Tâm sự của nam diễn viên ‘bị ghét nhất’ Việt Nam
“Nhiều khi tôi đi xe buýt hay ra bến tàu cứ nghe thấy tiếng xì xào sau lưng nào là thằng chó, thằng mèo, thằng khốn nạn trong phim nào đấy”, diễn viên Tùng Dương nói.
Tùng Dương là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình nhiều năm qua và là diễn viên chuyên trị các vai cán bộ biến chất hay phản diện. Những vai đáng chú ý của Tùng Dương có thể kể đến Lân trongChuyện phố phường, Ban trong Lãnh địa đen, Lưu trong Hành trình bí ẩn, Thép trong Đầm lầy bạc (thuộc series phim Cảnh sát hình sự), Lương Nhân trong Đàn trời, Tướng ngụy Trần Long trong Dòng sông phẳng lặng, Trần Vương trong Khi đàn chim trở về…
Đóng phim hơn 20 năm nhưng Tùng Dương chủ yếu đảm nhiệm các vai phụ nên anh chưa được bất cứ giải thưởng nào.
Đóng vai chính diện chẳng được ai biết đến
- Được biết sắp tới anh sẽ trở lại màn ảnh với vai Vương, một nhân vật biến chất trong phim “Khi đàn chim trở về 3″, anh có thể nói thêm về lần làm người xấu tiếp theo này?
- Đó là nhân vật phản diện hai mặt duy nhất trong phim. Hạt phó kiểm lâm Trần Vương là nhân vật tham vọng lớn và che đậy rất khôn khéo. Trần Vương được xây dựng với kết cấu mở. Không như những nhân vật phản diện khác là hết phim đều bị trừng trị nhưng hắn thì không. Kết thúc phim Trần Vương vẫn nhơn nhơn mà không sao cả.
Qua nhân vật này, tác giả muốn nói rằng tham nhũng như 1 dòng chảy không bao giờ hết trong cuộc sống, hết người này sẽ mọc ra kẻ khác.
- Nhân vật của anh chạy xuyên suốt cả 46 tập phim, tức là anh phải theo đoàn phim gần như từ đầu đến cuối. Trong suốt 1 năm quay, trải dài các bối cảnh rừng núi ở 5 tỉnh thành, điều gì khiến anh sợ nhất?
- Phim chủ yếu quay ở các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai… Nhiều khi trời đang mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 40 độ chúng tôi cũng phải mặc quần áo của mùa đông. Thời gian quay chúng tôi cũng nếm trải sự khắc nghiệt của mùa đông ở Y Tý, Lào Cao khi trời có băng tuyết và nhiệt độ xuống dưới âm.
Điều kiện sinh hoạt cũng vô cùng cực khổ. Ba mươi mấy con người sống chen chúc ở một cái nhà sàn và chỉ có đúng một cái nhà vệ sinh.
Tùng Dương trong Khi đàn chim trở về 3.
Video đang HOT
- Anh đóng phim truyền hình nhiều nhưng hầu như đều là những vai phản diện bị ghét cay ghét đắng. Hình như anh rất ít khi được các đạo diễn cho làm người tốt?
- Tôi đóng phim từ năm 1994 và đến nay sau 21 năm tham gia hơn 60 bộ phim truyền hình. Tuy nhiên có tới hơn 50 phim là tôi đóng vai phản diện. Chỉ có khoảng chục phim là tôi được đóng vai người tốt, gần đây nhất là trong Ngõ lỗ thủng.
Hồi mới ra trường và đóng phim, tôi đóng nhiều vai chính diện nhưng chẳng được ai biết đến. Chỉ khi đóng vai phản diện là một gã bảo kê trong phim Tình đời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải tôi mới được biết đến. Anh Hải gần như là người “khai quật” ra một Tùng Dương chuyên đóng phim phản diện.
- Anh nghĩ là nhờ đâu mà mình luôn bị các đạo diễn bắt làm người xấu?
- Có lẽ do gương mặt của tôi hợp biểu cảm nội tâm các vai trái chiều. Tôi đóng nhiều đến nỗi nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ có nói rằng nếu có giải thưởng cho diễn viên đóng vai phản diện nhiều nhất thì có lẽ tôi được (cười).
Các đạo diễn cũng nhận xét tôi có sự biểu cảm lạnh lùng và gương mặt toát lên sự đáng sợ rất hợp với các nhân vật phản diện. Thực ra gương mặt của tôi chỉ hợp vào một vài dạng vai chính diện kiểu như nhân vật trong Ngõ lỗ thủng, nếu khác đi một chút thì không ra được chất nhân vật.
- Sau “Khi đàn chim trở về 3″, sắp tới anh lại tiếp tục làm cán bộ hải quan rong “Mạch ngầm vùng biên ải”, tất cả đều là những cán bộ biến chất cả?
- Đúng vậy, toàn là nhân vật biến chất cả, từ Đàn trời, Chủ tịch tỉnh đếnKhi đàn chim trở về, Mạch ngầm vùng biên ải. Tôi không phải là diễn viên đóng nhiều vai phản diện nhất, nếu so với các anh Nguyễn Hải hay Trần Đức nhưng chắc chắn là diễn viên đóng vai phản diện nhiều nhất trong dòng phim chính luận.
Vận của tôi gắn với chữ lụi nên làm gì cũng đổ bể
Tùng Dương tự nhận biểu cảm gương mặt anh hợp với các nhân vật phản diện.
- Anh đã bao giờ gặp rắc rối vì những vai phản diện của mình?
- Có, rất nhiều. Kỷ niệm tôi không bao giờ quên là khi vào vai một tướng ngụy Trần Long trong phim Dòng sông phẳng lặng. Chúng tôi quay ở một ngôi làng có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng. Khi đến cảnh bắt cộng sản, đang quay một cụ bà nhảy bổ vào tát vào mặt tôi tới tấp. Mọi người nhảy vào can và hỏi ra thì biết bà là mẹ của 7 liệt sĩ. Bà biết là chúng tôi đang đóng phim nhưng nhìn cảnh lính ngụy bắt cộng sản dí súng vào đầu bà vẫn không chịu được.
Nhiều khi tôi đi xe buýt hay ra bến tàu cứ nghe thấy tiếng xì xào sau lưng nào là thằng chó, thằng mèo, thằng khốn nạn trong phim nào đấy (cười lớn). Tôi quen với chuyện đó rồi.
- Các diễn viên thường thuộc nhà hát hay hãng phim nào đó, còn anh?
- Khi mới ra trường tôi về công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Về Nhà hát được gần 3 năm rồi lại lấy vợ, cuộc sống mưu sinh vất vả quá nên tôi xin nghỉ. Tôi về VFC làm tổ chức sản xuất thời vụ theo từng dự án phim. Còn giờ thì tôi là diễn viên tự do.
- Ngoài đóng phim anh có phải làm thêm việc gì để kiếm sống hay đơn thuần sống bằng khoản thù lao ít ỏi?
- Làm phim vất vả nhưng thu thập một năm chỉ trên dưới 300 triệu đồng. Tôi từng phải bươn chải nhiều nghề. Tôi mở công ty bất động sản, kinh doanh gallery và dịch vụ giải trí nhưng rồi đều đổ bể. Cái vận của tôi gắn với chữ lụi nên làm gì cũng đổ bể. Cuối cùng chỉ xoay lại với công việc mình không bao giờ bại là đóng phim. Tóm lại mọi khát vọng làm giàu đến nay với tôi đều thất bại và không phất lên được. Tính đi tính lại thu nhập của tôi đến đều nhất vẫn là từ phim ảnh.
Theo Linh Anh/Vietnamnet
'Khi đàn chim trở về': Nỗi niềm hai số phận ra đi vì ung thư
Chưa kịp công chiếu, đoàn làm phim đã ngậm ngùi đưa tiễn hai số phận ra đi vì bệnh ung thư là nghệ sĩ Đăng Lưu và biên kịch Nguyễn Ngọc Đức.
Cũng như bộ phim truyền hình Đất và người, Khi đàn chim trở về cũng khiến khán giả không khỏi ngậm ngùi trước sự ra đi đột ngột của vai Thà - con ông trưởng bản (do diễn viên hài Đăng Lưu thủ vai) và người viết kịch bản cho cả 3 phần của bộ phim là nhà báo Nguyễn Ngọc Đức.
Trước khi tham gia Khi đàn chim trở về, diễn viên hài Đăng Lưu từng cộng tác với đạo diễn Nguyễn Danh Dũng trong bộ phim Rừng chắn cát. Ở bộ phim này, anh vào vào thầy giáo Thái. Tuy nhiên, rất ít người biết Đăng Lưu mắc căn bệnh hiểm nghèo này vì anh luôn giấu giếm mọi người để tiếp tục được cống hiến cho nghề.
Theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, quay xong phim Khi đàn chim trở vềđược 2 tháng thì nghệ sĩ Đăng Lưu qua đời. Lúc đó, nhiều người mới được biết anh bị ung thư gan. Ở tuổi 39, không vợ không con, sự ra đi của nghệ sĩ Đăng Lưu khiến không ít khán giả ngậm ngùi thương cảm.
Diễn viên hài Đăng Lưu ra đi vì bệnh ung thư gan sau 2 tháng hoàn thành bộ phim.
Thành công của 2 phần trước đó của Khi đàn chim trở về có sự đóng góp lớn lao của nhà báo Nguyễn Ngọc Đức. Là phóng viên của báo Nghệ An, phụ trách mảng lâm nghiệp nên anh Nguyễn Ngọc Đức tích lũy khá nhiều vốn sống và kinh nghiệm về đề tài đề tài này.
Theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, nhà báo Nguyễn Ngọc Đức rất tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ rừng. Anh viết như mắc duyên nợ với nó vậy. Nhờ có bộ phim này mà tôi và anh trở nên thân thiết với nhau. Trong suốt thời gian làm phần 1 và 2, anh ở nhà tôi cả tháng trời để hai anh em cùng nhau sửa kịch bản. Xong thì lại đi thực tế với kiểm lâm để viết tiếp Gió đại ngàn.
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng trên trường quay phim Khi đàn chim trở về.
Lúc đầu, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng chưa có ý định sẽ làm tiếp phần 3 nếu như không có cuộc gặp lại với tác giả kịch bản của hai phần trước đó. "Mấy năm sau gặp lại, tôi mới biết anh đang bị bệnh ung thư mà giấu không cho mọi người biết. Tôi mới bảo anh viết đi cho quên bệnh tật. Đồng ý rồi nhưng đến khi thực hiện thì sức khỏe của anh xuống nhanh quá, tưởng chừng như phải buông tay rồi. Tôi phải động viên anh rất nhiều để anh có động lực viết.
Cuối cùng, nhờ ý chí mà anh đã thực hiện được. Để cho kịp thời gian sống, anh đã phải nằm trên giường bệnh đọc cho cô con gái đánh máy. Viết xong, dù kịch bản chưa được nghiệm thu, nhưng đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình đã linh động đứng ra ứng tiền luôn để gửi cho anh. Lúc nhận tiền còn không thể ký biên nhận được. Hai tuần sau thì anh mất", đạo diễn Khi đàn chim trở về kể.
Vai diễn Kiều Loan của diễn viên Kiều Thanh được đạo diễn khá ưng ý
Sau đó, để hoàn thiện kịch bản, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và Đỗ Thanh Hải đã phải mất 2 năm nữa để chỉnh sửa và bổ sung. Từ 55 tập, rút xuống còn 46 tập. "Lúc đầu chúng tôi dự tính chỉ làm khoảng chừng 35 tập thôi, nhưng vì đây là tâm huyết, là công sức của tác giả nên chúng tôi cố gắng để giữ lại đầy đủ nhất các nội dung mà anh đề cập", đạo diễn nói.
Phần 3 của bộ phim được cho biết là sẽ khốc liệt hơn rất nhiều so với hai phần trước đó. Nó cũng phản ánh được đúng thực trạng của cuộc chiến bảo vệ rừng hiện nay vô cùng cam go và nguy hiểm khi các lực lượng lâm tặc ngày càng tinh vi, xảo quyệt và được trang bị nhiều vũ khí hiện đại.
Phim có sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi phía Bắc, trong đó, được kỳ vọng nhất là diễn viên Việt Anh và Kiều Thanh.
Theo Minh Nhật/Báo Gia đình & Xã hội
Lâm Vissay suýt bỏ vai trùm giang hồ vì dốt tiếng Việt Vào vai Long - một trùm giang hồ khét tiếng - trong phần 3 của series phim "Khi đàn chim trở về", diễn viên Việt kiều gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và nhớ lời thoại. Chiều 20/5, tại thủ đô Hà Nội, buổi họp báo phần 3 phim truyền hình Khi đàn chim trở về được tổ chức với sự tham...