Tạm dừng phiên tòa chuyến bay giải cứu để “cập nhật” tiền khắc phục
Sáng 17/7, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy thông báo luật sư hỗ trợ các bị cáo trong việc cung cấp các tài liệu liên quan đến việc nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án đến bàn thư ký làm việc.
Để tạo điều kiện cho luật sư và các bị cáo thực hiện việc “cập nhật” tiền khắc phục hậu quả vụ án nên HĐXX tạm dừng phiên tòa.
Trước đó theo dự kiến, sau 4 ngày xét xử, sáng nay (17/7), phiên tòa xét xử đại án “ chuyến bay giải cứu” bước sang ngày xét xử thứ năm, hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang tranh tụng, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án với các bị cáo.
Trong 54 bị cáo, có 23 cựu quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, trong đó 18 người bị truy tố khung hình phạt tử hình. 21 người bị cáo buộc đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu, những người còn lại bị cáo buộc môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong 4 ngày thẩm vấn vừa qua, các bị cáo là cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, lãnh đạo doanh nghiệp… đều thừa nhận việc đưa, nhận hối lộ lên đến hàng tỷ đồng trong những chuyến bay giải cứu thời điểm dịch Covid-19.
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên xét xử (Ảnh: Nam Ninh)
Tại tòa, ông Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhiều lần khẳng định không ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền để được cấp phép “chuyến bay giải cứu”.
Song cựu thứ trưởng thừa nhận đã được các doanh nghiệp “lót tay” số tiền hơn 21,5 tỷ đồng là quà cảm ơn sau khi được cấp phép các chuyến bay giải cứu.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế là một trong những người được xét hỏi nhiều nhất trong 4 ngày qua.
Ông Kiên bị cáo buộc nhận tiền 253 lần tương đương 42,6 tỷ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu”.
Hội đồng xét xử nhiều lần thẩm vấn làm rõ Kiên có đưa số tiền nhận hối lộ cho ai khác và sử dụng số tiền này như thế nào.
Tại tòa, Kiên một mực phủ nhận cáo buộc ra giá 150-200 triệu đồng để được cấp phép một chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.
Trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo này tiết lộ từng phải đi điều trị tâm thần ở Bệnh viện Bạch Mai vì ám ảnh mức án tử hình.
Một trong những diễn biến bất ngờ, được sự quan tâm của dư luận là việc Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) kêu oan, khẳng định không hề nhận 2,65 triệu USD từ Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội để “chạy án” cho Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, Phó tổng và Tổng giám đốc Công ty Blue Sky.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn khi trả lời xét hỏi và khi đối chất đều khai rất rõ từng lần nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Blue Sky) và đưa lại cho Hoàng Văn Hưng giúp “chạy án”.
Các cuộc gặp giữa Hưng và Hằng để bàn bạc về kế hoạch chạy án đều diễn ra tại nhà riêng của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội.
Sau mỗi lần gặp ông Tuấn đều trực tiếp đưa cho Hưng từ một đến vài trăm ngàn USD để tìm cách giúp Hằng và Sơn thoát tội.
Tuy nhiên, Hưng phản bác lại toàn bộ lời khai trên. Cựu điều tra viên thừa nhận có gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà riêng của Tuấn nhưng không trao đổi về việc chạy án mà chỉ là khuyên Hằng ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Về cáo buộc nhận một chiếc cặp do ông Tuấn gửi đến bên trong đựng 450.000 USD, Hưng thừa nhận có được đưa cho chiếc cặp này nhưng bên trong không có tiền mà chỉ có bốn chai rượu vang.
Trong vụ án trên, các bị cáo bị cáo buộc đưa, nhận hối lộ 515 lần với 165 tỷ đồng liên quan cấp phép chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo.
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế che giấu tội?
Sau khi nhận hối lộ 253 lần và thấy cơ quan điều tra khởi tố vụ án "chuyến bay giải cứu", cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế đã trả lại tiền cho hàng loạt doanh nghiệp, khi chuyển khoản ghi là "trả nợ".
Chiều 14.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu". Đại diện viện kiểm sát thẩm vấn đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, về các khoản tiền hối lộ mà bị cáo này trả lại cho doanh nghiệp.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế. ẢNH TRẦN PHAN
Nhận hối lộ 253 lần, thấy khởi tố vụ án thì trả lại
Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, ông Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, lên tới 253 lần, với tổng số 42,6 tỉ đồng. Sau khi vụ án "chuyến bay giải cứu" khởi tố, ông Kiên trả lại cho đại diện các doanh nghiệp hơn 12 tỉ đồng.
Bị cáo Phạm Trung Kiên: Từng muốn chết khi biết có thể bị xử chung thân hoặc tử hình
Một trong những người được cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế trả lại tiền là bà Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA.
Khai trước tòa, bà Vy cho hay, ngày 27.1.2022, ông Kiên chuyển khoản cho bà 2,4 tỉ đồng, nội dung chuyển khoản ghi là "trả nợ". Trước khi trả, ông Kiên không trao đổi gì; nhận được tiền, bà Vy hỏi ông Kiên thì được trả lời rằng "anh trả lại em".
Giám đốc Công ty ATA xác nhận bản chất đây là tiền trước đó đưa hối lộ cho ông Kiên, chứ thực tế giữa hai bên không vay mượn gì.
Đại diện viện kiểm sát hỏi nếu như vậy, vì sao lại có nội dung "trả nợ". Bà Vy nói, trước đó giữa bà và ông Kiên có ký với nhau một giấy nhận nợ.
"Vì sao lại có giấy này?", kiểm sát viên truy vấn. Bà Vy giải thích rằng, khi thấy có diễn biến tố tụng đối với một số bị cáo trong vụ án, ông Kiên đề nghị bà làm giấy nhận nợ, bà đồng ý. Lúc ký xong, bà không nghĩ là ông Kiên sẽ trả lại tiền.
"Bị cáo hiểu như thế nào về giấy nhận nợ, trong khi hai người hoàn toàn không có quan hệ vay mượn, viết giấy này để làm gì, tại sao phải làm như vậy?", kiểm sát viên hỏi dồn. Bà Vy phân trần, vì ông Kiên là người quen, đã giúp mình rất nhiều, nên khi được đề nghị thì đồng ý làm theo.
Đại diện viện kiểm sát trong vụ án "chuyến bay giải cứu". ẢNH TRẦN PHAN
Giám đốc vụ 'chuyến bay giải cứu' tố ông Phạm Trung Kiên ép đưa hối lộ
Bị cáo che giấu hành vi phạm tội của mình?
Đại diện viện kiểm sát sau đó hỏi bị cáo Phạm Trung Kiên. Trước khi đặt câu hỏi, kiểm sát viên dẫn chứng sao kê tài khoản ngân hàng của cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, cho thấy hầu hết các khoản tiền mà bị cáo trả lại cho doanh nghiệp đều ghi nội dung là "trả nợ".
"Bị cáo có nợ nần gì những người này không?", kiểm sát viên thẩm vấn. Không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng ông Kiên thừa nhận các khoản tiền mình nhận từ doanh nghiệp là hành vi nhận hối lộ, như cáo trạng đã quy kết.
Thời điểm trả lại tiền, theo lời cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo có nhiều bệnh tật, bị sang chấn về tâm lý, nên đã ghi nội dung chuyển khoản không phù hợp. "Thực tế bị cáo nhận thức được sai phạm của mình và mong muốn trả lại cho doanh nghiệp, không cố ý làm sai trái điều gì", ông Kiên thanh minh.
"Bị cáo đã chủ động nhờ bị cáo Tường Vy viết giấy vay nợ, coi nó như một giao dịch dân sự chứ không phải là việc đưa nhận hối lộ, như vậy là che giấu hành vi phạm tội của mình?", đại diện viện kiểm sát tiếp tục truy vấn. Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhắc lại khi ấy bị nhiễm Covid-19 nên chưa nhận thức được việc này và gửi lời xin lỗi tới hội đồng xét xử. "Sau đó, bị cáo nhận thức được hành động của mình nên đã khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả", ông Kiên khai.
Trước đó, trong quá trình xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Phạm Trung Kiên cũng nhiều lần trả lời về việc sử dụng số tiền nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng như thế nào.
Bị cáo cho biết, ngoài hơn 12 tỉ đồng trả lại cho các doanh nghiệp, người này sử dụng khoảng 2 tỉ đồng để chi tiêu cá nhân, cho một người chú họ hàng vay khoảng 10 tỉ đồng, còn khoảng 20 tỉ để sửa chữa nhà và mang đi mua đất ở Mũi Né (Bình Thuận), các huyện Ba Vì và Hoài Đức (Hà Nội).
Giám đốc vụ 'chuyến bay giải cứu' nói 3 lý do chi tiền cho ông Phạm Trung Kiên
Từng muốn chết để thoát khỏi áp lực
Một diễn biến đáng chú ý khác, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên có nhắc đến hồ sơ bệnh án của thân chủ, liên quan đến chẩn đoán hành vi tự sát rối loạn tâm thần đa dạng không có triệu chứng sau khi nhiễm Covid-19.
Trả lời về nội dung này, bị cáo Kiên kể rằng từng bị nhiễm Covid-19 rất nặng, phải vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu, nằm viện một thời gian. Sau khi ra viện, cộng thêm thông tin cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra sai phạm trong các chuyến bay đưa công dân về nước, tâm lý bị cáo chịu sức ép rất nặng.
Sau khi xuất viện, ông Kiên cũng thường xuyên phải làm việc với cơ quan điều tra; rồi tự tìm hiểu các quy định về pháp luật liên quan đến tội nhận hối lộ, thấy khung hình phạt rất nặng, từ 20 năm, chung thân tới tử hình.
"Bị cáo đã bị ám ảnh mức án tử hình nên rất hoảng sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực. Do vậy, bị cáo có một thời gian phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai", cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế từng muốn chết Sau khi tìm hiểu pháp luật và biết hành vi của mình bị xử lý rất nặng, từ 20 năm, chung thân thậm chí tử hình, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã rất hoảng sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết. Ngày 14.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 54...