Tâm sự của tài xế taxi nghèo trả lại 3,7 tỉ đồng cho khách
Chia sẻ về việc trả lại hơn 233.000 đô la Singapore (tương đương 3,74 tỉ đồng) cho người khách bỏ quên, anh Trịnh Chánh Ngôn cười tươi: “Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người tài xế taxi”.
Đói cho sạch, rách cho thơm!
Tốt nghiệp THPT ở quê nhà Lai Vung (Đồng Tháp), anh Ngôn đi nghĩa vụ quân sự rồi trải qua nhiều lần đổi việc và bây giờ dừng chân làm tài xế cho hãng taxi Vinasun. Tổng thu nhập mỗi tháng của cả hai vợ chồng từ 13 đến 15 triệu, nhưng để đủ trang trải sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn học, tiền thuê phòng trọ và phụng dưỡng cha mẹ dưới quê, gia đình anh cũng phải chắt bóp chi tiêu.
Tài xế Trịnh Chánh Ngôn (trái) nhận phần thưởng về sự trung thực khi trả số tiền hơn 3,7 tỉ đồng cho một hành khách Việt kiều bỏ quên trên xe
Nói về tài xế Trịnh Chánh Ngôn, ông Nguyễn Kim Hoàng Long – đội trưởng Đội xe 93, Chi nhánh 10 Taxi Vinasun TPHCM – cho biết: “Anh Ngôn bắt đầu vào chạy xe taxi cho hãng từ năm 2009. Trong thời gian 6 năm làm tài xế taxi, anh Ngôn thường xuyên được khen thưởng vì thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo với khách hàng; cứu giúp người gặp nạn; hỗ trợ đồng nghiệp…. Cũng vì thế anh được nhiều khách hàng tin tưởng và đặt làm mối quen”.
Tiếp chúng tôi trong buổi chiều muộn tại căn nhà trọ chưa đầy 20 m2, người đàn ông ngăm đen, với giọng nói chân chất đậm chất miền Tây, tâm sự: “Việc trả lại tài vật cho khách để quên trên xe là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của tài xế taxi. Bản thân mình khi mất đi số tiền một vài triệu đồng đã thấy đau xót, khổ sở lắm rồi, nói chi là hàng trăm ngàn đô la”.
Nhấp ly trà đá, anh Ngôn nói tiếp, nhà anh ở vùng sông nước miệt vườn Lai Vung quanh năm chỉ biết làm nông nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Mong muốn cuộc sống cha mẹ đỡ phần vất vả, đi nghĩa vụ về, anh một thân một mình thẳng tiến về chốn phồn hoa đô thị Sài Gòn để kiếm kế sinh nhai. “Ban đầu nghĩ, nghề lái xe taxi là nghề mạt hạng nên tôi kén chọn lắm, nhưng sau khi nhìn thấy vài người bạn mua nhà ở thành phố nhờ lái xe taxi nên tôi quyết định bước vào nghề này. Đời lái xe taxi có nhiều gian truân, khổ cực lắm, nhưng càng chạy càng thấy yêu nghề”, anh Ngôn chia sẻ.
Đúng như lời của ông Nguyễn Kim Hoàng Long, sự tận tình, chu đáo của anh Ngôn giúp anh thường xuyên có những cuốc khách quen, lúc đi Củ Chi, rồi Bình Dương, Long An… nên thu nhập mỗi tháng, mỗi năm lại tăng lên rõ rệt. “Sau khi trả hết nợ ở dưới quê cho cha mẹ, vợ chồng tôi sẽ dành dụm tiền để mua một căn nhà ở ngoại ô thành phố”, mắt anh ánh lên niềm tin về một tương lai tốt đẹp.
Video đang HOT
“Đó là nghĩa vụ”
Sau khi nhận lại toàn bộ số tài sản bị thất lạc trên xe taxi, chị Mai Bích Ngọc (Việt kiều) vui mừng khôn tả: “Tưởng chừng số tiền gia đình danh dụm bấy lâu nay để về Việt Nam mua nhà đã không còn quay trở lại. May mắn thay là gặp được anh tài xế tốt bụng và doanh nghiệp làm ăn tận tình chu đáo”. Sau khi kiểm tra lại số tiền, chị Ngọc và chồng đã hết lời cảm ơn anh Ngôn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Long Hỷ – Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corporation), kiêm Giám đốc Taxi Vinasun – cho biết: “Việc phục vụ nhiệt tình – trung thực – gần gũi và thân thiện với khách hàng là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp mà mỗi tài xế Vinasun phải thực hiện. Sau mỗi đợt tuyển dụng nhân sự mới, hãng đều tổ chức những khóa đào tạo nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức cho tài xế”.
“Nhiệt tình – trung thực – gần gũi – thân thiện với khách hàng là thông điệp đầu tiên mà chúng tôi gửi đến anh em tài xế”, ông Tạ Long Hỷ nhấn mạnh
Để khuyến khích tài xế tham gia phong trào phòng chống tội phạm, sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn, ngăn ngừa tình trạng tài xế từ chối cuốc khách gần, nói chuyện thô lỗ với khách hàng… ông Hỷ cho biết, vừa qua công ty đã ra Thông báo số 253/TB_VNS.15 về việc yêu cầu tài xế ở tất cả các chi nhánh thuộc hãng taxi này phải phấn đấu rèn luyện và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người lái xe.
“Công ty khuyến khích và sẽ khen thưởng, tuyên dương những anh em lái xe tự giác chấp hành pháp luật, rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp người lái xe, tham gia phòng chống tội phạm và cứu giúp người gặp nạn trên đường… Ngược lại, những lái xe không chấp hành tốt nội quy, quy chế của công ty, có hành vi làm phiền lòng sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc hoặc sa thải”, ông Tạ Long Hỷ mong muốn mỗi tài xế taxi là những anh hùng cứu tinh xa lộ.
Quốc Anh
Theo Dantri
Vụ nổ gần cầu Sài Gòn: Sẽ xử nghiêm tài xế taxi "làm lơ" người bị nạn
Trước thông tin về một đoạn clip ghi lại hình ảnh một số lái xe taxi đã không dừng lại hỗ trợ đưa người bị nạn trong vụ nổ xảy ra ở gần cầu Sài Gòn đến bệnh viện, nhiều ý kiến cho rằng họ "làm lơ" là vì sợ bị liên lụy!
Nạn nhân vụ nổ gần cầu Sài Gòn bị bỏng ngoài da 80% cơ thể đang được một số người đưa ra đường Trần Não - Ảnh cắt từ clip trên Youtube
Sau khi Báo điện tử Dân trí phản ánh việc một số lái xe taxi đã "làm lơ", không dừng lại chở nạn nhân của một tai nạn gần cầu Sài Gòn (quận 2), đi bệnh viện, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.
Nhiều người cho rằng các tài xế taxi đã vô cảm, ứng xử không có tình người. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nhận định, các tài xế taxi "làm lơ" là do sợ bị liên lụy khi đưa người gặp nạn đi cấp cứu.
Anh C. (có thâm niên 11 năm chạy taxi) chia sẻ: "Tôi cũng đã từng 4 lần dừng lại cứu người gặp nạn, chở nạn nhân đến bệnh viện gần nhất cấp cứu. Đúng là cũng có một số phiền phức nhưng nếu mình làm việc bằng cái tâm thì đều có thể xử lý được".
Cùng là tài xế chạy taxi nhưng anh Nguyễn Xuân T. lại cho rằng "Cứu người bị nạn là cần thiết nhưng nhiều khi gặp rất nhiều rắc rối. Thậm chí, có lần tôi chở người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện, sau khi lo đủ thứ thủ tục mất cả tiếng đồng hồ lại còn suýt bị người nhà nạn nhân hành hung vì nghĩ tôi gây tai nạn cho người thân của họ".
Liên quan đến việc một số xe taxi xuất hiện trong đoạn clip ghi lại cảnh xe taxi không dừng lại chở nạn nhân trong vụ nghi bị phóng điện đi cấp cứu, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM - Giám đốc Taxi Vinasun cho biết, hiện nay Hiệp hội Taxi TP đang phát động 4 phong trào thi đua. Trong đó, phong trào hàng đầu là xây dựng ý thức văn hóa giao thông. Không những chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông, tài xế taxi còn phải giúp đỡ người bị nạn. Tài xế phải trở thành cứu tinh xa lộ, trở thành người bạn đồng hành với mọi người. Đạo đức nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Đối với tài xế nào không thực hiện tốt thì sẽ bị xử lý nghiêm.
"Về sự việc trên nếu bạn đọc cung cấp được số xe số tài thì phía Hiệp hội Taxi TP sẽ xử lý nghiêm, quyết không bao che, dung túng cho những trường hợp "làm lơ" với người bị nạn như vậy" - ông Tạ Long Hỷ khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Mai Linh cũng cho rằng, không riêng tài xế taxi mà bất cứ tài xế ô tô nào khác không hỗ trợ người gặp nạn là không đúng với đạo đức của người lái xe.
Bình luận về việc một số xe taxi không dừng lại chở nạn nhân trong vụ nổ gần cầu Sài Gòn, ông Hiếu cho rằng trong trường hợp này rất khó xác định là lúc đó tài xế taxi Mai Linh có đang chở hành khách trên xe hay không. Nếu đang chở khách thì tài xế chỉ được dừng lại giúp người gặp nạn khi hành khách trên xe đồng ý.
Ngược lại, tài xế chạy xe trống mà không ra tay cứu giúp người gặp nạn thì rõ ràng là không đúng với đạo đức của người lái xe; không thực hiện đúng những gì người tài xế được đào tạo, huấn luyện và văn hóa giao thông.
"Nếu phát hiện chính xác tài xế của Mai Linh đã bỏ mặc người gặp nạn như phản ánh thì chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật", ông Hiếu khẳng định.
Theo Điều 102, Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về việc áp dụng biện pháp chế tài hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thể hiện, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trước đó, khoảng 17h chiều 13/3, nhiều người đang ngồi câu cá tại khu vực gần cầu Sài Gòn (quận 2) thì chợt giật thót mình bởi một tiếng nổ lớn vang lên. Ngay sau đó phát hiện anh Nguyễn Hữu Đức (38 tuổi, ngụ quận 2) đang bốc cháy dữ dội, quần áo trên người rơi ra từng mảng.
Sau khi bị đốt cháy, nạn nhân bị bỏng nặng và được một thanh niên và một công nhân đưa lên xe máy chở ra ngoài đường Trần Não (quận 2). Do da anh Đức đang bong tróc, lột ra từng mảng nên ngồi trên xe máy xảy ra cọ sát khiến anh Đức khá đau đớn. Nhiều người lao xuống đường vẫy taxi chở anh Đức đi viện nhưng nhiều xe taxi đều "làm lơ", không dừng lại hỗ trợ người gặp nạn.
Nạn nhân sau đó được những người tốt bụng chuyển đến sơ cứu tại bệnh viện Bưu điện quận 2 rồi chuyển tiếp lên khoa Bỏng bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Tại đây, các bác sĩ xác định, anh Đức bị bỏng ngoài da 80% cơ thể, sau khi được điều trị sức khỏe đã ổn định.
Trung Kiên - Quốc Anh
Theo Dantri
Thương người đàn ông với nụ cười... "khó coi" Hơn 60 tuổi nhưng ông chưa một ngày được sống như người bình thường. Căn bệnh quái ác đang rút cơ thể ông co lại, những cơn đau thâu đêm. Mẹ già mất, nhà cửa cũng không còn, ông phải đến nương nhờ em gái, ngày ngày nằm co quắp trên chiếc chõng đơn trong góc tường. Tìm về xóm 2, xã Nam...