Tạm giữ ‘nữ quái’ chuyên phá khóa trộm đồ ở TP.Đà Lạt
‘Nữ quái’ Phan Thu Hương trốn thi hành án tù ở TP.Hà Nội, vào TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) chuyên bẻ khóa để trộm đồ.
Ngày 24.10, Công an TP.Đà Lạt cho biết đã tạm giữ hình sự đối với Phan Thu Hương (28 tuổi, quê Hà Nội; tạm trú P.8, TP.Đà Lạt) để tiếp tục điều tra, xử lý về hành vi trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn.
“Nữ quái” sa lưới pháp luật. ẢNH: A.T
Theo kết quả điều tra, năm 2020, Phan Thu Hương bị Công an Q.Tây Hồ (TP.Hà Nội) bắt về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, TAND Q.Tây Hồ xử phạt 36 tháng tù giam, nhưng Hương trốn thi hành án, vào TP.Đà Lạt sinh sống cho đến nay.
Khoảng 1 giờ 30 ngày 16.10, Hương điều khiển xe máy BS 29F1 – 418.50, mang theo kìm thủy lực đi đến một cửa hàng điện thoại trên đường Mạc Đĩnh Chi (P.4, TP.Đà Lạt) lén lút cắt 2 ổ khóa, đột nhập cửa hàng này. Vào trong, Hương mở tủ kính trưng bày lấy 4 điện thoại di dộng, 1 máy tính bảng và mở hộc tủ dưới lấy 500.000 đồng rồi mang về phòng trọ cất giấu. Số tiền trên, Hương đã tiêu xài cá nhân.
Kìm thủy lực và tang vật do Hương trộm. ẢNH: A.T
Quá trình điều tra mở rộng, Hương còn khai nhận đã thực hiện 5 vụ trộm cắp tài sản khác trên địa bàn.
Vụ thứ nhất, vào lúc rạng sáng một ngày tháng 2.2023, Hương đang ở trọ tại khu vực đường Vạn Hạnh (P.8, TP.Đà Lạt) thì đi bộ đến một nhà trọ khu vực cây xăng Phù Đổng Thiên Vương dắt trộm xe Vision (không khóa cổ) về phòng trọ của mình. Sáng hôm sau, Hương thuê thợ đến để làm lại khóa xe máy nói trên, lấy BS 29F1 – 418.50 (biển số này trước đây là biển số xe Honda Wave đã bán của Hương) gắn vào để tránh cơ quan công an phát hiện.
Xe máy mà “nữ quái” sử dụng. ẢNH: A.T
Bốn vụ tiếp theo Hương đều thực hiện vào lúc rạng sáng trên địa bàn các phường 2 và 9, TP.Đà Lạt. Hương sử dụng xe Vision nói trên để đi lại, phá khóa, đột nhập vào các cửa hàng lấy 1 điện thoại di động, lon sữa, kể cả tả trẻ em và tổng cộng 16,7 triệu đồng. Hàng hóa thì “nữ quái” này bán lại trên mạng, lấy tiền thì tiêu xài cá nhân.
Đề nghị truy tố 4 cán bộ trong vụ sạt lở taluy ở Đà Lạt
Công an TP.Đà Lạt kết thúc điều tra và đề nghị truy tố 4 cán bộ liên quan vụ án sạt lở nghiêm trọng làm 2 người chết tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt).
Ngày 18.10, Viện KSND TP.Đà Lạt cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), vừa chuyển kết luận điều tra vụ án hình sự liên quan đến vụ sạt lở taluy nghiêm trọng làm 2 người chết tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám P.10 (Đà Lạt) và đề nghị truy tố 4 bị can là cán bộ, công chức.
Vụ sạt lở taluy ở hẻm Hoàng Hoa Thám làm 2 người chết, 5 người bị thương, hư hỏng nhiều tài sản.ẢNH: LÂM VIÊN
Theo đó, rạng sáng 29.6.2023, tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám P.10 (Đà Lạt) xảy ra vụ sạt lở taluy nghiêm trọng tại các công trình xây dựng thuộc các thửa đất 656, 657, 658, 659 tờ bản đồ số 4, P.10 (Đà Lạt). Vụ sạt lở đã làm 2 người chết, 5 người bị thương, 2 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 2 ngôi nhà bị hư hỏng nghiêm trọng.
Đề nghị truy tố 4 cán bộ trong vụ sạt lở taluy ở Đà Lạt
Công an TP.Đà Lạt đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Qua điều tra, Công an TP.Đà Lạt tiến hành thu thập toàn bộ hồ sơ liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất, cấp phép xây dựng, bản vẽ thiết kế đối với công trình xây dựng kè chắn đất tại các thửa đất trên. Công trình trên được UBND TP.Đà Lạt cấp giấy phép xây dựng.
Cụ thể, tháng 2.2022, ông Nguyễn Minh Thông (chủ sở hữu thửa đất 657) thay mặt 3 người còn lại là chủ 3 thửa đất liền kề nói trên ký hợp đồng với Nguyễn Uy Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng để xây dựng kè chắn đất, đắp đất toàn bộ các thửa đất trên với tổng số tiền gần 7 tỉ đồng. Sau đó ông Thông đã giao cho Dương Viết Phong (42 tuổi, ngụ TP.HCM) làm giám sát tiến độ, kỹ thuật tại công trình và là đại diện chủ đầu tư tại công trình.
Bờ kè taluy bị sạt lở rạng sáng 29.6.2023. ẢNH: LÂM VIÊN
Cơ quan điều tra xác định 3 người trong Đội Quản lý trật tự đô thị TP.Đà Lạt là Mạc Phương Hải, Trần Quốc Hà, Đặng Nguyễn Nhật Vũ đã kiểm tra công trình trên các thửa đất trên vào ngày 17.4.2023. Tuy nhiên, 3 người này không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công; không đối chiếu với bản vẽ thiết kế được phê duyệt, giấy phép xây dựng, và không phát hiện sai phạm nên công trình được phép tiếp tục thi công.
Ngoài ra, Công an TP.Đà Lạt cũng xác định ông Phạm Hoàng Duy (công chức địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường UBND P.10) không thực hiện giám sát kỹ thuật, không kiểm tra đo đạc công trình xây dựng kè chắn đất tại các thửa đất trên. Ông Duy đã một lần giải quyết đơn khiếu nại của người dân, nhiều lần xuống tại vị trí thi công công trình trên nhưng không kiểm tra thực tế, không ghi nhận biên bản kiểm tra và không có ý kiến với chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình.
Bên cạnh đó, ông Võ Khánh Toàn (công chức địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường UBND P.10) khi phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị TP.Đà Lạt nhưng không kiểm tra, đối chiếu thực tế công trình đang thi công với bản vẽ thiết kế được phê duyệt nên không phát hiện được việc xây dựng sai phạm của công trình.
Cận cảnh bờ taluy sạt lở ở Đà Lạt. ẢNH: LÂM VIÊN
Cơ quan điều tra xác định, ông Toàn cùng các ông Hải, Hà, Duy là những người có chức vụ, quyền hạn được giao nhưng thiếu trách nhiệm dẫn đến thực hiện không đúng và không thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ đó, không phát hiện được vi phạm và yêu cầu đình chỉ thi công đối với công trình trên các thửa đất nói trên, dẫn đến sạt lở, gây hậu quả nghiêm trọng làm 2 người chết, thiệt hại lớn về tài sản cho người dân trị giá hơn 4,1 tỉ đồng.
Qua kết quả trưng cầu giám định, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở trên là do thi công không theo hồ sơ cấp phép được cấp, như sai vị trí ranh cấp phép (ở các đoạn kè 1, 2, 3) và thân kè thớt 1, thớt 2 thi công cao hơn so với hồ sơ cấp phép; thiết kế kè chắn đất không đảm bảo khả năng chịu lực. Biện pháp thi công không phù hợp (không đầm chặt khi đắp đất sau lưng kè; không bố trí vật liệu lọc nước phù hợp tại vị trí lỗ thoát nước trên thân kè; không có phương án che chắn, thoát nước mặt khi trời mưa...
Tìm kiếm người bị nạn trong vụ sạt lở ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, Đà Lạt. ẢNH: LÂM VIÊN
Do đó, Công an TP.Đà Lạt chuyển hồ sơ vụ án và đề nghị Viện KSND TP.Đà Lạt truy tố đối với 4 bị can: Trần Quốc Hà (28 tuổi), Mạc Phương Hải (40 tuổi), Võ Khánh Toàn (40 tuổi), Phạm Hoàng Duy (39 tuổi, đều ngụ tại TP.Đà Lạt), vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị can trên đã bị Công an TP.Đà Lạt khởi tố vào tháng 10.2023 và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định.
Liên quan đến vụ án này, vào ngày 13.7.2023, Công an TP.Đà Lạt cũng khởi tố bị can đối với gồm Nguyễn Uy Vũ (40 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng), đơn vị thiết kế và thi công bờ kè taluy bị sập gây sạt lở đất và Dương Viết Phong (42 tuổi, cán bộ giám sát thi công thuộc một đơn vị tư nhân), để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Đà Lạt: Khởi tố nhóm chuyên trộm cắp chậu hoa, bình gốm cổ Công an TP.Đà Lạt khởi tố 6 bị can để điều tra về hành vi trộm cắp chậu hoa, bình gốm cổ có giá trị cao. Ngày 3.11, Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết vừa ra quyết định khởi tố 6 bị can trong vụ trộm cắp chậu hoa, bình gốm cổ trên địa bàn TP.Đà Lạt. Tang vật vụ án...