Talkshow Việt: Làm sao cho ‘hot’?
Không ít các chương trình talkshow đã và đang được phát sóng tại Việt Nam ít, nhưng những chương trình thật sự để lại dấu ấn chưa vượt qua được con số 5. Vì sao?
The Ellen DeGeneres Show qua 9 mùa vẫn có lượng rating đáng ngưỡng mộ. Oprah Winfrey nhờ có show mang tên chính mình mà trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong ngành truyền hình Mỹ. Conan O’Brien đã khiến khán giả hết sức tiếc nuối khi quyết định từ bỏ chương trình gắn với tên tuổi của ông là Tonight Show do không thỏa thuận được với nhà đài về thời gian phát sóng… Những câu chuyện kể trên chỉ là số ít trong rất nhiều ví dụ minh chứng cho sự thành công và dấu ấn đáng kể của các talkshow tại nước ngoài. Vậy điều gì đã làm nên sức hút này?
Các talkshow thành công của nước ngoài có nhiều công từ người dẫn chương trình.
Talkshow là một chương trình truyền hình hoặc phát thanh mà một nhóm người thảo luận một số chủ đề mà người dẫn chương trình đưa ra. Tuy nhiên, các chương trình talkshow nổi tiếng tại nước ngoài không chỉ đơn giản với việc “ngồi” và “thảo luận”, mà còn bao gồm các hoạt động khác. Trước tiên, các chương trình này thường mời đến 2-3 vị khách trong một số phát sóng, và mỗi cuộc trò chuyện chỉ kéo dài nhiều nhất là 15 phút tùy theo nội dung của cuộc trò chuyện hoặc mức độ “hot” của khách mời. Khoảng thời gian còn lại được chủ yếu dành cho các chuyên mục “độc quyền” như Top Ten list của Late Night with David Letterman, Hidden Camera Prank của The Ellen DeGeneres Show, giao lưu giữa với khán giả, biểu diễn của khách mời… Khán giả được theo dõi những chương trình này đôi khi còn có cảm giác như đang được theo dõi một bộ phim nhỏ, với đủ các chi tiết hỉ nộ ái ố, hành động chứ không chỉ đơn giản là ngồi nghe và cười rồi vỗ tay.
Gặp nhiều cản trở trong vấn đề nhân sự, ý tưởng, thiết kế…, các talkshow tại Việt Nam thường chỉ là một cuộc đối thoại tập trung vào một vấn đề chung hoặc một nhân vật nhất định. Còn nhớ chương trình Trò chuyện cuối tuần trong một chương trình phỏng vấn một nữ doanh nhân, khán giả phải nghe nhân vật này kể lại từ lúc khởi nghiệp, đến lúc thành công, gặp khó khăn rồi đến những chia sẻ trong tương lai. Hết chương trình vẫn là hình ảnh khán giả lên tặng hoa và khách mời nói lời cảm ơn. Các talkshow dành cho sinh viên, giới trẻ nếu không cứng nhắc thì cũng luôn rơi vào tình trạng giáo điều chán ngắt.
Một yếu tố quan trọng không kém trong việc quyết định sự hấp dẫn của một talkshow chính là người dẫn chương trình. Vậy điều gì làm nên một người dẫn chương trình giỏi? Với câu hỏi này, có lẽ nhiều người sẽ chọn cho mình câu trả lời “kiến thức”, “mối quan hệ”, “sự nhạy bén”… Tuy nhiên, theo như một người từng có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành truyền hình tại Việt Nam, “cái duyên” mới chính là yếu tố giúp một người dẫn chương trình để lại dấu ấn của mình.
Chịu chơi và không ngại quậy là hình ảnh quen thuộc của Ellen DeGeneres. Nữ MC này không ít lần khoác lên mình bộ trang phục hóa trang để đi dọa các khách mời, hoặc tự nhiên cười thả ga khi nói hớ. Còn MC kỳ cựu Larry Kinh lại được khán giả nhớ đến bởi sự khắc nghiệt, từng làm các khách mời phải “quê” ngay trong chương trình truyền hình trưc tiếp. Cách đây không lâu, cựu giám khảo American Idol Paula Abdul được phen quê độ khi bị MC này cắt ngang lời, vì đã trót nói quá dài dòng. Tương tự với David Letterment và nạn nhân là Paris Hilton, trong một lần tham gia chương trình, người dẫn chương trình liên tiếp những câu hỏi về những ngày ngồi tù, khiến cô nàng lắm chiêu này phải bật khóc. MC Wendy Williams thậm chí còn không ngại chỉ trích những nhân vật có tiếng trong làng giải trí. Và một lần nữa, những chi tiết đáng lẽ sẽ làm nên nhiều điều thú vị và hấp dẫn cho một talkshow này, lại không thể có trong những talk show Việt bởi sự thua thiệt quá xa về cá tính của MC, lẫn sự kiểm duyệt gắt gao kể cả khi đã Việt hóa hết mức có thể.
Tạ Bích Loan để lại dấu ấn với Người đương thời. Tiếc rằng chương trình không thể kéo dài.
Nhắc đến vai trò của MC, đa số các MC của các talkshow tại Việt Nam hiện nay đều cùng lúc tham gia rất nhiều show, hoặc vì để đảm bảo tăng thêm tính thu hút của chương trình mà các MC này đều là những ca sĩ diễn viên tên tuổi. Điều này đã dẫn dến việc các MC không thể có đủ thời gian để tham gia vào khâu biên tập, hay thậm chí là nghiền ngẫm kịch bản trước khi vào trường quay. Đến sát giờ lên hình, họ mới vội vã đọc sơ kịch bản, để rồi khi mặt đối mặt với khách mời, các MC trở nên lúng túng và dựa dẫm quá nhiều vào kịch bản, không biết làm gì ngoài hỏi những câu hỏi theo thứ tự sẵn có, trong khi vai trò của một người dẫn chương trình giỏi phải biết phản ứng trước câu trả lời của khách mời để đào sâu hơn vào vấn đề. Tạ Bích Loan với Người đương thời có lẽ là người dẫn chương trình tốt nhất của các talkshow tại Việt Nam. Chị có lối dẫn rất tự tin và ít phụ thuộc vào kịch bản, nhưng cuối cùng cũng phải từ bỏ công việc vì chương trình về sau càng đuối do thiếu sự đổi mới và đầu tư. Các MC có khả năng trò chuyện và dẫn dắt tốt, nhưng lại rơi vào tình trạng phải làm theo quan điểm của nhà đài, nên cái duyên cũng từ đó là biến mất.
Nói về những hạn chế của các talkshow Việt, cũng không thể nói không về sự e dè của người tham gia, khi vì nhiều lý do lại trở nên thận trọng và giữ kẽ khi đối mặt với những câu hỏi từ chương trình. Ngay cả việc thể hiện cảm xúc thật cũng trở nên khó khăn. Điều này đã làm giảm sút tính chân thực và hấp dẫn rất nhiều lần. Với bản tính Á Đông, người Việt sợ sự công khai và luôn chọn sự an toàn bậc nhất khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nên đôi bên cứ lựa lời mà nói cho đạt được mục đích của cả hai, không nên để tình cảm bị sứt mẻ. Cũng do tính cách này mà những cố xảy ra trong cuộc trò chuyện cũng được cắt phăng đi, khi lên hình người xem chỉ chỉ thấy một cuộc nói chuyện trơn tru và đẹp đẽ. Vậy nên còn lâu khán giả Việt mới chứng kiến được cảnh tương tự cười ra nước mắt như Tyra Banks té bật ngửa ra phía sau vì ngồi trên thành ghế, hay hình ảnh Justin Bieber phải bứt tóc vò đầu, hỏi đi hỏi lại vì không hiểu lời của người dẫn khi tham gia một talkshow của New Zealand.
Sự khác nhau về vai trò của khán giả của talkshow nước ngoài và Việt Nam.
Video đang HOT
Tính tương tác cũng là điều rất thiếu ở các talkshow của Việt Nam. Siêu mẫu Tyra Banks trong chương trình của mình không ít lần mời các khán giả cùng trực tiếp tham gia học trang điểm. Ellen DeGeneres thường xuyên giới thiệu những hình ảnh mà khán giả của cô gửi về cho chương trình. Jimmy Kimmel đưa ra những thử thách nho nhỏ cho khán giả, khi yêu cầu họ quay những đoạn video về gia đình mình và up lên mạng, sau đó Jimmy sẽ thu thập lại những đoạn phim hay nhất và phát sóng trong chương trình của mình. Rõ ràng, việc tương tác với khán giả tại trường quay và người xem tại nhà được các show này quan tâm đáng kể. Trong khi đó, các talkshow tại Việt Nam dường như quên mất vấn đề này, khi khán giả đến xem chỉ có việc ngồi nghe và vỗ tay.
Mỗi tuần một chuyện, Nói ra đừng sợ và Lần đầu tôi kể là ba talkshow đang được chú ý tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, có ba talkshow Việt nhận được nhiều sự chú ý và hưởng ứng từ khán giả là Mỗi tuần một chuyện – Đối thoại với Lê Hoàng, Nói ra đừng sợ – Đối thoại với Lê Quốc Vinh và Lần đầu tôi kể – Đối thoại với Anh Bờ Vai. Các show này đã làm được điều mà trước giờ ít có talkshow nào làm được: đưa khán giả xem được rõ hơn hình ảnh nghệ sĩ qua chính lời kể của họ, và ít nhiều có cảm giác thú vị về những hỉ, nộ, ái, ố phía sau ánh hào quang. Hơn nữa, ba nhân vật chính đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt chương trình có cách trò chuyện và dẫn dắt cũng hấp dẫn và có hồn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất khi ba chương trình này đều không được phát sóng vào khung giờ vàng ở các kênh lớn. Các talkshow nổi tiếng ở nước ngoài họ đều có những trang web riêng để đăng tải lại các tập đã phát sóng để khán giả nếu đã bỏ qua có thể xem lại, trong khi đó đơn vị sản xuất các talkshow ở Việt Nam vì lý do nào đó lại chưa sẵn sàng làm điều này, dù không phải quá khó.
So sánh talkshow tại Việt Nam với các nền báo chí truyền thông lớn như Mỹ, Anh là khập khiễng, nhưng cũng đã đến lúc phải cần đem lên bàn cân để biết được chúng ta đang thiếu những gì. Talkshow Việt xuất hiện không phải mới đây, nhưng tiếc thay trong khoảng thời gian dài vẫn chưa có nhiều chương trình để lại dấu ấn sâu đậm với người xem, hoặc nếu có cũng không hoạt động lâu dài. Với những khó khăn mà truyền hình Việt Nam mắc phải khi gặp nhiều áp lực về định hướng, chủ trương thuần phong mỹ tục, về sự thiếu thốn trang thiết bị vật chất, kịch bản… chắc chắn khán giả Việt còn lâu mới chứng kiến được hình ảnh tương tự như khi tài tử Tom Cruise nhảy lên chiếc ghế sofa và hét: “Tôi đang yêu” trước mặt Oprah Winfrey khi chương trình đang phát trực tiếp. Mặc dù về sau hành động này được cho là quá lố nhưng có Tom Cruise chả hề bận tâm vì ít nhất, anh cũng đã thể hiện được cảm xúc thật của mình.
PHƯƠNG GIANG
Theo Infonet
Những MC "khó đỡ" trong lịch sử Oscar
Những người dẫn chương trình cá tính này đã mang tới nụ cười, những phút giây hồi hộp hoặc có khi là khoảnh khắc "dở khóc dở cười" cho lễ trao giải.
MC được yêu thích nhất: Billy Crystal
Billy Crystal vừa nhận lời mời dẫn chương trình lễ trao giải Oscar năm nay - 2012. Trước đó, ông từng làm MC tại sự kiện này vào các năm 1990 - 1993, 1997, 1998, 2000, và 2004. Ông là một trong những nghệ sỹ "đa zi năng" tại Hollywood khi cùng lúc tham gia diễn xuất, lồng tiếng phim, viết kịch bản, làm đạo diễn, giám chế sản xuất...
Một trong những show hài kịch mà Billy góp mặt trong thời gian đầu của sự nghiệp diễn xuất là "Soap". Trong đó, ông vào vai một chàng trai đồng tình vui nhộn, hài hước với diễn xuất hết sức tinh tế trên sân khấu. Sau đó, Billy còn xuất hiện trong "Saturday Night Live" và tục để lại trong lòng người xem những ấn tượng sâu sắc.
MC "gây họa" nhiều nhất: Chris Rock
"Họa từ miệng mà ra" - câu nói này rất đúng trong trường hợp của Chris Rock. Với tư cách là người dẫn chương trình lễ trao giải năm 2005, nam diễn viên da màu này đã có những lời phát biểu "chói tai" dành cho các ứng viên đề cử. Ví như điển hình nhất là: "Nếu như chiến thắng thì Johnny Depp vẫn nên nhận catse như cũ, không được thay đổi gì cả. Bởi vì thù lao của anh ấy đã nhiều đến mức không thể nhiều hơn rồi. Còn nếu như Leonardo DiCaprio nhận được giải thì có lẽ catse của anh ấy sẽ được tăng lên 1 đô la" "Trước nay tôi đều không xem Oscar. Đây chỉ như một tuần lễ thời trang...".
Cặp đôi MC "tiên đồng ngọc nữ: James Franco và Anne Hathaway
Tối ngày 27/2/2011, trên sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 83, hai người dẫn chương trình xuất hiện trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả. Từ vẻ ngoài trẻ trung, gợi cảm cho tới phong cách táo bạo, hài hước, James Franco và Anne Hathaway đều khiến khán giả hài lòng tuyệt đối. Trong suốt thời gian sau đó, họ đã chứng minh sự ăn ý hoàn hảo của mình khi liên tục có những màn vấn đáp "tung hứng" và biểu diễn đẹp mắt.
MC có sức hút nhất: Hugh Jackman
Nếu như bạn hài lòng với kết quả bình chọn của tạp chí People: "Hugh Jackman là người đàn ông gợi cảm nhất thế giới" thì có lẽ cũng đồng ý công nhận rằng tài tử này là MC có sức hút nhất tại lễ trao giải Oscar. Anh tham gia sự kiện này năm 2009 và đã mang đến cho khán giả một bài phát biểu mở màn rất ấn tượng. Tiếp đó, Hugh đã có một trải nghiệm táo bạo khi hóa thân thành ảo thuật gia và trình diễn vũ đạo với mỹ nhân xinh đẹp Anne Hathaway. Ngoài ra, trường đoạn được nhiều người nhớ tới nhất là khi Hugh kết đôi với Beyonce, Amanda tái hiện các phân đoạn đặc sắc trong Chicago, Moulin Rouge....
MC "quái tính": Whoopi Goldberg
Whoopi Goldberg từng 4 lần đảm nhiệm vị trí MC lễ trao giải Oscar năm 1994, 1996, 1999, 2002. Đặc điểm dẫn chương trình của cô là: lời nói táo bạo, trang phục gây sốc. Từ câu chuyện tiếu lâm "nhạy cảm" năm 1994 cho tới việc "hài hước hóa" bê bối tình dục của quan chức cấp cao đều được Whoopi mạnh dạn đưa lên sân khấu. Về phần tạo hình, cô luôn dành cho Oscar sự ưu ái tối đa khi liên tục mang đến "đại hội" này những bộ cánh "có 1 không 2" và không thể nào quên trong lịch sử.
MC thu hút phái nữ nhất: Ellen DeGeneres
Ellen DeGeneres là MC chương trình talkshow Ellen DeGeneres Show nổi tiếng tại Mỹ. Không chỉ trên sân khấu lễ trao giải Oscar mà ngay trong đám cưới sau này của mình, Ellen đều lựa chọn trang phục comple như nam giới để xuất hiện. Sự thẳng thắn, hài hước của cô đã chinh phục tuyệt đối khán giả, đặc biệt là phái nữ.
Câu nói ấn tượng nhất của cô trên sân khấu là: "Đây là một buổi tối thật tuyệt vời. Ngồi trong hội trường này có rất nhiều người khác nhau. Trong một xã hội luôn phân biệt chủng tộc, giới tính, dân tộc... thời khắc này chúng ta đã quên đi tất cả và chỉ còn nghĩa tới 1 thứ duy nhất. Đó là Oscar".
MC "chơi trội" nhất: Steve Martin
Steve Martin từng làm MC tại các kỳ Oscar năm 2001, 2003 và 2010. Với kinh nghiệm diễn xuất dạn dầy, anh luôn mang tới cho đêm hội quan trọng này những màn biểu diễn thú vị. Ngoài ra, với cá tính mạnh mẽ và táo bạo của mình, Steve cũng không ít lần lên giọng đả kích thế sự, chính trì cũng như những chủ đề "nóng" trong xã hội thời điểm bấy giờ. Ví dụ điển hình nhất là hai lời phát biểu mang tính châm chọc: "Harry Berry ngồi ở phía bên kia. Tôi và cô ấy cách nhau khoảng 22 foot. Đây có lẽ là khoảng cách gần với quy định luật pháp nhất" "Tôi xem Ngọa hổ tàng long mà cứ có cảm giác kỳ lạ. Tại sao trong phim chẳng có rồng, cũng chẳng có hổ. Khi xem xong thì tôi mới hiểu. Hóa ra chúng đã đi trốn hết cả rồi".
MC tham gia nhiều năm nhất: Bob Hope
Bob Hope đã từng 11 lần làm người dẫn chương trình duy nhất và 7 lần có hợp tác với đồng nghiệp tại lễ trao giải Oscar các năm 1940, 1941, 1943, 1945, 1946, 1953, 1955, 1958-1962, 1965-68, 1975, 1978. Ngoài sự kiện quan trọng tại kinh đô điện ảnh này, Bob còn từng đảm nhiệm vị trí MC cho cuộc thi hoa hậu thế giới. Với nét duyên trời phú và sự thông minh nhanh nhạy trong giao tiếp, ông đã chiếm được thiện cảm của đông đảo khán giả.
MC thất bại nhất: Jon Stewart
Vì sự lúng túng kéo dài thời gian dẫn chương trình nên Jon Stewart đã làm ảnh hưởng khá nhiều tới lượng thu sóng (rating) lễ trao giải Oscar năm 2006. Tuy nhiên, hai năm sau đó anh vẫn được mời tham dự với tư cách MC chủ đạo. Mặc dù đã trải qua 1 lần sự cố nhưng thành tích lần này cũng không khá hơn bao nhiêu.
Theo VNN
Giám khảo: Dễ yêu, dễ ghét! Cùng với vị trí giám khảo của các show truyền hình thực tế nhưng có những ngôi sao lấy lại được danh tiếng còn một số khác lại khiến khán giả "phát ớn". Giám khảo - Cơ hội vàng để nổi tiếng Sự bùng nổ của các show truyền hình thực tế cũng như danh tiếng mà các cuộc thi này đem lại...