Tâm sự buồn của mẹ đơn thân 9X
Đó là một câu chuyện khá buồn mà Thủy (quê Thanh Hóa), cô gái sinh năm 90, “không muốn nhớ lại nữa”.
“Bởi vì, đó là khoảng thời gian khủng hoảng vô cùng. Người ấy bỏ em mà đi, gia đình em không chấp nhận. Còn những lời đàm tiếu, đồn đại thì cứ vang khắp làng trên xóm dưới . Vì thế, trước khi sinh, em mặc cảm với xã hội nhiều lắm, em không dám về nhà với bố mẹ mà về ở với bà ngoại đã 80 tuổi cho đến khi gần sinh.
Sau đó, đến ngày sinh, cũng chỉ có mẹ dẫn em đi sinh. Sinh con xong, 2 mẹ con ôm nhau lủi thủi, nên em càng cảm thấy tủi thân và mặc cảm.
Thế nhưng, nhìn con lớn lên mỗi ngày, và trộm vía con ngoan nên càng ngày em càng cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn ngập khi có con bên cạnh. Vì thế, em quyết định bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tiếu, đạp lên dư luận để tập trung nuôi dạy con cho tốt. Vì em nghĩ, xã hội bây giờ, những người mẹ đơn thân một mình nuôi con như em không phải là hiếm gặp. Hơn nữa, không ai có thể nói mình suốt cả đời. Tuy nhiên, bố mẹ em thì vẫn không thể chấp nhận, nên sau khi sinh con xong, em lại ôm con về nhà bà ngoại để ở”.
“Đến giờ, cháu đã được 8 tháng, nặng 8kg, em bắt đầu cho cháu ăn sữa ngoài. Em cũng đang tính chuyện xin việc làm để kiếm tiền nuôi con” – Thủy kể bằng cái giọng hân hoan hạnh phúc.
Video đang HOT
Thế nhưng, khi hỏi về người đàn ông – cha của đứa trẻ thì giọng Thủy trầm hẳn xuống.
Em kể, “đó là một người đàn ông hơn em 7 tuổi. Chúng em yêu nhau được hơn 1 năm thì em phát hiện ra mình có bầu. Thế nhưng, khi bàn đến chuyện cưới xin thì mẹ anh ấy không đồng ý. Anh ấy bảo em bỏ thai.
Em sợ hãi và suy nghĩ rất nhiều. Sau 1 lần tưởng sẩy thai mà cái thai vẫn an toàn, em đã nghĩ đây là định mệnh của em nên em quyết giữ lại đứa con bằng mọi giá. Dù biết rằng, ở độ tuổi này, nếu em giữ lại đứa con thì hạnh phúc tương lai của em coi như dập tắt. Nhưng bỏ con thì em sẽ là người thất đức đến ngàn đời. Vì thế, em đã không đồng ý đi theo anh đến bệnh viện nữa.
Khuyên em không được nên khi em mang bầu đến tháng thứ 4 thì anh bỏ đi không một lời từ biệt. Em gọi điện, nhắn tin rất nhiều nhưng cũng không có hồi âm…
Không còn cách nào khác, em đành phải trở về nhận lỗi với gia đình nhưng không được gia đình chấp nhận nên em về ở với bà ngoại. Đến khi em sinh, người đàn ông đó cũng có về hỏi thăm em vài ba lần, nhưng sau đó lại mất hút.
Vì vậy, lúc đầu, nhất là lúc còn đang mang thai, em hận người đàn ông đó lắm. Nhưng rồi, em nghĩ, oán trách hay thù hận thì cuối cùng người đau vẫn là em, nên em đã cố quên, và không còn nhắc tới người đàn ông đó nữa.
Em nghĩ, sau này, khi con lớn lên, em cũng không kể cho con nghe về người bố đó nữa. Em coi như người đó đã chết rồi.
Bây giờ em chỉ nghĩ đến con, nghĩ đến công việc làm sắp tới để kiếm tiền nuôi con vì từ khi sinh con đến giờ, số tiền em dành dụm được từ tiền đi bán quần áo trước đó, tiền bà con đến cho lúc em sinh, và tiền mừng tuổi Tết của con, em đã mua bỉm và sữa cho con gần hết rồi”.
“Còn lại, em không hề nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác, em cũng không có ý định lấy chồng nữa vì em sợ, nếu em chọn lầm người một lần nữa thì con em sẽ khổ. Hơn nữa, bao giờ khác máu thì cũng tanh lòng, sẽ khó có người nào có thể chấp nhận yêu thương cả 2 mẹ con em. Thế nên, em quyết tâm rồi, em sẽ một mình nuôi con cho đến khi nào con lớn thì em mới tính đến chuyện khác” – Thủy khẳng định.
Theo VNE
Mặc cảm... đàn ông
Ba năm về trước, anh không may bị một tai nạn giao thông. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng anh vẫn không thể đi lại bình thường được, phải nghỉ việc. Vợ anh hết sức thông cảm với chồng, đã mở quán cà phê tại nhà cho chồng làm chủ.
Chị đưa cả mấy đứa cháu chồng ra phụ việc. Dù là nghề tay trái nhưng như để bù lại cho thiệt thòi của anh, quán ngày càng phát đạt, công việc không ít. Ấy vậy nhưng cái cảm giác buồn bã vẫn đeo riết lấy anh. Nhất là vì người vợ không thể bỏ công việc hiện tại để ở nhà kinh doanh như ý nguyện của chồng. Bởi chị là một chuyên gia giỏi, thu nhập và uy tín đều cao. Những lần phải xa vợ vài ngày vì các chuyến công tác trong và ngoài nước của vợ khiến anh luôn nghĩ ngợi. Mỗi khi chứng kiến các đôi uyên ương (không phải vợ chồng) tình tứ khi vào quán, anh lại thấy ruột gan như lửa đốt. Điện thoại cho vợ thì nghe tiếng thì thào "em đang họp", sao mà giống cái điệu bộ của vị khách nữ trong quán mà anh tình cờ nghe lỏm được đến thế! Quán cà phê hay khách sạn, có khác gì cơ quan lúc đang yên ắng trong cuộc họp đâu!
Các ý nghĩ tiêu cực cứ quay cuồng trong đầu, khiến người chồng luôn xét nét hành vi của vợ. Dần dà, chị vợ cảm thấy quá mức chịu đựng bởi thời buổi khó khăn, lo giữ vững vị trí của mình đã khó, lại còn phải đối phó với mối ghen tuông nhiều khi rất vô lý của chồng.
Thực ra, thâm tâm người chồng rất biết ơn sự nhẫn nhịn, hy sinh của vợ. Nhưng nỗi mặc cảm bệnh tật, đố kỵ với sự thăng tiến của vợ, cộng với tính gia trưởng đã khiến anh luôn cảm thấy mình "mất vai trò quan trọng" trong mắt vợ. Cứ thế, khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng rộng mãi. Bản thân vợ anh cũng cảm thấy ngột ngạt với những câu tra khảo của chồng. Chị hay về muộn hơn với lý do công việc bận. Có chuyến công tác dù không cần thiết lắm chị vẫn cứ đi - là suy diễn của chồng chị thôi - chứ anh nào phân biệt được. Anh thấy chị đi công tác nhiều hơn, lại dài ngày hơn thì sôi sùng sục.
Vấn đề của anh là vợ chồng không có sự trao đổi với nhau thẳng thắn khi cuộc sống đặt người ta vào một thử thách mới. Anh thì ôm trong lòng mối mặc cảm nặng nề, chị thì không tìm cách chia sẻ, "gỡ mối tơ lòng" cho anh. Lâu dần đã hình thành một mối quan hệ vợ chồng tương kính như... người dưng, người này là một ốc đảo với người kia.
Theo VNE
Ân hận Đặt điện thoại xuống, chị thẫn thờ như kẻ mất hồn. Vậy là chị không còn hi vọng gì nữa hết - hy vọng dùng đứa con để hàn gắn lại với anh đã mãi mãi không thể thực hiện được. Vài ngày nữa, anh chính thức có gia đình mới. Mười năm trước, chị là cô học trò vừa tốt nghiệp phổ...