Tâm sự của người mẹ phục dịch con một cách mù quáng
Người ta nói nước mắt chảy xuôi, nhưng quả thật, có lẽ do “nước mắt” của tôi “xuôi quá” mà bây giờ tôi trở nên trắng tay. Tôi kiệt quệ cả về sức khỏe, tinh thần, cả tài sản vì con vì cháu…
Tôi nói vậy, xin mọi người đừng nghĩ tôi là người mẹ, người bà ích kỷ. Có mẹ nào sinh con ra mà không yêu con đâu. Nhưng, có lẽ tình yêu ấy của tôi vô điều kiện, chỉ biết cho đi mà chưa một lần đòi hỏi các con phải báo đáp, biết ơn mình nên tự tôi đã làm khổ mình.
Nhiều lúc, hai thân già ngồi với nhau trong căn nhà tềnh toàng, tôi lại gạt nước mắt quay sang bảo chồng tôi: “Tôi với ông sắp xuống lỗ cả rồi mà chưa có lấy một ngày được sống cho riêng mình”. Chồng tôi nhìn tôi rồi ngậm ngùi an ủi: “Thôi bà ạ. Mình yêu con thì có trời chứng giám. Suy cho cùng, mình sống cũng là vì con vì cháu. Của nả trên đời này tôi với bà chết cũng có mang đi được đâu. Thay vì phải viết di chúc, tôi với bà chia của khi mình còn sống. Bà cứ nghĩ thế đi cho nhẹ lòng…”. Nỗi khổ tâm của tôi diễn ra thế này.
Tôi và chồng chỉ sinh được một mụn con. Chúng tôi cũng chỉ là công nhân viên chức bình thường. Thời trước, nhà nhà đều nghèo khó như nhau. Gia tài duy nhất trong gia đình tôi bấy giờ chỉ là chiếc xe đạp cà tàng dùng để đi lại hàng ngày. Sáng ra, tôi và chồng thay ca nhau đèo con đến trường rồi lại đạp tới cả chục km tới cơ quan. Lương viên chức không đủ sống, con thì mỗi ngày một lớn, miệng ăn núi lở, tôi và chồng ngoài giờ làm phải tìm việc làm thêm để kiếm chút tiền.
Tôi có tài may vá nên mua vải về nhà, may thành áo rồi mang tới cửa hàng bách hóa để ký gửi. Cứ dăm bữa nửa tháng, tôi lại đến cửa hàng, lấy tiền bán áo và gửi thêm đợt hàng mới. Thi thoảng có mẫu nào đắt khách, cửa hàng nhắn tin, tôi lại tức tốc mua vải may thêm để “chớp” thời cơ. Như cái lần máy quần đùi chim cò, hàng may tới đâu hết sạch tới đó. Tôi ham kiếm tiền quá, một đêm chỉ ngủ 2,3 tiếng còn lại cắm mặt vào máy khâu. Chỉ trong một tuần mà tôi sụt mất hơn một kg thịt nhưng bù lại tiền thu về cũng được một món.
Lúc đầu, chỉ mình tôi làm thêm. Sau, chồng tôi thương quá, cũng muốn giúp một tay.Tôi lại nghĩ ra cách gói bánh giò rồi cho vào cái phích Liên Xô to để chồng tôi mang tới cơ quan bán cho mọi người ăn sáng. Thời đó, chồng tôi cũng là trưởng phòng hành chính hẳn hoi, nhưng anh rất liêm khiết, không dám tơ hào của nhà nước một đồng một cắc. Vì thế, biết trưởng phòng phải đi bán bánh, anh em cùng cơ quan thương tình “nhịn” ăn sáng để đến cơ quan mua cho chồng tôi. Chiều về, nhìn mặt hớn hở của chồng tôi vừa thương vừa buồn cười. Vì gia đình mà anh quên cả sĩ diện của bản thân.
Khỏi phải nói chúng tôi đã trải qua những ngày gian khó thế nào. Nhưng, tôi và chồng thống nhất bố mẹ khổ chứ không để con khổ. Tôi làm thêm nhưng vẫn luôn chu toàn việc gia đình để con tập trung học cho tốt. Có miếng ngon, cơm dẻo canh ngọt, tôi để cho con ăn còn mình ăn cơm hầm, cơm độn. Chồng tôi cũng không cho con đi bộ đến trường mà vẫn cặm cụi đưa đón con. Anh muốn để con lớn lên khỏe mạnh.
Dần dà, cuộc sống của vợ chồng tôi cũng khá dần lên. Nhưng, đề đổi đời phải nhờ có chị gái tôi giúp. Chẳng là mỗi khi kiếm được chút tiền, tôi chẳng biết đầu tư vào đâu. Chị gái tôi lại là người nhìn xa trông rộng nên tôi mang tiền đến gửi chị giữ giúp. Tôi nói là chị giữ tiền thì tốt hơn tôi. Đùng một cái, một ngày, chị thông báo đã mua cho tôi một mảnh đất ở khu vực ngoại thành, lúc nào tiện tôi qua mà xem. Tôi chẳng hiểu mô tê gì vì với tôi, lúc đó cũng có nhà có cửa rồi, cần gì mà phải đất cát. Nhưng chị đã mua giúp thì tôi cũng cảm ơn.
Sau này, miếng đất đã giúp chúng tôi trở thành tỷ phú trong tích tắc. Mới ngày nào, mảnh đất của tôi còn nằm ở khu vực hiu quạnh thì thoáng cái mọi thứ đã thay đổi. Đường được mở rộng khang trang, nhà cao tầng mọc lên như nấm, trường học được xây dựng xung quanh. Đất nhà tôi lại có giá trị.
Video đang HOT
Rồi con tôi đến tuổi vào đại học. Tôi bàn với chồng bán đi ít đất để con đi du học nước ngoài. 4 năm con đi học, năm nào chúng tôi cũng phải gửi vài trăm triệu sang cho con. Nhoắt một cái mà một tỷ đồng đi toi. Nghe thì cũng tiếc nhưng chúng tôi nghĩ rằng mình đầu tư cho con có thiệt thòi đâu. Con giỏi giang, mai kia làm “ông to bà lớn” thì bố mẹ cũng mát mặt.
4 năm sau con tôi về nước và được một người trong họ xin cho biên chế vào một công ty nhà nước. Lương không cao nhưng cũng “không quá tệ” và nhất là chắc chân và ổn định. Tôi chỉ mong con lấy vợ, sinh con đẻ cái, tôi còn sức sẽ trông con cho chúng vài năm rồi sau đó nghỉ ngơi. Chồng tôi có ao ước là được đi du lịch vòng quanh đất nước một lần dối già. Tôi nghĩ cũng sắp đến lúc chúng tôi có thể yên tâm về con cái để thực hiện điều đó.
Con tôi đi làm được 4 tháng thì đùng một cái “bỏ việc” ngang xương! Nó đòi tự lập công ty để kinh doanh lớn vì nó không thích kiểu đợi dài cả tháng mới được chút lương còm. Chẳng hỏi tôi có đồng ý không, con tôi về đòi mẹ bán ngôi nhà tập thể chúng tôi ở trước kia để lây tiền làm vốn cho con. Chúng tôi già cả, quan niệm rằng nhà cửa rất quan trọng. Tiền nong mất hết nhưng còn cái nhà là vẫn yên tâm. Vì thế, tôi khuyên con nên tính kỹ, tôi nói với con hãy cứ đi làm để tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng. Khi con tự tin hãy mở công ty và tôi sẽ cố gắng giúp con phần nào thôi. Nghe đến đây, con tôi tỏ thái độ bất bình ra mặt.
Nó đổ tội tôi là độc ác, là yêu nhà hơn yêu con. Tối đó, đợi lúc tôi đi ngủ, con tôi lần sổ đỏ và đem đi đặt để vay lãi cao. Tiền vay nào có nhiều nhưng con tôi dùng cách đó để gây áp lực buộc tôi phải nghe theo lời nó nếu không nhà sẽ bị mất trắng. Tôi đành bỏ tiền trả gốc và lãi cho con để lấy sổ đỏ ra, đồng thời bấm bụng đăng tin bán nhà. Nhà mới rao, người trả giá cáo còn chưa có thì con tôi đã giục bán gấp, bán vội. Ngay trước mặt khách, con tôi chê nhà của chính mình ỏng eo và bảo tôi đồng ý nhận đặt cọc đi, chứ không còn ai mua nữa đâu. Khách biết thóp con tôi cần tiền, càng ghìm giá. Cơ ngơi của chúng tôi đã bị bán đổ bán tháo như vậy.
Có tiền, con tôi yên ổn một thời gian. Chẳng biết công ty có làm ăn tốt không nhưng sau đó, cấm bao giờ thấy con mang tiền về biếu bố mẹ, dù chỉ một đồng. Quen được bao cấp từ nhỏ, ngay cả khi đã lớn, con tôi vẫn nghĩ bố mẹ có trách nhiệm nuôi mình. Một ngày dù chỉ ăn một bữa ở nhà nhưng con tôi chẳng chịu đưa tiền cho bố mẹ chi tiêu. Tôi nhắc thì nó bảo còn nhiều việc phải tiêu, con ăn bao nhiêu đâu mà mẹ tính toán.
Một thời gian sau, con tôi có người yêu. Cô gái đó xuất thân trong một gia đình cũng khá giả (hơn gia đình tôi). Trước khi cưới, cô gái bắt con tôi phải cam kết không sống chung. Nghĩa là cùng với việc lo đám cưới cho con, vợ chồng tôi sẽ phải lo mua nhà riêng cho con trai. Hai vợ chồng tôi làm gì có tiền ngoài cuốn sổ tiết kiệm khoảng trăm triệu gửi ngân hàng để lấy tiền sống hàng tháng, tôi đành lại phải bán đất để mua nhà cho con. Mảnh đất trước kia nhà tôi ở rộng rãi là vậy, nay bé dần, bé dần. Tiền bán đất đủ mua cho con một căn nhà nhỏ trong ngõ, nhưng cũng cao 3 tầng, nói chung đủ cho vợ chồng trẻ sinh sống. Tôi nghĩ thôi thế là mình đã xong hết trách nhiệm rồi, giờ mình có thể sống cho bản thân.
Những, mới chỉ hơn một năm, đùng cái thì một tối vợ chồng con tôi đến nhà tôi thưa chuyện. Rằng chúng không muốn sống trong nhà nhỏ đó nữa, chúng đã bán lấy tiền để đặt tiền mua chung cư cao cấp. Căn chung cư đó gần 5 tỷ đồng, nhà bán đi chỉ được 2 tỷ đồng nên còn thiếu 3 tỷ đồng nữa. Con dâu tôi ngọt nhạt bảo chung cư chưa lấy tiền ngay nên bố mẹ cứ thư thư, vài năm nữa cho chúng con tiền cũng được. Rồi chúng tuyên bố nhà bán rồi chúng dọn về ở với vợ chồng tôi trong thời gian chờ lấy chung cư. Tôi ngớ người bủn rủn cả chân tay. Trời ơi, chúng nói tiền tỷ cứ như chơi. Tôi làm gì có tiền, chắc chắn chúng lại trông vào mảnh đất cắm lều cuối cùng của vợ chồng tôi đây mà. Không đồng ý cũng chẳng được vì sự việc đã rồi.
Chúng đã bỏ tiền mua chung cư, bỏ đi thì mất tiền mà nhà cũng chẳng còn để ở. Khi con trai con dâu dọn về, cuộc sống của tôi lại cơ cực hơn. Ở nhà riêng, chúng thuê người giúp việc trông con nhưng khi về với mẹ, chúng coi tôi là osin luôn. Chúng lấy cớ bận việc công ty nên đi tối ngày, con để mặc tôi lo.
Nhiều hôm, tôi trông cháu từ sáng tới tối mịt, người đau dừ. Công chức đi làm còn có ngày nghỉ, tôi chẳng có lấy một ngày phép. Từ ngày có cháu, vợ chồng tôi thậm chí chẳng còn thời gian ngồi tâm sự với nhau chồng tôi ốm cũng phải tự lo thân vì tôi còn lo nhà cửa, cơm nước trông nom cháu chắt. Mới rồi, có mấy người bạn rủ vợ chồng tôi đi tập dưỡng sinh, chẳng cần nói mọi người cũng biết chúng tôi phải từ chối vì làm gì có thời gian nữa. Chồng tôi mấy lần ngỏ ý các con tự lo cho nhau để chúng tôi được tự do đi đây đó, không đi du lịch khắp đất nước thì cũng đi vùng này vùng khác ít ngày nhưng các con tôi đều thoái thác. Bỏ cháu lại không đành, tôi đành nhắm mắt mà phục vụ con, hầu hạ cháu.
Căn nhà chung cư mà con tôi đặt giờ đã lên hình hài. Các con tôi lại rục rịch nhắc tôi bán đất để lấy tiền đưa cho chúng. Chồng tôi nhẩm tính, thế là sẽ bán cả vườn và gần nửa cái nhà tôi đang ở. Sau khi bán, vợ chồng tôi chỉ còn lại đúng vài chục mét ở trong cùng, chắc là xây được cái nhà mini để chui ra chui vào!
Nhiều đêm nằm thao thức, tôi nghĩ mà buồn lòng. Ai đời con lên nhà to còn bố mẹ thì mỗi ngày, nhà lại một chật chội. Con tôi không bạo hành bố mẹ, không đánh đập bố mẹ nhưng những việc làm của con khiến tôi đau lòng còn hơn bị đánh. Con tôi chỉ biết hưởng thụ và cho rằng bố mẹ phải có trách nhiệm với chúng. Chúng chưa một lần nghĩ rằng chúng làm vậy là có hiếu với bố mẹ không.
Tôi nghĩ, trong việc này, lỗi sai đầu tiên là do tôi. Tôi đã quá nuông chiều con. Tôi chỉ phục dịch, tuân lệnh con một cách mù quáng để rồi bây giờ, tôi có con mà như không có. Các con tôi chỉ nghĩ về tôi khi chúng cần tôi chu cấp tiền bạc…
Theo ANTD
Gặp đôi vợ chồng cao tuổi nhất xứ Nghệ
Đến nay, cụ ông đã 106 tuổi còn cụ bà cũng đã bước sang tuổi 100, "thành tích" này đã đưa hai cụ lên với "danh hiệu" cặp vợ chồng có tuổi thọ cao nhất xứ Nghệ.
Thế nhưng, "ông tơ bà nguyệt" là cái tên thân mật mà người dân nơi đây thường gọi vì hai cụ là khách mời quan trọng trong các đám cưới.
Vẫn mặn nồng qua... 83 năm
Về xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tìm hỏi cặp vợ chồng Cao Viễn và Vũ Thị Hai không ai là không biết. Có người còn hỏi lại: "Có phải cụ Du chuyên đi mai mối, chúc phúc cho các đám cưới trong làng không?". Khi chúng tôi hỏi lại thì mới hay, cụ Viễn vẫn được những người trong làng gọi là cụ Du. Bởi tại ngôi làng này, người ta có thói quen gọi tên những người già theo tên người con đầu (ông Du là con đầu của cụ Viễn - PV). Ngôi nhà của cặp vợ chồng đặc biệt này nằm phía cuối làng, xung quanh là cây cối xanh tươi. Vừa bước vào sân, chúng tôi bắt gặp cụ ông đang ngồi đọc báo. Thấy chúng tôi đến, cụ liền chào hỏi thân thiện, rồi rảo bước đi pha chè mời khách. Nhìn cách cụ Viễn đi lại nhẹ nhàng, thao tác linh hoạt ít ai ngờ rằng người đàn ông này đã bước sang tuổi 106 vào dịp Tết vừa qua.
Qua một đôi câu mang tính xã giao, cụ Viễn trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời nhiều niềm vui nhưng cũng lắm gian truân của mình. Cụ Viễn sinh năm 1906, trong một gia đình nông dân nghèo tại chính mảnh đất cụ đang sống. Năm 17 tuổi, cũng như bao thanh niên khác khi đó, chàng trai Viễn lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Nhưng vào chiến trường được 3 năm, anh bị thương nặng trong một lần càn quét của địch và phải trở lại quê hương với thương tật trên mình. Trở về nhà dưỡng thương, chàng thanh niên trẻ cảm mến cô thôn nữ Vũ Thị Hai trong một lần tình cờ nhìn thấy cô đang ngồi dệt vải. Không lâu sau đó, họ được gia đình hai bên chấp thuận và nên duyên vợ chồng. Khi đó người con gái mới đôi mươi, còn người con trai mới bước qua tuổi 23.
Từ khi về chung một mái nhà, họ luôn động viên nhau cùng cố gắng làm lụng xây dựng cuộc sống, nuôi dạy con cái. Hàng ngày, người vợ ở nhà dệt vải còn người chồng cặm cụi cày xới ngoài đồng. Nhà đông con, dù bữa đói bữa no nhưng họ sống với nhau hạnh phúc. Suốt hơn 83 làm vợ chồng, giữa họ chưa một lần to tiếng tranh cãi vì quan điểm sống rất tường đồng. "Dù có đói nghèo đến mức nào, tôi cũng không bao giờ tơ hào của ai cái gì, thậm chí là cây rau ngoài đồng. Mình sống phúc đức, không trộm cắp của ai thì con cháu về sau cũng được hưởng lộc", cụ Viễn tâm sự.
Đến nay, con cháu muốn được đến ở cùng để tiện cho việc chăm sóc nhưng cả hai cụ đều không đồng ý. Còn sức khỏe, hai cụ vẫn thích lao động và tự chăm lo cuộc sống của mình. Điều đặc biệt là mặc dù tuổi đã cao nhưng hai cụ vẫn chưa phải dùng đến kính khi đọc báo. Khi chúng tôi hỏi về bí quyết sống trường thọ, cả hai cụ đều cho rằng: "Bí quyết của chúng tôi là sống đơn giản, thanh thản, ham lao động. Tâm hồn khi nào cũng thanh thản, thoải mái thì chuyện trường thọ không có gì là khó khăn cả". "Ăn uống điều độ, hạn chế hút thuốc lá và uống rượu chè", cụ Viễn nói thêm.
Cụ Viễn và cụ Hai dù đã trên 100 tuổi nhưng hai cụ vẫn không ngại dành cho nhau những cử chỉ âu yếm
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hai cụ vẫn rất lãng mạn. Họ có một thói quen là sáng ra dậy sớm cùng nghe đài, rồi đọc báo cho nhau. Không những vậy, hai cụ đều có sở thích vào bếp để trổ tài những món ngon mà người kia yêu cầu. "Ông ấy thường nấu cơm cho tôi ăn, được cái đàn ông nhưng nấu ăn thì rành (rất) ngon, chắc nhờ món ăn của ông mà tôi mới sống đến ngày hôm nay", cụ bà tếu táo. Hàng ngày, cụ Hai vẫn đi bộ ra chợ để mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt cho hai người. Cụ bà trực tiếp chọn con cá, mớ rau tươi non cho bữa cơm gia đình nên họ ăn rất ngon miệng. Hai cụ chủ yếu sinh hoạt trong khuôn viên nhà mình, chỉ những ngày lễ, các cụ mới dắt nhau đi thăm con cái và hàng xóm.
Niềm tự hào của cả làng Đầu năm 2013, cụ Viễn và cụ Hai được UBND huyện Diễn Châu tổ chức buổi lễ trao song thọ. "Hôm đó, chúng tôi được mời đến trụ sở xã rồi mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ ngồi trên chiếc ghế chính diện", cụ Hai nhớ lại. Đó là niềm vinh dự lớn không những của con cháu mà bà con trong làng này cũng thơm lây. Nói về cụ Viễn và cụ Hai, ông Võ Xuân Thạch, Chủ tịch hội người cao tuổi xã Diễn Hoa phải thốt lên: "Người dân chúng tôi gọi vui hai cụ là đôi vợ chồng "già không đều" vì dù tuổi tác đã trên 100 tuổi nhưng tính cách của họ lại rất trẻ".
Ông bà mối mát tay
Vì nổi tiếng là cặp vợ chồng nhiều tuổi, lại sống phúc đức và rất hòa thuận nên cụ Viễn và cụ Hai được rất nhiều gia đình tìm đến nhờ làm mai mối, làm người chứng kiến trong đám cưới để chúc phúc cho các đôi bạn trẻ nhân ngày vu quy. Từ khi bước sang tuổi 100, hầu hết các đám cưới trong làng đều có sự hiện diện của hai cụ. "Thấy tình cảm chân thành của bà con, tôi vui vẻ nhận lời đến tham dự các đám cưới trong làng", cụ Hai nói. Trong những lần tham dự ấy, ngoài vai trò là khách mời đặc biệt của hôn lễ, hai cụ còn được xem là người cố vấn đặc biệt chia sẻ những kinh nghiệm thú vị về cuộc sống gia đình cho đôi bạn trẻ.
Sau khi kết thúc buổi tiệc, các đôi vợ chồng trẻ đó thường được hai cụ xoa đầu, một hành động ý chỉ chúc phúc để họ sống yêu thương nhau suốt đời. Không những vậy, trong những lần đến tham dự đám cưới, cụ Viễn thường đọc to những bài thơ mình tự sáng tác để tặng hôn trường nói chung và chủ nhân buổi lễ nói riêng. Hiện nay, do sức khỏe không thật tốt, việc đi lại khó khăn nên hai cụ được gia chủ tận tình đánh xe đến nhà để rước đi. Nhiều cặp đôi thậm chí tự tìm đến nhà hai cụ để được chúc phúc cho ngày trọng đại và chỉ bảo những điều cơ bản khi bước vào cuộc sống gia đình.
Hai cụ còn khoe với chúng tôi: "Tính đến thời điểm hiện tại, vợ chồng chúng tôi đã có 120 cháu, chắt, sống khắp nơi, đó là chưa kể những đứa chuẩn bị chào đời nữa". Thấy vậy, cụ bà liền tiếp lời: "Những khi đến lễ Tết, ngày cuối tuần, chúng lại kéo nhau về chật kín cả nhà. Tuổi về già, chỉ cần như vậy là chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi". Có lẽ, chính niềm vui con cháu đề huề là liều thuốc trường sinh giúp hai cụ sống khỏe mạnh và yêu đời hơn.
Ngôi làng độc nhất vô nhị
Làng Phượng Lịch (nay gọi là thôn 2 - P.V) của xã Diễn Hoa nổi tiếng cả vùng chẳng phải vì giàu có hay là vùng địa linh nhân kiệt, mà chỉ đơn giản từ bao đời nay họ được mệnh danh là "làng trường thọ". Đến đây, người ta không khỏi "choáng" bởi hàng chục cụ ông, cụ bà đang ở cái tuổi xưa nay hiếm. Chỉ mới đi bộ một đoạn đường ngắn, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều cụ ông, cụ bà đang dẫn cháu đi dạo. Nhìn những cụ ông cụ bà da dẻ hồng hào, miệng móm mém nhai trầu, khoai thai đi dạo chúng tôi cảm thấy như lạc vào miền huyền thoại.
Hai cụ được xác định là cặp vợ chồng trường thọ nhất Nghệ An tính đến thời điểm hiện tại
Ông Võ Xuân Thạch, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Hoa cho biết, hiện nay toàn xã có 910 cụ từ 60 tuổi trở lên, trong đó có 235 cụ bước sang tuổi 80 và 8 cụ bước qua tuổi 100. Nhưng điều đặc biệt, các cụ cao tuổi tập trung nhiều ở thôn Phượng Lịch. Người ta bảo rằng bởi ngôi làng ở vị trí đẹp, bên cạnh dòng sông Bùng thơ mộng, hiền hòa nên người dân được nhờ về khí hậu. Chính vì thế, họ sống khỏe, sống lâu hơn. Những người thực tế hơn thì cho rằng, từ xa xưa, những người khai sinh ngôi làng này đã ý thức tốt việc giữ vệ sinh chung và tận hưởng tối đa những sản phẩm từ thiên nhiên nên họ mới sống trường thọ như vậy. Thêm vào đó, chế độ ăn uống hợp lý, chủ yếu ăn đồ thực vật, rau củ quả mà mình tự trồng được đã tác động không nhỏ đến sức khỏe của những người dân nơi đây.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó chủ tịch UBND xã Diễn Hoa cho biết: "Có nhiều cách khác nhau để lý giải chuyện trường thọ ở ngôi làng Phượng Lịch. Cá nhân ông cũng như chính quyền nơi đây thì cho rằng, bởi người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm lúa nước và vườn tược nên khi nào cũng thoải mái về tư tưởng. Chính từ việc cần cù lao động, môi trường trong lành khiến con người nơi đây dẻo dai, sống thọ hơn".
Trong số những cụ cao tuổi còn sống, có lẽ đáng chú ý nhất là trường hợp của gia đình cụ Cao Viễn và Và Vũ Thị Hai. Cặp vợ chồng cụ Viễn được xác nhận là trường thọ nhất Nghệ An. Được biết người con đầu của ông bà là cụ Cao Du mất năm 2011 khi bước sang tuổi 76. Người con thứ 3 là cụ Cao Đại hiện nay được 73 tuổi, sống khỏe mạnh ngay sát nhà bố mẹ.
Theo Dantri
Nhờ đâu Harry Redknapp được minh oan? Tin vui cho các CĐV Spurs: Những rắc rối tại tòa án của HLV Harry Redknapp đã chấm dứt sau khi ông và cựu chủ tịch Portsmouth Milan Mandaric đều đã được tòa án Anh tuyên bố không mắc tội trốn thuế khoản tiền 189.000 bảng trong một tài khoản nước ngoài. Redknapp, hiện đang làm HLV ở Tottenham, còn Mandaric, đã chuyển...