Tâm sự cảm động của chàng trai Sài Gòn: “22 ngày giãn cách xã hội là 22 ngày mẹ hạnh phúc nhất”
Trước khi có dịch, cả nhà cố gắng lắm mới bên nhau được 1 bữa cuối tuần. Nhưng từ lúc ở nhà giãn cách xã hội, mẹ tôi vui hết sức vì “được” bận rộn nấu ăn, cả gia đình đông đủ không ai vắng mặt.
Vậy là chuỗi ngày giãn cách xã hội đã được nới lỏng, cuộc sống sinh hoạt đã tạm quay lại như xưa được vài phần. Mọi người mừng vui ra phố hít thở, dù vẫn phải đảm bảo an toàn theo quy định phòng tránh dịch song được ra khỏi nhà một cách thoải mái đã là điều đặc biệt trong những ngày cuối tháng 4 này. Ai cũng thấy háo hức khi được đi học đi làm trở lại, nhưng đâu đó vẫn có những trái tim người mẹ buồn hiu, vì chồng con đi vắng hết cũng là lúc mẹ trở về với nhịp sống cô đơn.
Cô Nguyễn Kim Chi – mẹ của chàng trai 26 tuổi Vương Duy Đức cũng là một trong số những người phụ nữ cô đơn như thế, nhờ có kỳ nghỉ dịch vừa qua mà Đức nhói lòng nhận ra đâu mới là hạnh phúc thực sự của mẹ.
“Giãn cách xã hội: Người nào bận rộn nhất?
Lần đầu tiên kể từ khi mình hiểu chuyện đến nay, chưa bao giờ gia đình mình lại có nhiều thời gian bên nhau đến vậy. Cả nhà quây quần cạnh nhau suốt gần 1 tháng. Dù ai cũng than trời vì dịch bệnh nhưng mình thấy người vui vẻ và bận rộn nhất chính là mẹ.
Trước khi có dịch, thường thì một ngày làm việc của mình bắt đầu khi nhà chỉ còn mẹ, vì bố và chị đã đi làm từ sớm, rồi kết thúc khi cả nhà đã ngủ say. Mình rất ít dịp quây quần với gia đình. Thậm chí ngay từ khi còn đi học, lịch học thêm của mình hay công việc của chị cũng khiến gia đình ít gặp gỡ nhau.
Sau này, các mối quan hệ cá nhân kéo mình đi xa. Thời gian cho gia đình mình ít hẳn, nhiều bữa cơm tối mình không về…
Trước khi có dịch, cuối tuần chính là thời gian cả nhà cố gắng dành cho nhau. Chỉ một ngày cuối tuần mà thôi! Vậy mà cũng phải cố gắng đế sắp xếp. Cả nhà cùng bày biện ăn uống, mời dì, mời bác qua chơi hoặc rủ nhau đi ăn hàng, rồi tối thì mỗi người một góc tự hưởng không gian riêng cùng chiếc smartphone.
Trước khi có dịch, mẹ là người ở nhà nhiều nhất. Chỉ mẹ, tivi và chiếc điện thoại. Mỗi tối có ai về ăn cơm cùng thì mẹ rất vui. Nhiều hôm mẹ còn chẳng buồn nấu, vì mãi khuya cả nhà mới về.
Trước khi có dịch, mẹ không phải đắn đo lên kế hoạch trước cho bữa ăn ngày hôm sau. Vì thực đơn những món ngon “chuẩn mẹ nấu” đều được mẹ nghĩ ra chỉ trong vòng 1 phút 30 giây, và đối với cả nhà thì bữa cơm nào cũng vừa lạ vừa quen.
Video đang HOT
Đến khi nghỉ ở nhà tránh dịch, mẹ bận rộn lên kế hoạch nấu ăn cho cả nhà. Không chỉ mỗi buổi tối mà giờ đây là trọn vẹn 3 bữa. Mẹ phải tìm kiếm, hỏi mọi người xem muốn ăn gì ngày mai. Cả nhà còn bày nhau xem YouTube kiếm món gì hay hay để ăn cho mới lạ. Mẹ sợ ăn mấy món quen thuộc hoài cả nhà bị chán.
Nhờ nghỉ dịch mà việc nhà của mẹ tăng lên gấp đôi, gấp ba nhưng mẹ vui lắm, vì lúc nào cũng đông đủ mọi người. Mẹ dậy từ sớm chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Dọn dẹp, lau chùi, lên than thở, mắng vốn mọi người làm biếng không phụ mẹ rồi lại hì hụi làm tiếp.
Nhờ nghỉ dịch, những câu chuyện về cô dì hàng xóm xung quanh đã có người nghe, người hiểu. Vì bình thường có ai quan tâm đâu, thậm chí có nghe cũng không hiểu vì đâu mảy may chú ý.
Nhờ nghỉ dịch, mẹ hiểu hơn công việc của từng thành viên trong gia đình. Mẹ thấy ba lo lắng như thế nào, chị Hai căng thẳng ra sao. Thằng con trai hay bảo là “Mẹ chẳng hiểu gì công việc của con đâu”, cả tháng qua mẹ đã thấy nó quản lý công việc như thế nào.
Vậy đấy, nhờ 22 ngày nghỉ dịch, mình cảm thấy thương gia đình mình hơn, có một góc nhìn khác trưởng thành hơn về mẹ, về tổ ấm nhỏ của mình.
Hôm nay đã không còn nghỉ giãn cách xã hội, mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Guồng quay công việc lại hối hả, thời gian cả nhà quây quần như vậy sẽ không còn nữa. 22 ngày vừa qua là quãng thời gian quý báu mà có lẽ trên hành trình trưởng thành sắp tới sẽ khó có thể xảy ra lần nữa, mình sẽ luôn nhớ và trân trọng dù nó là bởi dịch gây ra”.
Đọc những tâm sự do Duy Đức viết tặng mẹ nhân ngày đầu tiên đi làm lại sau dịch, ai cũng cảm thấy xúc động vô cùng, và sâu thẳm trong tim ai cũng thấy bóng dáng của mẹ. Có lẽ ngày thường trước đây chúng ta bận mải với deadline, công tác, họp hành, mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp, rồi đủ thứ linh tinh trong cuộc sống mà không mấy để tâm đến bữa cơm mẹ để phần mỗi tối. Mẹ ở xa gọi điện hỏi thăm, chúng ta cũng vội vàng nghe điện nói dăm ba câu rồi cúp máy, không nhớ rằng đã bao tháng trôi qua kể từ lần cuối về thăm nhà.
Chúng ta trưởng thành theo năm tháng, nhưng lại quên mẹ cũng đang già đi. Những đứa con đủ lông đủ cánh lần lượt rời khỏi nhà, để lại mẹ một mình bầu bạn với sự cô đơn. Và niềm vui duy nhất của mẹ lúc ấy chỉ đơn giản là được nhìn thấy con cháu trở về đoàn tụ trong nhà, ăn một bữa cơm và để mẹ tự tay chăm sóc từ những việc nhỏ nhất.
Mẹ của Duy Đức năm nay đã 64 tuổi, chàng trai Sài Gòn cũng hơi ngỡ ngàng khi chợt nhận ra mẹ đã sắp chạm đến ngưỡng “thất thập”. Cô chính là mẫu phụ nữ Việt truyền thống, luôn tần tảo chăm lo cho gia đình. Nhà chỉ có mỗi Đức và chị gái, ai cũng bận rộn với nhịp sống hiện đại nên giờ đây cả 2 nhận ra cần dành thời gian cho mẹ nhiều hơn.
Nhắc đến mẹ, Đức cảm thấy mình vẫn luôn bé bỏng như ngày xưa: “Em nhớ là ngày bé nhà em khá khó khăn. Ký ức của em về mẹ là những năm tháng mẹ dậy sớm để nấu bò kho đem bán, ba thì phụ mẹ rất vất vả. Nhưng dù là nấu cơm bình thường hay ra phụ bán hàng, mẹ đều không cho em và chị Hai đụng tay vào. Mẹ dặn 2 chị em phải ráng học để vươn lên không cực như mẹ. Sau này dù mẹ đỡ vất vả hơn thì vẫn nhất quyết không cho tụi em vào bếp, đến tận bây giờ 2 chị em đã lớn mẹ vẫn luôn làm hết mọi việc nhà, tụi em chỉ việc an tâm đi làm rồi về ngủ”.
Vì là con trai lớn nên Đức không giỏi nói những lời tình cảm với mẹ, mỗi dịp lễ quan trọng như ngày của mẹ thì Đức cũng chỉ biết chọn quà thật khéo rồi ngắm nhìn nụ cười rạng rỡ của mẹ bên chị gái. 22 ngày qua không phải vội vàng dậy chuẩn bị đồ đi làm, được thảnh thơi ăn bữa sáng cùng ba mẹ, trưa nhìn mẹ trong bếp hớn hở cùng chị Hai nấu nướng, tối lại hì hụi bày mâm nhưng vẫn tươi cười. Đức nhận ra, hạnh phúc thực sự của mẹ chính là được chăm sóc gia đình, mỗi bữa cơm đều đong đầy tình yêu thương của mẹ mà lâu nay Đức “lỡ” bỏ quên.
Từ bây giờ, bận rộn đến đâu Đức cũng tự hứa sẽ về nhà với mẹ nhiều hơn. Điều tuyệt vời nhất chẳng phải là về đến nhà được nhìn thấy mẹ đó sao? Và ước mong của anh chàng gửi đến người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình chính là được thấy mẹ luôn vui vẻ, khỏe mạnh bên chồng con mãi mãi.
Lynk
Bà mẹ ủng hộ 3 con trai không vào đại học
Thay vì ép 3 cậu con trai phải thi đỗ vào các trường đại học hàng đầu, bà mẹ này đã để các con tự do theo đuổi ước mơ và lựa chọn phù hợp với khả năng mà không nhất thiết phải vào đại học.
Candida Crewe là một nhà văn người Anh có 3 cậu con trai. Candida đã kể lại câu chuyện của chính mình khi ủng hộ các con không vào đại học. Bà cho rằng, điều quan trọng nhất là phải khiến con cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc với lựa chọn của chính mình.
Dưới đây là nội dung chia sẻ của bà mẹ này.
Tháng 7/2018, con trai lớn của tôi tên Erskine đã đến một nhà hàng nổi tiếng ở London và xin được nói chuyện với đầu bếp trưởng. Trước đó, thằng bé đã làm việc trong một nhà hàng khá ổn ở Belfast, ban đầu ở vị trí học việc với mức lương khoảng 3,5 bảng mỗi giờ, sau đó tăng lên 5 bảng. Thực tế, Erskine phải làm việc trung bình 13 tiếng mỗi ngày.
Ở trường, cảm thấy lực học của mình không nổi trội nên thằng bé đã xin đi làm bồi bàn. Nhờ vậy, Erskine nhận ra đam mê thực sự của mình là nấu ăn. Erskine cũng đã dành thời gian hơn một năm trong cái nóng dữ dội tại gian bếp ở Belfast.
"Tiền bạc không phải là mục tiêu của con trong thời điểm này. Ước mơ của con là làm việc tại một nhà hàng hàng đầu London", thằng bé nói với tôi.
Và thế là, vào ngày sinh nhật lần thứ 20, Erskine đã đi bộ đến nhà hàng mà mình mong ước từ lâu và xin được gặp bếp trưởng. Bếp trưởng khi ấy đang trong một cuộc họp nên người quản lý khuyên Erskine nên trở lại vào hôm sau.
Nửa tiếng sau, thằng bé quay lại nhà hàng và may mắn gặp ông. Cuộc trò chuyện kéo dài 20 phút, người đầu bếp cho Erskine hai ngày để thử thách. Thằng bé quyết định hủy chuyến bay về Belfast và vay tiền để ở lại. Cuối cùng, Erskine đã có được một công việc mơ ước. Giờ đây, thằng bé đã chuyển đến London để làm đầu bếp như những gì bản thân yêu thích.
Cuối cùng, Erskine đã có được một công việc mơ ước.
Tôi kể câu chuyện này hoàn toàn không trên tinh thần tự mãn. Vài tháng trước, chồng tôi và tôi đã nhìn nhau trong tuyệt vọng. Không ai trong số ba đứa con trai của chúng tôi có thành tích học tập tốt ở trường và cũng không có đứa nào vào được đại học .
Caspar, 18 tuổi, con trai giữa của chúng tôi đã được mời làm việc tại một công ty công nghệ ở Shard (London) trước khi học A-level. Thằng bé tập trung vào mã hóa máy tính hơn là học tập nên dù có công việc toàn thời gian nhưng điểm số của Caspar rất tệ.
Conor, con trai út của chúng tôi, 16 tuổi, vừa mới hoàn thành chương trình GCSE và có xu hướng muốn học nghề hơn thi tiếp chứng chỉ A-level.
Các con của tôi không bao giờ tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào, cũng không chơi các nhạc cụ và thể thao. Chúng tỏ ra không quan tâm. Vợ chồng tôi quyết định cho chúng không gian để trải nghiệm niềm vui, nỗi buồn và không ép chúng làm bất cứ điều gì.
Là một người mẹ, tôi nghĩ đó là một quyết định khá liều lĩnh, nhưng tôi không thể trở thành một người giả tạo. Tôi cũng không học đại học dù bản thân đã gần chạm tay đến Oxford. Tôi thiếu một chút điểm nữa để trúng tuyển, nhưng thay vì thi lại, tôi nghĩ: "Mình đã 18 và có thể làm những điều mình thích". Và tôi đã quyết định viết sách thay vì học đại học.
Thật kỳ diệu, cuốn sách của tôi đã được xuất bản. Chồng tôi, người cũng từng thi trượt nhưng giờ lại trở thành một giáo sư đại học. Thấy các con hạnh phúc với những gì mình lựa chọn, tôi nhận ra có những thứ còn quan trọng hơn điểm số của các kỳ thi hay cánh cổng đại học danh giá.
Ba con trai Conor, Erskine, Caspar khi còn nhỏ.
Tôi từng nghe được câu chuyện về Reggie Nelson, một chàng trai không có bằng đại học, xuất thân từ East End đã tự thay đổi hoàn cảnh theo cách mà không ai có thể nghĩ tới. Vì muốn có một công việc trong thành phố, cậu đã dũng cảm đi gõ cửa từng công ty ở Kensington và Chelsea, những thành phố giàu bậc nhất nước Anh đi xin việc.
Sự liều lĩnh này của Reggie đã gây ấn tượng với Quintin Price - Trưởng phòng Chiến lược Alpha tại Black Rock đến mức cậu đã được sắp xếp một kỳ thực tập tại công ty này.
Bây giờ, Reggie đã có một công việc tốt, toàn thời gian trong thành phố và truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ khác.
Tôi nghĩ rằng, thay vì gò ép trẻ với các tham vọng về kết quả học tập, điều quan trọng hơn là người lớn cần để trẻ được sống tích cực và có ước mơ mà không nhất thiết phải vào những trường đại học hàng đầu.
Khi nghe kết quả A-level năm nay, đọc được những sự thất vọng từ nhiều phụ huynh, tôi chỉ mong muốn mọi người hiểu đây là một phép thử. Bài học tuyệt vời nhất là dạy được bọn trẻ đứng trên chính hai chân của mình.
Theo vietnamnet
Đưa bạn gái lên máy bay, chàng trai có màn cầu hôn siêu lãng mạn Một chàng trai ở Mỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho màn cầu hôn bạn gái cực kỳ lãng mạn. "Cưới anh nhé?" - chàng trai cầu hôn bạn gái theo cách lãng mạn. Ryan Wilson, đến từ Lewisport, bang Kentucky, đã dựng một dòng chữ lớn bằng gỗ ghi "Marry Me" (Cưới anh nhé?) trên nền cỏ vườn nhà mình trước khi...