Tâm sự bất lực của một hacker game online Việt
Đã từ lâu, trong thế giới game online, tầng lớp hacker vẫn bị chửi rủa, khinh ghét không ra gì. Đây được xem là những kẻ chuyên đi phá hoại game, gây mất cân bằng, dẫn đến việc game sụt giảm người chơi nghiêm trọng. Điển hình như Cabal, Đột kích… những game online đình đám trên thị trường nước nhà đã bị hacker phá tan tành.
Không ai ưa những kẻ chuyên sử dụng hack. Họ miệt thị những kẻ này là chơi bẩn, mặt dày, thề không bao giờ chung sống với hack. Thậm chí có người còn đe dọa sẽ “xử tới bến” nếu bắt gặp ai đó sử dụng hack.
Có những cảnh đời hacker éo le…
Thế nhưng, bên cạnh đó, vẫn có những câu chuyện mà người ngoài cuộc đôi khi thật khó mà hiểu hết được. Dưới đây là một câu chuyện mà tôi đã được chính một hacker chia sẻ, xin tạm chia nó thành nhiều phần nhỏ theo đại ý để bạn đọc dễ theo dõi.
Tôi quen cheat từ thời “ăn nấm”…
Tôi đam mê game từ hồi mới học lớp 3. Nghĩa là cho đến bây giờ, tôi 23 tuổi, đã có hơn 10 năm chơi game. Mười năm đó tôi thử qua rất nhiều thứ. Tôi biết mình cũng đã lớn, đủ chín chắn trong suy nghĩ, đủ lớn để tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Vậy mà tôi vẫn đang bị khối đứa, những đứa đáng tuổi em mình, chửi rủa trên đầu trên cổ.
Có lẽ khi mang cái tiếng là hacker, chuyện bị chửi là điều hiển nhiên thôi. Đã là gamer, phải chung sống với hack thì ai mà không bực. Tôi cũng không trách ai hết, cho dù mỗi khi log game, trên bảng chat vẫn nhan nhản những câu chửi như tát vào mặt tôi. Vốn tôi cũng đã chai rồi.
“… từ cái thời “ăn nấm”, tôi đã luôn tìm cách xài mẹo hoặc lỗi của trò chơi…”
Nói rằng tôi quen xài hack khi chơi game thì cũng đúng thôi. Ngay từ cái thời “ăn nấm”, tôi đã luôn tìm cách xài mẹo hoặc lỗi của trò chơi để thắng cho dễ. Từ cái trò 4 nút cho đến Playstation rồi PC, tôi cũng chỉ biết một cách chơi duy nhất là tìm các cheat code, các mẹo, góc lag…để phá băng nhanh trò chơi.
Mọi người bảo tôi “chơi ăn gian”. Ok thì rõ ràng, tôi không cãi. Thử hỏi, một đứa học sinh mỗi ngày được cho 5 nghìn VNĐ ăn sáng thì tiền đâu, thời gian đâu ngồi ngoài tiệm đánh điện tử để mà khám phá game một cách hoàn chỉnh. Tôi vẫn có niềm đam mê của mình, và có cách riêng để tận hưởng trò chơi.
Dần dần, tôi đã quen với kiểu chơi đó, vậy nên mỗi khi chơi trò gì tôi cũng lần mò để tìm lỗ hổng của game. Dẫu gì thì đó cũng chỉ là những game offline, chả ảnh hưởng đến ai. Tôi phá băng trò chơi nhanh hơn người ta, nhưng tôi cũng không làm người ta mất đồ hay nhân vật.
Xấu hổ và rồi đau đớn khi hack GO…
Rồi tôi cũng biết đến thế giới của game online. Cái thế giới mà mỗi việc người này làm có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. Cái thế giới khiến cho bao nhiêu người như tôi đam mê, và tận hưởng từng giây phút như thể là nó khiến mình sung sướng lắm. Và cái máu mê “phá băng nhanh” cũng ám ảnh tôi.
Video đang HOT
“… tôi bị những người khác tẩy chay, chửi rủa, thậm chí còn bị săn đuổi ráo riết…”
Như cái thời còn chơi game offline, tôi cũng mày mò để sử dụng những lỗi, những lỗ hổng của trò chơi. Dĩ nhiên, game online thì việc bảo mật tốt hơn nhiều, nhưng gamer cũng không phải là những tay mơ. Có vô số các phần mềm được tạo ra trên mạng, và chúng giống như cứu tinh của tôi trong một thời gian dài. Tôi sử dụng một thứ gọi là các bản hack, và bản thân mình cũng trở thành một kẻ mà mọi người gọi là hacker.
Thật không đơn giản như khi còn chơi game offline. Hack trong game online, tôi bị những người khác tẩy chay, chửi rủa, kỳ thị như hủi, thậm chí còn bị săn đuổi ráo riết. Lúc đầu, tôi còn khoe với những người khác là tôi đã hack được, sau thì tôi không dám khoe nữa, cũng không dám hack công khai.
Tôi đã biết mọi người rất ghét hack nhưng tôi đã quen với cách chơi đó. Bỏ cũng không dễ. Tôi không có nhiều thời gian và tiền bạc để chơi suốt như người ta, nên muốn đua top chỉ có nước hack mà thôi.
“Cái tôi làm không phải là phá băng nhanh, mà là phá game…”
Được một thời gian, người chơi game cũng rủ nhau nghỉ hết vì hack. Rồi game cũng đóng cửa vì ảm đạm. Đó là một trong những kỉ niệm buồn của tôi. Tôi lờ mờ hiểu rằng, game online thì không có điểm dừng như game offline, nhưng nó có thể chết bất cứ lúc nào. Cái tôi làm không phải là “phá băng nhanh”, mà là “phá game”. Đó là lúc mà tôi biết rằng mình nên dừng lại.
Dòng đời ảo vẫn xô đẩy…
Game online thứ 2 tôi chơi tôi không hack. Điều đó khiến tôi thấy thanh thản được nhiều khi chơi, dù không có hack khiến tôi thấy ngứa ngáy. Mọi thứ diễn ra êm đềm được mấy tháng, cho đến khi hack lại tràn lan khắp game. Lúc đó tôi mới hiểu cái tâm trạng của người phải chịu đựng hack.
Ức chế, đó là từ chính xác nhất để diễn tả. Nếu như ngày trước tôi từng hack ra sao thì bây giờ tụi gamer khác lại đày đọa lại tôi y như thế. Mọi thứ lên đến đỉnh điểm khi trong một trận chiến trường tôi bị giết bởi những hacker từ phía đối phương. Máu nóng dồn lên mặt, tôi lần mò tìm mua bản hack từ một nick trên mạng để xài.
“Tôi cảm thấy mình hả dạ lắm…”
Đó không phải là việc gì vinh quang, nhưng nó khiến tôi thấy hể hả. Tôi cảm thấy mình hả dạ lắm, nhưng cái sự đắc chí đó chẳng bao giờ là đủ. Game gần như trở thành cái bãi chiến trường của hack, trong đó tụi tôi chửi bới, sỉ vả nhau.
Chẳng ai chịu thua ai bởi trong cái buổi mà hack loạn cào cào lên, làm gì còn cái gì đáng tin tưởng. NPH thì không có một động thái gì để chống hack. Nếu không xài hack, tôi sẽ trở thành người chịu thiệt, bao công lao cày kéo trở thành công cốc.
Tôi còn tuyên truyền cho cả clan của tôi xài hack để không thua kém người ta. Trong game, trên các diễn đàn, tên của tôi bị lôi ra bêu rếu, chửi rủa. Thậm chí, có đứa còn hăm dọa sẽ chém tôi nếu biết nơi ở. Dần dần, tôi cũng chẳng còn hứng thú lên diễn đàn, không ra quán chơi vì sợ bị đánh. Được nửa năm như thế, rồi tôi chán, bỏ game.
“Tôi đã tìm thấy chân trời mới…”
Ngẫm lại, tôi cũng chẳng biết mình sai hay đúng. Cho dù tôi có xài hack hay không, hack vẫn tràn lan, mà khi đó nếu tôi chơi đẹp thì hóa ra lại bị đè đầu cưỡi cổ. Tôi bỏ tiền ra chơi game đâu phải để chuốc lấy ức chế vào người.
Bây giờ, tôi đã chuyển qua chơi World of Warcraft. Ít ra ở đây tôi cũng không phải chung sống với hack như ở VN, cũng không phải dày
mặt ra để hứng chịu những lời chửi rủa mỗi ngày
Theo gamek
8 tháng đầu năm, 9 GO đã đóng cửa như thế nào?
Nếu như cách đây chừng 2 tháng, con số 6 game đóng cửa/6 tháng từng khiến cộng đồng game thủ xôn xao dự đoán sản phẩm tiếp theo phải ra đi, thì nay dường như mọi chuyện đã khác. Cụ thể, họ đón nhận thông tin một cách khá thờ ơ vì các MMO ra đi đều thuộc hàng ít tiếng tăm nếu không muốn nói là chìm nghỉm giữa thị trường như Tiểu Đột Kích, Xích Bích, Danh Tướng...
Một điều khá đặc biệt là nguyên nhân dẫn tới quyết định ngừng vận hành game của các NPH trong năm nay khá phong phú. Hãy cùng điểm lại các nhóm nguyên nhân như vậy trong 8 tháng qua.
Đóng cửa vì "đối tác"
Đại diện cho nguyên nhân đóng cửa này bao gồm TAAN, Cabal, Cửu Long Tranh Bá. Lý do mà các NPH đưa ra đều là do lỗi từ phía đối tác. Riêng TAAN, việc EA đơn phương ngừng phát hành trò chơi này trên toàn thế giới là chuyện có thể kiểm chứng được mà thôi.
Cabal đóng cửa theo Asiasoft là do không tìm được tiếng nói chung với đối tác.
Còn với Cabal, phía Asiasoft thể hiện vẻ tiếc nuối rất lớn: "Mặc dù đã nhiều lần thương lượng với nỗ lực cao nhất nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa đôi bên...", hay VinaGame thì: "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức trong việc thương thảo hợp đồng cùng nhà phát triển Indy21 nhưng không thành công".
Tuy nhiên, gần như gamer nào cũng hiểu rằng đã đến thời điểm thích hợp để chúng đóng cửa. Cabal đã quá ảm đạm sau sự cố 17.000 tài khoản, số lượng người chơi giảm hẳn dẫn đến doanh thu không cao, còn Cửu Long Tranh Bá thì khỏi phải nói khi trò chơi này đoạt danh hiệu "GO ngắc ngoải nhất Việt Nam ngay từ đầu năm".
CLTB tuy đã ngắc ngoải nhưng VNG vẫn cho rằng do thương lượng không thành công.
Động thái "đổ lỗi cho đối tác" trên thường gây cho game thủ cảm giác bất mãn vì khiến nhiều người hiểu lầm rằng trò chơi vẫn đang hoạt động rất tốt nhưng vì sự cố đáng tiếc mà phải đóng cửa. Nếu thật thà hơn khi nói rằng game đã quá rệu rã thì mọi chuyện sẽ dễ cảm thông hơn.
Đóng cửa với lý do mập mờ
Đại diện của nguyên nhân này là PTV, Maple Story và Vương Quốc Bay. Trong số đó chỉ có mình Maple Story là được VinaGame tiết lộ một chút về việc đã hết hợp đồng với Nexon (không rõ có cố gắng thương lượng hay buông xuôi) còn 2 sản phẩm còn lại đều chỉ gửi lời xin lỗi tới game thủ vì phải nói lời vĩnh biệt.
Maple Story hết hợp đồng nhưng không rõ VNG có xúc tiến tiếp hay buông xuôi.
Cụ thể, VDC-Net2E có một kết luận khá "hàn lâm": "bữa tiệc nào cũng phải đến lúc chia tay, âu đó cũng là một quy luật trong cuộc sống" (dù VQB còn chưa tròn 1 tuổi). Còn FPT Online thì ngắn gọn hơn khi đi thẳng vào vấn đề: "chính thức tiên hành ngưng cung câp sản phâm PTV".
Có thể nói, phong cách đóng cửa game mà không đề cập rõ nguyên nhân đã tồn tại từ lâu tại Việt Nam và gần như là phương án phổ biến nhất của các NPH, có thể vì họ không muốn đề cập tới làm gì khi đã quá mệt mỏi và thất vọng. Gamer cũng dễ thông cảm vì họ là người thừa hiểu nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến quyết định chia tay là vì doanh thu thấp hoặc game đã già cỗi.
Đóng cửa một cách "thành thật"
Đó là trường hợp của VTCz-one với Xích Bích Online. Có thể nói NPH này đã rất dũng cảm khi đề cập thẳng thắn nguyên nhân vì sao trò chơi ảm đạm tại Việt Nam với lời bộc bạch: "khó tiêp cân người chơi trong thời gian qua và không đáp ứng được yêu câu của đôi tác vê mặt sô lượng nên không thê đảm bảo cho viêc vân hành và phát triên tôt".
VTCZ-one rất thành thật khi đóng cửa XBO.
Đây là trường hợp cực kỳ hiếm hoi nếu không muốn nói là duy nhất trong lịch sử GO Việt khi NPH tự nhận mình thất bại trong việc thu hút khách hàng. Trên thực tế bản thân Xích Bích Online là một MMORPG hay của Perfect World, chỉ vì khâu vận hành chưa tốt cộng với lối chơi không hợp gu gamer Việt nên nhanh chóng tụt hậu.
Tuy vậy, ngoài sự thành thật ra thì VTCz-one lại thiếu đi "cái tình" khi đóng cửa diễn đàn XBO ngay sau khi ra thông báo ngừng vận hành với lý do "Diễn đàn đang bảo trì". Không rõ quá trình bảo trì có gặp phải khó khăn gì không vì đã hơn 1 tháng nay nó chưa mở lại.
Đóng cửa tạm thời ngay khi đang vận hành
Năm 2010 này không chỉ chứng kiến sự thành thật trong khâu đóng cửa của XBO, mà còn ghi nhận sự xuất hiện của một loại hình mới: đang vận hành thì đột ngột ngừng lại một thời gian. Đại diện của "trường phái" này là Tiểu Đột Kích và Danh Tướng Online.
TĐK bất ngờ ngừng vận hành trong 5 tháng.
Cụ thể, với Tiểu Đột Kích, VTCz-one bất ngờ ra thông báo đóng cửa để phối hợp với đối tác hoàn thiện việc cập nhật và làm mới trò chơi. Thời hạn trở lại mà NPH đề cập tới là khoảng tháng 12/2010, như vậy trò chơi sẽ vắng mặt tại Việt Nam trong 5 tháng ròng rã. Chi tiết về thay đổi ra sao cũng không được tiết lộ rõ ràng.
Danh Tướng còn không hẹn ngày trở lại.
Nếu như Tiểu Đột Kích còn hẹn ngày quay về, thì trường hợp của Danh Tướng vẫn chưa biết bao giờ mới vận hành trở lại. Nguyên nhân dẫn tới việc phải tạm đóng cửa theo NetGame Asia là để sửa chữa các hình ảnh, âm thanh, chế độ PK... nhằm giảm các yếu tố bạo lực. Theo nhiều dự đoán thì khó có cửa cho trò chơi OB trước năm 2011.
Như vậy, mới chỉ trải qua 2/3 chặng đường, nhưng năm nay gamer Việt đã chứng kiến tới 9 MMO đóng cửa với 4 phong cách khác nhau. Theo bạn trong 4 tháng còn lại, chúng ta có được chứng kiến thêm nguyên nhân nào mới nữa hay không?
Theo gamek
Các nhân vật "rùa bò" nhất làng game online Việt Tốc độ dù trong thể loại game nào đi chăng nữa cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng với game thủ. Hầu như người chơi nào cũng thích sở hữu một nhân vật có tốc độ nhanh, khả năng áp sát đối thủ cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng được như ý và có những nhân vật trong...