Tâm sự rơi nước mắt của cậu bé 15 tuổi bị mù hai mắt
15 tuổi, dáng người nhỏ thó, đôi mắt luôn mở tỏ, Lương rơi nước mắt tâm sự: “Cháu không có bố, mẹ cháu lại đau ốm thường xuyên. Giờ hai mắt cháu không nhìn thấy chi cả. Cháu cầu mong mắt sáng trở lại để đi học, sau này kiếm việc làm nuôi mẹ…”.
Một ngày giáp Tết, chúng tôi tìm về hoàn cảnh thương tâm của em Trần Văn Lương (15 tuổi), ở Thôn 1 – Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), bị mù hai mắt, phải bỏ học giữa chừng. Căn nhà trú ngụ của mẹ con Lương hôm chúng tôi đến cửa đóng im ỉm. Gõ cửa mãi, từ trong góc phòng tối mịt, tiếng đứa bé vọng ra: “Cháu Lương đây, mẹ cháu đang đi bắt cua ngoài đồng”.
Ngồi đợi đến chiều tối, từ ngoài cổng, người phụ nữ dáng người thấp nhỏ, khắc khổ trở về nhà với “chiến lợi phẩm” chỉ là vài chục con cua đồng. Chị là Trần Thị Nguyệt (mẹ em Lương). Chị Nguyệt năm nay 49 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo, nhà có 4 anh chị em, chị là con út trong gia đình, bố chị mất lúc chị mới 9 tuổi. Lớn lên anh chị đều có vợ có chồng, riêng chị do ốm đau bệnh tật từ bé nên không lấy chồng, chỉ “xin con” và sinh được em Lương.
Mỗi ngày chị Nguyệt thường ra đồng bắt cua về nấu ăn và số dư còn lại đem ra chợ bán kiếm tiền đong gạo
Số chị Nguyệt nghiệt ngã lắm. Cách đây 10 năm, mẹ chị vì tuổi già, bệnh tật nên đã qua đời chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Sau 20 năm trời vất vả làm lụng, tích cóp và vay mượn, chị đã dựng được căn nhà mái ngói hai gian trên mảnh đất hoang của người anh trai cả nhường lại. Những tưởng đây là mái ấm hạnh phúc dài lâu của hai mẹ con nhưng ngờ đâu tai họa ập đến, người chị dâu đòi lấy lại đất khiến mẹ con chị luôn sống trong cảnh lo âu không có chỗ ở.
Em Lương năm nay đã hơn 15 tuổi nhưng nhìn vóc dáng nhỏ thó như một đứa trẻ lớp hai, nhưng bù lại Lương có khuôn mặt rất thông minh, ngoan hiền nên được mọi người yêu mến. Thuộc diện gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng Lương luôn là học sinh khá, giỏi và có ý chí vươn lên trong học tập nên từ năm lớp 3, em được xét cấp học bổng thuộc dự án “học sinh nghèo vượt khó.
Suốt mấy năm vừa qua, em vẫn duy trì kết quả học tập và rèn luyện tốt nên vẫn tiếp tục được nhận học bổng. Nhưng rồi, những cơn đau đầu của em ngày càng nặng, lực học của em giảm sút, vạn vật xung quanh em trở nên mờ dần, và em phải nghỉ học vì không còn nhìn thấy ánh sáng.
Trước bệnh tình của con, chị Nguyệt đành nuốt nước mắt vào trong để đổi ngôi nhà lấy 20 triệu đồng đưa con đi khám bệnh với hy vọng cứu được đôi mắt mù lòa cho con. Chị Nguyệt đưa con vào Bệnh viện Phương Đông khám mắt nhưng bác sỹ kết luận không phải bệnh mắt, rồi lại giới thiệu chuyển viện, và sau nhiều công đoạn khám chụp từ bệnh viện này sang bệnh viện khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị như chết lặng khi nghe bác sỹ kết luận em Lương bị u não.
Sổ khám bệnh và chẩn đoán mất thị lực hai mắt của em Lương
Khối u trên đầu Lương đã lớn “choán chỗ trên tuyến yên” gây ảnh hưởng nặng đến thị lực cả hai mắt. “Nó tuy bé người nhưng có ốm đau chi mô, bỗng dưng trời bắt tội mang bệnh hiểm nghèo thế này”, chị Nguyệt nhìn con, nước mắt chảy ròng hai má.
Video đang HOT
Hiện tại, hai mẹ con chị Nguyệt đang ở nhờ nhà của anh trai kế, vợ chồng người anh cũng cơ cực nên dắt díu vợ con đi làm ăn xa, khi nào về mẹ con chị sẽ phải trả lại nhà cho họ. Bản thân chị Nguyệt cũng phải gồng mình sống chung với rất nhiều bệnh tật kinh niên, có cả khối u vú phát hiện cách đây đã 10 năm nhưng cũng phó thác cho số phận không dám đi khám lại chỉ vì gia cảnh nghèo.
Giờ đây chị Nguyệt không có sức khỏe để bươn chải kiếm tiền chạy chữa cho con, quanh năm chỉ biết quanh quẩn với hơn 2 sào ruộng để kiếm gạo ăn, thỉnh thoảng có mớ rau trong vườn đem ra chợ bán để đổi lấy thức ăn cho con. Hiện bệnh tình của con như vậy, lòng người mẹ thật đau xót nhưng cũng đành bất lực, trong nhà không có thứ gì có giá trị để bán kiếm tiền mua thuốc giảm đau cho con chứ làm gì dám mơ đến những mấy trăm triệu chi phí cho một ca mổ não.
Vườn rau muống trước nhà cũng là nguồn thu chính của mẹ con chị Nguyệt
Vào những ngày đông rét buốt, Lương phải chịu những cơn đau nhức dữ đội, nhiều đêm em thức trắng, mong sao cho trời sáng, nhưng màn đêm cứ bám lấy em, không buông tha cho em, trước mắt em chỉ còn là bóng tối mịt mù. Nhà được cái tivi cũ để Lương làm bạn thì đã hỏng, bạn bè cùng trang lứa đều được đi học cả, em không còn gì để nghe, để biết vạn vật xung quanh, còn mỗi cái bàn do dự án học bổng tặng và chồng sách vở ngày ngày em vẫn mò mẫm sắp xếp, nâng niu và tiếc nuối…
Ngày ngày em vẫn mò mẫm sắp xếp, nâng niu chồng sách vở trong tiếc nuối…
Thương mẹ, dù không nhìn thấy gì nhưng Lương vẫn mò mẫm quét nhà giúp mẹ
Khi được hỏi nếu cho em một điều ước thì em sẽ ước điều gì? Anh mắt mở to ngấn lệ, em nghẹn ngào trả lời: “Em ước được sáng mắt, dù chỉ một bên thôi cũng được để sau này còn kiếm tiền nuôi mẹ…”. Và em không nói được gì nữa, chỉ biết đưa tay lên quệt hàng nước mắt lăn dài.
Lương chảy nước mắt khi nói về ước mơ được sáng mắt, đi học và sau này đi làm kiếm tiền nuôi mẹ
Tuổi mười lăm, cái tuổi mộng mơ hồn nhiên của học trò, nhưng đối với Lương tương lai trước mắt em chỉ còn là bóng tối. Em làm tôi nhớ lại lời của một bài hát: “…em mơ một vì sao sáng, dẫn lối em trên đường đời…”. Dẫu rằng đây chỉ là giấc mơ nhưng giờ đây đối với em cần lắm một giấc mơ, cần lắm những bàn tay dang rộng của tất cả cộng đồng xã hội hãy cứu giúp em điều trị căn bệnh quái ác và biến giấc mơ của em trở thành hiện thực.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Trần Thị Nguyệt: Thôn 1 – Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. ĐT: Chị Mỹ: 0916.003.295 (Phó Giám đốc Quỹ bão trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình).
Theo Dân trí
Án tử cho kẻ 'chặt tay cướp xe SH': Đúng người đúng tội
Chiều 25/12, vụ án "chặt tay cướp xe SH" đã khép lại với mức án tuyên khá nặng so với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM trước đó đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hồ Duy Trúc (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng bọn trước vành móng ngựa
Cụ thể: Hồ Duy Trúc bị tuyên án tử hình; Nguyễn Văn Luông chung thân, Nguyễn Hoàng Phương 20 năm tù...Nhiều bạn đọc, luật sư, chuyên gia pháp lý bày tỏ đồng tình với mức án nghiêm khắc mà tòa đã tuyên.
Hành động quá man rợ!
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ, trong lời nói đầu của Bộ luật Hình sự quy định: Pháp luật hình sự là một trong những công cụ để đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật Hình sự quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội. Tùy từng giai đoạn cụ thể mà mức hình phạt của các loại tội cũng có thay đổi cho phù hợp với tình hình cũng như tính nguy hiểm của tội phạm.
Liên quan đến việc một số người nhà của bị cáo phản ứng cho rằng tòa "xử ác", không giết người mà tuyên tử hình, luật sư Hà Hải phân tích: Không phải cứ giết người là tử hình vì cơ cấu của tội giết người cũng chia ra làm nhiều khung hình phạt từ thấp đến cao phù hợp với mức độ, hành vi phạm tội. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và tương xứng với từng mức độ, sẽ có những khung hình phạt thích hợp.
Có rất nhiều tội Bộ luật Hình sự quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình chứ không phải chỉ có tội giết người. Hiện nay, Nhà nước ta đang nỗ lực đảm bảo trật tự, trị an xã hội nên loại tội cướp tài sản được quy định có khung hình phạt cao nhất là tử hình nếu: gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên, hoặc chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong vụ chặt tay cướp SH, luật sư Hà Hải nhận định hành động của bọn tội phạm quá man rợ không còn tính người, thể hiện sự coi thường pháp luật.
Các bị cáo cúi đầu trước vành móng ngựa chiều 25/12
"Việc tử hình như vậy là xứng đáng để cho thấy sự cứng rắn của pháp luật nhằm răn đe những kẻ coi thường mạng sống của người khác thích sống bằng kiểu đi cướp", luật sư Hà Hải nói.
Tử hình là thỏa đáng
Chia sẻ sau khi bản án tòa tuyên, Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: Người đọc dù biết luật hay không, có lẽ cũng đã thở phào nhẹ nhỏm vì án tuyên như thế đã trút đi phần nào sự âu lo về tính mạng của người đi đường, nhất là trên những đoạn đường tối, vắng người qua lại trước các hung thủ máu lạnh không nghề nghiệp nhưng cần tiền để xài "hàng đá".
Cũng theo luật sư Út, căn cứ vào quy định tại điểm c, khoản 4 điều 133 Bộ luật hình sự, mức hình phạt dành cho hành vi này đến mức tử hình khi "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".
Tại Thông tư liên tịch số 02/2001 quy định: "Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, căn cứ vào quy định tại điều 48 khi bị cáo Trúc rơi vào các trường hợp thuộc các tình tiết tăng nặng hình phạt, như: Phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, cố tình thực hiện phạm tội đến cùng và tái phạm nguy hiểm... theo các điểm a, b ,e và g khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự. Với tầm ảnh hưởng đến trật tự, trị an xã hội bị xáo trộn nghiêm trọng, gây hoang mang lo sợ trong nhân dân thì bị cáo có vai trò chủ chốt Hồ Duy Trúc phải nhận lãnh mức án tử hình là thỏa đáng.
Đồng quan điểm, Kiểm sát viên trung cấp Võ Mỹ Bình (Viện KSND tỉnh Tiền Giang) cho biết trong tình hình tội phạm cướp (nhất là cướp xe, cướp tài sản người đi đường) đáng báo động như hiện nay thì mức án mà tòa tuyên là hoàn toàn tương xứng, đảm bảo được yêu cầu phòng chống và răn đe tội phạm toàn xã hội.
Kiểm sát viên Võ Mỹ Bình chia sẻ: "Nếu tôi ngồi ghế công tố viên tôi cũng đề nghị tử hình. Bởi lẽ, mô tả hành vi phạm tội thấy đối tượng rất hung hãn, thực hiện hành vi đặc biệt nguy hiểm. Chúng sử dụng dao dài chém ngay mà không cần răn đe khi người bị hại đang sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (là xe máy) lưu thông trên đường. Chỉ cần bị hại té xe, đập đầu chấn thương sọ não là tử vong rồi, không cần phải chém. Bên cạnh đó, khi chém vào những điểm trọng yếu trên cơ thể nạn nhân như vào cổ, gáy, chém đứt lìa tay... là bị cáo phải biết khả năng gây ra chết người rất cao. Trong vụ này bị hại may mắn không chết mà thôi. Như trường hợp của chị Thúy, đứt gần lìa cổ tay nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời thì có nguy cơ chết vì mất máu. Hậu quả của các bị cáo này gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, tôi cho rằng mức án tòa tuyên có sức lan tỏa, được xã hội đồng tình nhằm ngăn ngừa tội phạm".
Trao đổi với PV sau phiên xử, chủ tọa phiên tòa, ông Nguyễn Minh Cảnh nói: "Hội đồng xét xử đã tiến hành xét xử theo căn cứ vào các quy định của pháp luật và không nêu ý kiến gì về bản án đã tuyên. Xin dành cho các chuyên gia pháp lý, các luật sư nêu quan điểm và dư luận xã hội đánh giá".
Theo Khampha
Tử hình Hồ Duy Trúc và bài học về cách dạy con Bản án tử hình dành cho Hồ Duy Trúc là bản án phù hợp và xác đáng, bởi không có lý do gì chúng ta lại dung thứ cho những hành động dã man tàn ác như vậy. Tuy nhiên, bài viết này không dành để nói về Hồ Duy Trúc. Bài viết này nói về người mẹ của cậu ta, như một...