Tâm sự nghẹn lòng của Em gái Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng
Nghèn nghẹn trong từng câu nói, bà Dương Thị Băng Tâm chia sẻ: “Hãy đặt vào địa vị của tôi, mọi người mới hiểu được tâm trạng tôi lúc này”.
Giấu bố về thông tin hai người anh
Vừa qua, TAND Hà Nội đã tiến hành các phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam mức án tử hình về các tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và cựu Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng Dương Tự Trọng 18 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Các phiên xử gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi lẽ chỉ trong một thời gian ngắn, một gia đình được liệt vào hàng “danh gia vọng tộc” bậc nhất đất Cảng lại rơi vào cảnh xót xa khi hai người con trai được kỳ vọng nhất lần lượt bị bắt.
Căn nhà cụ Dương Khắc Thụ đang sinh sống. Ảnh: TG.
Chiều 12/1, bà Dương Thị Băng Tâm (em gái các bị cáo Dương Tự trọng và Dương Chí Dũng) đã đồng ý gặp mặt Báo chí để chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình dành cho các anh trai.
Tại một quán cà phê trên đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng), ngồi đối diện chúng tôi là một người phụ nữ trung tuổi có ánh mắt buồn, nét mặt khá giống người anh cả Dương Chí Dũng. Nghèn nghẹn trong từng câu kể, bà Tâm chia sẻ, chỉ một thời gian ngắn chứng kiến hai phiên tòa xét xử hai người anh trai mình, trái tim bà nhói đau.
Bà Tâm kể rằng, từ khi gia đình gặp chuyện (hai người anh vướng vào lao lý -PV), các thành viên trong gia đình đều rất buồn. Bà Tâm nói, trước khi xảy ra các biến cố trong gia đình, bà và cô em gái út thi thoảng mới về nhà thăm bố mẹ nhưng kể từ khi hai người anh bị bắt, vợ chồng bà cùng vợ chồng người em gái út ngày nào cũng tranh thủ thời gian về nhà trông nom bố mẹ thay các anh.
Bà Tâm kể: “Mẹ và chị em tôi luôn phải giấu bố (cụ Dương Khắc Thụ, 90 tuổi, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng trong thập niên 70-80) chuyện của anh Dũng, anh Trọng bởi hai anh là niềm kỳ vọng của bố. Trong gia đình, anh Dũng là người có tính cách giống bố tôi hơn cả.
Nhìn bề ngoài ít nói, hiền lành thế nhưng tính khí anh Dũng rất can trường, bản lĩnh đến các em đều phải sợ. Trong khi đó, anh Trọng bề ngoài cứng rắn nhưng sống nặng về tình cảm.
Bố tôi là người sống rất nghiêm khắc, luôn dạy dỗ con “ngã phải tự đứng lên” và “phải đi lên bằng chính sức lực của mình” nên nếu bây giờ biết những thông tin không hay này, chắc chắn cụ sẽ sốc nặng. Vì thế, chúng tôi buộc phải giấu cụ mọi thông tin có thể đưa đến như báo chí, truyền hình, thậm chí việc ra ngoài giao lưu với hàng xóm”.
Bị cáo Dương Tự Trọng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TL.
Video đang HOT
Cay đắng đi qua, xót xa ở lại
Bà Tâm nói rằng, khi hay tin hai con trai bị bắt, cụ Trần Thị Hương (83 tuổi, mẹ bà Tâm) đã suy sụp và lo lắng khôn nguôi. Nhưng với tính cách can trường, cụ đã giúp các con gái che giấu nỗi đau để nói dối chồng về tình cảnh của hai người con trai của mình.
Bà Tâm nghẹn giọng: “Thậm chí, để yên lòng bố tôi, dù trong lòng chất chứa bao nỗi đau nhưng mẹ vẫn hát để khỏa lấp nỗi ngờ vực của ông cụ. Trước mặt chồng, mẹ tôi luôn tỏ ra bình thản, vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ đến khi một mình, mẹ tôi mới dám xả lòng, khóc thương con”.
Rồi bà Tâm kể, tối 11/1, nghe con rể nhẩm một ca khúc “Lạy Phật Quan âm”, cụ Hương đã nhờ các con chép lời bài hát để cụ học thuộc lời, đợt tới vào thăm hai con trai sẽ hát. Hành động ấy của mẹ khiến mấy anh chị em cảm thấy xót xa và thương mẹ vô cùng.
Bà Tâm chia sẻ: “Sợ mẹ buồn nên sau phiên tòa, chúng tôi đành giấu mẹ là tòa tạm trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nên hiện tại, mẹ vẫn không hay biết chuyện hai anh trai tôi bị tòa tuyên phạt như thế nào mà chỉ nghĩ rằng, các cơ quan tố tụng đang xem xét điều tra lại vụ án”.
Như nén lại cảm xúc trong lòng, bà Băng Tâm chua xót: “Tôi chỉ tiếc một điều, giá như anh Dũng không bỏ trốn thì mọi chuyện đâu đau lòng đến thế. Tuy nhiên, tôi luôn sẵn một niềm tin vào hai người anh của mình, đặc biệt anh Dũng.
Tôi có một mong muốn, các cơ quan pháp luật hãy tạo điều kiện cho anh Dũng có cơ hội chứng minh việc làm của mình không phải là tham ô. Riêng với anh Trọng, tôi chỉ mong cơ quan pháp luật hãy cảm thông, giảm nhẹ mức án cho anh tôi về những tội lỗi do mình gây ra để anh sớm trở về chăm sóc cha mẹ già”.
Bà Tâm tâm sự, thời điểm anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn, bà đã làm một bài thơ kêu gọi anh đầu thú với tiêu đề “Anh hãy về đi”. Còn sau phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng vào ngày 8/1, bà Tâm cũng đã làm bài thơ tặng anh trai mình cùng những lời nhắn nhủ: “Gần Tết rồi, anh hãy khỏe nhé, em đã nhìn thấy sự tĩnh lặng, sự hồn hậu trong ánh mắt của anh và em thấy thương anh quá”.
Chia tay bà Tâm khi thành phố Cảng đã lên đèn, chúng tôi tìm đến khu vực nơi gia đình cụ Dương Khắc Thụ và cụ Trần Thị Hương sinh sống. Điều chúng tôi ghi nhận đó là thái độ của những người hàng xóm dành cho gia đình họ Dương khá tôn trọng.
Trong câu chuyện họ kể nhau nghe về phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, dường như đều ẩn chứa một niềm nuối tiếc cho con người tài hoa, sự cảm thông cho một gia đình danh giá.
Theo Báo Gia Đình
Đại án Dương Chí Dũng, Huyền Như: Câu chuyện về 'chữ Tình'
Vì những lí do khác nhau mà cả Dương Chí Dũng và Huỳnh Thị Huyền Như đã đẩy người thân của mình vào con đường phạm tội.
Dương Chí Dũng và Huỳnh Thị Huyền Như đều khiến người thân phải liên lụy
Cùng vì người thân trong gia đình mà bị liên lụy, nhưng câu chuyện về "chữ Tình" trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và phiên xét xử Huỳnh Thị Huyền Như lại rất khác nhau.
Vụ Dương Tự Trọng: Dương Chí Dũng sẵn sàng chết vì em trai mình.
Ngày 7/1 vừa qua, TAND TP.HN đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu PGĐ Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng và đồng phạm liên quan đến vụ bỏ trốn của Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines.
Phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng diễn ra tại phòng xét xử của TAND TP.HN do Thẩm phán Trương Việt Toàn làm Chủ tọa phiên tòa. Dương Tự Trọng bị truy tố về tội danh Tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài theo Khoản 3 Điều 275 BLHS.
Hai anh em Dương Chí Dũng "hội ngộ" tại phiên tòa 7-8/1 vừa qua
Trong suốt 2 ngày xét xử, trước mọi câu hỏi của HĐXX, Dương Tự Trọng trước sau với lời khai:"Không phủ nhận nhưng cũng không công nhận".
Xuất hiện với vai trò người làm chứng, Dương Chí Dũng đã có những tiết lộ "động trời" về danh tính người đã mật báo cho mình để bị cáo này thực hiện cuộc "đào tẩu" vào chiều 17/5/2012.
Khi HĐXX đặt câu hỏi vì sao trong phiên tòa xét xử ngày 14/12 vừa qua, liên quan đến vụ bê bối tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, bị cáo đã từ chối trả lời về danh tính người này, Dương Chí Dũng đã lí giải rằng "Trước đây tôi giấu vì không muốn những người giúp mình gặp liên lụy, tôi rất đau lòng".
Đặc biệt, trong phiên xét xử chiều ngày 7/1, Dương Chí Dũng đã bày tỏ tình cảm dành cho em trai mình là Dương Tự Trọng, người đã vì giúp đỡ bị cáo mà sa chân vào vòng lao lý: "Em trai tôi, tôi rất thương. Tôi sẵn sàng chết vì em mình".
Mặc dù từ chối trả lời mọi câu hỏi của HĐXX, nhưng khi được cho nói lời sau cùng, bị cáo Dương Tự Trọng đã bày tỏ tình cảm dành cho anh trai là Dương Chí Dũng, đồng thời mong HĐXX khoan hồng với Dũng, riêng bản thân mình sẵn sàng chịu mọi hình phạt.
Trước chốn công đường, Dương Tự Trọng vẫn chứng tỏ một tính cách "rắn", là người mạnh mẽ, khôn ngoan trong từng lời nói, trong thái độ ứng xử. Thế nhưng, sự cứng rắn nào cũng có giới hạn của nó. Dương Tự Trọng đã phải lấy tay quệt nhanh giọt nước mắt khi nghe anh trai Dương Chí Dũng nói rằng rất thương em trai. Vì Dũng mà Trọng phải rơi vào vòng tù tội, tương lai mù mịt. Dũng rất hối hận.
Khi được nói lời sau cùng, cựu đại tá Dương Tự Trọng cũng tỏ ra xúc động: "Thời gian qua sống với kỷ niệm của 2 anh em, tôi luôn cầu mong cho anh tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Lòng bao dung, vị tha của người đời, kính mong HĐXX xem xét. Còn bản thân tôi, tôi xin chịu mọi hình phạt của pháp luật".
Kết thúc phiên tòa HĐXX đã tuyên án 18 năm tù cho Dương Tự Trọng. Trước đó, trong phần tuyên án ngày 16/12, Dương Chí Dũng đã nhận án tử hình.
Vụ Huyền Như lừa đảo: Không ngờ em gái ruột lừa mình
Ngày 6/1, vụ đại án ngành Ngân hàng do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu đã được đưa ra xét xử tại TAND TP.HCM.
Phiên xét xử này do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. Thẩm phán Lê Văn Ban thành viên HĐXX và thẩm phán dự khuyết là ông Vũ Thanh Lâm. Các hội thẩm nhân dân gồm ông Nguyễn Văn Xự, bà Võ Thị Nam, bà Nguyễn Thị Luân (hội thẩm nhân dân dự khuyết: ông Lê Giáo). Hai thư ký là ông Ma Văn Nhất và Nguyễn Mạnh Hùng.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa là bà Phạm Thị Thu Hà và ông Nguyễn Thanh Nhã (kiểm sát viên dự khuyết là ông Trần Ngọc Quang).
Theo cáo trạng của VKS, bị cáo Huyền Như bị truy tố với hai tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Theo Điều 139 BLHS) và "Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức" (Điều 267 BLHS), do vậy Huyền Như bị đề nghị mức án cao nhất là tù chung thân. Đồng thời bị cáo còn bị buộc bồi thường trên 3.900 tỷ đồng cho những người bị thiệt hại.
Trước đó, trong phần xét hỏi các bị cáo, liên quan đến các cá nhân đứng tên ký hợp đồng gửi tiền giả để Như thế chấp vay tiền của ngân hàng VIB, luật sư Trương Thị Hòa mời bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh - chị gái Như lên thẩm vấn. Bị cáo Hạnh cho biết trước khi xảy ra vụ án, bị cáo là người bán hột vịt lộn nhưng Như bảo về làm cho em nên tin tưởng nghe theo.
Huyền Như đã kéo theo chị gái mình vào vòng lao lý
Cụ thể là bị cáo Mỹ Hạnh mặc dù trình độ chỉ có hết lớp 9, nhưng đã được cô em gái vì thương chị thu nhập thấp nên đã cho về "đầu quân". Chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ Hạnh đã trở thành một PGĐ.
Cũng tại phiên tòa, Mỹ Hạnh đã bật khóc, vì không ngờ chính em gái ruột của mình lại là người đẩy mình vào con đường phạm tội: "Tôi không ngờ bị em ruột lừa!"
Trước lời khai của chị gái, siêu lừa chỉ ngồi im, cúi đầu lặng lẽ. Có lẽ Huyền Như cũng chẳng thể ngờ được rằng ngày hôm nay 2 chị em lại cùng dắt tay nhau ra trước vành móng ngựa để trả giá về hành vi phạm tội.
Hôm qua, 13/1, chị gái siêu lừa là Huỳnh Thị Mỹ Hạnh cũng bị đề nghị nhận án 16-19 năm tù.
Kết
Vì những lí do khác nhau mà cả Dương Chí Dũng và Huỳnh Thị Huyền Như đã đẩy người thân của mình vào con đường phạm tội. Tuy nhiên, nếu như trước tòa, 2 anh em họ Dương bày tỏ tình cảm dành cho nhau, một người tuyên bố "sẵn sàng chết vì em mình", một người thẳng thắn thừa nhận tất cả những sai phạm, "sẵn sàng chịu tội trước pháp luật, chỉ mong anh trai mình được khoan hồng".
Trái ngược với tình huynh đệ của anh em Dương Chí Dũng, trong phiên tòa xét xử đại án ngành ngân hàng, là giọt nước mắt xót xa của người chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh khi bị chính em gái ruột của mình đẩy vào con đường phạm tội.
Theo Xahoi
Bộ Công an khẩn trương điều tra lời khai của Dương Chí Dũng "Thông tin từ lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa liên quan đến Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý theo pháp luật".>> Dương Tự Trọng "nạt" vợ con không được khóc...