Tấm khiên bảo vệ thủ đô Nga trước đòn tấn công hạt nhân phủ đầu
Hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại có thể bảo vệ thủ đô Moscow trước cuộc tấn công phủ đầu bằng nhiều tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng một lúc.
Một bệ phóng tên lửa chống tên lửa đạn đạo trong hệ thống A-35. Ảnh: Russian Internet.
Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) do Mỹ và Liên Xô ký năm 1972 có một điều khoản cho phép mỗi bên lựa chọn một khu vực nhất định để triển khai tới 100 tên lửa đạn đạo. Chính điều khoản này đã biến thủ đô Moscow của Nga thành nơi có hệ thống phòng thủ mạnh nhất thế giới, nhờ tấm khiên A-35 trang bị tên lửa A-350, theo National Interest.
Hệ thống A-35 thực chất là một mạng lưới phòng không được thiết kế để đảm bảo thủ đô Moscow của Nga có thể sống sót trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Hệ thống A-35 lần đầu được đề xuất vào thập niên 1950, trong bối cảnh các oanh tạc cơ chiến lược Mỹ bắt đầu được gắn tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ban đầu, Liên Xô muốn thiết lập 42 điểm đánh chặn tên lửa đạn đạo quanh Moscow với 8 trạm radar cảnh báo sớm và một radar điều khiển hỏa lực. Sau đó, số lượng điểm đánh chặn giảm xuống còn 4, mỗi điểm được trang bị 8 bệ phóng với 64 quả tên lửa.
Hệ thống A-35 được trang bị tên lửa chống tên lửa đạn đạo A-350, có kích cỡ gần tương đương tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), sử dụng nhiên liệu lỏng nặng 36 tấn. Với đầu đạn có sức công phá 2-3 megaton, tên lửa A-350 có thể đánh chặn các đầu đạn hạt nhân ở độ cao tới 120 km, đủ để bảo vệ thành phố trước tác động của vụ nổ nhiệt hạch sau đó.
Ngoài tên lửa A-350, thủ đô Moscow còn được bảo vệ bởi 48 tên lửa đất đối không SA-1 Goden Eagle, mỗi quả có tầm bắn 50 km, trang bị đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân để đánh chặn oanh tạc cơ đối phương.
Hệ thống A-35 đủ sức bảo vệ Moscow và điện Kremlin trước 6-8 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman của Mỹ, mỗi quả chứa ba đầu đạn hạt nhân.
Dù vậy, sự gia tăng nhanh chóng số lượng vũ khí hạt nhân của mỗi nước khiến hệ thống A-35 trở nên lạc hậu. Đến thập niên 1960, Mỹ được vũ trang bằng 1000 tên lửa Minuteman III và 600 tên lửa Polaris trên biển, vượt quá khả năng đánh chặn của hệ thống A-35.
Năm 1968, Mỹ lên kế hoạch chi tiết cho chiến tranh hạt nhân nhằm vào Liên Xô, trong đó nêu rõ sử dụng 66 tên lửa Minuteman và hai tên lửa Polaris để loại bỏ tên lửa A-350 và mạng lưới radar của nó bằng hai đợt tấn công, với 8 đầu đạn hạt nhân nhằm vào mỗi mục tiêu.
Đòn tấn công phủ đầu này sẽ hủy diệt Moscow bằng sức công phá 65.200 kiloton chỉ trong vài phút. Để đối chiếu, quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima chỉ có sức công phá 16 kiloton.
Video đang HOT
Liên Xô buộc phải nâng cấp hệ thống A-350 vào giữa thập niên 1970 để không những bảo vệ thủ đô trước cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực mà còn một cuộc chiến hạt nhân có giới hạn.
Một bệ phóng tên lửa A-350 bỏ hoang ở Sary Shagan. Ảnh Russian Internet.
Hệ thống mới mang tên A-135 nâng cấp bổ sung 68 bệ phóng tên lửa mới bên cạnh 32 bệ phóng ban đầu, giúp Moscow sở hữu 100 bệ phóng theo hạn chế của hiệp ước ABM. Hệ thống này sử dụng hai loại tên lửa gồm Novator 53T6 (NATO định danh Gazelle) có khả năng đánh chặn ở độ cao 100 km và OKB Fakel 51T6 (Gorgon) có thể đánh chặn mục tiêu ngoài tầng khí quyển. Cả hai vũ khí đánh chặn này đều chứa các đầu đạn có sức công phá 10 kiloton, nhỏ hơn nhiều so với đầu đạn A-350 và là một thử thách với độ chính xác của tên lửa Nga.
32 tên lửa Gorgon trong “tấm khiên” A-135 hết niên hạn sử dụng và bị loại biên năm 2006. Trong khi đó, tên lửa mới thay thế tên lửa 53T6 giữ nguyên tên gọi, có tầm bắn 80 km và độ cao 30 km.
Dù sở hữu các tên lửa mới, tương lai hệ thống ABM của Moscow vẫn chưa rõ ràng. Phần lớn hệ thống hiện nay đã lạc hậu và cần thay thế với chi phí đắt đỏ trong khi ngân sách quốc phòng Nga bắt đầu suy giảm. Theo hiệp ước START mới, họ chỉ có thể triển khai tổng cộng 1.550 đầu đạn hạt nhân nên sớm muộn Nga cũng phải quyết định tiếp tục duy trì một hệ thống hạn chế như A-135 hay tập trung vào khả năng răn đe hạt nhân, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.
Duy Sơn
Theo VNE
Quyền lực của Donald Trump với "nút bấm" vũ khí hạt nhân
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sắp nhậm chức, câu chuyện về việc chuyển giao "nút bấm" khởi động vũ khí hạt nhân được nhiều người quan tâm.
Thực ra không có một nút bấm hạt nhân như phim ảnh hay trong tưởng tượng của nhiều người (Ảnh minh họa)
Theo ABC news, bà Clinton và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ cho rằng, ông Trump không đủ điều kiện trở thành tổng thống vì tính cách của Tổng thống Mỹ đắc cử khó có thể tin được để giao thẻ chứa mã kích hoạt vũ khí hạt nhân
"Không khó để tưởng tượng rằng Donald Trump sẽ dẫn chúng ta đến chiến tranh chỉ vì ai đó làm ông ấy cảm thấy khó chịu", bà Clinton nói hồi tháng 6.
Tuy vậy, Donald Trump cũng nhiều lần trấn an dư luận về khả năng ra lệnh tấn công hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn trên NBC hồi tháng 4, ông Trump nói mình sẽ là "người cuối cùng phải dùng đến vũ khí hạt nhân". "Tôi sẽ không vui vẻ kích hoạt (vũ khí hạt nhân) như một số người. Tôi chỉ không loại bỏ khả năng này".
Vào giữa trưa ngày 20.1.2017, Donald Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và là Tổng tư lệnh quân đội Mỹ. Khi đó, ông có quyền ra lệnh tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa thông thường.
Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump từng nhắc đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 5, ông Trump nói nếu Nhà nước Hồi giáo (IS) dám tấn công Mỹ, khủng bố sẽ nhận lấy bom hạt nhân.
Ông Trump từng nhắc đến vũ khí hạt nhân trong chiến dịch tranh cử.
Thực ra, nút bấm hạt nhân chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Trên thực tế, không có loại nút bấm nào có thể kích hoạt tấn công hạt nhân trên khắp thế giới, từ ống phóng ngầm dưới lòng đất, máy bay hay tàu ngầm.
Theo Washington Post, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhận được một chiếc thẻ nhựa được gọi là "biscuit".
Chiếc thẻ chứa mã khởi động vũ khí hạt nhân đi kèm với vali hạt nhân còn được gọi là "The Football".
Chiếc vali do một phụ tá quân sự của tổng thống nắm giữ và luôn ở cùng người quyền lực nhất nước Mỹ trong mọi thời điểm, dù ở Nhà Trắng, trên đoàn xe hộ tống, hay trên chuyên cơ Air Force One khi đi công tác nước ngoài.
Phụ tá quân sự đi cùng tổng thống trong thang máy, ở cùng tầng khách sạn và được bảo vệ cẩn thận bởi mật vụ 24/24 giờ.
Cựu phụ tá quân sự dưới thời Ronald Reagan, Pete Metzger tiết lộ: "Phụ tá quân sự là người nắm giữ mọi thông tin cần thiết và có trang thiết bị liên lạc để tổng thống ra lệnh tấn công hạt nhân".
Tên lửa hạt nhân Minuteman của Mỹ.
Dù là ai hay có bao nhiêu cố vấn ở trong phòng, tổng thống là người có quyền lực lớn nhất để ra lệnh phóng tên lửa hạt nhân có thể tiêu diệt hàng ngàn người hoặc xóa sổ hoàn toàn một quốc gia.
"Trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân, chỉ có tổng thống mới có quyền ra lệnh tấn công đáp trả", Metzger nói. Vai trò của phụ tá quân sự không thể tác động đến quyết định của tổng thống.
"Phụ tá quân sự chỉ cung cấp thông tin hỗ trợ nếu như tổng thống yêu cầu", Metzger chia sẻ. Các sĩ quan quân đội Mỹ đều được huấn luyện để đảm bảo không có sai lầm xảy ra nhưng không ai có quyền phủ quyết mệnh lệnh của tổng thống, trừ trường hợp có đảo chính.
Thời điểm tổng thống ra lệnh và vụ tấn công hạt nhân thực sự xảy ra rất ngắn, chỉ khoảng 1 phút. Thời gian đó không đủ để tham vấn ý kiến từ quốc hội.
"Không có thời gian để quốc hội quyết định tấn công hạt nhân hay không", Metzger nói. "Tổng thống sẽ trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng liên quân. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tổng thống".
Metzger nói người dân Mỹ luôn tin tưởng tuyệt đối vào quyết định của tổng thống, và trong trường hợp này là Donald Trump. Khi được hỏi về việc ông có tin tưởng vào bất kỳ Tổng thống Mỹ nào dù là ai hay không, Metzger không ngần ngại trả lời: "Có".
Theo ông Reif, Giám đốc giải trừ quân bị và chính sách cắt giảm mối đe dọa của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, Mỹ có khoảng 900 đầu đạn hạt nhân với sức công phá gấp 10-20 lần quả bom nguyên từ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. "900 đầu đạn luôn sẵn sàng sử dụng trong chốc lát", ông Reif nói.
Theo Đăng Nguyễn - ABC News, Mirror (Dân Việt)
Kim Jong Un sẽ làm Donald Trump điên đầu? Ai sẽ đứng đầu "danh sách mục tiêu" của Donald Trump nếu ông trở thành tân Tổng thống Mỹ? Kim Jong Un sẽ là mục tiêu đầu tiên nếu Trump thành tân tổng thống Mỹ? Khi chạy đua tranh cử, tỷ phú Donald Trump tuyên bố sẽ tiến hành chiến tranh với kẻ thù nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng. Trong danh...