thứ đã ở tình trạng hoàn hảo nhất, từ ánh sáng tự nhiên, hậu cảnh, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt của cô bé, tất cả đều làm tôi hài lòng".
Ban đầu, Sharbat Gula rất ngại ngùng nên lấy tay che mặt lại, giáo viên của cô bé đã trấn an, khuyên cô bé bỏ tay và khăn che mặt để cả thế giới thấy cả khuôn mặt cũng như câu chuyện của em. Steve hồi tưởng lại khoảnh khắc ấy: "Cô bé thả tay xuống và nhìn thẳng vào ống kính của tôi, đôi mắt ấy như xuyên qua tim của người nhìn. Cô bé trông rất xinh và tuyệt vời".
Và rồi Sharbat Gula đã trở nên nổi tiếng trên bìa ảnh National Geographic ấn bản tháng 6 năm 1985.
Steve kể rằng, thực tế, với công nghệ máy ảnh thời bấy giờ, ông không hề biết là bức ảnh mình đã chụp trông như thế nào và phải 2 tháng sau khi ảnh được rửa ra thì Steve mới thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của chúng.
Steve gửi cho tòa soạn 2 bức ảnh, một bức chụp khoảnh khắc Gula nhìn thẳng vào ống kính và một bức chụp khoảnh khắc lúc cô bé che mặt. Khi tổng biên tập tòa soạn báo nhìn thấy bức ảnh Gula nhìn vào ống kính, ông đã lập tức tuyên bố: "Đây sẽ là ảnh bìa tiếp theo!".
Thế rồi, bức ảnh đã nhanh chóng gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả. Sau này, nó được bình chọn là bức hình được biết tới nhiều nhất trong lịch sử báo chí. Đôi mắt xanh lục của Gula khiến cô bé trở thành một "biểu tượng" ngay lập tức. Nó đại diện cho hoàn cảnh của hàng nghìn người tị nạn Afghanistan tràn vào Pakistan thời bấy giờ.
Heather Barr, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), người đã làm việc ở Afghanistan 10 năm, cho biết: "Cô bé này là một biểu tượng đối với người Afghanistan và cũng là biểu tượng cho Pakistan".
Nỗi cực khổ của một đứa trẻ mồ côi tị nạn vì chiến tranh
Theo National Geographic, thực tế khi chụp bức ảnh, nhiếp ảnh gia Steve không hề biết danh tính bé gái. Phải đến 12 năm sau, vào năm 2002, khi Steve lần theo dấu vết của cô bé ở vùng núi ở biên giới Afghanistan - Pakistan, ông mới biết tường tận mọi chuyện.
Một nhà phân tích FBI, nhà điêu khắc pháp y và một người phát minh ra phương pháp nhận dạng mống mắt, tất cả đều tham gia xác minh danh tính của cô bé. Lúc đó, Sharbat Gula đã là một bà mẹ ba con đã kết hôn và không hề biết rằng khuôn mặt của mình đã được cả thế giới biết đến. Lúc đó, cô nói với Steve rằng cô hy vọng các con gái của mình có thể có được nền giáo dục mà cô chưa từng được hưởng.
Cũng vào thời điểm này, Steve mới biết được câu chuyện của Sharbat Gula. Vào thời điểm Steve chụp tấm ảnh đó, Gula đang ở độ tuổi 12, bố mẹ cô bé đã thiệt mạng vì máy bay không kích, cô phải đi vào trại tị nạn cùng với ông bà và họ hàng. "Một cô bé mà vừa là người tị nạn vừa là trẻ mồ côi thì tôi không tưởng tượng được nỗi đau ấy lớn như thế nào", Steve nói.
Năm 2013, Steve đã xuất bản cuốn tự truyện "Steve McCurry Untold" (Những chuyện chưa kể của Steve McCurry), trong đó kể lại chuyện hậu trường của những bức ảnh nổi tiếng nhất của mình.
Ảnh chụp Gula và gia đình của bà.
Cũng theo National Geographic, năm 2017, Gula được tặng một mảnh đất rộng gần 300m2 trang trí theo ý thích của bà ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Najeeb Nangyal, phát ngôn viên của Bộ Truyền thông Afghanistan khi ấy, cho biết ngôi nhà là món quà của chính phủ Afghanistan cho Sharbat Gula (45 tuổi) cùng với khoản trợ cấp khoảng 700 USD mỗi tháng cho chi phí sinh hoạt và điều trị y tế.