Tạm giữ 170 cá thể chim rừng bị mua bán trái phép
Trưa 23.3, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng lập biên bản tạm giữ 170 cá thể chim rừng thuộc nhóm động vật hoang dã bị mua bán trái phép.
Số chim rừng bị tạm giữ…
Số chim rừng này do 8 người dân mua bán tại khu vực giao lộ Nguyễn Hữu Thọ – 30.4, thuộc phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng).
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng, cho hay đa phần những người này ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, sau khi bắt, bẫy các loài chim rừng có giọng hót hay, màu sắc đẹp thì mang về TP.Đà Nẵng bán.
Lực lượng kiểm lâm đã nhắc nhở nhiều lần về hành vi mua bán trái phép động vật hoang dã nhưng các hộ dân trên vẫn tái phạm.
Video đang HOT
Ngoài việc sẽ thả các cá thể chim rừng này về tự nhiên, lực lượng kiểm lâm còn lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với những người này về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã.
… và xe của những người buôn bán trái phép động vật hoang dã tại cơ quan công an – Ảnh: Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
Theo Thanhnien
Luồn rừng ngắm thác Bảo Đại
Ẩn mình giữa núi rừng Tà In thanh vắng, có một thác nước cao hùng vĩ. Người bản địa gọi đây là thác Jráiblian, hay một tên gọi khác nữa là thác Bảo Đại. Vẻ đẹp hoang dã giữa núi rừng đã thu hút biết bao tâm hồn mơ mộng phiêu lưu luồn rừng, vượt núi để ngắm dòng chảy như dát bạc của thác Bảo Đại.
Vẻ đẹp thác Bảo Đại
Từ Đà Lạt xuôi theo hướng Nam khoảng 60 cây số đến ngã ba Đại Ninh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cách khá xa đã nghe thấy tiếng ì ầm vang dội của dòng thác mang tên vị vua cuối cùng của Việt Nam. Càng đi sâu vào rừng, đến gần hơn tiếng thác chảy là muôn vàn tiếng chim rừng lảnh lót cùng hơi nước mát lạnh tỏa ra vương vấn trên khuôn mặt háo hức của những người ưa khám phá.
Con đường dẫn xuống thác Bảo Đại bắt đầu với một cây si già vài trăm năm tuổi vươn mình như một cánh cổng rêu phong. Bước qua đó, ta lạc vào một thế giới hoàn toàn khác lạ. Những bậc đá gồ ghề tự nhiên do nước chảy đã tạo ra lối đi đặc biệt. Thi thoảng, những rễ cây cổ thụ bắc ngang qua những hố sâu tạo một cây cầu để bạn bước qua.
Vào khu rừng này, những lối đi chằng chịt vắt ngang núi hoặc luồn qua hang khiến nhiều người lạc lối. Nhưng con đường độc đáo nhất để đứng trước ngọn thác lại là đường luồn qua những vách đá dựng đứng ẩm ướt rêu phong. Trên những vách đá đó, những chùm phong lan vắt vẻo đang tỏa hương khoe sắc.
Đang hào hứng khám phá, bỗng ngọn thác sừng sững hiện ra ngay trước mặt mới biết mình đã đi hết đường luồn. Một dòng thác tuôn trào chia làm 3 nhánh tung bọt trắng xóa khuấy động mặt nước phía dưới. Từng tia nước đuổi nhau tạo thành cầu vồng dưới ánh nắng mặt trời khiến ta mê mẩn ngắm không chớp mắt.
Người dân bản địa gọi đây là thác đá cao, mang trong mình truyền thuyết lạ kỳ về hai cậu cháu Zuwar và Stak. Hai người đến suối bắt cá nhưng không được con nào. Chiều tối, đang lúc đói lả, 2 người phát hiện một quả trứng khổng lồ trong hang. Khi luộc trứng xong, ai cũng muốn ăn trước. Và cuối cùng, Stak là cháu được nhường.
Ăn xong, Stak thấy ngứa khắp mình mẩy, càng gãi càng ngứa. Người cậu thấy thế chạy về gọi dân làng. Khi đến nơi, Stak đã biến thành một con cá sấu khổng lồ. Stak được dân làng cho ăn no rồi nằm ngửa ra chết. Tiếng nước chảy qua lưỡi con cá sấu tạo thành tiếng đàn, khiến dân làng bỏ việc đến để nghe cho đến khi chết đói hóa thành những tảng đá dưới chân thác.
Sau này, vua Bảo Đại mỗi lần săn bắn đều qua đây nghỉ ngơi ngắm dòng thác chảy. Từ đó, thác được đổi tên là thác Bảo Đại và cho đến ngày nay đã trở thành một thắng cảnh mà ai một lần đến cũng không bao giờ quên.
Nam Trần
Theo ANTD