Tạm đình chỉ Mái ấm Chúc Từ sau 2 lần kiểm tra đột xuất
Mái ấm Chúc Từ (P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị tạm đình chỉ hoạt động sau 2 lần kiểm tra đột xuất.
Ngày 9.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ (thường được gọi là Mái ấm Chúc Từ) được Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cấp giấy phép hoạt động ngày 5.4.2021. Bà Lê Thị Thu Hoa quản lý mái ấm này và đồng thời là đại diện, tổng giám đốc của Công ty TNHH từ thiện Chúc Từ.
Theo giấy phép, Mái ấm Chúc Từ có chức năng tiếp nhận, chăm sóc trẻ bình thường từ sơ sinh – dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, cụ thể là thuộc một trong các trường hợp: trẻ bình thường bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; trẻ bình thường mồ côi cha và mẹ; trẻ bình thường mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định pháp luật thuộc diện khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng. Về quy mô, Mái ấm Chúc Từ được tiếp nhận không quá 22 trẻ.
Kiểm tra Mái ấm Chúc Từ: Đưa 46 trẻ về nơi ở mới
Theo UBND Q.Bình Thạnh, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã kiểm tra theo kế hoạch đối với Mái ấm Chúc Từ theo giấy phép hoạt động nhưng chưa phát hiện cơ sở này có vi phạm trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.
Tuy nhiên, chiều 4.9, Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Thạnh có nhận được thông tin phản ánh trẻ tại Mái ấm Chúc Từ bị đánh chảy máu miệng và cơ sở có nhận nuôi các trẻ nhưng chưa có giấy khai sinh. Nên sáng 5.9, Phòng LĐ-TB-XH đã phối hợp UBND P.15, cảnh sát khu vực Công an P.15 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Mái ấm Chúc Từ.
Tại thời điểm kiểm tra đột xuất này, tại Mái ấm Chúc Từ có 22 bé (trong đó có 10 bé trai và 12 bé gái) và các em có giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế đầy đủ. Tuy nhiên, Mái ấm Chúc Từ không cung cấp được hợp đồng lao động của các bảo mẫu, giáo viên và người lao động tại cơ sở cũng như các sổ sách tài chính liên quan với lý do kế toán đang đi vắng.
Chủ Mái ấm Chúc Từ là bà Lê Thị Thu Hoa (pháp danh Thích Nữ Chúc Từ) trình bày cơ sở hiện nuôi dưỡng 22 bé, không có trẻ trên 6 tuổi theo học tại các trường trên địa bàn Q.Bình Thạnh và các quận, huyện khác; đồng thời Mái ấm Chúc Từ cũng không tiếp nhận các mẹ bầu đơn thân.
Bà Lê Thị Thu Hoa cũng có nắm được thông tin của cô giáo N. có bạo hành trẻ và đã làm việc với cô N., quán triệt đến các bảo mẫu tại cơ sở cư xử đúng mực, không đánh đập, bạo hành trẻ.
Qua làm việc, đoàn kiểm tra đề nghị Mái ấm Chúc Từ bổ sung các hợp đồng lao động cũng như đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng các bé theo quy định. Đồng thời, đề nghị UBND P.15 và Công an P.15 tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của cơ sở, kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh tại cơ sở.
Kiểm tra đột xuất lần 2
Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ (thường được gọi là Mái ấm Chúc Từ) tại P.15, Q.Bình Thạnh. ẢNH: LÊ HUỲNH
UBND Q.Bình Thạnh ngay sau đó đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và các phường tăng cường công tác quản lý nhà nước, nắm tình hình tại cơ sở bảo trợ xã hội, phát hiện và ngăn chặn xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ. Đồng thời, chỉ đạo Công an Q.Bình Thạnh phối hợp các lực lượng kiểm tra, xác minh Mái ấm Chúc Từ chiều 6.9 để làm rõ nghi vấn bạo hành trẻ và các hoạt động khác.
Ngày 7.9, UBND Q.Bình Thạnh chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH phối hợp UBND P.15 tiếp tục kiểm tra đột xuất cơ sở lần thứ 2.
Qua kiểm tra, xét thấy cơ sở không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Cụ thể, Mái ấm Chúc Từ không cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc tiếp nhận và quản lý, sử dụng tiền, hiện vật từ thiện, viện trợ; không có báo cáo định kỳ hoạt động và tài chính của cơ sở cho cơ quan quản lý; không có hồ sơ giám sát nội bộ phòng, chống xâm hại, bạo lực đến với trẻ; nhân sự không đảm bảo theo phương án thành lập cơ sở (không có phó giám đốc, nhân viên y tế, chuyên viên dinh dưỡng, chuyên viên tâm lý).
Ngoài ra, về nhân sự hiện tại, Mái ấm Chúc Từ có 4 bảo mẫu và 6 nhân viên nấu ăn nhưng chưa cung cấp được hợp đồng lao động, giấy khám sức khoẻ… Về điều kiện ăn uống và sinh hoạt của trẻ, Mái ấm Chúc Từ không có bếp ăn riêng biệt (dùng bếp từ thiện để cung cấp suất ăn cho trẻ), chưa có sự tách biệt chỗ ngủ của trẻ nam và nữ. Khu vực tắm còn rải rác không tập trung và xuống cấp, có nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ.
Vì vậy, Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Thạnh đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động Mái ấm Chúc Từ trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày 7.9. Đồng thời, 22 em tại Mái ấm Chúc Từ được chuyển khẩn cấp đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (TP.Thủ Đức).
22 em tại Mái ấm Chúc Từ được chuyển khẩn cấp đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân. ẢNH: LÊ HUỲNH
Hiện Công an Q.Bình Thạnh đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ các hoạt động nhận nuôi trẻ, chăm sóc trẻ và các nội dung liên quan đến Mái ấm Chúc Từ. Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Thạnh sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ cấp phép hoạt động, các quy định liên quan, hướng dẫn về cơ cấu, tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại Mái ấm Chúc Từ và các cơ sở khác trên địa bàn.
Theo UBND Q.Bình Thạnh, địa phương vẫn đang chờ kết quả xác minh, điều tra về hoạt động của Mái ấm Chúc Từ, do vụ việc có tính chất phức tạp. Sau khi có kết quả chính thức, UBND Q.Bình Thạnh sẽ chỉ đạo Công an Q.Bình Thạnh cùng các ngành liên quan có hướng xử lý phù hợp, đúng quy định.
Trước đó, chính quyền H.Củ Chi cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế chùa Phật Bửu (ấp Cây Trâm 2, xã Phú Hòa Đông). Trụ trì của chùa này là bà Lê Thị Thu Hoa – quản lý Mái ấm Chúc Từ. Qua đó phát hiện tại chùa đang nuôi dưỡng, chăm sóc 24 trẻ sơ sinh (16 nam, 8 nữ) và 2 em sinh năm 2011 và năm 2019. Tuy nhiên, chùa Phật Bửu không có giấy phép hoạt động bảo trợ xã hội. Qua xác minh, nhận thấy nhiều tình tiết phức tạp nên H.Củ Chi đã chuyển 24 trẻ sơ sinh về Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (TP.Thủ Đức).
Vụ bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng: Có hay không việc 'bỏ lọt' sai phạm?
Ngày 5/9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vụ bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng ở quận 12, TPHCM.
Xem lại quá trình thanh kiểm tra
Theo ông Đặng Hoa Nam, bạo lực trẻ em đáng lẽ không được phép xảy ra, thế nhưng lại xảy ra tại cơ sở chăm sóc trẻ em ngoài công lập là mái ấm Hoa Hồng.
Điều đáng nói, mái ấm Hoa Hồng được quận 12 cấp phép hoạt động và từng được kiểm tra nhưng không phát hiện tình trạng bạo hành trẻ nhỏ cho đến khi báo chí đưa tin.
Ông Nam cho rằng, TPHCM cần phải xem lại trong quá trình thanh kiểm tra tại thời điểm đó có vi phạm không, có bỏ lọt không, nếu có phát hiện sai mà bỏ lọt thì đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm.
"Việc tiếp nhận trẻ đều có quy trình, phải xem lại những đứa trẻ khi đưa vào mái ấm Hoa Hồng có danh sách, hồ sơ báo cáo quận không... Phải xem lại "hổng" ở đâu để xử lý trách nhiệm ở đó", ông Nam nói thêm.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Vũ Điệp
Sau khi vụ bạo lực trẻ nhỏ xảy ra ở mái ấm Hoa Hồng, đến nay các cháu bé đã được đưa tới các cơ sở công lập khác trên địa bàn TPHCM để chăm sóc, đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã có công điện gửi cho lãnh đạo TPHCM yêu cầu địa phương ngay lập tức thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ; xem xét thanh kiểm tra xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức xâm hại trẻ nhỏ. Đặc biệt, cần rà soát lại việc cấp phép cho công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố...
Lợi dụng trẻ em để thu hút tài trợ?
Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho biết, cơ sở mái ấm Hoa Hồng dù chỉ được cấp phép trông giữ tối đa 39 trẻ nhỏ, nhưng khi đoàn kiểm tra xuống thì số lượng lại tăng gấp đôi, thậm chí chủ cơ sở này còn cho biết có lúc lên tới gần 100 trẻ.
Việc cơ sở này tiếp nhận trẻ nhỏ vượt quá năng lực sẽ xảy ra tình trạng trẻ không được an toàn, không được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Khi quá tải thì ngay những người trông coi, chăm sóc trẻ cũng dễ xuất hiện tâm lý không bình thường.
Do vậy, TPHCM cần có cơ chế chủ động điều phối chuyển tuyến đến các cơ sở khác trợ giúp. "Các cơ sở công lập của TP thừa sức làm tốt việc này", ông Nam nhận định.
Công an kiểm tra mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: NLĐ
Theo ông Nam, do các cơ sở ngoài công lập chăm sóc trẻ miễn phí nên họ được phép vận động kêu gọi hỗ trợ tiền bạc, vật chất... Vì vậy không loại trừ có nơi số trẻ chăm sóc vượt quá quy định nhưng vẫn cố tình giữ lại để thu hút tài trợ từ cộng đồng xã hội.
"Trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở là phải nắm được số trẻ và chuyển tuyến đưa trẻ về môi trường gốc, hoặc thay thế môi trường gia đình. Cần phải làm nghiêm việc này để có phòng ngừa từ xa, đảm bảo an toàn cho trẻ", ông Nam nói.
Thiếu quy định lắp camera giám sát
Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến việc bạo hành trẻ nhỏ ở mái ấm Hoa Hồng chậm được phát hiện là do cơ sở này không lắp đặt hệ thống camera giám sát. Do vậy có tình trạng ban ngày khi có các nhà hảo tâm đến thăm, cơ sở này chăm sóc trẻ rất tử tế, nhưng ban đêm thì lại xảy ra tình trạng bạo hành.
Thực tế này đặt ra vấn đề cần đưa quy định lắp camera giám sát tại các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ khi sửa đổi luật.
Ngoài ra, theo ông Nam, sau các vụ bạo hành trẻ nhỏ cho thấy chúng ta thiếu mạng lưới cộng tác viên xã hội chuyên biệt. Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào đội ngũ thanh tra, kiểm tra thì rất khó phát hiện tình trạng bạo hành trẻ nhỏ, trong khi nhân lực lại hạn chế, số cơ sở có liên quan tới chăm sóc trẻ em lại quá nhiều. Ngay tại TPHCM đã có hàng trăm cơ sở làm nhiệm vụ này.
"Nhìn vào kinh nghiệm của các quốc gia, các cơ chăm sóc trẻ nhỏ dù công lập hay ngoài công lập khi có đội ngũ chăm sóc xã hội chuyên nghiệp làm việc, giám sát thường xuyên sẽ ngăn chặn sớm những trường hợp trẻ có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành", ông Nam nói.
Tạm giữ một số người có liên quan và thu hồi giấy phép Mái ấm Hoa Hồng Liên quan loạt bài điều tra 'Tội ác trong một mái ấm' của Báo Thanh Niên, ngày 5.9, Công an Q.12 (TP.HCM) đã tạm giữ một số người có liên quan và thu hồi giấy phép hoạt động tại Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM). Liên quan đến loạt bài điều tra "Tội ác trong một mái ấm" của Báo Thanh Niên, ngày 5.9,...