Tâm sự của người vợ có chồng ở quá… sạch
Tôi quyết định lấy anh làm chồng, người đàn ông đã trải qua hai đời vợ khi tuổi đời còn rất trẻ – ba mươi lăm tuổi.
Lý do ly hôn với hai người vợ trước của anh nghe ra có vẻ như chỉ là cái cớ, thậm chí một số người còn cho là vớ va vớ vẩn. Bản thân tôi khi nghe mọi người cảnh báo, tôi cũng thấy vớ vẩn, tôi nghĩ đó chỉ là sự trêu chọc hoặc thêu dệt cho vui mà thôi. Đó là vì anh ở sạch quá đến nỗi không ai có thể ở với anh được.
Biết tôi yêu anh, ai cũng can ngăn, mới đầu tôi cũng thấy buồn cười, tôi đem chuyện nói với anh, anh cười: “Thế em có muốn lấy người chồng ở dơ hay không?”. Câu hỏi của anh làm tôi nhớ lại chuyện nhà mình. Cũng vì ba tôi là người xuề xòa không ngăn nắp lại không kỹ lưỡng lắm nên ông và mẹ tôi cứ xảy ra cãi vã suốt. Bản thân tôi vốn là người ngăn nắp sạch sẽ nên tôi nghĩ chúng tôi chắc sẽ hợp nhau.
Ngày mới lấy nhau về, tôi thấy mình thật may mắn và cho rằng những lời cảnh báo của mọi người là thừa thãi. Tôi là nhân viên bán hàng cho một cửa hàng quần áo trẻ em nên thường xuyên đi sớm về muộn còn anh làm việc theo giờ hành chính nên thường về nhà trước tôi, Khi tôi về đến nhà đã thấy anh quét dọn, lau nhà, giũ giường chiếu sẵn sàng.
Xe tôi vừa dừng trước cửa, anh lấy giấy báo lót dưới bánh xe từ thềm ba dẫn vào trong nhà, dù trời mưa hay trời nắng, rồi tự tay dắt xe vào nhà. Anh còn cầm sẵn đôi dép mang trong nhà cho tôi thay trước khi bước vào nhà. Sáng ra tôi vừa dẫn xe khỏi nhà anh đã cầm cây lau nhà đợi sẵn để lau chỗ dựng xe. Nói chung tôi chỉ việc đi làm về ăn xong rồi ngủ, không phải làm động móng tay. Mới đầu tôi thấy mình sướng thật.
Nhưng chỉ một thời gian sau tôi cảm thấy mình giống một đứa trẻ suốt ngày bị anh giám sát, làm gì cũng sợ bẩn chỗ này dơ chỗ nọ. Buổi tối, dù chiều đi làm về tôi đã tắm rồi, trước khi lên giường là phải tắm lại, thay bộ đồ khác. Một khi đã lên giường rồi là không làm việc gì nữa, nếu có, làm xong phải tắm lại thay bộ đồ khác rồi mới lên giường. Nếu có việc đi ra ngoài vào buổi tối thì xe phải để ở ngoài sân từ chiều. Xe mà đã dắt vô nhà rồi là không dắt ra nữa, có việc cần kíp thì gần đi bộ, xa ngồi taxi. Trong nhà tôi hai vật dụng xài hao nhất là cây chổi và cái giẻ lau nhà. Chúng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cứ như đội lính cứu hỏa vậy.
Tôi có thai, anh rất vui mừng và càng ra sức chăm sóc cho tôi. Anh thường xuyên nhắc nhở tôi rửa tay bằng nước sát khuẩn mặc dù mỗi lần nghe mùi thuốc tôi cứ nôn nao rất khó chịu. Chuyện ăn uống anh càng kỹ lưỡng hơn. Tôi ăn gì anh cũng sợ ngộ độc. Hậu quả là đứa bé sinh ra bị suy dinh dưỡng, may mà em bé chỉ nhẹ cân chứ thể trạng cũng bình thường.
Chuẩn bị đón hai mẹ con ở bệnh viện về. Anh viết một thông báo gắn ở cổng: “Để tránh nhiễm khuẩn cho em bé, xin cô bác anh chị vui lòng không tới thăm cho tới khi em bé tròn tháng. Xin thông cảm. Cám ơn”. Mẹ tôi dưới quê lên nuôi con gái đẻ, đọc thấy bà rất sốc nhưng nể mặt thằng rể không nói gì.
Thời gian ở chăm tôi đẻ, mẹ tôi cũng bị áp lực không nhỏ vì cái tính ở sạch của anh. Trước khi đi làm, anh ghi lên bảng những điều cần dặn dò với bà như: Đi chợ về phải tắm thay quần áo, trước khi sờ vào em bé phải rửa tay bằng nước sát khuẩn, phải mang khẩu trang y tế. Tất cả đồ đạc của em bé phải ủi cả hai bề. Bình sữa phải luộc sôi 100 độ… Khi anh không có nhà, bà vẫn cẩn thận làm theo lời anh dặn, nhưng có phần thoải mái hơn. Lúc anh ở nhà, anh giống như giám sát làm bà rất bị áp lực. Đến nỗi thèm ăn cái trứng luộc, bà dọn lên chưa kịp ăn, anh về tới la toáng lên “ Sao nhà cửa tanh quá vậy”.
Anh không cho bà ăn trứng luộc trong nhà, bà phải vội vội vàng vàng mang ra bỏ thùng rác. Tôi thấy anh quá đáng định cự cho một trận, mẹ tôi ngăn không cho. Bà cố lắm vẫn không thể ở với tôi tròn tháng. Anh không lấy thế làm buồn cũng không lo không ai chăm sóc mẹ con tôi.
Anh xin với cơ quan nghỉ việc một tháng không hưởng lương để chăm sóc vợ đẻ vì không ai chăm. Cơ quan tưởng nhà tôi neo người mà cha mẹ lại không chịu giúp, nên cũng thông cảm đồng ý. Vậy là nhất nhất mọi thứ anh đều làm hết vì sợ tôi làm không vừa ý, tôi thấy mình như một người đẻ mướn không có quyền tự tay chăm sóc cho đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Tôi cảm thấy vô cùng chán nản nhưng nghĩ thương con tôi bỏ qua tất cả.
Bốn tháng sau khi sinh, tôi phải đi làm, biết mẹ tôi giận sẽ không lên nữa, anh ngỏ ý nhờ mẹ ruột anh sang trông chừng cháu cho tôi đi làm, chừng cháu đầy năm sẽ gửi nhà trẻ. Mẹ anh từ chối thẳng, bà nói anh kỹ tính quá bà không ở nổi, bà bảo mướn người làm mà trông cháu. Tôi biết không dễ gì có người làm nào ở được lâu dài với cái tính quá sạch của anh. Đến tôi là vợ mà còn thấy rất áp lực…
Theo Phunutoday