Tâm sự của thạc sĩ được ông Nguyễn Bá Thanh tìm việc
“3 năm nay em đi xin việc khắp nơi. Có hôm hai mẹ con đi cả buổi nộp hồ sơ nhưng không ai nhận, về nhà chẳng muốn ăn uống”, thạc sĩ giỏi vừa được ông Nguyễn Bá Thanh bút phê xin việc kể.
Căn nhà khuất sâu trong con hẻm đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) của bà Lê Thị Giỏi hai hôm nay thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại của bạn bè hỏi thăm việc con mình, thạc sĩ Phan Thị Trang Nhung, vừa được Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh phê bút để xin việc. “Nhung nó cũng đỡ buồn hơn vì có thêm hi vọng”, bà Giỏi nói.
Cô thạc sĩ tâm sự quá chán nản với những hồ sơ đi xin việc. Ảnh: Nguyễn Đông
Cô thạc sĩ 26 tuổi với khuôn mặt ưa nhìn, dáng người cao ráo khá khiêm tốn kể về thành tích học tập của mình. Năm lớp 8, do đầu tư nhiều thời gian cho kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố nên Nhung xếp học lực khá, còn lại 11 năm học là học sinh giỏi. Từ năm học lớp 8 đến năm lớp 12, cô đều đạt giải môn Văn trong các kỳ thi học sinh giỏi Đà Nẵng.
Năm 2010, Nhung tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Văn (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) và bắt đầu hành trình đi xin việc. Ban đầu, cô cử nhân xin vào thử việc ở một trường tư nhưng thời gian gò bó. Muốn học lên để có thêm kiến thức, Nhung nghỉ dạy và thi đậu vào học thạc sĩ ngành Việt Nam học (Đại học Sư phạm Đà Nẵng).
Vừa học thạc sĩ, Nhung vừa cùng mẹ cầm tấm bằng đại học đi nộp khắp nơi, từ trường ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á, ĐH Sư phạm Đà Nẵng đến Học viện Chính trị Trung ương 3… Nhưng nhiều trường đều lắc đầu nói chưa có nhu cầu tuyển, nơi nhận hồ sơ thì không thấy gọi đến phỏng vấn.
Hai mẹ con cũng đến Sở Giáo dục để hỏi về nhu cầu tuyển dụng. Nhưng sở thì bảo xuống trường hỏi xem trường nào có nhu cầu tuyển giáo viên, trường thì lại nói lên sở nộp hồ sơ. Tháng 12/2012, Nhung tốt nghiệp thạc sĩ với tấm bằng giỏi. Nhưng những lần đi xin việc sau đó cô vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Tìm hiểu về số lượng thi tuyển công chức ngành giáo dục, Nhung được biết mỗi năm trường chỉ tuyển một chỉ tiêu. Diện đặc cách công chức thì giáo viên phải có 3 năm kinh nghiệm (trừ một năm thử việc). Vào được giáo viên hợp đồng là có cơ hội được thi vào biên chế, Nhung mạnh dạn lên Sở giáo dục hỏi “tiêu chí nào để tuyển giáo viên dạy hợp đồng”, nhưng nhận được câu trả lời “không có tiêu chí nào”.
Video đang HOT
Nhung tốt nghiệp thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam (Đại học Đà Nẵng) với số điểm 9.0. Ảnh:Nguyễn Đông
“Em không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu hồ sơ đi xin việc và rối bời bởi không ngờ cầm tấm bằng sư phạm loại giỏi đi xin việc mà cực khổ đến thế”, Nhung bật khóc. Theo cô nhiều bạn bè cùng có hộ khẩu Đà Nẵng như mình sau khi tốt nghiệp đại học hay thạc sĩ loại khá đều đã có việc làm, chỉ số ít những người ở tỉnh lẻ phải rời thành phố về quê.
Thương mẹ đã trải qua ba cuộc phẫu thuật vì bệnh tim, khối u, bố là bộ đội phục viên nhưng phải đi làm bảo vệ cho nhà hàng, Nhung đi dạy thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Công việc gia sư với thu nhập khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng phần nào giúp cô sống với hoài bão của nghề “gõ đầu trẻ”, nhưng cũng được một thời gian rồi đành nghỉ.
Gần một năm nay, Nhung xin đi làm công nhân thời vụ ở khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). “Nhiều người đi làm công nhân như em cũng là cử nhân đại học. Em cũng chẳng khi nào nói với bạn làm cùng công ty rằng mình là thạc sĩ, phần vì xấu hổ, phần sợ họ bảo mình nói láo vì thạc sĩ mà không xin được việc”, Nhung nói.
Trong những câu chuyện cùng bạn bè, cô ít khi đề cập đến công việc. Nhưng về nhà lại ngồi thui thủi khóc một mình. Bà Giỏi khuyên con không nhất thiết phải đi dạy nữa, miễn là có được công việc ổn định. “Nhưng công ty thì không nhận em vào biên chế vì không có tiền trả lương theo bằng thạc sĩ”, Nhung chia sẻ.
Bà Giỏi ngồi nhìn con, nước mắt trực trào, bảo: “Cứ nghĩ cho con học lên thạc sĩ sẽ dễ xin việc hơn. Nhà thì cũng không khá giả gì, nhiều hôm hai vợ chồng chia nhau gói mì tôm để dành tiền cho con đi học. Nhung nó chưa có việc, không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề. Chẳng biết kêu ai mới nhờ đến đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh”.
Những tấm bằng khen thành tích đạt giải cao trong các kỳ thi Văn cấp thành phố Đà Nẵng không giúp cho thạc sĩ Phan Thị Trang Nhung dễ dàng tìm được việc làm. Ảnh: Nguyễn Đông
Sau buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà, chiều 23/9, ông Nguyễn Bá Thanh đã gặp riêng mẹ của Nhung tiếp nhận hồ sơn xin việc và bút phê. Dù không biết ông Thanh “bút phê” gì nhưng với Nhung đó như một niềm hy vọng nhen nhóm. “Giờ em chỉ muốn có được công việc ổn định, miễn sao được gần gia đình để chăm sóc mẹ đau ốm. Còn nếu lần này không được nữa, chắc em sẽ vào Quảng Ngãi, chỗ chị gái, để tìm kiếm cơ hội việc làm”, Nhung trải lòng.
Câu chuyện chững lại khi Nhung có người bạn cũng tốt nghiệp thạc sĩ ngành sinh thái học (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) loại khá nhưng đang phải làm tạm công việc gia sư, ghé nhà. “Bây giờ thạc sĩ như em cũng còn nhiều người thất nghiệp lắm. Nhiều địa phương thông báo đang thiếu giáo viên, nhưng rồi những tấm bằng sư phạm đành đắp chiếu”, Nhung nói thêm.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Khó "hốt" liền được!
Ông Nguyễn Bá Thanh trả lời, thời gian tới sẽ tiến hành xử lý tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn, chứ không chỉ có lớn mới đưa ra xử. Nghe ông Thanh nói, dân thấy mát ruột...
Tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) ngày 24/9, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương - nhận được chất vấn: "Vừa rồi thấy chúng ta đã hô hào rất mạnh trong việc xử lý tham nhũng, nhưng vẫn chưa thấy xử lý được vụ nào. Chúng tôi đề nghị Quốc hội nên mạnh tay hơn nữa đối với vấn đề nan giải này".
Ông Nguyễn Bá Thanh trả lời, thời gian tới sẽ tiến hành xử lý tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn, chứ không chỉ có lớn mới đưa ra xử. Nghe ông Thanh nói, dân thấy mát ruột.
Nhưng thời gian tới là khi nào, tháng nào, năm nào, xử vụ lớn là vụ nào, vụ nhỏ là vụ nào? Không cụ thể, còn rất chung chung.
Chủ tịch quận Hải Châu - ông Lê Anh - mang văn bản lên trình bày với ông Nguyễn Bá Thanh
Người dân còn nhớ rất rõ, tại Hội nghị "Công tác quản lý đầu tư xây dựng" diễn ra ở Đà Nẵng ngày 10/1, ông Nguyễn Bá Thanh rất quyết liệt khi nói đến tham nhũng: "Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, hốt liền, không nói nhiều".
Dân hồ hởi chờ đợi ông Thanh "rà" từ đó đến nay là 9 tháng, nhưng dường như vẫn chưa "hốt" được vụ nào. Có lẽ ông Thanh đã hơi chủ quan khi đòi "hốt" liền tham nhũng như kiểu hốt những người ăn xin ở TP Đà Nẵng. Những kẻ tham nhũng có bản lĩnh cao cường, tham nhũng càng to thì bản lĩnh càng cao. Dễ gì hốt.
Cũng khó trách ông Nguyễn Bá Thanh không giữ lời hứa, bởi vì cuộc đấu tranh chống tham nhũng - như chính ông nói với cử tri tại buổi tiếp xúc trên: "Còn rất khó khăn chứ không phải ngày một ngày hai".
Ông Thanh có quyết tâm, có dũng khí, có lòng với dân, với nước, nhưng để làm được việc chống tham nhũng ông không thể đơn thương độc mã mà thắng trận.
Hình như, trên cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương, trực tiếp bắt tay vào công tác chống tham nhũng thời gian qua, ông Thanh mới thấy được những khó khăn, và ông cũng chẳng giấu gì cử tri khi thành thật nói: "Mua con tàu 30 tỉ rồi cùng nhau đưa lên tới 40-50 tỉ đồng để chia chác nhau, nhưng chúng ta không bắt được tận tay thì khó mà xử lý họ với tội tham nhũng".
Thế đấy, biết chắc mười mươi là tham nhũng, nhưng vẫn không bắt được tham nhũng. Cương vị như ông còn chịu, đủ biết tham nhũng ghê gớm như thế nào.
Theo Lê Thanh Phong
Ông Nguyễn Bá Thanh: Cuối năm sẽ xét xử vụ bầu Kiên Tiếp xúc với cử tri Đà Nẵng trong hai ngày 23-24/9, Trưởng Ban Nội chính T.Ư ông Nguyễn Bá Thanh cho biết từ nay đến cuối năm sẽ đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng lớn, trong đó có vụ ông Nguyễn Đức Kiên liên quan đến ngân hàng ACB. Tiếp xúc với cử tri quận Sơn Trà, ông Nguyễn...