Tâm bão sẽ vào Nghệ An – Hà Tĩnh, gần 100 ngư dân đang ở vùng nguy hiểm
Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia – cho biết, dự báo tối nay (18/7), tâm bão số 3 (tên quốc tế là Sơn Tinh) sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Hiện vẫn còn 34 tàu cá/94 lao động hoạt động ở vùng nguy hiểm.
Sáng nay (18/7), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp để bàn phương án ứng phó với bão số 3.
Quang cảnh cuộc họp bão sáng nay.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 8h30 cùng ngày, bão số 3 nằm ngay trên đảo Hải Nam, cách bờ biển nghệ an khoảng 400km, Hà Tĩnh gần 400km.
Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
“Khoảng 10-12 giờ nữa bão số 3 sẽ vào bờ biển Nghệ An – Hà Tĩnh, hiện nay bão đang cấp 8 và vào giữa Vịnh Bắc Bộ vẫn giữ nguyên cấp độ 8, gió giật cấp 11. Hướng di chuyển của bão chủ yếu là hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh 30-35km/h, tối nay sẽ cập bờ, nhưng vùng gió mạnh đến sớm hơn. Bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ, khoảng 10-12 tiếng nữa tâm bão sẽ vào Nghệ An – Hà Tĩnh. Vùng gió mạnh nằm ở phía Bắc tâm bão, ven biển cấp 8, đất liền cấp 6-7, trọng điểm ở khu vực Bắc Nghệ An và Thanh Hóa” – ông Hoàng Đức Cường cho biết.
Nói về tình hình mưa do bão số 3, ông Hoàng Đức Cường cho biết, từ trưa và chiều nay đến hết ngày 20/7 ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Bình có mưa to từ 100-200mm; Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to 200-300mm, có nơi trên 350mm.
“Mưa lớn nên cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ ngày 18-21/7 tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngoài ra, từ ngày 18-20/7, lũ xuất hiện trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức báo động 1 – báo động 2, riêng sông Bưởi (Thanh Hóa) lên mức báo động 2; hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở mức báo động 1 và dưới mức báo động 1″ – ông Cường thông tin thêm.
Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, do ảnh hưởng của bão số 3, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp và đô thị các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thạch Thành (Thanh Hóa); Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn (Nghệ An); Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tính đến 6h ngày 18/7, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện/237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, Đại tá Trần Dương Kiên – Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng – thông tin, hiện tại (lúc 8h45) chỉ còn 34 tàu cá/94 lao động vẫn đang hoạt động ở vùng nguy hiểm và các địa phương đã thông tin cho các tàu này biết, sẽ khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm trước 12h trưa nay.
Đại tá Trần Dương Kiên phát biểu tại cuộc họp.
Video đang HOT
Nói thêm về 34 tàu cá nói trên, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cập nhật thêm, 30 tàu cá của Nình Bình sẽ ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 3 trước 12h trưa nay và tỉnh Ninh Bình đã cấm biển, 2 tàu của Hà Tĩnh đã vào bờ, còn 2 tàu của Thái Bình đã ở gần bờ nên không đáng lo ngại.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi – thông tin: Mưa lũ vừa qua đã làm 51.934 ha lúa bị ngập; Hoa màu: 4.966 ha. Có khoảng 18.000ha lúa bị ngập có nguy cơ mất trắng do khó khăn trong công tác tiêu thoát lũ.
Hiện các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung, sẵn sàng mọi phương án để ứng cứu với bão số 3, cụ thể: Không được chủ quan với cấp độ của bão số 3, kiểm tra lại nơi tránh trú của bão của các tàu thuyền, đặc biệt là khu vực cửa sông để không xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ; công tác cứu hộ phải luôn ở tư thế sẵn sàng về phương tiện và nhân lực; chú ý tăng cường điện đàm với cơ quan chức năng của các nước để tạo điều kiện cho tàu thuyền của vào tránh trú nhờ một cách an toàn; kiểm tra lại các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện để chủ động phương án vận hành một cách an toàn;…
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Cảnh báo bão số 3 Sơn Tinh: Đã có người chết, từng tàn phá Bắc Bộ khủng khiếp
Cơn bão số 3 di chuyển chậm lại nhưng sức gió đã tăng lên cấp 9 được dự báo sẽ đổ bộ đất liền chiều tối nay 18.7. Các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp, từ Thái Bình - Hà Tĩnh, với tâm bão là từ Thanh Hoá - Nghệ An, đang tích cực triển khai các phương án ứng phó, tuy nhiên đã có thiệt hại về người.
Theo Zing, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết sáng sớm 18/7, tâm bão ở trên khu vực phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh khoảng 470 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 9 (75-90 km/h), giật cấp 11.
Trước ảnh hưởng của mưa bão, một người ở xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khi không may bị lũ cuốn tử vong lúc đi cất đồ ở trạm bơm nước, theo Báo Lao động.
Nhắc đến bão Sơn Tinh là nói đến những cơn bão mạnh trong quá khứ. Bão Sơn Tinh năm 2012 với sức tàn phá khủng khiếp từng gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Nguồn: VTCNews
Sức gió và hướng di chuyển
Ngày và đêm nay, bão số 3 di chuyển nhanh theo hướng tây, vận tốc đạt 25-30 km/h. Khoảng chiều tối, vùng tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh. Sau đó, bão đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp.
Hướng di chuyển của bão số 3. Ảnh: NCHMF.
Sáng sớm 19/7, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50 km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa dông mạnh; phía tây khu vực bắc Biển Đông hôm nay có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-5 m. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5 m; sóng biển cao 2-4 m.
Từ chiều 18/7, khu vực ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây, rồi chuyển hướng tây hơi chếch bắc và giảm tốc còn 20 km/h. Khi đi qua khu vực Thượng Lào, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp.
Đề phòng lũ quét
Từ trưa nay, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7. Lượng mưa phổ biến 100-300 mm cả đợt, có nơi trên 350 mm.
Hình ảnh vệ tinh của bão số 3. Ảnh: NCHMF.
Cơ quan khí tượng cảnh báo từ 18 đến 20/7, ở thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức báo động 1 - báo động 2, sông Bưởi (Thanh Hoá) trên báo động 2; hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở dưới mức báo động 1.
Vùng núi các tỉnh phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Báo Kiến Thức đã có những cập nhật mới nhất về tình hình cụ thể các tỉnh vùng tâm bão, theo đó:
Nam Định: Hoãn các cuộc họp không cần thiết
Để ứng phó với cơn bão số 3 với sức gió giật cấp 10, ngay trong chiều 17/7, UBND tỉnh Nam Định đã ra công điện khẩn hỏa tốc chống bão số 3.
Theo nội dung công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ đạo hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chống bão theo phương châm 4 tại chỗ. Khẩn trương rà soát kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân vào nơi tránh trú an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng yêu cầu cấm biển từ 5h sáng ngày 18/7, tập trung sơ tán người canh coi tại các chòi canh trước 12h ngày 18/7.
Ngay trong chiều 17/7, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 và mưa lũ.
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đi kiểm tra đê điều, neo đậu tàu thuyền tại Cồn Tròn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Hiện nay, các địa phương tại Nam Định đã xây dựng phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp trong các trường hợp bão cấp 10, cấp 11-12, trên cấp 12 và trong trường hợp các triền sông có lũ trên báo động 3.
Thái Bình: Để xảy ra thiệt hại về người, tài sản, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm
Tại Thái Bình, từ gần sáng 18/7, vùng biển ngoài khơi Thái Thuỵ-Tiền Hải (Thái Bình) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6m; biển động mạnh.
Ngay trong ngày 17/7, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo ứng phó với bão.
Công tác ứng phó bão số 3 đang được khẩn trương triển khai ở Thái Bình. Ảnh: Thaibinhtv
Công điện nêu rõ: "Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản mà không chủ động, ứng phó kịp thời thì người đứng đầu các địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật".
Các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh cấm biển tuyệt đối
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đức Quyền nhận định, cơn bão Sơn Tinh là cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, khó lường.
Do vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải sát sao, chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai theo sự phân công.
Các địa phương ven biển cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phải tiến hành "cấm biển", tuyệt đối không cho phương tiện nào ra khơi; với các tàu du lịch, cũng phải kịp thời yêu cầu đi tránh trú sâu vào đất liền.
Theo VNE
Hoãn mọi cuộc họp chưa cần thiết, cấm biển trước giờ bão đổ bộ Trước diễn biến của cơn bão số 3, các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình đã yêu cầu các ngành, địa phương và đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, tập trung chỉ đạo ứng phó bão; thực hiện lệnh cấm biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn... Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa...