Tâm sự của cặp vợ chồng làm mẫu nude
Vợ chồng anh T. chị M. (Hoàng Mai, Hà Nội) làm mẫu nude đã gần chục năm nhưng chưa từng công khai công việc này với bất kỳ ai vì sợ dị nghị. Mỗi lần cần nói chuyện công việc, vợ chồng anh thường “nháy” nhau ra quán bia.
Nhà có người chết cũng phải đi làm mẫu
Phải khó khăn lắm phóng viên mới có thể tiếp cận được một số người chuyên làm mẫu nude cho các trường nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội. Nghề rõ ràng rất chân chính, không có gì sai trái nhưng lại lắm thị phi khiến những người làm nghề này luôn sống khép mình.
Gặp mẫu T. trong căn phòng chật chội chỉ đủ kê 2 chiếc giường nhỏ cùng với một vài vật dụng cần thiết, dù đã đảm bảo không tiết lộ tên thật nhưng trong câu chuyện với phóng viên, mẫu nude này vẫn có chút dè dặt với ánh mắt đề phòng.
Mẫu T. trước làm bốc vác ở bến xe Giáp Bát, công việc vất vả, lại cạnh tranh có khi giải quyết bằng dao kiếm nên anh nản. Được cô ruột giới thiệu, anh T. xin đi làm mẫu nude tại trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2004. Theo mẫu T., nghề này điều quan trọng nhất không hẳn ở ngoại hình, cơ bản là ở bản lĩnh có dám cởi trước mặt nhiều sinh viên và vượt qua được dị nghị của người đời.
Mẫu nude – Nghề chân chính nhưng lắm thị phi
“Với mức chi trả cho mẫu ngồi 85.000 đồng, mẫu đứng 140.000 đồng cho mùa Hè và 140.000 đồng, 180.000 đồng cho mùa Đông trong vòng 3,5 tiếng, thoạt nghe nhiều người sẽ nghĩ thu nhập vậy là tạm ổn nhưng chỉ có 10% mẫu nude sống được bằng thu nhập này, còn lại 90% phải làm thêm từ bảo vệ đến xem ôm để có tiền trang trải cuộc sống”, mẫu T. khẳng định.
Mẫu T. giải thích, nếu ngày nào cũng làm mẫu thì thu nhập cũng ổn, nhưng đa phần các mẫu tuần chỉ được gọi 2 lần. Nếu không nhanh nhẹn tìm mối thì “chết đói”.
Hợp đồng giữa mẫu và các trường chỉ là hợp đồng miệng nên thích thì người ta gọi, không thích thì thôi. Việc cạnh tranh giữa các mẫu nude cũng quyết liệt không kém nghề khác. “Trừ khi bố mẹ mất thì nghỉ, chứ nếu cô, dì, chú, bác mà mất đúng hôm mình được gọi đi thì cũng cáo lỗi, miếng cơm manh áo mà, nếu mình từ chối họ sẽ gọi người khác, thế là mình mất mối”, mẫu T. nói.
Ai chọn nghề này toàn người thần kinh có vấn đề
Mẫu T. bảo công việc này tuy hơi nhạy cảm nhưng “mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng tới đầu” nên đa phần các mẫu đã làm rồi đều trung thành cho tới lúc không được gọi nữa. “Trước tôi làm bốc vác, ra khỏi nhà không biết hôm nay có kiếm được đồng nào hay không nhưng từ khi làm mẫu nude, cứ được gọi là chắc chắn hôm nay có tiền nên cũng yên tâm”.
Là người nhanh nhẹn hoạt bát nên mẫu T. vui vẻ khoe anh sống được với nghề. Tuy không dư giả nhưng cũng đủ nuôi hai con ăn học. Anh chỉ về phía chiếc ti vi mới coong bảo vợ chồng anh vừa quyết định mua trả góp. Hai con của anh rất vui nhưng anh thì đang lo, vì vừa quyết định mua ti vi trả góp mỗi tháng 500.000 đồng thì anh lại phải nằm viện.
Video đang HOT
Sau nhiều năm làm mẫu với nhiều tư thế khó khiến anh bị thoái hóa đốt sống cổ. Nằm viện hơn chục ngày, về nhà phải cố định cổ cả tháng trời nhưng cũng chẳng có chế độ gì. Không đi làm tức là không có tiền. Cả tháng nay cuộc sống gia đình anh theo kiểu giật gấu vá vai.
Mẫu M. (vợ mẫu T.) sau nhiều năm làm vệ sinh cho một công ty cũng chuyển sang làm mẫu nude. Chị kể: “Những ngày đầu làm mẫu rất căng thẳng, cứ mỗi khi thấy sinh viên thì thầm to nhỏ hay cười với nhau là chị lại thấy sợ sợ, tức giận. Vẫn biết là sinh viên chỉ bàn luận với nhau về hình vẽ hay nói chuyện tếu táo chứ họ chẳng bình luận mình. Cứ sau mỗi buổi làm mẫu về tới nhà là nằm vật ra giường, toàn thân mỏi nhừ”.
Mẫu M. bảo, mùa hè thì đỡ chứ mùa đông rất khó khăn. Những mẫu sau giờ giải lao thường tám chuyện cho vui rằng những ai chọn nghề này toàn người thần kinh có vấn đề. Mùa đông người ta tìm cách mặc cho ấm thì mình cứ tranh nhau đòi đi cởi. Dù trước khi cởi các mẫu luôn thực hiện vài động tác cho nóng người và nhà trường cũng cung cấp một máy sưởi nhỏ nhưng cũng không tránh khỏi cái lạnh thấu xương.
“Chỉ cần sinh viên đi qua đi lại hoặc vô tình đánh rơi bảng vẽ là lạnh toát người. Thường bên có lò sưởi thì da thịt ửng đỏ còn bên không có thì tím tái”, chị M. kể.
Chị M. đã từng nhiều lần không hài lòng với tư thế mà giáo viên yêu cầu. “Thường gặp được giáo viên dễ tính, họ sẽ xếp tư thế để người mẫu dễ chịu. Phải giáo viên khó tính, họ bắt uốn éo nên rất mỏi. Nếu người mẫu nào cố chịu thì về sẽ đau khắp người suốt cả tuần. Nếu ai thấy tư thế khó thương lượng với giáo viên không được, bỏ về là chuyện thường. Vì chỉ là hợp đồng miệng, không có cơ chế gì nên việc hủy ngay tại chỗ không hiếm”, chị M. chia sẻ.
Vợ chồng chị M. làm mẫu khá lâu nhưng người trong nhà ít ai biết (trừ bà cô ruột và mẹ đẻ). Nghề này chân chính sao phải giấu?, tôi hỏi. Mẫu M. bảo: “Chỉ có những người làm mẫu mới hiểu điều này còn người đời mấy ai chịu hiểu, họ cho đàn bà làm nghề này là loại lẳng lơ. Vợ chồng tôi khôngbao giờ nói chuyện công việc ở nhà, nếu bức xúc quá thì nháy nhau ra quán bia tâm sự. Gần chục năm nay, hàng xóm vẫn nghĩ tôi làm lao công còn chồng làm xe ôm”.
Theo 24h
Không nên thô bạo với nhà giáo
Ngay sau khi Tuổi Trẻ thông tin về việc một số tỉnh thành "bắt dạy thêm như bắt trộm" thực hiện thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm, nhiều nhà giáo, phụ huynh... đã bày tỏ sự bức xúc.
Một phụ huynh đón con tan học lúc 20g ngày 1-11 tại một cơ sở dạy thêm trên phố Trần Cung (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: NG.Khánh
* Bà Phạm Thị Hồng (phụ huynh học sinh Trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội):
Không nên bắt thầy cô nhận tội trước mặt học trò
Năm nay con tôi học lớp 2 Trường tiểu học Kim Liên. Tôi từng là một trong số phụ huynh rất bức xúc khi được cô "gợi ý" việc học thêm để nâng cao kiến thức tại nhà vào buổi tối. Tôi cũng từng rất mong các cấp quản lý nhanh chóng có giải pháp để học sinh tiểu học không phải đi học thêm, không phải học buổi tối. Nhưng khi chứng kiến cảnh đoàn thanh tra đi "bắt" giáo viên dạy thêm, tôi thấy gai người.
Việc "bắt quả tang giáo viên" là việc làm thiếu tính nhân văn và phản giáo dục. Đoàn kiểm tra hoàn toàn có thể tìm hiểu việc dạy thêm theo cách khác và mời giáo viên đến làm việc, yêu cầu họ thực hiện đúng quy định, đúng cam kết. Nhà trường cũng có thể đề ra các hình thức chế tài cụ thể nghiêm khắc đối với thầy cô giáo có sai phạm. Nhưng không nên bắt thầy cô nhận tội trước mặt học trò. Tôi nghĩ những thầy cô không may chịu cảnh này sẽ là hình phạt nặng nề nhất đối với đời dạy học.
* Cô Nguyễn Thị Tuyết (chủ tịch công đoàn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Tôi sẽ bảo vệ giáo viên nếu họ bị xúc phạm danh dự
Tôi sẽ bảo vệ giáo viên của mình đến cùng nếu họ bị xúc phạm danh dự trong khi đang dạy học. Còn với tư cách là một phụ huynh học sinh, tôi cũng không chấp nhận cách hành xử thô bạo đối với nhà giáo, dù thầy cô giáo có hay không chuyện làm sai quy định. Trên thực tế, tôi cũng phải đi xin học thêm cho con mà xin rất khó thì thầy mới nhận lời. Vì những thầy giỏi, có uy tín thường phải từ chối vì có quá nhiều học sinh muốn xin học.
Phụ huynh có nhu cầu tìm cho con mình thầy giỏi, có tâm huyết và kinh nghiệm dạy học. Các thầy cô giáo đáp ứng nhu cầu đó trong khả năng của mình thì có gì sai trái? Việc đâu đó có tiêu cực trong dạy thêm cũng cần xử lý, khắc phục. Nhưng phải phân biệt rõ nhu cầu học thật hay không, giáo viên dạy có chất lượng hay không. Nếu siết việc dạy thêm không thận trọng, cư xử thô bạo với số đông giáo viên thì cần phải dừng lại ngay.
* Cô Phạm Thị Thu (Trường THPT Kim Liên, Hà Nội):
Học sinh bị rối lẫn chuẩn mực xã hội
Việc phân biệt tiêu cực trong dạy thêm, học thêm không khó. Chỉ nói riêng trong phạm vi một trường học, không khó để biết giáo viên nào có chuyên môn tốt, có uy tín với học sinh, giáo viên nào không. Việc kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm cũng có thể từ nhiều kênh khác nhau. Việc đánh giá hành vi của giáo viên cũng cần đặt trong tương quan với nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần thận trọng và tế nhị chứ không thể hành xử thô bạo. Việc đoàn kiểm tra "đi bắt" giáo viên khi thầy cô đó đang say sưa giảng cho học sinh những điều tốt đẹp của kiến thức, không chỉ khiến tinh thần giáo viên sụp đổ mà còn khiến học sinh bị rối lẫn chuẩn mực xã hội, không biết tin vào ai.
* Thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội):
Hiệu trưởng có thể kiểm soát
Hiệu trưởng muốn biết giáo viên của mình có dạy thêm không, dạy thêm thế nào thì hoàn toàn có thể kiểm soát quản lý trong nội bộ trường chứ không cần đi đến nhà giáo viên để "bắt quả tang", càng không cần phải "thẩm vấn học sinh như nhân chứng của sai phạm". Cách làm như thế không phù hợp với ngành giáo dục, với nhà giáo. Là một hiệu trưởng, tôi nghĩ lãnh đạo nhà trường trước hết nên có quy định cụ thể, dán công khai rõ ràng cho mọi giáo viên cùng biết, yêu cầu giáo viên dạy thêm bên ngoài phải trình hồ sơ đầy đủ, cam kết không vi phạm.
Hiệu trưởng cũng có thể phát động để phụ huynh, học sinh phản ảnh qua hộp thư góp ý, qua phiếu điều tra của trường mà không cần đề danh tánh để có kênh tìm hiểu về hoạt động dạy học chính khóa và dạy thêm của giáo viên. Khi có sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm khắc.
* Thầy Nguyễn Thanh Hoàn (giáo viên môn văn bậc trung học ở quận 2, TP.HCM):
Nghề giáo là nghề nhạy cảm
Bản thân thông tư 17 của Bộ GD-ĐT đã "có vấn đề" vì chưa phản ánh đúng thực tế dạy thêm học thêm. Người vận dụng thông tư này một cách cứng nhắc, thiếu tình người đã gây ra sự xúc phạm đối với nhà giáo. Nếu chiếu theo thông tư 17, có thể giáo viên đã sai nhưng tại sao đoàn kiểm tra liên ngành không gửi văn bản nhắc nhở đương sự trước. Nên nhớ rằng nghề giáo là nghề nhạy cảm, lập biên bản các thầy, các cô trước mặt học trò thì quá bẽ bàng.
Là giáo viên không ai muốn dạy thêm đâu. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì chương trình nặng quá, khó có thể chuyển tải hết cho học sinh với thời lượng ít ỏi nên chúng tôi phải dạy thêm. Chứ nhiều bữa đi dạy thêm về, gặp trời mưa to, người ướt sũng, tôi cũng tủi thân lắm.
* Thầy Ung Thanh Hải (nguyên tổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM):
Cần phân biệt
Đúng là trên thực tế có một số giáo viên làm sai quy định, ép buộc học sinh phải học thêm, tạo ra hình ảnh không tốt. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước, cần phân biệt đâu là lớp dạy thêm đàng hoàng. Tôi biết trên thực tế có nhiều nơi học sinh phải năn nỉ thầy mới được nhận vào học, mức học phí cũng rất cao. Cốt lõi của dạy thêm là chương trình nặng quá, giáo viên không chuyển tải hết trong giờ chính khóa được, muốn thi đậu đại học học sinh đương nhiên phải đi học thêm.
* Hà Văn Sang (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM):
Chọn giáo viên để học thêm
Gần như tất cả học sinh khối THPT đều có đi học thêm. Tôi cũng vậy, hằng tuần tôi phải đi học thêm vài môn để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới. Đây là nhu cầu của tôi và tôi chọn những giáo viên có uy tín để học. Việc kiểm tra các thầy cô ngay trong giờ dạy thêm sẽ khiến các thầy cô bối rối, học sinh chúng tôi sẽ rất khó chịu vì mất thời gian học của mình. Ngoài ra, việc kiểm tra như "đi bắt trộm" là một hình ảnh không đẹp trong môi trường học đường. Riêng tôi, tôi mong rằng điều này sẽ không xảy ra đối với các thầy cô giáo của mình.
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG ghi
Theo tuổi trẻ
Làng quê rúng động vì tin đồn cả xã hành nghề 'nhạy cảm' Những ngày qua, không khí xã Nga Thạch, Thanh Hóa rộ lên lời bàn tán, đồn thổi về chuyện những người phụ nữ nơi đây bỏ quê lên phố làm nghề mại dâm. Từ thông tin thất thiệt này, không ít gia đình lâm vào tình trạng "khủng hoảng", nhiều đứa trẻ sợ đến trường vì bạn bè dèm pha. Một không khí...