Tam Đảo “chạy nước rút” về đích
Huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hiện mới có 4/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), song 4 xã còn lại đều đạt từ 12 – 16 tiêu chí và đang “chạy nước rút” để về đích vào cuối năm nay. Như vậy, Tam Đảo sẽ trở thành huyện thứ hai của Vĩnh Phúc về đích NTM sau huyện Yên Lạc.
Xây dựng NTM gắn với du lịch, dịch vụ
Những ngày này, đến Tam Đảo, đi đâu cũng thấy người dân nói chuyện về xây dựng NTM. Từ làng trên, xóm dưới, nhà nhà thi nhau dọn vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, khơi thông cống rãnh, tham gia góp công làm kênh mương, bê tông đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa… Không khí xây dựng NTM tại đây sôi động, khẩn trương như một đại công trường.
Đường giao thông nối từ TP.Vĩnh Yên về khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên đã được đầu tư
khang trang, rộng rãi. Ảnh: Việt Tùng
Ông Lưu Đức Long – Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết, thế mạnh của huyện là phát triển du lịch và nông nghiệp hữu cơ, sạch với 2 khu du lịch nổi tiếng là Tam Đảo và Tây Thiên. Trong những năm gần đây, 2 khu lịch này đã được đầu tư rất bài bản, trong đó Tây Thiên đã được xếp hạng Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia, thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan mỗi năm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo ông Long, việc phát triển mạnh du lịch, dịch vụ đã kéo theo vấn đề ô nhiễm rác thải. Đây là một trong những khó khăn mà lãnh đạo huyện đang rất đau đầu để tìm ra giải pháp. Một vấn đề nữa là làm sao để quản lý tốt chất lượng sản phẩm du lịch và chấm dứt nạn chèo kéo, chặt chém khách tham quan.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, huyện đã chỉ đạo Phòng TNMT huyện xây dựng kế hoạch, lên phương án xử lý các “điểm đen” ô nhiễm rác thải, xây thêm điểm tập kết rác; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời thành lập các tổ, đội thu gom rác ở các thôn. Theo đó, ít nhất mỗi thôn có từ 1-2 tổ, đội thu gom rác, trung bình mỗi tuần thu 1-2 lần. Ngoài ra, chế tài xử phạt cũng được siết chặt, nhờ đó tình trạng ô nhiễm môi trường đã được khống chế, hiện các xã đã cơ bản đạt tiêu chí này.
Bên cạnh đó, để xử lý một số bất cập tồn tại trong việc phát triển du lịch, dịch vụ, ông Ngô Hữu Mai – Phó Chủ tịch HĐND huyện Tam Đảo cho biết, chủ trương của huyện là làm sao phát triển hài hòa giữa du lịch, dịch vụ và xây dựng NTM.
“Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo du lịch hè, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Tam Đảo đến với nhân dân cả nước; quản lý chặt dịch vụ du lịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết của các đơn vị kinh doanh; tăng cường công tác an ninh trật tự và an toàn giao thông, đặc biệt là đối với dịch vụ xe ôm, bán hàng rong để tránh tình trạng chèo kéo khách, đảm bảo các hoạt động kinh doanh lành mạnh” – ông Mai cho hay.
“Chạy nước rút” về đích
Trường Mầm non Hợp Châu đạt chuẩn Quốc gia năm 2015. Ảnh: Việt Tùng
Sau 5 năm xây dựng NTM, diện mạo NTM huyện Tam Đảo đã có nhiều đổi thay, trong đó 4 xã (Bồ Lý, Hồ Sơn, Hợp Châu và Minh Quang) đã đạt chuẩn NTM.
Toàn huyện đã cứng hóa được gần 300km đường giao thông nông thôn; 17/40 trường đạt chuẩn quốc gia ở 3 cấp học. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu.
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, sạch, an toàn được đẩy mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn dưới 6%; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, 4 xã là Tam Quan, Đại Đình, Đạo Trù và Yên Dương cũng đã cơ bản đạt từ 12 – 16 tiêu chí, dự kiến cuối năm nay sẽ về đích.
Theo ông Long, có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của người dân. “Theo kế hoạch, chỉ còn 5 tháng nữa, 4 xã còn lại sẽ về đích NTM. Hiện tại có xã còn tới 7 tiêu chí chưa đạt như xã Tam Quan, nhiệm vụ rất nặng nề. Song tôi hy vọng với sự chung tay của cả lãnh đạo và người dân, nhiệm vụ này sẽ sớm đạt được” – ông Long nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phùng Quang Đạt – Chủ tịch UBND xã Tam Quan cho biết, là một trong các xã nghèo của huyện nên Tam Quan có xuất phát điểm rất thấp. Hiện xã còn 7 tiêu chí chưa đạt gồm chợ, giao thông nông thôn, y tế, môi trường, văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa và giáo dục. “Quả thực chúng tôi đang gặp khó ở những tiêu chí cần nhiều kinh phí. Chúng tôi đang cố gắng vận động nội lực, phát huy sự đóng góp của người dân, song bên cạnh đó, xã cũng rất cần sự hỗ trợ của huyện trong việc thực hiện các tiêu chí “cứng”, cần nhiều tiền. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị đấu giá đất, với giá trị ước đạt khoảng vài chục tỷ đồng. Có nguồn vốn này, tôi tin xã sẽ về đích đúng hẹn” – ông Đạt chia sẻ.
Ông Đào Xuân Định – Chủ tịch UBND xã Hợp Châu, xã đã về đích từ năm 2014 chia sẻ kinh nghiệm: “Thấu hiểu được mục đích của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nên sau khi về đích, chúng tôi vẫn đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cụ thể, tiêu chí y tế đã tăng từ 73% năm 2014 lên 98% (năm 2015); thu nhập tăng từ 23 triệu đồng/người/năm, lên 25 triệu đồng/người/năm (2015). Tỷ lệ hộ nghèo mặc dù áp dụng theo tiêu chí mới, nhưng xã vẫn giảm từ 3,53% xuống còn 3,3%. Ngoài ra, năm 2015 xã có thêm Trường Mầm non Hợp Châu đạt chuẩn quốc gia và xây thêm 1 nhà văn hóa cho thôn Đồi Thông”.
Theo Danviet
Hiểu lợi ích, nông dân hào hứng làm nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), trong 3 năm qua, Hội ND xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa (Long An) đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác phát huy nội lực xây dựng, chỉnh trang, phát triển quê hương.
Ông Đặng Văn Còn-Chủ tịch Hội ND xã Mỹ An chia sẻ: "Chúng tôi cụ thể hóa những nội dung tuyên truyền về xây dựng NTM bằng những việc cụ thể, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ thể, tính chủ động của chính hội viên, ND. Khi người dân có điều kiện và biết rõ xây dựng NTM là để phục vụ cho chính mỗi gia đình, người dân tự quyết định làm cái gì trước, làm cái gì sau, làm việc này thì mỗi hộ phải góp bao nhiêu...".
Trong xây dựng NTM, hội viên, ND xã Mỹ An chọn những việc dễ để làm trước, kết hợp vừa làm việc dễ vừa bàn việc lớn hơn. Hàng năm, hội viên, ND đều tự giác tham gia nạo vét kênh mương, vệ sinh đường liên xóm, ấp; đóng góp hàng trăm triệu đồng làm đường giao thông nông thôn.
Nhiều hộ dân xã Mỹ An có thu nhập khá từ nghề nuôi bò sữa. Ảnh: Kim Phụng
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hội ND xã Mỹ An đã vận động hội viên, ND đóng góp 148 triệu đồng để bê tông hóa đường Hàng Bần, ấp 3, dài 750m; vận động thêm 50 hộ trong xã xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh lên hơn 70% tổng số hộ. Hội ND xã cũng đã vận động, thành lập 1 câu lạc bộ ND bảo vệ môi trường với 25 thành viên, chọn chi hội ấp 3 là đơn vị làm điểm về môi trường nông thôn.
Ông Đặng Văn Còn cho biết thêm, ngoài việc tích cực tuyên truyền, khuyến khích hội viên sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, Hội còn vận động hội viên đóng góp, xây dựng ở mỗi ấp 2 hố thu gom rác vỏ thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe trong lao động và môi trường đồng ruộng. Đối với việc chỉnh trang thôn, ấp, Hội ND xã Mỹ An vận động các hộ xây dựng cổng nhà, hàng rào bằng cây xanh, trồng hoa kiểng trước nhà và trên các tuyến đường kiểu mẫu trong xã... Đến nay, toàn xã Mỹ An đã thực hiện được 16/19 tiêu chí NTM và phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ đạt 19/19 tiêu chí.
Theo Danviet
Đại Lộc (Quảng Nam): Hướng tới thu nhập 40 triệu đồng/người/năm Với việc tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn, nhiều nông dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã có thu nhập gấp 1,2- 1,5 lần so với trước đây. Mục tiêu của địa phương này là tiếp tục phấn đấu tăng thu nhập lên mức 40 triệu đồng/người/năm...