Tạm biệt cơn đau khớp gối
Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo được xem là giải pháp tối ưu cho người bị thoái hóa khớp, khi hướng điều trị nội khoa không khả quan
Gần 15 năm qua, bà Tr.Th.H.C (61 tuổi, quê Gia Lai) phải sống chung với những cơn đau vật vã ở khớp gối, mỗi lần trái gió trở trời cơn đau khiến bà phải nằm một chỗ vì không thể di chuyển. Nghe một người thân giới thiệu có kỹ thuật mới “thay khớp”, bà C. đã đến nhờ bác sĩ (BS) tư vấn.
Nhẹ nhàng, không căng thẳng
Sau khi được các BS tận tình tư vấn, gia đình làm công tác tư tưởng, tháng 6-2020, bà C. vững tin nhập viện phẫu thuật thay khớp gối tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Chợ Rẫy. Cuộc phẫu thuật kéo dài vài giờ và thành công tốt đẹp, bà C. chỉ phải nằm vài ngày ở bệnh viện là được xuất viện về nhà.
“Tôi về nhà tịnh dưỡng và nhờ BS chuyên về vật lý trị liệu đến hướng dẫn tập luyện thêm. Thấy thay khớp gối cũng nhẹ nhàng, không có gì quá căng thẳng, do vậy mà đầu tháng 7, tôi đã quyết định trở vô bệnh viện thay tiếp khớp gối còn lại” – bà C. cho biết.
Tương tự, khoảng một năm trở lại đây, bà Ng.Th.S (81 tuổi, quê huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) phải chống gậy mỗi khi đi, những cơn đau do thoái hóa khớp gối khiến bà không thể chợp mắt đến nỗi nhiều đêm liền bà phải thức trắng. “Cái chân nó đau quá, không biết đi bao nhiêu thầy, uống bao nhiêu thuốc từ cây cỏ đến tân dược nhưng không làm sao hết đau. Tôi nghe có người mổ rồi, đi đứng ngon lành nên tôi lên để BS phẫu thuật. Mới mổ được hai bữa thôi nhưng BS thông báo là khớp của tôi tiến triển rất tốt, còn đùa với tôi là mai mốt xuất viện về có thể đá banh được luôn” – bà S. vừa nói vừa xoa vào chân vừa mổ.
Video đang HOT
Tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Ng.Ng.T (70 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM) cho biết trước đây ông chữa bằng cách tiêm tế bào gốc vào khớp gối, dù tốn mấy chục triệu đồng nhưng chỉ sau một năm, cơn đau đã trở lại khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên; bây giờ ông đang chuẩn bị tinh thần để phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.
Bà Tr.Th.H.C vui mừng sau khi thay 2 khớp gối
Ai nên thay khớp gối?
BS Lê Văn Tuấn, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết phương pháp thay khớp gối nhân tạo có thể giúp giảm đau, phục hồi chức năng của khớp gối. Phương pháp này sẽ cắt bỏ những phần xương thoái hóa và sụn bị tổn thương ở đùi, sau đó thay thế bằng khớp nhân tạo được làm từ kim loại, nhựa chất lượng cao hoặc polymer chuyên dụng. Hiện nay, thay khớp gối nhân tạo là phương pháp được nhiều người chọn điều trị, mỗi tháng Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật thay khớp gối cho khoảng 50 trường hợp.
Theo BS Lê Văn Tuấn, phương pháp thay khớp gối chỉ định cho người bị thoái hóa khớp gối mức độ nặng, người bị tổn thương sụn khớp gối, viêm khớp dạng thấp và sau chấn thương, những trường hợp đau khớp kéo dài đã sử dụng các biện pháp nội khoa nhưng không hiệu quả cũng có thể sử dụng hướng trị liệu này.
“Phẫu thuật thay khớp gối có hai loại, thay khớp gối toàn phần và thay khớp gối một ngăn. Đối với thay khớp khối toàn phần chỉ định cho những người bị thoái hóa khớp gối mức độ nặng, ảnh hưởng toàn bộ khớp gối. Thay khớp gối một ngăn được chỉ định cho bệnh nhân trẻ chỉ hư một phần khớp gối, mức độ vẹo của khớp gối ít” – BS Lê Văn Tuấn thông tin.
Theo các BS, bất kể ở độ tuổi nào cũng có thể thay khớp gối nếu đủ sức khỏe và bảo đảm được về nguồn tài chính. Độ tuổi thường gặp là từ 60-70 tuổi, cũng có nhiều trường hợp trên 70 tuổi. Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy đã phẫu thuật cho không ít bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối trên 80 tuổi.
Một vấn đề mà nhiều người quan tâm đó là phẫu thuật thay khớp gối có được bảo hiểm chi trả hay không? Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, BS Lê Văn Tuấn cho biết nếu được chuyển đến bệnh viện đúng tuyến thì người thay khớp gối vẫn được BHYT chi trả theo đúng quy định hiện hành.
Tốn bao nhiêu tiền?
Trung bình thời gian nằm viện để thay một khớp gối là khoảng một tuần lễ. Tùy theo từng trường hợp sau khi thăm khám, chẩn đoán, xét nghiệm BS sẽ thông báo đầy đủ những thông tin thực hiện phẫu thuật trong đó có chi phí phẫu thuật. Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu thay 2 khớp gối thì sau khi được khấu trừ bảo hiểm, nằm phòng dịch vụ thì bệnh nhân sẽ chi trả khoảng 100 triệu đồng.
Phương pháp tiến bộ trong điều trị thoái hóa khớp
Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai vừa tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp đục xương chỉnh trục và nội soi cắt lọc sụn khớp để điều trị thoái hóa khớp cho bệnh nhân H.L.D.L. (ngụ xã Phú Thanh, H.Tân Phú).
Hình ảnh phim khớp gối của bệnh nhân L. trước (trái) và sau khi chỉnh trục xương và cắt lọc sụn khớp. Ảnh: A.Yên
Bệnh nhân cho biết, do phải thường xuyên đứng bán hàng nên hay bị đau nhức khớp gối, đi lại khập khiễng. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoái hóa khớp một ngăn bên phải, vẹo trục cơ học trên cơ địa tiểu đường type 2. Bệnh nhân được nhập viện điều trị nội khoa để ổn định đường huyết, sau đó được chỉ định phẫu thuật khớp gối với phương pháp đục xương chỉnh trục và nội soi cắt lọc sụn khớp.
Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể đi lại bằng dụng cụ hỗ trợ và cảm thấy giảm đau hơn trước 60 -70%. Bệnh nhân được tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và đã được xuất viện sau 8 ngày điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình. Khi về nhà, bệnh nhân được bác sĩ của bệnh viện hướng dẫn gấp duỗi đầu gối, đi bằng nạng trong 6 tuần đầu để xương ổn định rồi thả nạng để tập đi dần dần. Đến nay, sau 4 tháng điều trị, bệnh nhân đã sinh hoạt, đi lại, gấp duỗi chân bình thường.
ThS-BS Phạm Đình Vinh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho biết, thoái hóa khớp là hậu quả của một quá trình do nhiều yếu tố tác động như: độ tuổi, giới tính, tình trạng bệnh lý chấn thương. Việc điều trị thoái hóa khớp tùy vào từng giai đoạn và bệnh lý đi kèm của người bệnh. Trong đó, đục xương chỉnh trục kèm phẫu thuật nội soi cắt lọc sụn khớp là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao, đặc biệt với những bệnh nhân còn trong tuổi lao động, phải hoạt động nhiều.
Với phương pháp này, người bệnh vẫn giữ lại được khớp thật của mình, biên độ vận động khớp sẽ hoàn toàn bình thường, đi đứng tốt, không còn cảm giác đau sau điều trị. Nếu không điều trị sớm, khớp gối sẽ bị thoái hóa ngày càng trầm trọng, dẫn đến phải thay khớp gối toàn phần.
Hình ảnh mới hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi trong quá trình được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Nhi đồng TP HCM Trúc Nhi - Diệu Nhi hiện đang có quá trình hồi phục khá tích cực. Sau phẫu thuật, quá trình hồi phục của hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi được đánh giá là có những tiến triển khả quan. Song Nhi đã cai được máy thở, không sốt và hợp tác tốt vật lý trị liệu. Tầng sinh môn và các vết...